MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những bài học quý báu rút ra sau một năm biến động mạnh của thị trường chứng khoán

Những bài học quý báu rút ra sau một năm biến động mạnh của thị trường chứng khoán

“Chỉ số P/E, P/B ở vùng đáy chỉ rẻ khi phía trước xuất hiện những tia sáng. Còn nếu chỉ so với quá khứ thì định giá thị trường có thể thấp, nhưng chưa chắc rẻ”, ông Đào Phúc Tường đánh giá.

Thị trường chứng khoán trải qua năm 2022 với nhiều biến động lớn. Những cú trồi sụt liên tục đã khiến VN-Index trở thành chỉ số có hiệu suất đầu tư kém tích cực nhất kể từ đầu năm. Rất nhiều nhà đầu tư cũng thua lỗ nặng nề, thậm chí “cháy tài khoản” sau mỗi lần dùng đòn bẩy.

Những bài học quý báu rút ra sau một năm biến động mạnh của thị trường chứng khoán - Ảnh 1.

Vậy bài học nào được được rút ra sau những sóng gió trong năm 2022? Bức tranh năm 2023 liệu có tươi sáng hơn? Trong DInsights “Triển vọng kinh tế và chiến lược đầu tư” do Chứng khoán VNDirect tổ chức mới đây, các chuyên gia đã có những chia sẻ để giải đáp vấn đề này.

Bài học đúc kết cho năm 2022

Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Phân tích VNDIRECT đưa ra hai bài học nhà đầu tư cần nhớ trong năm 2022.

Thứ nhất, mua cổ phiếu vì lý do gì thì khi lý do đó không còn thì nên bán. Thứ hai, nhà đầu tư đừng nên đi theo thị trường. Khi nhìn đám đông đang hưng phấn tột độ, hãy tĩnh tâm để đưa ra chiến lược khác.

Đưa ra quan điểm tương tự, ông Đào Phúc Tường, chuyên gia Quản lý quỹ đầu tư cho rằng nhà đầu tư cần cảnh giác với sự đồng thuận của thị trường, đặc biệt khi sự đồng thuận đó đến ở thời điểm rất nhiều người đang chiến thắng. Bởi khi đó có thể những yếu tố tích cực đã phản ánh vào giá.

Khi “hàng hoá” trên thị trường không còn rẻ, tất cả mọi người đua mua thì đó là đỉnh. Khi tất cả mọi người chán chường bán tháo thì đó là đáy. Tất nhiên, để phân định được đắt rẻ thì mọi người cần xây cho mình một thước đo riêng. Nhiều người thường chỉ nhìn định giá P/E, P/B và so nó với quá khứ, song chuyên gia cho rằng điều quan trọng nhất là đặt trong bối cảnh như thế nào.

Liên tục kiểm tra sự thay đổi của các yếu tố vĩ mô và nhận diện xu hướng của nhóm dẫn dắt thị trường là bài học mà ông Cao Minh Hoàng, Giám đốc Đầu Tư, IPAAM đưa ra. Theo chuyên gia, nếu nhà đầu tư chỉ tập trung đầu tư một nhóm cổ phiếu như ngân hàng thì cần quan tâm nhiều đến chính sách tiền tệ, vĩ mô thế giới.

Tại buổi chia sẻ, ông Hoàng Việt Anh, Giám đốc Khách hàng lớn, VNDIRECT cũng đưa ra hai bài học đúc kết sau năm 2022. (1) Không nên chống lại định hướng chung của Fed vì nó ảnh hưởng lớn đến dòng vốn toàn cầu. Tuy có độ trễ nhất định, song việc tăng lãi suất sớm muộn sẽ ảnh hưởng lớn đến thị trường tài chính tại Việt Nam. (2) Cần chú ý hơn đến những sự kiện “thiên nga”, vì nhà đầu tư thường nghĩ khó xảy ra và bỏ qua nó. Đơn cử như những sự kiện như lãi suất, lạm phát, khủng hoảng BĐS tại TQ, … có thể dự đoán phần nào tác động và đưa ra những quyết định phù hợp.

Bức tranh năm 2023 sẽ như thế nào?

Sang đến năm 2023, các chuyên gia đều đồng thuận nên thận trọng, quản trị rủi ro tốt vì còn khá nhiều biến số khó lường.

Bà Trần Thị Khánh Hiền dự báo thị trường chứng khoán và cả nền kinh tế sẽ có hai nửa diễn biến tương đối khác nhau. Những tháng đầu năm 2023, thị trường có thể tăng phần lớn do định giá các tài sản đã quá hấp dẫn, song đà tăng sẽ khá mong manh và không ổn định trong bối cảnh thanh khoản thấp, áp lực lãi suất, tỷ giá và bài kiểm tra năng lực thanh toán cho TPDN đáo hạn vẫn còn đó.

Tuy vậy, kể từ giữa 2023, chuyên gia cho rằng đà tăng trưởng sẽ vững chãi hơn nhờ kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất trong năm sau. Khi các NHTW trở nên bớt “diều hâu” sẽ kích hoạt một đợt định giá lại tài sản mới. Thị trường chứng khoán đặc biệt các thị trường mới nổi sẽ phản ánh câu chuyện giảm lãi suất từ cách đó 4-6 tháng.

Bên cạnh đó, tăng trưởng lợi nhuận ròng toàn thị trường sẽ khởi sắc hơn nửa cuối năm 2023 nhờ việc lãi suất giảm, đồng VND mạnh lên cùng với giá nguyên vật liệu đầu vào giảm. Ngoài ra, Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ tạo thêm động lực cho tăng trưởng kinh tế, đây cũng là tín hiệu tốt cho sự phục hồi của TTCK.

Nhìn nhận về bức tranh vĩ mô thế giới năm tới, ông Đào Phúc Tường cho rằng nhà đầu tư cần chú ý ba yếu tố then chốt: (1) Thị trường lao động Mỹ vì yếu tố này tác động đến lạm phát, từ đó ảnh hưởng đến lãi suất. (2) cuộc căng thẳng Mỹ - Trung và những động thái cấm vận (3) kỳ vọng mở cửa nền kinh tế của Trung Quốc.

Trong nước, ông Tường cho rằng yếu tố cần quan tâm là doanh nghiệp Việt Nam sẽ sống sót thế nào với sự thiếu hụt thanh khoản và lãi suất tăng cao. Bên cạnh đó, dòng vốn 20.000 nghìn tỷ nhà đầu tư nước ngoài sẽ nằm bao lâu và liệu còn thêm “củi lửa” rủi ro nào trong nửa đầu năm 2023. Những yếu tố này sẽ là trục xoay tác động đến TTCK.

Riêng về TTCK, chuyên gia cho rằng thị trường đi xuống chủ yếu do định giá cao, môi trường lãi suất thấp, dòng vốn bị “chôn chân” trong mảng BĐS khá lớn. Tuy vậy, vẫn cần thời gian để qua cơn bĩ cực, trong những khó khăn luôn có những cơ hội, quan trọng là mình nắm bắt cơ hội như thế nào.

“Chỉ số P/E, P/B ở vùng đáy chỉ rẻ khi phía trước xuất hiện những tia sáng. Còn nếu chỉ so với quá khứ thì định giá thị trường có thể thấp, nhưng chưa chắc rẻ”, ông Đào Phúc Tường đánh giá.

Hạ Anh

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên