MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Nhộn nhịp” những cung đường buôn lậu

19-12-2016 - 10:22 AM | Thị trường

Càng gần đến Tết Nguyên đán, cuộc “chạy đua nước rút” để tuồn hàng lậu từ nước ngoài vào nội địa của các đối tượng buôn lậu càng diễn ra quyết liệt. Một lượng rất lớn hàng lậu, hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái ngoài tầm kiểm soát của cơ quan chức năng bị tuồn sâu vào nội địa, tác động xấu đến sản xuất và thị trường trong nước. Chưa kể, đối với hàng lương thực, thực phẩm lậu còn có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng...

Kỳ 1: “Rộng cửa” đường tiểu ngạch

Vượt đèo, leo dốc, bám từng vách núi, cõng trên lưng hàng chục kilôgam hàng, thậm chí có những đoạn phải leo với độ dốc thẳng đứng, nguy hiểm rình rập đến tính mạng… dù không muốn nhưng để đưa hàng từ biên giới Trung Quốc về Việt Nam an toàn và “qua mặt” biên phòng, hải quan thì các cửu vạn phải chọn đường đi như vậy.

Đường mòn ngay cạnh hải quan

Cửa khẩu Cốc Nam thuộc địa bàn xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn đối diện là cửa khẩu Lũng Vài (thuộc trấn Hữu Nghị, thị Bằng Tường, Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây, Trung Quốc) những ngày cuối năm khá nhộn nhịp. Những thùng hàng được đóng gói cẩn thận xếp từng đống chờ xe chuyển về xuôi.

Trong vai người đi nhập hàng về bán tết, chúng tôi được một người tên Xuân (chuyên đóng hàng cho các con buôn tại cửa khẩu Lũng Vài, Trung Quốc) dẫn đi xem hàng trước. Xuân sẵn sàng nhận lời dẫn chúng tôi đi mà không cầm một đồng tiền công nào. Từ ngã ba Cổng Trắng (thuộc TT Đồng Đăng) lên cửa khẩu Cốc Nam khoảng 500 mét. Đường lên cửa khẩu Cốc Nam dốc dựng ngược, lại phải leo bộ miệt mài nên tôi vừa thở hổn hển và kêu mệt. Lập tức, Xuân lên tiếng: “Mới đi có thế này mà mệt thì chút nữa leo núi, vượt đèo thế nào? Phải cố lên chứ không có giấy thông hành khó sang bên kia lắm”.

Xuân kể, anh lên đây (TT Đồng Đăng- P.V) sinh sống và làm ăn được hơn 10 năm, công việc hằng ngày của anh chủ yếu là đóng hàng cho các con buôn ở bên Trung Quốc. “Đã hơn 10 năm nay ở đây làm ăn, mỗi ngày đi về dăm ba lần nhưng tất cả đều đi theo đường mòn, lối mở. Cũng có những lúc tôi lại tìm cách để đi qua cửa khẩu Cốc Nam mà hải quan cũng không để ý”, Xuân chia sẻ với tôi.

Dọc đường lên cửa khẩu, phía bên tay trái là Trạm kiểm soát Biên phòng và Chi cục Hải quan Cốc Nam nằm khá uy nghi. Có lẽ đã quen như thường lệ, nên khi đến cách cửa khẩu Cốc Nam chừng 100m, Xuân dìu tôi rẽ sang phải một cách rón rén qua mấy hàng xe máy để vượt qua cửa. Hàng rào ngăn cách rất chắc chắn được mở một cánh cửa sắt có diện tích khoảng 2 - 3m2. Tại đây, người qua lại cũng khá tấp nập. “Cứ đi theo tôi, tôi đi cả chục năm nay rồi, đường đồi núi, dốc và nguy hiểm nhưng là đường để cho những người như anh em mình và dân cửu vạn đi thôi. Yên tâm, không sao cả”, Xuân trấn an. Cũng tại lối mở này, cứ vào mỗi buổi chiều, hàng hóa được vận chuyển qua đường núi đổ về rất nhộn nhịp dù lối mở vào đường mòn này cách cửa khẩu và các cơ quan chức năng chỉ vài trăm mét.

16h chiều ngày 7.12, khi chúng tôi trở lại cửa khẩu này, hàng hóa được vận chuyển dọc theo đường mòn từ bên kia biên giới bắt đầu đổ về khá nhiều. Khi hàng được cập “bến”, từng thùng một được bốc ra để trên xe máy và nhanh chóng chuyển về xuôi. Mọi công tác chỉ diễn ra trong vòng ít phút. Từ ngã ba Cổng Trắng về đường Dây Thép (đoạn xuyên qua thị trấn Đồng Đăng) hàng chục chiếc xe Minsk, Dream, Wave... cùng rất nhiều ôtô loại nhỏ “cõng” hàng lậu chạy như “xé gió”. Theo tìm hiểu, hàng lậu sau khi ồ ạt vượt qua đường biên tại các khu vực cánh gà cửa khẩu sẽ được đưa về các kho tạm ở Đồng Đăng, các làng sát biên… rồi được gom lại đưa vào nội địa.

2.000 đồng để lách luật

Ngay góc lối mở lên đường mòn qua núi, bên cạnh trạm kiểm soát của Chi cục Hải quan và Trạm kiểm soát Biên phòng Cốc Nam, có một vài người đang ngồi ở đó thu tiền. Mỗi người qua đây bắt buộc phải đóng ít nhất là 2.000 đồng (người dân ở đây gọi là tiền đường). Tôi cũng vậy, và Xuân cũng không ngoại lệ. Xuân rút ví ra trả tiền nhưng tôi ngăn lại xin trả, tôi đưa 5.000 đồng cho cả hai người. Xuân nói, “chỉ nên đưa 4.000 đồng thôi, đưa thừa nó (tức người thu tiền - P.V) không trả lại đâu, ở đây nó quy định là 2.000đ nhưng đưa bao nhiêu nó cầm bấy nhiêu”.

Cũng theo Xuân, những người đã quen theo thông lệ cứ thế đóng phí và qua lối tắt này một cách dễ dàng. Với một số người đi lần đầu, nếu không có người dẫn cứ hỏi tiền nong và lóng ngóng chắc chắn bị để ý, thậm chí sẽ bị đuổi ra một cách thẳng cổ. Chỉ mất khoảng 5 giây, như thói quen thường ngày những người qua đồi vẫn hay làm, họ giở ví ra lấy 2.000 đồng đưa cho người soát cổng và leo thẳng.

8h sáng ngày 8.12, lối tắt qua đồi vượt sang bên kia biên giới này mới chỉ lác đác một vài người. Trong số này có cả những tiểu thương, những người cửu vạn chờ sẵn để bốc xếp, mang vác hàng hóa qua đồi từ Trung Quốc về Việt Nam. Một vài người phụ nữ tuổi trung niên đi mua quần áo, hàng tạp hóa nói với những cô gái trẻ đi theo, qua quả đồi này là sang bên kia Trung Quốc rồi đó. Muốn tìm hàng mua thì cứ vào chợ, tìm đến các nhà chủ, tha hồ mà lựa. Càng về trưa, cái lạnh cũng bắt đầu tan dần, nhiệt độ tăng lên chừng vài ba độ, cung đường này cũng trở nên nhộn nhịp hẳn lên bởi những bước chân tăng dần băng qua những vách núi, hẻm đá tạo thành đường mòn của những thế hệ người đi buôn.

Dọc theo những quả đồi hiểm trở luôn có những người đàn ông trông giống như cửu vạn nhưng lại túc trực bên đường. Nhiệm vụ chính của những người này là canh chừng hoạt động trên tuyến đồi trung chuyển hàng hóa, ngăn những người lạ mặt (chim lạc) tới khu vực này. Những người này sẵn sàng “nói chuyện” bằng “tay, chân” với những người lạ mặt, thâm nhập vào khu vực này. Phía giữa sườn đồi có một quán bán nước từ bên này biên giới Việt Nam mang sang để phục vụ cho các phu, cửu bốc vác hàng nghỉ ngơi.

Phận cửu vạn vùng biên

Mồ hôi nhễ nhại, một cửu vạn cầm trên tay lon nước ngọt nói với chủ quán nước: “Dạo này hàng đang tồn lại nhiều do phần lớn chủ cửa hàng đòi tăng giá mà tiểu thương dưới xuôi lại không chịu. Lương cửu vạn bốc xếp hàng qua đồi cũng bấp bênh nên có nhiều người không còn mặn mà. Hơn nữa, đợt cuối năm này “sao xanh” (ý chỉ lực lượng hải quan và biên phòng-P.V) kiểm soát chặt nên mọi người đều dè dặt”.

Những người đi làm cửu vạn ở đây đều xuất thân từ gia đình nghèo khó, từ những người trung niên lất phất hai màu tóc, hay những đứa trẻ 16 - 17 tuổi, ăn học chưa xong nhưng cũng theo bố mẹ lên vùng biên giới này để mưu sinh. Dù cái “nghề” không được pháp luật công nhận, nhưng ai cũng mong muốn đổi đời nhờ cõng hàng lậu nơi biên giới.

Bà Minh (SN 1965, một cửu vạn ở xã Tân Mỹ, TT Đồng Đăng), người được các cửu vạn ở đây khá nể vì khôn khéo và có “mối quan hệ”. Theo lời các cửu vạn thì những chuyến hàng của bà đi về ít khi bị cơ quan chức năng hỏi thăm. Đã hơn 50 tuổi, dáng người mảnh khảnh nhưng nhìn bà Minh rất chắc chắn và khỏe mạnh. Mỗi lần, bà có thể cõng được 50 - 60kg hàng vượt qua đường đồi núi.

Bà kể, thời điểm hoàng kim của nghề phu vác hàng lậu đã qua khá lâu rồi. Khoảng 10 năm trước, khi cơ quan chức năng chưa làm rùm beng mấy vụ buôn lậu trên ga Đồng Đăng. Lúc đó, ở sân hàng đôi khi đông cả trăm người, thế nhưng vẫn không đủ người bốc hàng. Còn giờ đây, tuy vẫn còn khá nhiều người trụ lại với công việc này, nhưng họ đã không còn mặn mà với nghề dù có thu nhập cao. Sở dĩ họ không mặn mà bởi lẽ công việc của họ gắn liền với cái danh đi làm cửu vạn buôn lậu.

Khi tôi đề cập về việc theo chân trên con đường mòn buôn lậu đó, bà Minh từ chối thẳng thừng: “Nhìn anh như thế này thì làm cái gì, với lại ở đấy nguy hiểm lắm, nghiện ngập rồi bảo kê nó đứng đầy ra để kiểm tra. Anh còn lạ nước lạ cái không lường trước được đâu. Đấy là còn chưa kể đến biên phòng, hải quan,... đi trực khi bắt được hàng lậu thì chỉ có nước đền tiền cho chủ mà chết đói”. Không những thế, bà Minh còn nói thêm nguy hiểm nhất khi làm nghề này là cõng trên lưng số hàng nặng rồi đi đứng không cẩn thận, chẳng may mà ngã thì chỉ có chấn thương nặng thôi.

Cũng theo lời bà Minh, 1kg hàng được vận chuyển qua con đường này được trả 4.000 đồng. Tối đa một thanh niên khỏe mạnh có thể vác trên người 60kg và thậm chí là 80kg cho mỗi chuyến đi đường rừng như thế. Một ngày, mỗi người có thể vận chuyển 2 - 3 lần cũng qua con đường đó, thu nhập cũng không đến nỗi tệ.

Tất cả những cửu vạn ở đây khi được hỏi cõng trên lưng hàng gì họ đều không trả lời được. Họ chỉ biết, chờ hàng và nhận lệnh rồi cõng về lấy tiền, miễn là càng nhiều hàng càng tốt.

Theo Cao Nguyên - Trần Vương

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên