MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những ai được vay mua nhà, sửa nhà với lãi suất ưu đãi theo chính sách mới trong năm 2022?

21-12-2021 - 10:53 AM | Tài chính - ngân hàng

Những ai được vay mua nhà, sửa nhà với lãi suất ưu đãi theo chính sách mới trong năm 2022?

Vừa qua Ngân hàng nhà nước (NHNN) đã ban hành 2 văn bản về nhà ở sẽ có hiệu lực kể từ tháng 01/2022. Tuy nhiên, không phải bất kỳ đối tượng nào cũng được áp dụng những ưu đãi từ các chính sách trên.

Vậy những đối tượng nào sẽ được hưởng lợi đối với những điều chỉnh từ phía cơ quan nhà nước?

1. Chính sách cho vay hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng theo Nghị quyết số 02/NQ-CP

Ngày 03/12/2021, NHNN ban hành Quyết định số 1956/QĐ-NHNN về mức lãi suất của các Ngân hàng thương mại (NHTM) áp dụng trong năm 2022 đối với dư nợ của các khoản nợ cho vay hỗ trợ nhà ở theo quy định tại Thông tư 11/2013/TT-NHNN (Thông tư 11) và các văn bản sửa đổi, bổ sung là 4,8%/năm. Lãi suất này không thay đổi so với năm 2021 nhưng đã giảm 1,2%/năm so với mức lãi suất 6%/năm áp dụng lần đầu năm 2013.

Tuy nhiên, không phải bất kỳ đối tượng nào cũng được hưởng mức lãi suất như trên. Thông tư 11 được ban hành dựa trên tinh thần của Nghị quyết số 02/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu. Vì vậy, không phải mọi người dân khi vay vốn tại ngân hàng để mua nhà ở sẽ được áp dụng mức lãi suất 4,8%/năm.

Đối tượng vay vốn là cá nhân chỉ áp dụng đối với: (i) Cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và đối tượng thu nhập thấp vay vốn để thuê, mua nhà ở xã hội (ii) Cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và đối tượng thu nhập thấp vay vốn để thuê, mua nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70m² và có giá bán dưới 15 triệu đồng/m²;

(iii) Cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, công nhân, người lao động có thu nhập thấp nhưng khó khăn về nhà ở, khi mua nhà ở thương mại tại các dự án phát triển nhà ở, dự án đầu tư xây dựng khu đô thị trên địa bàn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt có tổng giá trị hợp đồng mua bán đã bao gồm thuế VAT (kể cả nhà và đất) không vượt quá 1,05 tỷ đồng;

(iv) Cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động tại đô thị (thuộc Phường, Thị trấn) đã có đất ở phù hợp với quy hoạch đang khó khăn về nhà ở nhưng chưa được Nhà nước hỗ trợ dưới mọi hình thức vay vốn để xây dựng mới hoặc cải tạo sửa chữa lại nhà ở của mình.

Đối tượng vay vốn là tổ chức chỉ áp dụng đối với (i) doanh nghiệp là chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội, chủ đầu tư các dự án nhà ở sinh viên, nhà ở công nhân khu công nghiệp, nhà ở cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị theo quy định tại Nghị quyết số 18/NQ-CP và các Quyết định số 65, 66, 67/2009/QĐ-TTg; (ii) doanh nghiệp là chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại chuyển đổi công năng sang dự án nhà ở xã hội.

Ngoài ra, chỉ các ngân hàng như Agribank, BIDV, Vietinbank, Vietcombank và một số NHTM cổ phần do NHNN chỉ định được tham gia cho vay hỗ trợ nhà ở theo Thông tư 11.

Quyết định số 1956/QĐ-NHNN có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2022.

2. Chính sách cho vay vốn ưu đãi thực hiện chính sách nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP (Nghị định 100)

Ngày 30/11/2021, NHNN ban hành Thông tư số 20/2021/TT-NHNN (Thông tư 20) sửa đổi, bổ sung một số Điều của Thông tư số 25/2015/TT-NHNN hướng dẫn cho vay vốn ưu đãi thực hiện chính sách nhà ở xã hội. Theo quy định mới mức cho vay đối đa đối với khách hàng vay vốn ưu đãi để xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở của mình bằng 70% giá trị dự toán hoặc phương án vay, tối đa 500 triệu đồng và không vượt quá 70% giá trị tài sản bảo đảm. So với quy định cũ, Thông tư 20 bổ sung quy định mức trần cho vay 500 triệu đồng.

Thời hạn cho vay được nâng lên tối đa 25 năm để xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở đối với khách hàng là (i) người có công với cách mạng, (ii) người thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị, (iii) người lao động làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp, (iv) người làm việc trong cơ quan, đơn vị thuộc công an và quân đội (v) cán bộ, công chức, viên chức. Đây cũng là đối tượng khách hàng cá nhân được vay vốn ưu đãi để xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở theo Nghị định 100.

Về lãi suất cho vay, Thông tư 20 cũng quy định NHNN là cơ quan xác định và công bố lãi suất cho vay ưu đãi đối với khách hàng để xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở. Quy định cũ, lãi suất cho vay do Thủ tướng Chính phủ quyết định theo đề nghị của NHNN. Ngoài ra, mức lãi suất cho vay ưu đãi đối với khách hàng vay vốn đầu tư xây dựng nhà ở xã hội và xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở không vượt quá 50% lãi suất cho vay bình quân của các NHTM trong cùng thời kỳ. Thông tư 20 đã thu hẹp phạm vi để tính toán mức lãi suất, lãi suất cho vay sẽ dựa vào mức lãi suất bình quân của các NHTM thay vì phạm vi rộng là "các ngân hàng" như quy định cũ.

Bên cạnh Ngân hàng Chính sách xã hội, một số Tổ chức tín dụng do NHNN chỉ định sẽ thực hiện cho vay ưu đãi hỗ trợ nhà ở xã hội theo Nghị định 100.

Thông tư số 20/2021/TT-NHNN có hiệu lực kể từ ngày 20/01/2022.

Như vậy, những điểm mới của chính sách cho vay về nhà ở chỉ áp dụng đối với một số đối tượng cụ thể. Trước khi quyết định vay vốn tại ngân hàng, người dân cần biết mình có nằm trong nhóm các đối tượng được hỗ trợ ưu đãi về chính sách nhà ở của Chính phủ không.

Lê Hồng Thái

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên