Nhóm “mafia công nghệ” hỏi thẳng nhà đầu tư: Nếu bây giờ khởi nghiệp lại anh sẽ bắt đầu ở lĩnh vực gì?
Trong buổi tiệc hội ngộ giới startup Việt 2018, nhóm "mafia công nghệ" đã hỏi thẳng các nhà đầu tư: "Nếu anh khởi nghiệp lại, anh sẽ chọn lĩnh vực gì để bắt đầu?"
Tối 28/12 tại Hà Nội, Topica Founder Institute (TFI) đã tổ chức sự kiện Mafia Night, quy tụ các nhà sáng lập start-up, các huấn luyện viên cũng như sáng lập viên các doanh nghiệp công nghệ thành công và các quỹ đầu tư lớn trong và ngoài nước.
Trong phần thảo luận, ông Trần Việt Đức - Phó Tổng giám đốc IDG Ventures Việt Nam, bà Dương Quỳnh Phương - Phó Chủ tịch Openspace Ventures và ông Dương Hữu Quang - Phó Tổng giám đốc Tổ hợp công nghệ giáo dục Topica đã thẳng thắn chia sẻ về chủ đề khởi nghiệp.
Mảnh đất bị bỏ quên - nền tảng kết nối doanh nghiệp (B2B platform)
Ông Đức đã thẳng thắn chia sẻ: “Nếu khởi nghiệp, tôi sẽ mạo hiểm 5 năm đầu tiên để tập trung vào một lĩnh vực mới – B2B platform”. Theo ông, trong thời gian qua, các công ty khởi nghiệp dường như chỉ đang hướng đến người dùng cuối và bỏ quên sự tiềm năng kinh doanh của các nền tảng B2B do số lượng doanh nghiệp trên thị trường còn ít, các doanh nghiệp cũng chưa đủ lớn và phức tạp. Tuy nhiên, chỉ trong 3 quý đầu tiên năm 2018, hơn 96 nghìn doanh nghiệp mới được thành lập tại Việt Nam và họ đang cởi mở hơn trong việc áp dụng công nghệ, sản phẩm mới vào việc kinh doanh. Vậy nên, các start-up B2B sẽ có tiềm năng nhận được sự quan tâm của giới đầu tư và phát triển mạnh.
Đồng quan điểm trên, bà Phương cũng khẳng định: “Nền tảng B2B là một lĩnh vực còn nhiều cơ hội, đặc biệt là các giải pháp cho các công ty SME”.
Đi sâu hơn về vấn đề này, ông Mai Duy Quang bày tỏ: Theo nghiên cứu từ thành công của những ông lớn về B2B trên thế giới như Salesforce, Hubspot, Zendesk, Workday,... điểm mấu chốt để các doanh nghiệp này thành công chính là yếu tố “disruption” - những đột phá trong sản phẩm, dịch vụ nhằm phá vỡ thói quen của người dùng hoặc doanh nghiệp.
Ngoài ra, nếu một start-up cung cấp dịch vụ B2B không hướng đến giải pháp cho “nỗi đau” của các doanh nghiệp, không trực tiếp đánh vào “nồi cơm” của họ như các chỉ số về doanh thu, lợi nhuận, chi phí, năng suất,… thì start-up đó sẽ rất khó để “sống sót” trong thị trường này. Tuy khó khăn, nhưng các sản phẩm, dịch vụ B2B khi được sử dụng sẽ mang lại lợi nhuận bền vững lâu dài, gắn bó cùng với doanh nghiệp trong nhiều năm.
Fintech, Healthtech và Edtech sẽ là mảnh đất tiềm năng trong thời gian tới
Bà Phương nhận xét: “Những lĩnh vực đang phát triển tại các thị trường lớn trong khu vực như Singapore, Indonesia,… sẽ có tiềm năng phát triển tại Việt Nam trong những năm tới”.
Theo báo cáo của Google & Temasek Đông Nam Á, bốn ngành có tiềm năng phát triển tốt nhất chính là thương mại điện tử (e-commerce), vận tải (transportation), du lịch (travel) và truyền thông (media). Điển hình, tại Đông Nam Á, trong năm 2010-2015, riêng ngành e-commerce chiếm 37% nguồn vốn đầu tư, và chiếm 7,9% số lượng start-up mới thành lập, và đến năm 2018, e-commerce trong khu vực đạt đến 23 tỷ USD, và dự đoán sẽ vượt 100 tỷ USD vào năm 2025.
Tại Việt Nam, Tiki liên tục nhận được nhiều nguồn đầu tư trong và ngoài nước, và gần đây nhất là giá trị đầu tư 44 triệu USD từ JD giai đoạn C. Chỉ trong năm 2018, có hơn 4 start-up về mảng vận tải như FastGo, Go-Viet, Vato, Be,... ra đời để cạnh tranh với Grab. Ngoài ra, bà Phương cũng nhận định, những ngành đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng như fintech, healthtech và edtech sẽ thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư trong thời gian tới.
Trong phần sau của buổi thảo luận, edtech lại trở thành chủ đề “nóng” khi Phó Tổng giám đốc Topica - Edtech group lớn nhất Đông Nam Á - chia sẻ về công nghệ giáo dục. Giáo dục là mảng thu hút nhiều sự quan tâm và đầu tư của người dân, và việc học trực tuyến đang dần trở nên phổ biến hơn với mọi người. Chính vì vậy, ông cho rằng, edtech tại Việt Nam sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới, gắn liền với cải tiến của công nghệ.
Cũng trong sự kiện, ông Quang cũng tiết lộ một phần ba số thương vụ gọi vốn thành công năm 2016 tại Việt Nam đến từ học viên của Topica Founder Institute. Với những kinh nghiệm và định hướng rõ ràng, Topica Founder Institute trong năm tới chắc chắn sẽ đẩy mạnh ươm tạo các start-up và hỗ trợ các hoạt động khởi nghiệp để chuẩn bị cho những đột phá của giới start-up Việt.