MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhộn nhịp vào mùa, các lò sấy cau khô hoạt động hết công suất

07-10-2016 - 11:14 AM | Thị trường

Thời điểm này, cau đang vào vụ thu hoạch chính, các lò sấy cau khô ở tỉnh Khánh Hòa hoạt động rầm rộ để chuẩn bị hàng XK sang thị trường Trung Quốc.

Mỗi cơ sở thu mua cả tấn cau non/ngày

Tại Khánh Hòa hiện nay có ít nhất 6 lò sấy cau đang hoạt động, trong đó TX Ninh Hòa có 3 điểm vừa thu mua, vừa sấy cau khô. Chúng tôi thâm nhập lò sấy cau khô ở thôn Phong Ấp, xã Ninh Bình. Chủ cơ sở là chị tên Hồng, người đứng ra thu mua cau, rồi sấy khô bán cho Trung Quốc qua đường tiểu ngạch.

Chị Hồng cho biết, chị làm nghề này hơn 10 năm. Mỗi ngày cơ sở của chị thu mua hàng tấn cau non từ các lái buôn chuyên nghiệp cho đến lính mới vào nghề.

Hiện giá cau được cơ sở chị thu mua cau buồng khoảng 10.000 đ/kg. Giá này cao gấp nhiều lần so với trước đây nông dân tự “hái” cau mang ra chợ bán. Hơn nữa việc mua như vậy rất lợi cho nông dân, bởi mỗi buồng dao động từ 3 - 5kg, thậm chí có buồng lên đến 12 - 15kg.


Các lò cau mua cau buồng với giá 10.000 đ/kg

Các lò cau mua cau buồng với giá 10.000 đ/kg

“Mùa cau bắt đầu từ tháng 5 - 11 âm lịch, cũng là lúc chúng tôi làm việc cực lực. Nhưng lượng cau ở Khánh Hòa không nhiều, trung bình mỗi ngày tôi thu mua từ 2-3 tấn cau tươi, xuất 2 chuyến/tháng, tương đương gần 10 tấn cau khô. Tuy nhiên lò sấy tôi đáp ứng không xuể, vì bên đối tác có bao nhiêu họ mua bấy nhiêu”, chị Hồng nói.

Tương tự, tại lò sấy cau của ông Nhân, ở thôn Văn Vinh, xã Ninh Quang (TX Ninh Hòa) hiện cũng đang hoạt động rầm rộ cả ngày lẫn đêm. Mỗi ngày lò sấy ông thu mua từ 3- 4 tấn cau tươi.


Tiêu chuẩn là cau non, cắn ra còn nước

Tiêu chuẩn là cau non, cắn ra còn nước

Theo ông Nhân, ngoài lò sấy cau khô ở đây hiện ông còn 3 lò sấy khác đặt tại TP Nha Trang và các tỉnh Đăk Lăk, Phú Yên, mỗi cơ sở như vậy tạo công ăn việc làm cho từ 20 - 30 lao động, với mức thu nhập từ vài triệu đến hơn chục triệu/tháng (tùy vị trí làm việc).

Xuất sang Trung Quốc làm kẹo cau

Anh Nguyễn Dũng, một người buôn cau có thâm niên ở xã Ninh Bình (TX Ninh Hòa) cho biết, hiện nay cau được trồng nhiều nhất ở các vùng quê ở TX Ninh Hòa, TP Nha Trang và huyện Diên Khánh.

Lái buôn coi đây là địa bàn hoạt động chính “săn” lùng mua cau ráo riết. Riêng anh, trung bình mỗi ngày thu mua khoảng 100-200 kg cau, bán cho chủ mối, sau khi trừ chi phí thu nhập hàng trăm ngàn đến cả triệu đồng/ngày.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tiêu chuẩn thu mua cau ở các lò là phải cau non, cắn ra còn nước, sau đó sấy khô cau teo lại bằng ngón tay cái bán cho Trung Quốc. Cau khi thu mua về sẽ được vặt quả, rồi luộc chín từ 1- 2 tiếng, sau đó được sấy khô hàng giờ đồng hồ.

Tuy nhiên nhiều lò sấy đều có công thức chế biến và sấy khô khác nhau nên không tiết lộ rõ quy trình. Có lò sấy cau khoảng 10 tiếng đồng hồ, nhưng cũng có lò sấy vài ngày.

Qua công đoạn sấy khô, cau sẽ được lựa chọn những quả bị phình to (quả già) để loại ra, rồi đóng bao bán cho Trung Quốc để chế biến kẹo cau và ăn trầu.

Về giá cả cau sấy khô, các lò sấy càng không tiết lộ, nhưng giá gấp hàng chục lần so với thu mua cau tươi, bởi tốn nhiều chi phí cho việc sấy, công lao động và vận chuyển.

Theo các chủ buôn cau khô được vận chuyển hàng đi cửa khẩu Tân Thanh- Lạng Sơn, có nộp thuế hẳn hoi. Việc thanh toán buôn bán được 2 bên thống nhất thông qua chuyển khoản ngân hàng.

Mặt khác, các chủ lò sấy cau còn thông tin, hiện trên cả nước có hàng trăm lò sấy cau khô, tập trung từ tỉnh Hải Phòng đến TP HCM và lên Tây Nguyên.


Cau đưa vào luộc 1-2 tiếng trước khi đưa đi sấy khô

Cau đưa vào luộc 1-2 tiếng trước khi đưa đi sấy khô


Cau khô được lựa chọn, loại những quả phình to (quả già) trước khi đóng bao xuất sang Trung Quốc

Cau khô được lựa chọn, loại những quả phình to (quả già) trước khi đóng bao xuất sang Trung Quốc


Cau xuất sang Trung Quốc chế biến làm kẹo cau. Giá rất đắt, tuy nhiên kẹo này ở Việt Nam không thấy bán

Cau xuất sang Trung Quốc chế biến làm kẹo cau. Giá rất đắt, tuy nhiên kẹo này ở Việt Nam không thấy bán

Anh Dũng cho biết, mỗi ngày anh buôn cau lãi từ vài trăm đến cả triệu đồng

Theo các địa phương, cau không phải là cây trồng chính và mặt hàng thiết yếu có giá trị kinh tế cao. Hiện cau được trồng rải rác ở các vườn nhà (diện tích không nhiều). Vì vậy việc bà con bán trái cau là do thấy được giá thì bán, không quan trọng cau non hay cau già.

Tuy nhiên các địa phương cũng khuyến cáo người dân không nên mở diện tích trồng cau. Vì trồng cau mất thời gian hơn 4-5 mới cho trái, hơn nữa đầu ra cũng chưa ổn định.

Theo Kim Sơ

Nông nghiệp Việt Nam

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên