Nhu cầu dầu Trung Quốc có thể vô hiệu hoá nỗ lực giảm cung của OPEC
Các nước xuất khẩu dầu lớn đang rất cố gắng để nâng giá dầu thô tăng lên và có thể phối hợp chặt chẽ hơn vì mục tiêu này, nhưng chỉ riêng nỗ lực của họ thì chưa đủ bởi giá dầu còn bị chi phối rất nhiều bởi tăng trưởng nhu cầu ở nước nhập khẩu hàng đầu thế giới – Trung Quốc.
- 30-09-2016Nga khẳng định không cắt giảm sản lượng khai thác dầu mỏ
- 26-08-2016Các ông lớn dầu mỏ đang phải gánh khối nợ kỷ lục 184 tỷ USD
- 12-08-2016Thị trường dầu mỏ sẽ “lên voi” hay “xuống chó”?
Nhu cầu nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc năm nay tăng rất mạnh, tăng 13,5% trong 8 tháng đầu năm, đạt 250,45 triệu tấn, tương đương khoảng 7,49 triệu thùng/ngày.
Riêng trong tháng 8 nhập khẩu tăng rất mạnh, đạt kỷ lục cao thứ 2 trong lịch sử và tính trung bình mỗi ngày thì cao nhất kể từ tháng 4.
Nhưng có lẽ nhập khẩu tăng mạnh là bởi giá dầu thô giảm chứ không phải vì nhu cầu tiêu thụ thực tế tăng.
Giả thuyết này rất có cơ sở bởi có nhiều bằng chứng cho thấy số dầu nhập khẩu được chuyển thẳng vào kho dự trữ chiến lược và kho chứa dầu thương mại, hoặc được tái xuất khẩu dưới dạng nhiên liệu đã lọc.
Trung Quốc đang thực hiện việc dự trữ dầu với tốc độ cao nhất từ trước tới nay bởi giá rẻ, và cường quốc lớn thứ 2 thế giới này năm nay đã xây dựng thêm rất nhiều kho chứa mới.
Cách đơn giản nhất để biết có bao nhiêu dầu đang được chuyển vào kho dự trữ là cộng lượng nhập khẩu với sản lượng nội địa, sau đó trừ đi khối lượng dầu được các nhà máy lọc dầu sử dụng.
Trong 8 tháng đầu năm nay, tổng cung dầu thô là 11,52 triệu thùng/ngày, và các nhà máy lọc dầu hoạt động với công suất tổng cộng 10,65 triệu thùng/ngày. Như vậy sẽ có khoảng 870.000 thùng/ngày được chuyển vào hoặc kho dự trữ thương mại, hoặc kho dự trữ chiến lược.
So sánh trong 8 tháng đầu năm 2015 cho thấy tổng cung dầu thô giai đoạn đó là 10,9 triệu thùng/ngày, trong khi các nhà máy lọc dầu sử dụng 10,4 triệu thùng/ngày, tức là còn dư 500.000 thùng/ngày.
Như vậy có nghĩa là dự trữ trong kho của Trung Quốc trong 8 tháng đầu năm nay cao hơn 370.000 thùng/ngày so với 8 tháng đầu năm 2015.
Số liệu Hải quan Trung Quốc cho thấy nhập khẩu trong 8 tháng đầu năm nay cao hơn 595.000 thùng/ngày so với cùng kỳ năm ngoái.
Giả sử lượng dự trữ tăng 370.000 thùng/ngày so với 8 tháng đầu năm 2015 thì có nghĩa là nhập khẩu chỉ tăng thêm 225.000 thùng/ngày và không được chuyển vào kho dự trữ.
Nhưng sản lượng dầu thô trong nước giảm 224.000 thùng/ngày trong 8 tháng đầu năm nay, có nghĩa là khối lượng nhập khẩu tăng không chảy vào kho chứa đã được dùng để bù đắp cho sản lượng trong nước giảm.
Trung Quốc cũng tăng cường xuất khẩu các sản phẩm tinh chế, với khối lượng xuất trong 8 tháng đầu năm 2016 đạt 29,74 triệu tấn, tăng 42% so với cùng kỳ năm 2015.
Theo công thức chuyển đổi của BP là 8 thùng tương đương một tấn sản phẩm, có nghĩa là xuất khẩu nhiên liệu tinh luyện của Trung Quốc trong 8 tháng đầu năm nay tăng khoảng 290.000 thùng/ngày so với cùng kỳ năm 2015. Hay nói cách khác, xuất khẩu sản phẩm dầu tinh luyện tăng kết hợp với lượng dầu thô chuyển vào kho dự trữ và sản lượng trong nước giảm vừa bằng phần nhập khẩu dầu thô tăng.
Việc Trung Quốc vẫn đang tăng nhập khẩu khiến các nước sản xuất dầu thô không quan tâm tới yếu tố nhu cầu từ thị trường này khi bàn tính các biện pháp nâng giá lên.
Nhưng điều đó không có nghĩa là nhập khẩu dầu thô vào Trung Quốc sẽ tiếp tục duy trì nếu giá tăng lên mức cao hơn so với những năm trước, khi nước này phải liên tiếp tăng nhập khẩu dầu tho bất chấp giá như thế nào bởi tăng trưởng kinh tế luôn ở mức trên 10% mỗi năm.
Ngân hàng Barclays trong một thông báo ra ngày 26/9/2016 đã nhận định người Trung Quốc thể hiện rất khôn ngoan khi xây dựng kho dự trữ dầu chiến lược, sử dụng các cơ sở dự trữ thương mại nếu cần thiết. “Trong bối cảnh giá thấp, lượng dự trữ thực tế của Trung Quốc chắc chắn sẽ vượt công suất dự trữ chiến lược bằng cách sử dụng các cơ sở dự trữ thương mại khi cần thiết”, và “Đó là bởi vì Trung Quốc rất linh hoạt trong việc sử dụng các cơ sở dự trữ thương mại để trữ tạm dầu trước khi chuyển vào kho dự trữ chiến lược trong bối cảnh việc xây dựng một số kho dự trữ chiến lược chưa hoàn thành”.
Như vậy có nghĩa là Trung Quốc chắc chắn sẽ còn tiếp tục mua nếu giá dầu vẫn rẻ, nhưng sẽ ngừng nếu giá tăng tới mức mà họ cho là đắt.
Là nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, nếu Trung Quốc giảm tốc độ xây dựng kho dự trữ dầu chiến lược thì đó sẽ là mối lo ngại lớn của các nước xuất khẩu dầu.
Tuy nhiên, vấn đề này có thể không được đề cập nhiều tại cuộc họp tuần này của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu (OPEC) và Nga bên lề Hội nghị thượng đỉnh năng lượng sẽ diễn ra tại Algeria vào tháng tới, mà chủ yếu sẽ tập trung bàn thảo về nguồn cung.
Nhưng nếu nguồn cung dầu thô giảm tương ứng với nhu cầu nhập khẩu giảm từ các nước nhập khẩu chủ chốt như Trung Quốc thì nỗ lực của các nhà sản xuất sẽ không mang lại hiệu quả.