MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhựa Bình Minh chuẩn bị trả cổ tức ‘khủng’

Nhựa Bình Minh báo lãi 9 tháng kỷ lục. Nguồn: BMP

Nhựa Bình Minh báo lãi 9 tháng kỷ lục. Nguồn: BMP

Với tình hình tài chính an toàn và nhu cầu đầu tư giảm, Nhựa Bình Minh thường trích 97 - 99% lợi nhuận sau thuế mỗi năm để trả cổ tức cho cổ đông. Tháng 12 tới đây, công ty sẽ tạm ứng cổ tức tiền mặt tỷ lệ 65% mệnh giá, mức cao nhất trả trong 1 đợt.

Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh (HoSE: BMP) thông báo 21/11 là ngày đăng ký cuối cùng lập danh sách cổ đông tạm ứng cổ tức tiền mặt đợt 1/2023 tỷ lệ 65% mệnh giá (1 cổ phiếu được nhận 6.500 đồng). Ngày thực hiện 12/12.

Nhựa Bình Minh là một trong những doanh nghiệp có chính sách chia cổ tức ổn định nhất trên sàn chứng khoán. Công ty chia cổ tức mỗi năm thành 2 đợt, đợt 1 thường tạm ứng vào quý IV và đợt 2 chi trả phần còn lại vào quý II sau khi ĐHCĐ thông qua. Tỷ lệ chi trả trên mệnh giá sẽ phụ thuộc vào kết quả kinh doanh.

Như năm 2022, doanh nghiệp đã trích đến 99% lợi nhuận sau thuế để trả cổ tức tiền mặt, tương ứng tỷ lệ 84% mệnh giá. Nhựa Bình Minh vừa hoàn thành thanh toán cổ tức đợt 2 tỷ lệ 53% mệnh giá vào tháng 6.

Theo kế hoạch đã được cổ đông thông qua từ kỳ họp ĐHCĐ, chính sách cổ tức năm 2023 là tối thiểu 50% lợi nhuận sau thuế. Tỷ lệ cổ tức tạm ứng đợt 1/2023 là tỷ lệ cao nhất mà công ty thực hiện trong 1 đợt kể từ khi niêm yết.

Với gần 82 triệu cổ phiếu đang lưu hành, công ty chi khoản 532 tỷ đồng để thanh toán cho cổ đông. Tập đoàn mẹ SCG (Thái Lan) sẽ nhận về hơn 290 tỷ đồng.

Nhựa Bình Minh mạnh tay chia cổ tức trong bối cảnh kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm rất khả quan. Lợi nhuận lập đỉnh trong lịch sử với 784 tỷ đồng, tăng 75% so với cùng kỳ năm trước và vượt 20% kế hoạch năm.

Doanh thu 9 tháng của BMP giảm 15,8% xuống 3.703 tỷ đồng, song, biên lãi gộp cải thiện từ 25,8% lên 41,2%; doanh thu tài chính gấp 2,4 lần lên 89 tỷ đồng; chi phí tài chính giảm nhẹ, tổng chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng không đáng kể.

Theo Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), doanh thu Nhựa Bình Minh sụt giảm do nhu cầu sụt giảm. Tuy nhiên, giá nguyên liệu đầu vào PVC giảm mạnh trong khi giá bán đi ngang đã giúp biên lợi nhuận công ty lên mức cao kỷ lục.

BVSC cho biết giá nhựa PVC chạm đáy 780 USD/tấn vào tháng 6 – 7 thì có phục hồi lên 820 – 910 USD/tấn trong tháng 8. Tính đến tháng 10, giá nhựa PVC duy trì ở vùng 830 USD/tấn. Theo ChemOrbis, đơn vị nghiên cứu uy tín về hạt nhựa, nhịp điều chỉnh giá PVC gần đây ở khu vực Đông Nam Á và Ấn Độ được cho là do nguồn cung dồi dào trong khi nhu cầu vẫn ở mức thấp. Điều này tiếp tục củng cố cho biên lợi nhuận của BMP.

Mặt khác, Nhựa Bình Minh duy trì cơ cấu tài chính khá an toàn. Tổng tiền và tiền gửi tính đến 30/9 đạt 2.035 tỷ đồng, tương đương 59% tổng tài sản. Công ty không có vay dài hạn, vay ngắn hạn chỉ 55 tỷ đồng. Nợ phải trả ở mức 512 tỷ đồng, bằng 17% vốn chủ sở hữu.

Với tình hình tài chính như trên cùng nhu cầu đầu tư giảm dần, giai đoạn 2019 – 2022, đơn vị thành viên của SCG thường trích từ 97 – 99% lợi nhuận sau thuế để chia cổ tức tiền mặt cho cổ đông.

Cổ phiếu BMP từng có đợt tăng giá mạnh từ 55.000 đồng/cp lên 100.00 đồng/cp từ tháng 3 đến tháng 7, sau đó cổ phiếu giảm giá và hiện đi ngang quanh vùng 80.000 – 90.000 đồng/cp.

Theo Mỹ Hà

Nhà Đầu Tư

Trở lên trên