Nhóm năng lượng tái tạo rục rịch lên sàn: DN được trợ lực bởi EVN Finance vừa chào UPCom, BCG Energy cũng sửa soạn niêm yết với khối tài sản gần 20.000 tỷ
Năm 2023, thị trường chứng khoán chào đón 2 đơn vị ngành năng lượng tái tạo.
- 14-09-2023Chân dung "nữ hoàng" năng lượng tái tạo Huỳnh Thị Kim Quyên, chủ nhà máy hydro xanh 19.500 tỷ đồng tại Trà Vinh
- 10-03-2023Đầu tư 2 tỷ USD vào năng lượng tái tạo Việt Nam trong 5 năm, công ty năng lượng mặt trời số 1 Thái Lan chưa có dấu hiệu chậm lại
- 08-03-2023Thêm 2 dự án điện mặt trời 100 MWP được mua lại bởi tập đoàn điện lực Singapore, các dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam lần lượt về tay nước ngoài
Là một ngành 'hot' trong những năm gần đây nhưng ngành năng lượng tái tạo hiện chỉ có một đại diện niêm yết trên HOSE là CTCP Đầu tư Xây dựng và Phát triển Trường Thành với mã TTA. Những gương mặt mới đang dần xuất hiện.
Mới đây, CTCP Helio Energy đã chính thức giao dịch trên sàn UPCoM với mã chứng khoán HIO. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 9/11, HIO có giá 16.900 đồng/cp, ghi nhận giá trị vốn hoá 355 tỷ đồng.
Một DN lớn khác cũng rục rịch kế hoạch lên UpCOM là BCG Energy. Cùng với bất động sản thì năng lượng tái tạo được Bamboo Capital (BCG) xác định là 1 trong 2 mũi nhọn của Tập đoàn.
BCG Energy: ROE giảm từ 5,19% về 0,12%
Trước thềm niêm yết, BCG Energy vừa công bố một số chỉ tiêu tài chính bán niên năm 2023 với lãi ròng 8,5 tỷ đồng, giảm 97,4% so với nửa đầu năm 2022. Điều này khiến tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) giảm từ 5,19% về 0,12% trong nửa đầu năm 2023.
Thực tế, từ năm 2022, dù doanh thu vẫn tăng trưởng song lợi nhuận BCG Energy đã giảm gần 9% do áp lực chi phí.
Tính đến ngày 30/6/2023, tổng tài sản của BCG Energy là gần 19.700 tỷ đồng. Trong đó, vốn chủ sở hữu đạt 7.035 tỷ đồng; tổng nợ phải trả gấp 1,8 lần vốn chủ sở hữu, ở mức 12.664 tỷ (bao gồm 2.462 tỷ trái phiếu).
Theo báo cáo thường niên 2022 của Bamboo Capital, BCG Energy hiện đang sở hữu khoảng 600 MW năng lượng mặt trời đã phát điện, chủ yếu từ 4 nhà máy BCG Long An 1, BCG Long An 2, BCG Vĩnh Long và Phù Mỹ (1,2,3). BCG Energy còn phát triển hệ thống điện mặt trời áp mái và đang triển khai nhà máy điện mặt trời Krong Pa 2 tại Gia Lai công suất 49MW, nhà máy điện gió Trà Vinh giai đoạn 1 công suất 80MW.
Trường Thành TTA: Lợi nhuận 9T2023 giảm 50% so với cùng kỳ
Tương tự, lợi nhuận sau thuế của TTA nửa đầu năm nay cũng giảm hơn nửa xuống còn 53,5 tỷ đồng. Sang quý 3/2023, TTA ghi nhận lợi nhuận 40 tỷ, giảm 23% so với cùng kỳ năm ngoái.
TTA cho biết do nối tiếp tình hình thuỷ văn không thuận lợi suốt từ đầu năm, doanh thu giảm là nguyên nhân chính dẫn tới lợi nhuận giảm so với cùng kỳ. Trong khi đó, hoạt động của các nhà máy điện mặt trời diễn ra ổn định, chi phí sản xuất kinh doanh được duy trì ở mức ổn định không có biến động bất thường.
Luỹ kế trong 9 tháng đầu năm 2023, TTA ghi nhận doanh thu đạt 501,93 tỷ đồng, giảm 20% và lợi nhuận sau thuế gần 94 tỷ đồng, giảm đến 50% so với cùng kỳ. Kinh doanh kém sắc khiến cổ phiếu TTA trên thị trường ít hấp dẫn nhà đầu tư. Kể từ thời điểm đầu lên sàn, TTA liên tục giảm về mức 8.000 đồng/cp như hiện nay.
Tân binh HIO: Từng M&A 34 DN trong 1 năm, EVN Finance trợ lực
Sau năm 2021 thua lỗ, “tân binh” HIO bất ngờ tăng trưởng mạnh về lợi nhuận trong năm 2022. Sang 9 tháng đầu năm 2023, HIO tiếp tục đạt hơn 9 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 28% so với cùng kỳ. Lý giải về kết quả kinh doanh, Helio Energy cho biết đã mở rộng quy mô sản xuất điện từ 30,2Mwp lên 38,2Mwp từ giữa năm 2022. Cùng với đó, công ty cũng triển khai thêm các hoạt động sản xuất, kinh doanh khác.
Năm nay, HIO dự kiến doanh thu đạt 121,3 tỷ đồng và 7,6 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Như vậy, sau 3 quý, Công ty đã thực hiện được 79% kế hoạch doanh thu và vượt 20% mục tiêu lợi nhuận.
Về HIO, Công ty được thành lập vào tháng 6/2020 với tiền thân là Công ty TNHH Alpha Solar 1. Đến tháng 10/2021, Helio Energy chuyển đổi loại hình doanh nghiệp sang CTCP, đổi tên thành CTCP Heaven Power, đồng thời tăng vốn mạnh từ 10 tỷ đồng lên 210 tỷ đồng.
Giai đoạn 2021 – 2022, Helios Energy đã thực hiện M&A 34 doanh nghiệp sở hữu các dự án điện mặt trời mái nhà . Các dự án này được công nhận vận hành từ cuối năm 2020 và được hưởng giá bán điện ưu đãi theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam.
Theo bản cáo bạch được công bố, Helio Energy và các công ty con hiện đang vận hành các dự án điện mặt trời mái nhà với tổng công suất hoạt động là 38,2MWp, tập trung tại khu vực Nam Bộ, Nam Trung Bộ, Bình Thuận…
Tính đến ngày 30/9/2023, cổ đông lớn nhất của HIO là CTCP Helio Power (CTCP Đầu tư Helios đổi tên thành CTCP Helio Power vào tháng 2/2022) với tỷ lệ sở hữu 69,31%, ông Phan Thành Đạt duy trì sở hữu ở mức 2,5%, trong khi ông Hoàng Thế Anh thoái gần hết vốn về 0,5% vốn điều lệ Công ty.
Ở diễn biến khác, BCTC của HIO cho thấy Công ty được EVN Finance hỗ trợ vốn chủ lực ngay từ những ngày đầu thành lập. Vào tháng 10/2021, tức là ngày HIO chuyển mô hình từ Công ty TNHH sang CTCP, nợ vay tài chính của Helio Energy ở mức 41,8 tỷ đồng, tương đương 93% cơ cấu nợ. Toàn bộ số tiền trên đều là các khoản tài trợ từ EVN Finance vào năm 2020, không lâu sau khi Helio Energy được thành lập.
Tính đến 30/9/2023, EVN Finance vẫn là 1 trong 2 chủ nợ lớn nhất của HIO với dư nợ 47 tỷ đồng (chiếm gần 15% tổng dư nợ vay dài hạn của Công ty). Đây là các khoản vay có thời hạn từ 7 – 10 năm, lãi suất từ 10,5 – 12,1%/năm.
Nhịp sống thị trường