Nhộn nhịp và bất ngờ cổ phiếu ngân hàng
Điểm có ảnh hưởng đến diễn biến giao dịch cổ phiếu ngân hàng gần đây là bối cảnh…
- 11-10-2020Cổ phiếu ngân hàng 'neo' theo kỳ vọng
- 05-10-2020Cổ phiếu một ngân hàng tăng hơn 30% chỉ trong vòng 1 tháng
- 04-10-2020Sôi động cổ phiếu ngân hàng
Ngày 15/10, 308 triệu cổ phiếu SGB của Saigonbank chào sàn UPCoM. Hiếm hoi trong thời gian qua, thị trường được chứng kiến sự khốc liệt của mức giảm sàn, lên tới -40%.
SGB điển hình cho diễn biến giao dịch cổ phiếu ngân hàng thời gian gần đây và hiện nay: nhộn nhịp, bất ngờ, đột biến, nhưng không phải tất cả cùng tiến; mỗi mã vẫn gắn với câu chuyện riêng, trạng thái riêng.
Diễn biến giá cổ phiếu LPB 6 tháng qua - Nguồn: VCBS
NHỮNG CÚ NẢY SÔI ĐỘNG
Phiên đầu tuần này, CTG của VietinBank nhảy giá đột biến, khối lượng lớn khớp giá trần. Dù thị trường hồi phục mạnh, VN-Index từ 780 lên 940 điểm, nhưng "màu tím" xuất hiện ở dòng cổ phiếu ngân hàng như vậy không nhiều.
Cú nảy tại CTG không nhiều bất ngờ. Ngay trước đó thị trường đón thông tin Chính phủ sửa cơ chế, chính thức mở đường tăng vốn cho các ngân hàng thương mại (NHTM) có vốn nhà nước chi phối. Kỳ vọng thắp lên: VietinBank đã hai năm chưa trả cổ tức, cơ chế mở ra, khả năng dồn trả bằng cổ phiếu…
Lại thêm cú nảy nữa. Lần này là bất ngờ. Phiên 14/10, TCB của Techcombank kịch trần. Trong lịch sử giao dịch cổ phiếu này, mức giá tăng tối đa trong phiên thực sự hiếm hoi. Diễn biến này bất ngờ, vì trạng thái lình xình giảm trước đó và ngay phiên sau TCB lại từ tăng mạnh tụt về tham chiếu.
Trước nữa, cho đến nay, thị trường chứng kiến những cú nảy dài và bền hơn.
Từ cuối tháng 3 đến giữa tháng 4, quãng căng thẳng nhất của dịch Covid-19, SHB của Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) đã tạo cú nảy chưa từng có trong lịch sử, từ tầm 7.500 đồng lên tới trên 17.000 đồng/cổ phiếu. Tính bền vững của nó vẫn thể hiện cho đến nay, khi mức giá khá cao quanh 16.000 đồng được duy trì, hoàn toàn để lại sau lưng quãng nhiều năm chìm dưới mệnh giá.
Hay tại LPB của LienVietPostBank, phải mất gần nửa năm kể từ khi chớm bật, cú nảy gần đây mới dứt khoát vượt được trên mệnh giá.
Về diễn biến giá, tương tự có thể thấy đà đi lên mạnh ba tháng qua tại HDB, VIB…
Đi cùng, giao dịch sôi động. Điển hình như tại SHB, quãng bứt phá nói trên từng ghi nhận những phiên bùng nổi khối lượng quanh 70 triệu đơn vị. Hay còn tươi mới, tại LPB vừa có phiên lên tới 33 triệu đơn vị, TCB trao tay trên 40 triệu đơn vị chỉ trong 1 phiên. Tại CTG quy mô quanh 15 triệu đơn vị đã quen thuộc. Tại STB cũng hàng chục triệu đơn vị cấp tập khi nổi sóng.
Diễn biến giá cổ phiếu SHB 6 tháng qua - Nguồn: VCBS
NHỮNG "CỔ PHIẾU GIÀ"?
Trường hợp lên giá mạnh và bền tại LPB, SHB hay VIB vừa qua và hiện nay gắn với xu hướng tươi mới: đường đến HoSE. Giới đầu tư vẫn quen gọi dân dã là cổ phiếu có "game" chuyển sàn.
Tương tự, STB cũng từng nổi sóng vừa qua khi có "game", tin đồn một số tên tuổi vào mua lại cổ phần… Hay VPB, lùi xa một chút về trước, cũng được chú ý "game" IPO công ty con FE Credit với kỳ vọng thu thặng dư lớn…
Thị trường chứng khoán sôi động suốt nhiều tháng qua, những "game" như vậy tạo nét mới, giá cũng có phần được kích thích.
Nhưng nhìn lại, cũng có nhiều mã không có nét gì mới nổi bật, thiếu vắng những cú nảy. Cũng theo cách nói đời thường của nhà đầu tư, đó là những "cổ phiếu già".
Đơn cử như VCB của Vietcombank. Ngân hàng đầu tàu lợi nhuận, tình hình tài chính cũng hàng đầu, thị giá cũng cao nhất ngành trên sàn, và tương ứng vốn hóa dẫn đầu, nhưng đã thiếu vắng những cú nảy hấp dẫn. Giá VCB loay hoay vùng 85-87.000 đồng/cổ phiếu suốt thời gian qua.
Nhìn sang BID, giá cũng đã "già đi" khi ổn định quanh 40-41.000 đồng kéo dài, thiếu vắng dần những cú nảy thanh thoát từng nhiều lần thể hiện trước đây.
Hay ngay cả VPB, sau khi "game" IPO FE Credit nhạt đi, giá cũng "già" đi và lưỡng lự quanh 23-24.000 đồng.
Khi nói về điểm chung này, tất nhiên không thể thiếu MBB của Ngân hàng Quân đội (MB). Giá "già đi" khi quanh quẩn vùng 17.x suốt thời gian qua, hiện cũng trầm sau chia tách trả cổ tức.
Diễn biến giá cổ phiếu VIB 6 tháng qua - Nguồn: VCBS
BỐI CẢNH TIỀN NHIỀU VÀ RẺ
Dù có những "cổ phiếu già", hoặc dấu hiệu giá "già đi" như vậy, nhưng nhìn chung, như trên, những cú nảy nhộn nhịp đang trở nên nổi bật ở dòng cổ phiếu ngân hàng.
Mỗi cổ phiếu gắn với mỗi câu chuyện riêng, trên nền kết quả kinh doanh và triển vọng. Nhưng, tất cả đều đang vận động với yếu tố có ảnh hưởng: bối cảnh tiền nhiều và rẻ.
Tiền rẻ vừa qua và hiện nay không để trong ngoặc kép nữa. Vì trên thị trường liên ngân hàng đã có lãi suất về sát 0%; trên biểu niêm yết huy động các NHTM cũng đã rơi xuống vùng thấp nhất trong hàng chục năm qua.
Cùng đó, tiền nhiều thể hiện. Sau những trầm trồ quy mô giao dịch những phiên 7.000 - 8.000 tỷ, rồi 10.000 tỷ, rồi cao hơn nữa, thị trường cũng đã quen với sự đều đặn của những quy mô này.
Tiền rẻ, tiền nhiều rất cần cho những cú nảy nói trên, đặc biệt là với dòng cổ phiếu ngốn nhiên liệu như ngân hàng.
Rất cần, bởi để hình thành những cú nảy ở cổ phiếu ngân hàng đòi hỏi nguồn lực lớn. Dòng này có phổ biến các thành viên quy mô niêm yết trên 1 tỷ cổ phiếu, thậm chí trên 2 tỷ, hàng trôi nổi và lỏng lẻo thường lớn… Theo đó, các cú nảy hầu hết đều đòi hỏi nguồn tiền nhiều, thậm chí phải cực nhiều để duy trì độ dài và độ bền.
Như trên, SHB đã từng phải cần tới quy mô cỡ 1.000 tỷ đồng/phiên để hấp thụ nguồn cung quanh 70 triệu đơn vị; cú nảy bất ngờ tại TCB vừa qua với khối lượng trên 40 triệu đơn vị cũng phải thúc bằng nguồn lực cỡ nghìn tỷ...
Vấn đề là, giá càng lên cao, nguồn tiền đẩy đòi hỏi càng lớn, lượng lớn nhân với giá cao.
Như vậy, nguồn tiền là một trong những yếu tố có ảnh hưởng. Bối cảnh nguồn tiền càng được chú ý. Với tình hình dịch bệnh trên thế giới, với định hướng nới lỏng tiền tệ đang thể hiện, cùng với hướng bơm tiền thời gian qua, bối cảnh hiện nay dự kiến vẫn chưa sớm thay đổi.
Phía trước, một trong những lãnh đạo công tác phòng chống Covid-19 của Việt Nam cũng vừa lưu ý: cần cảnh giác với khoảng bình yên giữa hai "trận đánh". Bởi lẽ, đã gần, mùa đông đang đến…
BizLIVE