MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhu cầu căn hộ giá rẻ lớn, vì sao doanh nghiệp không “mặn mà“?

16-11-2018 - 15:27 PM | Bất động sản

Nhu cầu căn hộ giá rẻ rất lớn, tuy nhiên các doanh nghiệp không “mặn mà” với phân khúc này và cũng chưa có chính sách hỗ trợ phát triển.

Căn hộ giá rẻ chiếm 1/2 nhu cầu thị trường

Theo Hội môi giới Bất động sản Việt Nam, giá rẻ và bình dân được xác định tùy vào khu vực của đô thị, như gần trung tâm phải rẻ hơn 25 triệu/m2, xa trung tâm phải nhỏ hơn 15 triệu/m2. Nhà ở giá rẻ, bình dân không chỉ giá thấp mà còn phải đáp ứng được điều kiện về tổng giá trị không được quá lớn. Giá rẻ không có nghĩa là chất lượng công trình kém, mà phải được xác định từ cơ cấu giá hợp lý.

Hiện nay, một số khu vực có các dự án nhà ở giá rẻ và bình dân tại Hà Nội là Hà Đông, Gia Lâm, Long Biên, Đông Anh, Hoài Đức, Thanh Trì…; tại TPHCM ở các địa bàn quận 8, quận 12, Bình Chánh…

Nhu cầu căn hộ giá rẻ lớn, vì sao doanh nghiệp không “mặn mà“? - Ảnh 1.

Nhu cầu căn hộ giá rẻ chiếm gần 1/2 thị trường bất động sản.


Ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, theo số liệu thống kê, tổng lượt tìm kiếm về căn hộ chung cư tại Hà Nội và TPHCM trong 6 tháng đầu năm 2018 là 13,08 triệu lượt. Trong đó, lượng tìm kiếm căn hộ ở phân khúc bình dân chiếm 46,55% tổng lượng tìm kiếm căn hộ chung cư.

Nhà nước mới chỉ có một số chính sách dành cho phát triển nhà ở xã hội mà chưa có chính sách về tín dụng cho người có thu nhập thấp. Quỹ đất phát triển nhà ở thương mại giá rẻ, bình dân hiện là những khu vực xa trung tâm, thường thiếu điều kiện về kết nối giao thông, hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng dịch vụ yếu, ông Đính phân tích.

“Do đó các dự án nhà ở giá rẻ, bình dân mặc dù nhu cầu rất lớn nhưng tỉ lệ hấp thụ lại chưa tương ứng. Vì dự án loại này vẫn chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu của đông đảo người tiêu dùng. Những nơi có nhiều cơ quan, doanh nghiệp, các tổ chức phát sinh nhiều lao động làm việc lại là những nơi có rất ít dự án nhà ở giá rẻ, bình dân. Cùng với đó, chủ đầu tư khi tham gia phát triển nhà ở giá rẻ, bình dân thường không có lợi nhuận cao từ việc kinh doanh bán sản phẩm đến khai thác sử dụng sau đầu tư” – ông Đính nói.

Cần chính sách ưu đãi để hỗ trợ nhà ở giá rẻ

Gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng kết thúc, thị trường nhà ở xã hội chững lại cả về nguồn cung lẫn cầu. Sau khi gói vay kết thúc, Chính phủ có quyết định mức cho vay ưu đãi nhà ở xã hội nhưng việc triển khai vẫn dừng lại ở một số văn bản hướng dẫn.

Trên thực tế, Chính phủ mới giải quyết được gói tín dụng ưu đãi tiếp theo ở mức 1.000 tỷ đồng thông qua Ngân hàng chính sách xã hội. Nhưng những dở dang, đứt đoạn của việc thực hiện chính sách ưu đãi tín dụng này vẫn là vấn đề lớn. Chính vì thế, chính sách nhà ở xã hội đang không phát triển thêm được, khi chưa có gói tín dụng thay thế gói 30.000 tỷ đồng.

Nhu cầu căn hộ giá rẻ lớn, vì sao doanh nghiệp không “mặn mà“? - Ảnh 2.

GS Đặng Hùng Võ


GS Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, hiện nay chúng ta chưa thành công trong việc phát triển quỹ phát triển nhà ở xã hội. Trong khi đó, các nước làm rất tốt thông qua sự động viên, tham gia của các tổ chức xã hội và trách nhiệm đối với cộng đồng.

“Các chính sách chúng ta đưa ra để phát triển nhà ở xã hội đang mang tính bao cấp của Nhà nước. Phát triển nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ, chúng ta chưa động viên được mọi nguồn lực. Hệ quả là chúng ta đã nhìn thấy những dự án đang bị “hụt hơi” từ gói tín dụng ưu đãi. Trong dự án đó, chi phí vốn quá cao, Nhà nước lại định giá dự án đó để bán, doanh nghiệp sẽ thấy không có lãi, họ không muốn làm” – GS Võ nói.

Ông Đặng Hùng Võ phân tích thêm, phát triển nhà ở thương mại giá rẻ mới là giải pháp chính, giải pháp hiệu quả để giải quyết nhu cầu nhà ở của đại đa số người dân. Cần tiếp tục xây dựng cơ chế ưu đãi về đất và tín dụng đối với nhà ở thương mại giá rẻ để giải quyết vấn đề xã hội, thay vì việc đi theo chính sách phát triển nhà ở xã hội nặng tính bao cấp như hiện nay./.

Theo Phương Hoài

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên