MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhựa An Phát (AAA) thay đổi chiến lược, hướng đến mục tiêu doanh thu tỉ USD năm 2025

19-06-2018 - 09:45 AM | Doanh nghiệp

An Phát muốn trở thành vendor (nhà cung cấp) cấp 1 của những doanh nghiệp FDI lớn nhất Việt Nam. Công ty kỳ vọng sẽ đạt được mức lợi nhuận sau thuế (LNST) của xấp xỉ 100 triệu USD vào năm 2025.

Sáng ngày 15/06, CTCP Nhựa và Môi trường Xanh An Phát (AAA: Hose) đã tổ chức buổi Hội nghị tiếp xúc nhà đầu tư tại cụm công nghiệp An Đồng, Nam Sách, Hải Dương. Đến tham dự hội nghị có hàng chục nhà đầu tư, nhà phân tích của các công ty chứng khoán và đại diện của các quỹ đầu tư trong, ngoài nước. Về phía công ty, ông Phạm Ánh Dương- Chủ tịch HĐQT cùng với ông Nguyễn Lê Trung- Tổng Giám đốc đã có mặt để trao đổi cũng như trả lời những thắc mắc của nhà đầu tư.

Nhựa An Phát (AAA) thay đổi chiến lược, hướng đến mục tiêu doanh thu tỉ USD năm 2025 - Ảnh 1.

Ông Phạm Ánh Dương- Chủ tịch HĐQT nhựa An Phát trình bày về kết quả hoạt động của công ty

Tại buổi trò chuyện, ông Phạm Ánh Dương giới thiệu sơ lược về lịch sử 15 năm hình thành của An Phát và không giấu nổi niềm tự hào khi trong năm 2017 công ty đã vượt qua các đối thủ trong khu vực để trở thành nhà sản xuất bao bì màng mỏng lớn nhất Đông Nam Á với sản lượng 96.000 tấn/năm. Trong giai đoạn 2013-2017, tốc độ tăng trưởng bình quân của doanh thu và LNST hợp nhất lần lượt đạt 28,6% và 32,4%. Riêng trong năm 2017, doanh thu và LNST của An Phát tăng 90% so với năm 2016.

Q1/2018, An Phát tiếp tục đạt được những kết quả khả quan khi sản lượng sản xuất của công ty đạt hơn 18 nghìn tấn, tăng 39% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu hợp nhất tăng gần 80% so với cùng kỳ, tuy nhiên LNST giảm nhẹ so với cùng kỳ (do Q1/2017 công ty ghi nhận lợi nhuận 35 tỷ đồng từ việc thoái vốn tại bao bì Vinh (VBC: HNX).

Ông Dương cho biết, tầm nhìn của An Phát không chỉ dừng lại ở mức là nhà sản xuất bao bì thân thiện với môi trường hàng đầu khu vực mà còn hướng đến tạo dựng chuỗi giá trị công nghiệp và xây dựng, phát triển hệ sinh thái của ngành công nghiệp nhựa. An Phát muốn cùng các doanh nghiệp Việt Nam cùng phát triển, nâng tầm vị thế thương hiệu nhựa kỹ thuật cao và thân thiện với môi trường. Định hướng phát triển của hệ sinh thái của An Phát sẽ xoay quanh 6 mảng:

Nhựa An Phát (AAA) thay đổi chiến lược, hướng đến mục tiêu doanh thu tỉ USD năm 2025 - Ảnh 2.

Để thực hiện việc mở rộng hệ sinh thái, An Phát đã mua thành công lô đất có tổng diện tích 46ha khu công nghiệp (KCN) Việt Hòa-Kenmark theo hình thức mua đấu giá từ BIDV với giá 756 tỷ đồng. Công ty đang làm thủ tục để có thể đổi tên thành KCN tổ hợp nhựa kỹ thuật cao An Phát (An Phát Complex). Trong lô đất mới mua thì đã có sẵn 8 block đã xây dựng sẵn với tổng diện tích sử dụng là 12,8ha và hệ thống điện, xử lý nước đã có sẵn. Theo đánh giá của công ty thì riêng việc tiền vốn bỏ ra để xây mới diện tích nhà xưởng như vậy ở thời điểm hiện tại sẽ tốn đến 400-500 tỷ đồng chưa kể tiền đất.

Ngoài 8 block nhà sẵn có, An Phát vẫn còn hơn 35ha để phát triển các dự án tùy theo nhu cầu phát triển của công ty trong tương lai. Một ưu điểm khác khi mua lại KCN này là An Phát sẽ được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) trong vòng 4 năm đầu tiên và giảm 50% thuế TNDN trong 9 năm tiếp theo.

Báo cáo về tình hình sử dụng vốn của doanh nghiệp về đợt phát hành tăng vốn mới đây, ban lãnh đạo cho biết An Phát đã thu về được 1.170 tỷ đồng, trong đó 360 tỷ sử dụng để đầu tư vào Anbio và 810 tỷ còn lại đầu tư vào 3 công ty con là An Vinh, Đại An và An Cường.

Anbio là dự án trọng điểm của An Phát trong thời gian tới khi tập trung sản xuất bao bì tự hủy sinh học (với nguyên liệu là thành phần hữu cơ, có thể tan hoàn toàn trong đất trong vòng 1 năm). Sản phẩm của Anbio hoàn toàn thân thiện với môi trường và phù hợp với những thị trường quan tâm tới vấn đề này. Biên lãi gộp của Anbio sẽ ở mức 20% từ năm 2020 và dự kiến sẽ mang về mức doanh thu trên 5.000 tỷ đồng trong năm 2025.

Nhựa An Phát (AAA) thay đổi chiến lược, hướng đến mục tiêu doanh thu tỉ USD năm 2025 - Ảnh 3.

Bên cạnh Anbio, Đại An cũng là một bước đi đầy chiến lược của An Phát. Đại An sẽ tập trung sản xuất linh kiện nhựa ép phun kỹ thuật cao và mục tiêu của An Phát là trở thành vendor cấp 1 của những doanh nghiệp FDI hàng đầu Việt Nam. Ngoài việc được ưu đãi thuế trong 13 năm đầu như các dự án khác tại KCN, Đại An chỉ chịu mức thuế TNDN 10% trong những năm sau đó.

Cổ đông có trăn trở về kỳ vọng của Đại An khi làm việc với những FDI hàng đầu, liệu rằng công ty có đủ kỹ thuật để làm hay không? Liệu có đảm bảo được rằng sản phẩm làm ra sẽ được họ sử dụng hay không? Và với quy mô lớn của họ, liệu Đại An có lo ngại bị ép giá?

Giải đáp những thắc mắc này, ông Dương cho biết An Phát không "ngồi và tự nghĩ ra thị trường" mà họ đã có nhiều cuộc họp, làm việc nhiều lần với đối tác nước ngoài để lên kế hoạch về sự hợp tác lẫn nhau. Ngoài ra, về mặt chính sách, chính phủ Việt Nam yêu cầu các doanh nghiệp FDI cần nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, nên nếu doanh nghiệp trong nước có thể cung ứng sản phẩm phù hợp với yêu cầu của các doanh nghiệp FDI thì chắc chắn họ sẽ sử dụng sản phẩm của chúng ta.

Kết thúc Hội nghị, chủ tịch Phạm Ánh Dương thay mặt ban lãnh đạo gửi lời tri ân tới cổ đông, những người luôn đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời điểm khó khăn và tin tưởng doanh nghiệp với những kế hoạch trong tương lai. Ban lãnh đạo của công ty tin rằng với tổ hợp sinh thái của An Phát, công ty sẽ có đạt mức doanh thu 1 tỷ USD trong năm 2025, góp phần nâng tầm doanh nghiệp ngành nhựa Việt Nam trên trường quốc tế.

Mai Ngọc

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên