Nhu cầu thép toàn cầu sẽ chậm lại trong năm 2022
Tăng trưởng nhu cầu thép thế giới năm nay dự báo sẽ chậm lại đáng kể do tiêu thụ ở Nga và Ukraine sụt giảm.
- 16-04-2022Thị trường ngày 16/4: Giá sắt thép và cao su đều tăng, đồng và dầu cọ cao nhất 1 tháng
- 15-04-2022Thị trường ngày 15/4: Giá dầu, sắt thép, đồng và cao su đồng loạt tăng; vàng và đường quay đầu giảm
- 12-04-2022Giá thép và phế liệu thép Châu Á quý 2 tăng mạnh khi dòng chảy bị xáo trộn
Trong báo cáo công bố hôm 14/4 có tên "Short Range Outlook (SRO) for 2022 and 2023" (tạm dịch: Triển vọng thị trường thép năm 2022 và 2023), Hiệp hội Thép Thế giới (Worldsteel) nhận định nhu cầu thép toàn cầu năm 2022 sẽ chỉ tăng 0,4% lên 1.840,2 triệu tấn, sau khi tăng 2,7% vào năm 2021. Vào năm 2023, tổ chức này hiện chưa đưa ra con số dự báo bởi cuộc chiến ở Ukraine khiến mọi dự báo đều có độ sai lệch cao.
Theo Worldsteel, lạm phát trên toàn cầu và sự không chắc chắn do cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine làm mờ đi triển vọng nhu cầu thép thế giới.
Bình luận về triển vọng thị trường này, ông Máximo Vedoya, Chủ tịch Ban kinh tế của Hiệp hội, cho biết, "Dự báo về triển vọng thị trường ngắn hạn được đưa ra khi đang tồn tại bóng đen của thảm kịch kinh tế và con người sau cuộc khủng hoảng nghiêm trọng giữa Ukraine của Nga. Tất cả chúng ta đều mong muốn cuộc chiến này kết thúc càng nhanh càng tốt…
…Vào năm 2021, sự phục hồi của ngành thép sau cú sốc đại dịch đã diễn ra mạnh mẽ hơn dự kiến ở nhiều khu vực, bất chấp các vấn đề về chuỗi cung ứng và làn sóng Covid-19 vẫn tiếp diễn. Tuy nhiên, sự giảm tốc mạnh hơn dự đoán ở Trung Quốc đã dẫn đến tăng trưởng nhu cầu thép toàn cầu chậm lại trong năm 2021. Đối với năm 2022 và 2023, triển vọng rất không chắc chắn. Kỳ vọng về việc kinh tế tiếp tục hồi ổn định sau đại dịch đã bị lung lay bởi cuộc chiến ở Ukraine và lạm phát gia tăng".
Những điều đó đã thể hiện rõ ở số liệu về sản lượng ngay từ đầu năm 2022. Theo đó, sản lượng thép thô toàn cầu trong tháng 1/2022 giảm 6,1% so với cùng kỳ, tiếp tục giảm thêm 5,7% trong tháng 2.
Sản lượng thép thô thế giới.
Thị trường toàn cầu
Mức độ ảnh hưởng từ cuộc xung đột ở Đông Âu tới mỗi khu vực sẽ rất khác nhau, tùy thuộc vào mức độ tiếp xúc tài chính và thương mại trực tiếp của họ với Nga và Ukraine. Ở thời điểm hiện tại, chỉ có thể thấy rằng mọi thứ ở Ukraine đã bị tàn phá, kinh tế Nga bị tổn hại nghiêm trọng, và tác động rất lớn đối với EU do sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga và có vị trí địa lý gần với khu vực xung đột.
Tác động từ cuộc khủng hoảng này cũng sẽ được cảm nhận trên toàn cầu thông qua giá năng lượng và hàng hóa tăng cao - đặc biệt là nguyên liệu thô để sản xuất thép - và sự gián đoạn chuỗi cung ứng tiếp diễn - vốn đã gây khó khăn cho ngành thép toàn cầu ngay cả trước cuộc chiến tranh ở Ukraine. Hơn nữa, sự biến động của thị trường tài chính và sự không chắc chắn ngày càng cao sẽ làm ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư.
Những tác động lan tỏa như vậy từ cuộc chiến ở Ukraine đến toàn cầu, cùng với mức tăng trưởng thấp ở Trung Quốc, cho thấy kỳ vọng tăng trưởng đối với nhu cầu thép thế giới giảm đi trong năm 2022. Có thêm rủi ro từ việc tiếp tục gia tăng số ca nhiễm virus Covid-19 ở một số nơi trên thế giới, đặc biệt là Trung Quốc, và lãi suất tăng. Việc Mỹ thắt chặt các chính sách tiền tệ dự kiến sẽ làm tổn thương các nền kinh tế mới nổi dễ bị tổn thương về tài chính.
Triển vọng cho năm 2023 càng không chắc chắn hơn nữa. Dự báo của Worldsteel giả định rằng cuộc xung đột ở Ukraine sẽ kết thúc vào năm 2022 nhưng các lệnh trừng phạt đối với Nga phần lớn sẽ vẫn còn sau đó.
Ngoài ra, tình hình địa chính trị xung quanh Ukraine đặt ra những tác động đáng kể về lâu dài đối với ngành thép toàn cầu. Trong số đó có khả năng có sự điều chỉnh lại các dòng chảy thương mại khắp thế giới, sự thay đổi trong thương mại năng lượng và tác động của điều đó đối với quá trình chuyển đổi năng lượng và tiếp tục cấu hình lại chuỗi cung ứng toàn cầu.
Thị trường Trung Quốc
Nhu cầu thép của Trung Quốc giảm mạnh vào năm 2021 do các biện pháp cứng rắn của Chính phủ đối với các nhà phát triển bất động sản. Nhu cầu thép ở nước này trong năm 2022 sẽ không thay đổi do Chính phủ nỗ lực đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng và ổn định thị trường bất động sản. Các biện pháp kích thích được đưa ra vào năm 2022 có khả năng sẽ hỗ trợ nhu cầu thép tăng trưởng chút ít trong năm 2023. Có nhiều khả năng nhu cầu được hỗ trợ tích cực từ các biện pháp kích thích mạnh mẽ hơn nữa. Điều đó có thể xảy ra nếu nền kinh tế phải đối mặt với nhiều thách thức hơn từ môi trường bên ngoài - đang có chiều hướng xấu đi.
Các nền kinh tế phát triển
Bất chấp làn sóng lây nhiễm Covid-19 vẫn lác đác diễn ra và những hạn chế trong chuỗi cung ứng của khu vực sản xuất, nhu cầu thép phục hồi mạnh mẽ trong năm 2021, đặc biệt là ở EU và Mỹ. Tuy nhiên, triển vọng cho năm 2022 đã yếu đi do áp lực lạm phát, điều này càng được củng cố bởi các sự kiện xung quanh Ukraine. Tác động của cuộc chiến sẽ đặc biệt rõ rệt ở EU do khu vực này này phụ thuộc nhiều vào năng lượng của Nga. Nhu cầu thép ở các nước phát triển được dự báo sẽ tăng lần lượt 1,1% và 2,4% vào năm 2022 và 2023, sau khi phục hồi 16,5% vào năm 2021.
Các nền kinh tế đang phát triển không kể Trung Quốc
Tại các nền kinh tế đang phát triển, việc phục hồi sau đại dịch phải đối mặt với nhiều thách thức hơn do tác động của đại dịch vẫn đang tiếp diễn cộng thêm lạm phát gia tăng, điều này đã thúc đẩy chu kỳ thắt chặt tiền tệ ở nhiều nền kinh tế mới nổi. Sau khi giảm 7,7% vào năm 2020, nhu cầu thép ở các nước đang phát triển (không kể Trung Quốc) đã tăng 10,7% vào năm 2021, thấp hơn một chút so với dự báo trước đó của Worldsteel. Trong năm 2022 và 2023, các nền kinh tế mới nổi đó sẽ tiếp tục đối mặt với những thách thức ngày càng tồi tệ từ môi trường bên ngoài, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine và sự thắt chặt tiền tệ ở Mỹ, dẫn đến tăng trưởng thấp, chỉ 0,5% trong năm 2022 và 4,5% vào năm 2023.
Tham khảo: Worldsteel