Nhóm Mipec làm ăn thế nào?
Khởi đầu trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, tích lũy được nguồn lực đáng kể, Mipec đang hướng tới mô hình tập đoàn đa ngành, mở rộng hoạt động ra kho bãi cầu cảng, thương mại dịch vụ, bán lẻ và đặc biệt là bất động sản.
Tên gọi CTCP Hóa dầu Quân đội (Mipec) đôi khi khiến một số người ngoài ngành nhầm lẫn Mipec với Tổng Công ty Xăng dầu Quân đội (MipeCorp).
Tuy nhiên cần phân biệt rõ, MipeCorp là một doanh nghiệp thuần vốn nhà nước, do Bộ Quốc phòng điều chuyển nguyên trạng về trực thuộc Tổng Công ty Xuất nhập khẩu tổng hợp Vạn Xuân (viết tắt: Vaxuco – cổ đông sáng lập Mipec) vào ngày 22/10/2012.
Chủ tịch Mipec – Thiếu tướng Đào Ngọc Thạch (SN 1957) – có nhiều năm đảm nhiệm vai trò Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc MipeCorp. Sau khi ông Thạch nghỉ hưu vào tháng 8/2019, vị trí Chủ tịch MipeCorp do Đại tá Nguyễn Như Chiến đảm nhận.
Với định hướng phát triển thành một tập đoàn đa ngành, Micpec từng có 10 năm liền lọt vào Bảng xếp hạng VNR 500 – Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam và 6 năm nằm trong Bảng xếp hạng FAST 500 - Top 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam.
Dữ liệu của VietTimes cho thấy, trong 3 năm trở lại đây, doanh thu của Mipec luôn đạt nhiều nghìn tỷ đồng, báo lãi cả trăm tỷ đồng mỗi năm.
Cụ thể, năm 2017 và 2018, doanh thu thuần của Mipec lần lượt đạt 5.308 tỉ đồng và 7.470 tỉ đồng, lãi thuần tương ứng đạt 186 tỷ đồng và 127 tỷ đồng. Năm 2019, doanh thu thuần của Mipec đạt 7.066 tỉ đồng, lãi thuần ở mức 162 tỉ đồng.
"Hệ sinh thái" Mipec có gì?
Như VietTimes từng đề cập, Mipec được thành lập vào tháng 12/2003, có vốn điều lệ ban đầu 20 tỉ đồng, gồm 3 cổ đông sáng lập là Vaxuco, Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank) và Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex).
Tại ngày 1/2/2016, vốn điều lệ của Mipec đạt 1.000 tỷ đồng, tuy nhiên 3 cổ đông sáng lập kể trên chỉ nắm giữ tổng cộng gần 24% vốn. Danh tính các nhà đầu tư nắm quyền chi phối với tỷ lệ sở hữu hơn 76% vốn tại Mipec vẫn là bí ẩn với phần đông thị trường.
Tính đến cuối năm 2019, tổng tài sản của Mipec đạt 6.890 tỉ đồng, giảm 2,1% so với thời điểm đầu năm; vốn chủ sở hữu tăng 4,9% lên mức 1.310 tỉ đồng.
Theo giới thiệu, "hệ sinh thái" của Mipec bao gồm 7 công ty thành viên, hoạt động chuyên sâu trong nhiều lĩnh vực như kinh doanh xăng dầu, kho bãi cầu cảng, thương mại dịch vụ, bán lẻ và đặc biệt là bất động sản.
Trong lĩnh vực sản xuất dầu mỡ nhờn, tháng 12/2005, Mipec đã khánh thành và đi vào hoạt động Nhà máy dầu mỡ nhờn Quân đội tại TP. Hải Phòng. Hàng năm, nhà máy này sản xuất gần 60 loại sản phẩm hóa dầu với tổng công suất lên đến 15.000 tấn, doanh thu ước tính đạt từ 420 tỉ - 440 tỉ đồng.
Đến tháng 6/2012, Mipec mở rộng cung ứng dầu mỡ nhờn cho thị trường dân dụng và kinh doanh xăng dầu khi thành lập Công ty TNHH MTV Kinh doanh Thương mại Xăng dầu Mipec (Mipec Petro). Công ty này hiện đang sở hữu 14 cây xăng và 5 chi nhánh tại Hà Nội, Xuân Mai, Sơn Tây, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Bắc Giang, Hải Phòng.
Năm 2019, doanh thu thuần của Mipec Petro đạt 1.042 tỉ đồng, lãi thuần ở mức 2,6 tỉ đồng. Tính đến cuối năm 2019, tổng tài sản của Mipec Petro đạt 57,98 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu ở mức 29,33 tỉ đồng.
Mipec bắt đầu tham gia lĩnh vực bất động sản từ năm 2005. Tháng 7/2007, họ khởi công dự án bất động sản đầu tiên mang tên Mipec Tower tại 229 Tây Sơn, Đống Đa, Hà Nội với quy mô 24.462 m2, tổng vốn đầu tư 1.500 tỉ đồng.
Tháng 10/2009, CTCP Bất động sản Mipec (Mipec Land) được thành lập, chịu trách nhiệm thi công các công trình trọng điểm của Mipec như Mipec Riverside, Mipec Citadines Bayfront Nha Trang, Mipec Kiến Hưng, …
Về kết quả kinh doanh, năm 2019, doanh thu thuần của Mipec Land đạt 114,3 tỉ đồng, lãi thuần ở mức 4,53 tỉ đồng. Tính đến cuối năm 2019, tổng tài sản công ty này đạt 99,9 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu ở mức 54,8 tỷtỉ đồng.
Tháng 3/2019, Mipec động thổ dự án Mipec Rubik 360 tại số 122 - 124 Xuân Thủy, Hà Nội có quy mô 39.662 m2, kinh phí đầu tư dự kiến 2.466 tỉ đồng. Đáng chú ý, đây là dự án được phép bán cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài.
Doanh nghiệp dự án là CTCP Thương mại và Dịch vụ Xuân Thủy, được thành lập vào ngày 9/6/2016, vốn điều lệ 500 tỉ đồng, trong đó Mipec nắm giữ 51% vốn. Phần còn lại được sở hữu bởi 2 pháp nhân là Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco, nắm giữ 28% VĐL) và CTCP Hoa Cương (nắm giữ 21% VĐL).
Một số chỉ tiêu tài chính năm 2019 của CTCP Hoa Cương và CTCP Thương mại và Dịch vụ Xuân Thủy
Như VietTimes từng đề cập, CTCP Hoa Cương là đối tác gắn bó lâu năm với Mipec, cùng tham gia góp vốn thành lập Mipec Land. Năm 2019, doanh thu thuần của Hoa Cương đạt 18,3 tỷ đồng, lãi thuần ở mức 51,4 tỉ đồng. Tính đến cuối năm 2019, tổng tài sản công ty này đạt 1.031 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu ở mức 986,3 tỉ đồng.
Một dự án khác đang được Mipec đầu tư xây dựng là Khu đô thị Mipec City View tại phường Kiến Hưng, Hà Đông, Hà Nội, có tổng diện tích 5,5 ha, gồm 7 tòa chung cư cao 25 tầng với tổng số 1.864 căn hộ và khu thấp tầng.
Ngoài các doanh nghiệp kể trên, Mipec còn sở hữu một số công ty thành viên khác như CTCP Thiết bị Công nghệ Mipec (Mipec Technologies), Công ty TNHH Dịch vụ và Quản lý Mipec (Mipec M), CTCP Điện lực Mipec (Mipec E), Công ty TNHH MTV Tổng hợp Thương mại Mipec (Mipec Trading), …
Trong đó, Mipec Technologies hoạt động trên các lĩnh vực công nghiệp chuyên cung cấp thiết bị, dây chuyền, nhiên liệu và chuyển giao công nghệ cho các công ty, tổng thầu và chủ dự án.
Mipec M hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực quản lý, vận hành và khai thác bất động sản. Hiện công ty này đang quản lý và vận hành tòa chung cư Mipec Riverside, khu vui chơi giải trí Amazing Town.
Mipec Trading là đơn vị chịu trách nhiệm quản lý, kinh doanh chuỗi nhà hàng Luogo – thương hiệu nhà hàng café đầu tiên trong lĩnh vực ẩm thực của Mipec. Hiện chuỗi nhà hàng – café Luogo đã có 3 cơ sở và sẽ tiếp tục được mở tại các dự án bất động sản của Mipec.
Ngoài ra, trong lĩnh vực bán lẻ, Mipec còn là cổ đông chi phối với tỷ lệ sở hữu 51% vốn của Pico - một trong những hệ thống siêu thị điện máy có quy mô hàng đầu Việt Nam. Hiện hệ thống của Pico đã có mặt tại 10 tỉnh thành với 25 siêu thị./.
Viettimes