MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những anh hùng từ thiện của châu Á năm 2022 (phần 1)

09-12-2022 - 06:09 AM | Tài chính quốc tế

Ảnh: Forbes

Ảnh: Forbes

Ấn bản lần thứ 16 của Forbes về danh sách hàng năm ghi danh những nhà hảo tâm hàng đầu trong khu vực. Họ là những người đã thể hiện sự tận tâm đối với giáo dục, môi trường và nhiều lĩnh vực khác.


Những anh hùng từ thiện của châu Á năm 2022 (phần 1) - Ảnh 1.

Ông trùm công nghệ Ashok Soota đã cam kết tài trợ 6 tỷ rupee (75 triệu USD) cho một quỹ ủy thác nghiên cứu y tế mà ông thành lập vào tháng 4/2021 để nghiên cứu các bệnh về lão hóa và thần kinh. Ông đã bắt đầu SKAN (viết tắt của kiến thức khoa học về lão hóa và bệnh thần kinh) với số vốn đầu tư 2 tỷ rupee, sau đó tăng lên gấp 3 lần. Ông còn mua đất gần Bangalore để đặt trụ sở chính.

“Chỉ có hai loại người làm nghiên cứu y học ở Ấn Độ. Một là những người đang khám phá chất kích thích và hai là những người đang nghiên cứu ở các tổ chức cấp quốc gia và cấp tiểu bang đang thiếu kinh phí,” ông nói qua điện thoại. Ông còn có dự định tiếp tục quyên góp trong 10 năm tới.

Soota trở nên giàu có nhờ phần lớn cổ phần của công ty dịch vụ phần mềm Happiest Minds Technologies có trụ sở tại Bangalore. Ông cho biết SKAN đã làm việc với Trung tâm Nghiên cứu Não tại Viện Khoa học Ấn Độ để nghiên cứu liên quan đến bệnh Parkinson và với Viện Quốc gia cho Sức khoẻ Tâm thần và Khoa học Thần kinh để nghiên cứu về đột quỵ.

Vào tháng 6/2021, SKAN đã tài trợ 200 triệu rupee cho trường cũ của Soota - Viện Công nghệ Ấn Độ Roorkee - để tài trợ cho các dự án nghiên cứu chung, thành lập phòng thí nghiệm và tài trợ cho một chức danh giáo sư cũng như ba suất học bổng khác.

Những anh hùng từ thiện của châu Á năm 2022 (phần 1) - Ảnh 2.

Vào tháng 4, ông trùm vận tải đường bộ người Úc Lindsay Fox và vợ ông là Paula đã cam kết tài trợ 100 triệu đô la Úc (67 triệu USD) để giúp đỡ việc xây dựng phòng trưng bày nghệ thuật đương đại lớn nhất nước Úc tại Phòng trưng bày Quốc gia Victoria (NGV).

Phòng trưng bày được đặt tên là The Fox: NGV Contemporary, rộng 13.000m2 và là không gian trưng bày các tác phẩm nghệ thuật được bảo tồn. Sân thượng của phòng trưng bày sẽ có tầm nhìn ra đường chân trời của Melbourne khi được mở cửa vào năm 2028. Món quà này được trao đi trùng với sinh nhật lần thứ 85 của vị tỷ phú cũng như đánh dấu mốc quyên góp lớn nhất (tính theo số tiền) của một nhà tài trợ còn sống cho một bảo tàng nghệ thuật Úc.

Cặp đôi này đã hỗ trợ NGV trong gần hai thập kỷ trong việc mua lại các tác phẩm của cả nghệ sĩ quốc tế và bản địa. Paula là thành viên hội đồng quản trị của NGV Foundation. Bà cho biết gia đình hy vọng khoản quyên góp của họ sẽ truyền cảm hứng cho những người khác ủng hộ NGV và mục đích của họ là làm cho nghệ thuật có thể tiếp cận được với cộng đồng rộng lớn hơn.

Vào tháng 6, một trung tâm chuyên phát hiện và điều trị ung thư da có trị giá 152 triệu đô la úc tại bệnh viện Alfred ở Melbourne đã được đặt tên là Trung tâm ung thư và u ác tính Paula Fox. Bản thân Paula là một người đã sống sót sau khi mắc căn bệnh ung thư hắc tố. Bà và chồng đã quyên góp tư nhân cho trung tâm này. Nơi đây dự kiến sẽ điều trị cho 300 bệnh nhân với 25 phòng khám mỗi ngày khi trung tâm mở cửa vào năm 2024.

Những anh hùng từ thiện của châu Á năm 2022 (phần 1) - Ảnh 3.

Vào tháng 7 người sáng lập Hatari Electri, một trong những nhà sản xuất quạt hàng đầu của Thái Lan - Joon Wanavit – và gia đình ông đã quyên góp 900 triệu baht (24 triệu USD) cho Quỹ Ramathibodi. Đây là nơi gây quỹ cho Bệnh viện Ramathibodi và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Trong số đó, 160 triệu baht được dành cho trường điều dưỡng của bệnh viện, 300 triệu baht cho trung tâm đào tạo y tế và 440 triệu baht cho tòa nhà bệnh viện mới và trung tâm đổi mới y tế.

Theo một bản tin của Thái Lan, vào thời điểm đó, doanh nhân ít tiếng tăm này đã nói: “Các con tôi có sự nghiệp và tiền bạc riêng. Tôi muốn tặng lại số tiền này cho các bệnh nhân.”

Joon bắt đầu kinh doanh với một cửa hàng sửa chữa quạt nhỏ trước khi chuyển sang sản xuất theo hợp đồng cho các thương hiệu Nhật Bản và cuối cùng tung ra thương hiệu quạt bán chạy nhất của riêng Hatari Electric. Công ty tư nhân này đã đạt doanh thu 6,3 tỷ baht vào năm ngoái.

Những anh hùng từ thiện của châu Á năm 2022 (phần 1) - Ảnh 4.

Brahmal Vasudevan là người sáng lập và cũng là Giám đốc điều hành của công ty cổ phần tư nhân Creador có trụ sở tại Kuala Lumpur. Vợ ông là luật sư Shanthi Kandiah chuyên hỗ trợ các cộng đồng địa phương ở Malaysia và Ấn Độ thông qua Quỹ Creador, một tổ chức phi lợi nhuận mà họ đồng sáng lập vào năm 2018.

Vào tháng 5 năm nay, họ đã cam kết quyên góp 50 triệu ringgit (11 triệu USD) để giúp xây dựng một bệnh viện giảng dạy tại khuôn viên Kampar của Đại học Tunku Abdul Rahman (UTAR) ở bang Perak. Cặp đôi này muốn quyên góp thêm khi UTAR chỉ huy động được một nửa số tiền cần thiết để xây dựng cơ sở phi lợi nhuận. Sau khi được hoàn thành vào năm 2023, nơi này cũng sẽ cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe với giá cả phải chăng.

“Chúng tôi rất vui vì điều này đã thúc đẩy những người khác tham gia vào mục đích này và có vẻ như dự án hiện đã được tài trợ đầy đủ.,” Vasudevan viết trong email.

Cũng trong tháng 5, cặp đôi đã quyên góp 25 triệu bảng Anh (30 triệu USD) cho Đại học Hoàng gia London để thành lập Viện Hàng không bền vững có tên Brahmal Vasudevan. Đó là một trong những món quà lớn nhất trong lịch sử của trường. Viện này sẽ đi tiên phong trong các công nghệ giúp ngành hàng không chuyển đổi sang giai đoạn không ô nhiễm.

Vasudevan đã lấy bằng cử nhân kỹ thuật hàng không của trường đại học năm 1990. Ông nói: Chúng tôi cảm thấy rằng việc thành lập viện này có thể tạo ra tác động có ý nghĩa trong việc nghiên cứu các cách có thể giảm thiểu ô nhiễm và hướng đến mục tiêu không còn ô nhiễm nữa.”

Những anh hùng từ thiện của châu Á năm 2022 (phần 1) - Ảnh 5.

Tỷ phú Michael Kim đã cam kết chi 10 triệu USD vào tháng 9 cho Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan ở New York, nơi ông là ủy viên hội đồng quản trị từ năm 2017. Khoản quyên góp này sẽ được sử dụng để cải tạo Bảo tàng Met’s Oscar L. và H.M. Agnes Hsu-Tang Wing dành cho nghệ thuật hiện đại và đương đại. Nơi đây có một phòng trưng bày sẽ được đặt theo tên của Kim và vợ ông là Park Kyung-ah. Cặp đôi ủng hộ nghệ thuật “để tô điểm thêm vẻ đẹp cho thế giới,” Kim viết trong email.

Là một người đam mê sưu tập nghệ thuật, Kim quản lý các tác phẩm nghệ thuật tại MBK Partners, một trong những công ty mua lại lớn nhất ở châu Á. Ông cũng ngồi trong hội đồng quản trị của Carnegie Hall.

Ông còn từ thiện những số tiền rất lớn cho giáo dục. Kim cho biết Quỹ học bổng MBK đã trao các khoản trợ cấp giáo dục cho hơn 175 sinh viên có hoàn cảnh khó khăn về tài chính kể từ khi thành lập vào năm 2007.

Đây là năm thứ hai liên tiếp Kim xuất hiện trong danh sách này. Vào tháng 8/2021, ông đã trao 25,5 triệu USD cho chính quyền Seoul để xây dựng một thư viện công cộng mới ở thủ đô của Hàn Quốc.

Những anh hùng từ thiện của châu Á năm 2022 (phần 1) - Ảnh 6.

Vào tháng 2, Mikitani đã đăng trên Twitter một thông báo về món quà trị giá 1 tỷ Yên (7,2 triệu USD) cho Ukraine. Rakuten Group gã khổng lồ viễn thông và thương mại điện tử trị giá 7,4 tỷ USD đã cho phép người Ukraine sử dụng ứng dụng nhắn tin Viber của Rakuten.

Họ được cài đặt ứng dụng này trên 97% điện thoại thông minh trong nước để gọi miễn phí cho bất kỳ số điện thoại cố định hoặc điện thoại di động nào. Trang web quyên góp trực tuyến Rakuten cho Ukraine bắt đầu vào tháng 2 đã huy động được gần 1,3 tỷ yên từ hơn 70.000 người đóng góp để hỗ trợ các nỗ lực viện trợ.

Vào tháng 5, Mikitani đã tổ chức một sự kiện âm nhạc từ thiện cho siêu sao nhạc pop Ukraine Tina Karol ở Tokyo để giúp quyên góp tiền cho đất nước. Vị tỷ phú đã gặp ông Zelensky lần đầu trong chuyến thăm Ukraine cách đây 3 năm để thảo luận về việc mở rộng sự hiện diện của Rakuten ở đó.

Những anh hùng từ thiện của châu Á năm 2022 (phần 1) - Ảnh 7.

Năm 2008, tỷ phú John Lim - người đồng sáng lập RA Asset Management (vừa được ESR Cayman mua lại) - đã giao nhiệm vụ cho con trai cả Andy thành lập một tổ chức từ thiện mang tên người cha là giáo viên của mình.

Quỹ Lim Hoon cung cấp học bổng cho những sinh viên được gọi là sinh viên có nghị lực nhưng có hoàn cảnh khó khăn ở Singapore. Họ là những người không đủ điều kiện nhận hầu hết các hỗ trợ tài chính dựa trên điểm số của đất nước.

Cho đến nay, quỹ Lim Hoon đã cấp hơn 1.600 suất học bổng với tổng trị giá khoảng 1 triệu đô la Singapore (727.000 USD) cho học sinh từ cấp tiểu học đến dự bị đại học.

Quỹ này là nhà tài trợ lâu năm cho Đại học Quản lý Singapore (SMU). Quỹ đã đóng góp 3 triệu đô la Singapore vào tháng 4 để thành lập Học bổng JLFO-LHF. Hàng năm, khoảng 12 sinh viên sẽ nhận được học bổng 4 năm trị giá 40.000 đô la Singapore.

Từ trước đến nay có khoảng 50 sinh viên đã nhận được học bổng từ quỹ trong thập kỷ qua. Andy nói trong một cuộc phỏng vấn tại văn phòng của mình: “Bạn thấy họ trưởng thành từ điểm khởi đầu của cuộc đời, điều đó khá truyền cảm hứng. Các em đã thăng tiến trong xã hội, và điều quan trọng đối với những đứa trẻ mới bước vào năm nhất, năm hai, năm ba là các bạn ấy thấy những tấm gương đã có quá trình phát triển tốt như thế nào.”

Những anh hùng từ thiện của châu Á năm 2022 (phần 1) - Ảnh 8.

Reiko Fukutake là vợ của ông trùm giáo dục Nhật Bản Soichiro Fukutake và cũng là cựu Giám đốc điều hành của Benesse Holdings. Bà đã thành lập và tài trợ cho Quỹ Rei có trụ sở tại Auckland nhằm mục đích thúc đẩy phúc lợi “thể chất, xã hội, tinh thần và cảm xúc” trong các cộng đồng trên toàn cầu.

Vào tháng 3/2021, quỹ này có tài sản khoảng 35 triệu đô la New Zealand (21,6 triệu USD) và cung cấp gần 570.000 đô la New Zealand dưới dạng tài trợ. Năm nay, quỹ đã giúp đỡ nhiếp ảnh gia người Campuchia Kim Hak để ông có thể trưng bày bộ tư liệu về những đồ vật hàng ngày có ý nghĩa đối với những người sống sót sau cuộc chiến ở Campuchia dưới chế độ Khmer Đỏ và sau đó định cư ở Nhật Bản.

Quỹ cũng đã công bố hai học bổng trị giá 25.000 đô la New Zealand hàng năm có bao gồm học phí trong tối đa ba năm cho các nhóm được đại diện trong giáo dục đại học tại Trung tâm Nghiên cứu Hòa bình và Xung đột Quốc gia của Đại học Otago.

Ở Malawi, quỹ này đã hỗ trợ một dự án kéo dài hàng thập kỷ nhằm ghi lại những câu chuyện dân gian và các bài hát dân gian của quốc gia. Từ năm 2019 đến năm 2021, quỹ đã hợp tác với Liên hoan phim Doc Edge để tài trợ cho các bộ phim tài liệu ngắn dành cho trẻ em và thanh thiếu niên ở New Zealand và nước ngoài.

Khoản tài trợ 20.000 đô la New Zealand cho các nhà làm phim đề cập đến các chủ đề bao gồm một ban nhạc nữ tuổi teen, một thiếu niên chuyển giới mắc chứng tự kỷ, mực nước biển dâng cao và loài cá ngựa đang bị đe dọa ở Campuchia.

Tham khảo Forbes

Minh Phương

Nhịp Sống Thị Trường

Trở lên trên