Nhu cầu rút tiền mặt cuối năm nay sẽ không lớn
Những năm gần đây áp lực rút tiền mặt ở các máy ATM đã không quá lớn so với những năm trước, do các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt đang tăng qua các năm.
- 25-12-2020Thanh toán không dùng tiền mặt tăng trưởng ấn tượng trong năm 2020
- 18-12-2020NHNN yêu cầu các nhà băng ưu tiên xử lý trường hợp ATM nuốt thẻ trong dịp Tết
- 19-11-2020Người dùng Việt ngày càng "thờ ơ" với tiền mặt
NHNN Việt Nam đã có văn bản chỉ đạo hệ thống ngân hàng và tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, thanh toán thông suốt trong các tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu - 2021. Trong đó, các ngân hàng phải chủ động kế hoạch giám sát chặt chẽ và tiếp tiền kịp thời cho các máy ATM ở những khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đông dân cư dự báo có nhu cầu rút tiền mặt lớn. Theo đó, mỗi ngân hàng phải có phương án dự phòng xử lý kịp thời nếu có máy ATM gặp trục trặc kỹ thuật.
Nhiều ngân hàng lắp đặt sẵn hệ thống theo dõi tồn quỹ tiền mặt tại máy ATM để chủ động tiếp quỹ
Thực tế, hoạt động rút tiền mặt tại ATM sẽ diễn ra cao điểm vào những ngày trước khi nghỉ Tết Nguyên đán. Hiện tượng xếp hàng chờ rút tiền thường xảy ra ở các khu công nghiệp, khu chế xuất nơi tập trung nhiều công nhân, người lao động. Thực tế này ngay từ những tuần vừa qua ngành Ngân hàng ở một số địa phương có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất đã tập trung các giải pháp để đảm bảo đủ tiền cho nhu cầu chi dùng của người dân.
Ông Trần Ngọc Linh - Giám đốc BIDV chi nhánh Bình Dương cho biết, chi nhánh đã lắp đặt hệ thống theo dõi báo tự động tồn quỹ tiền mặt tại máy ATM để chủ động tiếp quỹ, bảo đảm duy trì lượng tiền thường xuyên trong máy. Đồng thời, sẵn sàng 2 phương án tiếp quỹ theo kế hoạch thường xuyên và đột xuất vào các ngày cao điểm. BIDV Bình Dương mới đây cũng đã bổ sung thêm 3 máy ATM để đáp ứng nhu cầu rút tiền mặt của người dân.
Trong khi đó, một đại diện Vietcombank ở TP.HCM cho hay, tương tự mọi năm ngân hàng này sẽ tích cực hỗ trợ các khu vực có đông người dân và tập trung nhiều khu công nghiệp. Tại đây, vào các dịp chi lương cuối năm ngân hàng có thể cắt cử thêm nhân sự phục vụ rút tiền mặt thông qua máy POS ngay tại trụ sở các khu công nghiệp có số lượng lớn lao động để giảm tải áp lực chen lấn tại máy ATM. Ngoài ra, hiện nay Vietcombank cũng đã áp dụng tính năng rút tiền mặt thông qua mã QR tích hợp trong ứng dụng VCB Digibank. Theo đó, giao dịch rút tiền của khách hàng sẽ được bảo mật cao, hạn chế rủi ro mất tiền do thẻ vật lý bị lộ thông tin và được thực hiện nhanh chóng hơn.
Tuy nhiên, trên thực tế những năm gần đây áp lực rút tiền mặt ở các máy ATM đã không quá lớn so với những năm trước, do các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt đang tăng qua các năm. Theo Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia (Napas), dịch bệnh Covid-19 bùng nổ trong những tháng đầu năm 2020 phải giãn cách xã hội phòng dịch, đã là cơ hội cho các TCTD cung ứng dịch vụ thanh toán trực tuyến gia tăng tiếp cận khách hàng. Theo đó, tỷ lệ giao dịch chuyển mạch ghi nhận được thông qua Napas trong năm 2020 chỉ có 26,6% là giao dịch rút tiền mặt từ ATM, tỷ lệ này năm 2015 là trên 90%. Bên cạnh đó, số lượng các giao dịch chuyển tiền nhanh 24/7, đã tăng từ 1,1% (năm 2015) lên 66,7% trong năm 2020, trong đó tỷ trọng giá trị rút tiền mặt qua ATM giảm từ 84,4% năm 2015 xuống còn 5,4% năm 2020, giá trị chuyển tiền nhanh 24/7 tăng 11 lần trong 5 năm qua.
Kết quả trên cho thấy, các TCTD đã nỗ lực triển khai các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt thời gian qua. Bao gồm: khuyến khích siêu thị, nhà hàng, cửa hàng bán lẻ ứng dụng các biện pháp thanh toán qua QR Code, ví điện tử, máy POS, các App trên phương tiện di động bằng các chương trình khuyến mại, hỗ trợ giảm giá cho khách hàng khi thanh toán trực tuyến. Theo Vụ Thanh toán (NHNN), tính đến cuối tháng 10/2020, toàn hệ thống các TCTD có số lượng thanh toán qua điện thoại di động đạt hơn 918,8 triệu giao dịch với giá trị đạt gần 9,6 triệu tỷ đồng, lần lượt tăng 123,9% và 125,4% so với cùng kỳ năm 2019. Số lượng giao dịch thanh toán qua Internet đạt gần 374 triệu giao dịch với giá trị đạt hơn 22,2 triệu tỷ đồng
Những diễn biến trên có thể thấy dịp cuối năm 2020 nhu cầu thanh toán của người dân sẽ được hệ thống các TCTD đảm bảo tốt hơn so với những năm trước. Áp lực rút tiền mặt từ máy ATM khi được san sẻ với tỷ trọng lớn cho các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, nhất là hoạt động thanh toán trực tuyến tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM ngày càng gia tăng thì hình ảnh chen lấn tại các cây ATM để rút tiền sẽ không còn phổ biến và những sự việc, sự cố liên quan đến giao dịch tiền mặt tại ATM cũng sẽ được hạn chế, tạo sự an toàn và an ninh trong thanh toán của người dân dịp nghỉ tết cổ truyền.
Thời báo ngân hàng