MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhu cầu vàng chuyển hướng do nhà đầu tư bán mạnh

29-10-2021 - 07:49 AM | Tài chính - ngân hàng

Nhu cầu vàng chuyển hướng do nhà đầu tư bán mạnh

Nhu cầu vàng trên toàn cầu giảm trong quý 3/2021 xuống mức thấp nhất kể từ quý 4/2020 do nhà đầu tư bán mạnh. Tuy nhiên, trong đó, nhu cầu từ lĩnh vực kim hoàn, các ngân hàng trung ương và các nhà đầu tư nhỏ đang tăng nhanh.

Theo báo cáo mới nhất của Hội đồng Vàng thế giới (WGC), tổng nhu cầu vàng trên toàn cầu trong quý 3/2021 đạt 831 tấn, giảm so với 894,4 tấn cùng quý năm trước, và càng thấp so với 1.084,9 tấn trong quý 3/2019. Nguyên nhân là do tác động của đại dịch Covid-19.

Nhu cầu yếu đi đã khiến giá vàng trung bình trong mùa hè năm nay ở mức 1.789,50 USD/ounce, giảm khoảng 1% so với quý 2 và giảm 6% so với quý 3/2020.

Trong giai đoạn đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh, các ngân hàng trung ương đã tạm dừng mua vàng do virus Covid-19 lây lanh nhanh chóng, các cửa hàng phải đóng cửa, người dân mất việc làm… khiến doanh số bán đồ trang sức lao dốc, đặc biệt ở Châu Á. Tuy nhiên, lo sợ về kinh tế suy thoái đã kích hoạt các nhà đầu tư lớn mua vàng dự trữ, chủ yếu ở phương Tây, bởi vàng vốn được coi là tài sản có giá trị và an toàn.

Khi các nền kinh tế hồi sinh, nhu cầu vàng từ các ngân hàng trung ương và nhu cầu vàng trang sức phục hồi. Các nhà đầu tư nhỏ đang tăng tốc mua vàng, nhiều hơn so với trước khi đại dịch, song nhu cầu từ các nhà đầu tư lớn đã thay đổi.

Các quỹ giao dịch hoán đổi vàng (ETF) năm ngoái đã tăng cường bán vàng khi tăng trưởng kinh tế hồi phục, và năm nay lại tiếp tục bán vàng do giới đầu tư chuyển hướng chú ý sang việc ngân hàng trung ương tăng lãi suất – điều sẽ khiến vàng giảm sức hấp dẫn, vì vàng vốn không sinh lời dưới hình thức lãi suất.

Tính chung cả năm nay, "nhu cầu vàng mạnh mẽ từ người tiêu dùng và các ngân hàng trung ương sẽ bù đắp cho việc nhu cầu từ các quỹ ETF giảm", nhà phân tích thị trường cấp cao của WGC, Louise Street, cho biết.

Trong khi nhu cầu đầu tư ở mức thấp, ít nhất là đến hết năm 2021, WGC cho biết thị trường tổng thể vẫn có khả năng phục hồi nhờ nhu cầu vàng vật chất hồi phục sau giai đoạn bị tác động bởi đại dịch.

Theo bà Street: "Nhu cầu vàng trang sức sẽ tiếp tục tăng, vượt mức của cùng kỳ năm ngoái, nhưng tổng nhu cầu vàng đầu tư sẽ giảm trong năm 2021, mặc dù tiêu thụ vàng thỏi và vàng xu vẫn tốt".

Nhu cầu vàng chuyển hướng từ các quỹ ETF sang các ngân hàng trung ương và lĩnh vực kim hoàn - Ảnh 1.

Tỷ trọng nhu cầu vàng của các lĩnh vực: chuyển từ các quỹ ETF sang các nhà đầu tư nhỏ.

Nhìn vào lĩnh vực vàng trang sức, việc giá vàng giảm đã giúp đẩy tăng nhu cầu vàng của người tiêu dùng, mặc dù vẫn chưa bằng mức trước khi xảy ra đại dịch.

WGC cho biết nhu cầu vàng trang sức trong quý 3 đạt tổng cộng 442,6 tấn, tăng 33% so với năm 2020. Tuy nhiên, các nhà phân tích lưu ý rằng nhu cầu vàng trang sức hiện vẫn thấp hơn 12% so với mức trung bình 5 năm.

"Trong quý 3, nhu cầu trang sức vàng được thúc đẩy bởi sự phục hồi kinh tế và tâm lý người tiêu dùng cải thiện, tiếp tục xu hướng từ nửa đầu năm. [Ở thời điểm hiện tại], nhu cầu vàng trang sức toàn cầu đang cao hơn gần 50% so với cùng kỳ năm 2020", các nhà phân tích cho biết.

WGC dự báo nhu cầu vàng của các công ty kim hoàn sẽ ở mức 1.700–1.800 tấn trong năm 2021, so với 1.401 tấn vào năm 2020 và 2.123 tấn vào năm 2019.

Đối với vàng đầu tư, WGC cho biết tổng nhu cầu giảm xuống còn 235 tấn, giảm hơn 50% so với quý 3 năm 2020. Sự sụt giảm chủ yếu bởi 27 tấn vàng bị rút khỏi thị trường ETF. Tuy nhiên, nếu bóc tách ra thì WGC cho biết nhu cầu vàng thỏi vật chất đã tăng trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 9. Nhu cầu đối với vàng thỏi và tiền xu trên toàn cầu đạt tổng cộng 261,70 tấn trong quý 3, tăng 18% so với năm ngoái.

"Tăng trưởng mạnh mẽ (nhu cầu vàng thỏi và vàng xu) trong quý 3 được củng cố bởi một loạt các yếu tố, bao gồm việc những chính sách hạn chế chống Covid-19 được dỡ bỏ dần, nỗi lo ngại dai dẳng về lạm phát gia tăng và giá vàng giảm trong tháng 8. Tất cả những điều này đã khuyến khích nhiều nhà đầu tư mua vàng vào", các nhà phân tích của WGC cho biết.

WGC cũng lưu ý rằng nhu cầu vàng của ngân hàng trung ương vẫn là động lực chính của thị trường vàng. Theo đó, các ngân hàng trung ương đã mua 69 tấn trong quý 3, nâng tổng lượng "Mua ròng [từ đầu năm đến nay] là 393t, vượt xa mức của cả năm 2020 (255t)".

Sẽ "không ngạc nhiên" nếu các ngân hàng trung ương mua hơn 450 tấn trong năm nay, tăng so với 255 tấn vào năm 2020 nhưng thấp hơn 605 tấn mà họ đã mua vào năm 2019, báo cáo của WGC viết.

WGC cũng cho biết nhu cầu từ lĩnh vực công nghệ tăng trưởng vững chắc, với nhu cầu vàng công nghiệp tăng 9% trong quý 3 lên 83,3 tấn.

Các nhà phân tích cho biết: "Khi nhiều nơi trên thế giới mở cửa trở lại nền kinh tế sau đại dịch Covid-19, việc cải thiện niềm tin của người tiêu dùng đã tạo ra nhu cầu mạnh mẽ đối với các mặt hàng có giá giá trị cao như xe cộ và thiết bị điện tử tiêu dùng cao cấp".

Mặc dù nhu cầu công nghiệp có tăng, song WGC ghi nhận một số khó khăn đối với lĩnh vực này khi người lao động quay trở lại văn phòng và nhu cầu về máy tính và thiết bị cá nhân giảm xuống. Các nhà phân tích cũng cho biết sự thiếu hụt chip ngày càng tăng cũng có thể ảnh hưởng đến nhu cầu vàng của lĩnh vực công nghệ.

Về nguồn cung trên thị trường vàng, WGC cho biết tổng nguồn cung vàng trong quý 3 giảm xuống 1.238,9 tấn, giảm 3% so với năm ngoái do lượng vàng tái chế trên thị trường giảm.

"Nguồn cung vàng tái chế giảm 22% so với cùng kỳ năm ngoái và thấp hơn 16% so với quý 3 năm 2019, do giá vàng giảm và nguồn cung gần thị trường cạn kiệt", các nhà phân tích của IGC cho biết.

Nhu cầu vàng chuyển hướng từ các quỹ ETF sang các ngân hàng trung ương và lĩnh vực kim hoàn - Ảnh 2.

Tham khảo: Reuters, Kitco

Vũ Ngọc Diệp

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên