Những bí mật chưa kể tại Tesla dưới sự lãnh đạo của "Giáo phái Elon Musk": quá nhiều điều khác thường
42 nhân viên Tesla được hỏi về chế độ làm việc tại một trong những công ty tham vọng và gây tranh cãi nhất thế giới sẽ như thế nào. Và câu chuyện họ kể lại sẽ khiến bạn... đứng hình.
- 28-09-2018Ủy ban Chứng khoán Mỹ muốn cấm Elon Musk đảm nhiệm vai trò CEO Tesla
- 28-09-2018Elon Musk muốn tư nhân hóa Tesla với giá 420 USD/cổ phiếu chỉ để gây ấn tượng với bạn gái?
- 28-09-2018“Ông chủ” Tesla bị kiện vì tội gian lận, cổ phiếu lao dốc
Một đêm mùa xuân năm 2016, Elon Musk, CEO Tesla, bước vào nhà máy sản xuất xe hơi của ông ở Fremont, California. Ông không đi một mình.
Trong vòng tay ông là một người đẹp tóc nâu đỏ đầy cuốn hút mang váy và giày cao gót kêu lọc cọc khi họ đi ngang qua những căn phòng màu trắng sáng. Cả hai đều không mang đồ bảo hộ, như mũ cứng hay kính đeo mắt. Một công nhân bối rối nhìn cặp đôi bước vào phòng hội thảo, nơi có một buổi tối lãng mạn đã được dọn sẵn chờ đợi.
Nhà máy Fremont rộng hơn 492.000 mét vuông, nơi Tesla sản xuất mọi xe hơi điện của hãng, là một trong những nhà máy tự động hóa tiên tiến nhất thế giới, với khoảng 10.000 công nhân. Nó còn là trung tâm của mọi rắc rối mà Tesla gặp phải trong quá trình đáp ứng các đơn đặt hàng xe hơi của mình.
Nhưng đối với Musk, Tesla là vương quốc riêng của ông, nơi ranh giới giữa nhà và công việc bị xóa nhòa, và quy trình trong sự điên loạn kia không bao giờ hoàn toàn rõ ràng.
"Elon về cơ bản làm mọi thứ ông muốn, bất kỳ khi nào ông muốn" - người công nhân chứng kiến buổi hẹn hò nói trên cho biết (Tesla tuyên bố đó không phải một buổi hẹn hò mà là một buổi ăn tối để thảo luận công việc).
Đối với một số người làm việc tại Tesla, đó là điều bình thường. Musk có nhiều nhân viên trung thành, những người tin rằng nếu ông yêu cầu họ làm một điều bất khả thi, họ có thể làm được. Ở tuổi 47, Musk đã bất chấp mọi hoài nghi và đưa xe hơi điện vào hiện thực nhờ vào sức mạnh ý chí, sự can trường, và cả tính cứng đầu nữa. Những người làm việc cho Musk ví chúng như một loại thuốc phiện vậy.
"Điều tôi thích nhất về công việc này là lấy một điều dường như bất khả thi và thổi bùng nó lên" - Marco Batra, một "cựu binh" có thâm niên 6 năm làm việc tại Tesla và là quản lý hoạt động phân phối toàn cầu cho biết.
Các nhân viên Tesla còn nói rằng họ yêu sứ mệnh của công ty: tạo ra những chiếc xe hơi điện và những sản phẩm năng lượng mặt trời tuyệt đẹp, chữa lành trái đất, và đạp đổ thế giới đã cũ kỹ trên con đường tiến về phía trước. Đó là một sứ mệnh cao cả truyền cảm hứng cho nhiều người cống hiến hết mình.
"Đây là tương lai" - Branton Philips, một chuyên viên xử lý vật liệu cho nhóm Kiểm soát Sản xuất Tesla ở nhà máy Fremont nói - "Tôi thích viễn cảnh tổng thể, những thứ chúng tôi đang làm, sứ mệnh của công ty. Chúng tôi đang làm nên lịch sử".
Đó chính xác là loại "văn hóa startup" đói khát mà các tập đoàn lớn hơn, nổi tiếng hơn luôn không ngừng tìm kiếm.
Và đó có lẽ cũng là điểm yếu lớn nhất của Tesla. Công ty rời rạc, luôn tự cảm thấy tốt này, được xây dựng theo hình ảnh của Musk, và cũng mang trong mình nhiều sai lầm của ông - một nơi mà những giờ làm việc dài đằng đẵng, nơi những hỗn loạn, nhẫn tâm và mâu thuẫn có thể vùi dập các công nhân - theo lời của nhiều nhân viên Tesla.
Trong nỗ lực nhằm đạt được mục tiêu giao một số lượng xe cao ngất ngưởng mà Musk đặt ra, Tesla đã đốt một núi tiền và nguyên vật liệu - 3,4 tỷ USD trong năm 2017 và 1,05 tỷ USD trong quý 1 năm nay - và thu về mức thất thu kỷ lục. Mức độ chi tiêu có vẻ đang chậm lại, nhưng nhiều người lo sợ rằng công ty sẽ cạn sạch tiền trước khi kết thúc năm 2018. Trong khi đó, Musk lại ngựa quen đường cũ, mặc kệ dư luận, và tìm cách thay đổi tình hình tài chính của công ty bằng cách biến nó thành công ty tư nhân - một ý tưởng được vị tỷ phú này tiết lộ trong một tweet cực kỳ kém khôn ngoan.
Ở thời điểm hiện tại, khi áp lực đang đè nặng lên Tesla, phong cách quản lý của Musk đang bị dò xét, và ngày càng nhiều nhân viên lẫn các nhà đầu tư đang tự hỏi liệu có phải đã đến lúc công ty phải trưởng thành rồi hay không?
Dưới đây là những gì mà 42 nhân viên - bao gồm cả những nhân viên hiện đã từng và đang làm việc tại Tesla, đã từng nắm giữ khá nhiều vai trò từ công nhân cấp 1 đến quản lý, trong các dây chuyền thiết kế, sản xuất và kinh doanh, tại trụ sở Fremont và nhà máy Gigafactory ở Nevada hay các địa điểm khác - trả lời khi được hỏi về chế độ làm việc tại một trong những công ty tham vọng và gây tranh cãi bậc nhất thế giới sẽ như thế nào. Tất cả bọn họ, hoặc yêu cầu được giữ bí mật danh tính bởi không được phép nói chuyện với báo chí, hoặc được Tesla cho phép thảo luận trong các cuộc nói chuyện riêng tư không giám sát.
Jonathan Galescu, một thợ hàn làm việc trong dây chuyền xe hơi Tesla Model X, bắt đầu ca của anh lúc 5:50 chiều và dành từ 10 đến 12 tiếng tiếp theo để sửa các vấn đề liên quan đến thân xe.
Tesla kiểm định và sửa chữa xe hơi trong dây chuyền lắp ráp hệt như lúc chúng được sản xuất. Galescu chủ yếu đi bộ trong ca làm việc - đôi lúc là chạy - dọc theo các dãy xe và liên tục thực hiện thao tác hàn.
Galescu bắt đầu làm việc tại Tesla 4 năm trước và đã chứng kiến rất nhiều kẻ mơ mộng "ngã cắm đầu" vào thực tại ở Tesla.
"Có người bỏ việc chỉ sau 2 giờ đầu làm việc, có người bỏ việc sau 1 tuần" - Galescu nói - "Từng có một cậu mới chân ướt chân ráo ra khỏi trường cấp 3, 18 tuổi, chưa từng có công việc trước đó, và rất hào hứng đi làm: 'Tôi muốn làm 7 ngày/tuần, 12 tiếng/ngày!'. Đến khoảng ngày thứ 5, cậu nằm vật ra sàn nhà và khóc". Cậu nhóc bỏ việc không lâu sau đó.
Galescu là một thành viên thuộc một nhóm công nhân đang kêu gọi thành lập công đoàn trong Tesla. Anh có vẻ kiệt sức và có chút chán nản, chính xác những gì bạn có thể thấy từ một người tin rằng mình đã làm việc quá nhiều giờ trong những điều kiện vượt quá giới hạn cho phép.
Cách đó khoảng 418 km, tại nhà máy Gigafactory rộng 455.224 m2, hoạt động sản xuất diễn ra ồn ào như ong vỡ tổ.
Các phòng tắm tại nhà máy này - nơi có hơn 2.400 người và có thể chứa đến 10.000 người nếu muốn - cực kỳ khan hiếm, bầy hầy, và hàng người chờ để sử dụng chúng quá dài - theo lời của các nhân viên.
Một người kể lại rằng, đôi lúc phòng tắm của nam bận rộn đến mức một nhân viên đặt giấy toilet xuống sàn ngay cạnh một toilet bị tắc và đi thẳng ra đó.
Thế nhưng nhiều nhân viên nhanh chóng thích ứng được với nhà máy khổng lồ. "Bạn đừng cố sử dụng phòng tắm 15 phút trước giờ đổi ca" - George Stewart, trưởng nhóm sản xuất pin tại Gigafactory vừa noi vừa cười. Ông nói tình huống này không nghiêm trọng mấy. "Phòng ăn cứ như trường cấp 3 vậy, quá đông".
Công việc tại nhà máy này diễn ra với tốc độ nhanh và không thể dự đoán được. Số lượng được đặt lên hàng đầu. Nhân viên có thể bị điều chuyển mà không cảnh báo trước, bị đặt vào một dây chuyền sản xuất lạ lẫm sau chỉ vài phút huấn luyện. Trong các đợt "lắp ráp gấp rút", hệ thống sản xuất được đẩy nhanh để xem liệu nó có thể thực thi ở một tốc độ nhất định hay không.
Các nhân viên vui vẻ nhất tại Tesla, bao gồm Stewart, miêu tả chính họ như những người cuồng công việc, muốn làm hơn 70 tiếng/tuần.
"Bạn gặp kha khá những người đầy đam mê và sẵn sàng cạnh tranh trong phòng - gần như bạn tự trừng phạt và buộc mình phải gắng sức vậy" - Batra, quản lý thực địa, nói. Ông làm nhiều giờ đến mức nổi tiếng với việc thường xuyên ngủ qua đêm tại nhà máy.
Và một số công nhân sản xuất theo giờ nói rằng Tesla mang đến một công việc dễ dàng và kiếm tiền tốt hơn các công ty khác.
"Nhiều người nói làm ở đây cực khổ, nhưng tôi từng đi lợp ngói với mức lương tối thiểu, bưng bê những chiếc hộp nặng từ 22 - 27 kg lên cầu thang" - Miguel Carrera, trưởng nhóm công nghệ sản xuất, nói. Anh tình nguyện làm thêm ca để đạt mức 70 tiếng/tuần tại khu vực sản xuất Model 3 "dã chiến" ngoài trời ở Fremont. "Những thứ này chẳng là gì cả".
Anh nói tiếp: "Hai năm trước, tôi ngủ trong xe hơi. Tôi đã làm ở đây được 2 năm rồi, và tôi chuẩn bị mua một căn nhà. Rất nhiều thứ đã đến với tôi từ công ty này, xứng đáng để tôi bỏ thời gian của mình vào đây. Đối với tôi, đây là công ty tốt nhất thế giới".
Nhưng để thực sự hiểu được Tesla, bạn phải hiểu được các nhân viên cảm thấy thế nào về vị lãnh đạo "thần thánh" của họ.
Đó là thời điểm tổ chức cuộc họp toàn công ty, và mọi người đang đứng quanh, tỏ ra bồn chồn, như những cô bé cổ động ngóng chờ một cái nhìn từ Musk, vị CEO nổi tiếng của họ. Khi ông bước về phía trước căn phòng, các nhân viên vỗ tay chào mừng hết sức nồng nhiệt.
"Giống như có một giáo phái lớn theo chân Elon vậy" - một kỹ sư phần mềm nói - "Không có công ty nào tôi từng làm, trong các cuộc họp hàng quý, người ta lại vỗ tay khi CEO bước lên bục như vậy cả. Đó là thứ bình thường chỉ có ở Tesla".
Sinh ra và lớn lên ở Nam Phi, Musk đến Mỹ trong thời gian học Đại học và nhanh chóng thành công với tư cách một trong những thành viên khởi thủy của "Paypal mafia" - một nhóm các nhà sáng lập đã tạo nên hệ thống thanh toán điện tử. Năm 2008, khi xe hơi điện vẫn được xem là một loại phương tiện kỳ quặc, Musk đã sản xuất được chiếc Roadster tuyệt đẹp. Không chỉ chạy bằng điện, nó còn chạy nhanh nữa. Năm 2012, Tesla tiếp tục làm thế giới nổi sóng với chiếc sedan hạng sang Model S. Và ngày nay, Tesla đang thách thức cả ngành công nghiệp với mẫu xe đại chúng Model 3.
Một công việc khác của Musk là CEO của công ty tên lửa SpaceX - công ty đã mở ra ngành công nghiệp thương mại không gian và đặt mục tiêu mang con người lên Sao Hỏa, đưa Elon Musk trở thành một ngôi sao trên toàn thế giới.
Tại Tesla, Musk có thể được thấy ở bất kỳ đâu và ở khắp mọi nơi - đứng đằng sau một công nhân sản xuất, nhìn một con robot, hay mặc quần áo bảo hộ trong phòng tẩy rửa. Một vài người ngưỡng mộ ông tìm những vị trí đứng đặc biệt trong nhà máy chỉ để được nhìn ông đi ngang qua cùng đội ngũ trợ lý của mình.
Cao 1,89 mét, với bờ vai rộng, Musk là một người bệ vệ. "Tôi đụng vào ông ấy vài lần. Ông ấy như một trường lực vậy" - một cựu nhân viên liên lạc nội bộ nói - "Bạn gần như có thể thấy không khí tách đôi ra".
Các nhân viên miêu tả về Elon Musk theo mọi cách, từ một người xa cách và đáng sợ, đến một vị CEO thân thiện và giàu cảm xúc. Các cuộc thảo luận của ông đầy những câu văng tục, và ông còn nổi tiếng với việc ôm nồng thắm các nhân viên sản xuất mỗi khi công ty đạt được một cột mốc nào đó.
Musk làm việc rất nhiều giờ đồng hồ trong thế giới sản xuất 24/7 của Tesla, đến nỗi gần như mọi người đều kể về câu chuyện bắt gặp ông với một chiếc gối và mền ngủ gật đâu đó - trên sàn nhà máy, dưới bàn làm việc, trong phòng hội thảo... Mới đây, Musk noi trong một bài phỏng vấn rằng ông quá kiệt sức sau quá trình làm việc tại Tesla từ năm ngoái đến nay, đến nỗi đôi lúc phải sử dụng thuốc an thần Ambien để ngủ tốt hơn.
Một vài người nói rằng họ sợ Musk, rằng những vị sếp đã cảnh báo họ rằng đừng lại gần ông hay chụp hình ông, dù ông nổi tiếng với việc rất hòa nhã khi tạo dáng chụp ảnh selfie cùng mọi người.
Nếu bạn thuyết phục được Musk rằng bạn có một ý tưởng có thể làm lợi cho Tesla, ông sẽ không ngần ngại biến nó thành sự thật - một quản lý thực địa nói. Anh này cho biết đã được gặp Musk vài lần.
Một con người có thể làm việc nhanh hơn robot không? Robot sẽ biến mất, theo lời Juliese Batiste, trưởng nhóm sản xuất Model 3. Khi đội nghiên cứu công thái học muốn biểu diễn những chiếc ghế wearable (có thể mang trên người) cho phép công nhân sản xuất ngồi trong khi làm, Musk đã gật đầu tán thành - Mike Kirschner, quản lý cấp cao chương trình công thái học cho biết.
Nhưng Musk luôn đi trước 10 bước, vị quản lý thực địa nói, buộc bạn phải nghĩa nhanh hơn và lớn hơn những gì mình có thể.
Bằng cách đòi hỏi rất nhiều, Musk đã dẫn dắt mọi người vượt qua kỳ vọng của chính họ và tạo ra những cách thức mới để hoàn thành các tác vụ.
"Chúng tôi phát minh ra những thứ mà khi nghĩ đến chúng lần đầu trên giấy, chúng không thể thực hiện được. Và sự thúc giục của Elon thực sự đã đưa bạn đến đó" - một kỹ sư cơ khí nói.
Một kỹ sư phần mềm noi: "Elon là một người có tầm nhìn tuyệt vời. Ông đã quá đúng khi nhận định tương lai 5 đến 10 năm nữa sẽ như thế nào và điều gì là khả thi. Ông mang đến nguồn cảm hứng rất lớn. Ông thách thức mọi người và thúc đẩy họ làm những thứ họ không nghĩ mình có thể làm được, và thực sự tuyệt vời theo một số cách nào đó".
Nhưng, người ta nói rằng, có những cái giá phải trả nếu bạn thúc giục ai đó quá mức.
Một số nhân viên gọi công việc đầy áp lực này là "cuộc sống tại Tesla", có nghĩa là bạn sẽ phải dẹp bỏ cuộc sống của chính mình sang một bên trong thời gian làm việc, và dâng hiến mọi thứ bạn có cho công ty.
Nói một cách công bằng, nó chẳng khác biệt là bao so với kỳ vọng tại các công ty công nghệ khác ở Thung lũng Silicon, từ những startup cho đến những gã khổng lồ có tên tuổi.
Thế nhưng, tại Tesla, thời gian làm việc có vẻ như không bao giờ chấm dứt. "Elon nói với bạn rằng: 'Đây là thứ chúng ta đang làm. Chúng ta tung nó ra hôm nay hoặc trong 2 tuần nữa'. Nếu lời nói đó đến từ CEO và ông đã nói một cách công khai, bạn phải làm điều đó", một kỹ sư phần mềm nói.
Những giờ làm việc dài đằng đẵng, không đoán trước được, đã ảnh hưởng đến mọi khía cạnh trong hoạt động của Tesla, từ các kỹ sư phần mềm và cơ khí, đến những người làm trong bộ phận kinh doanh năng lượng mặt trời, hay trong dây chuyền sản xuất.
Ban đầu, người ta khá hào hứng với điều đó. Mục tiêu ở đây là tạo ra những thứ chưa bao giờ làm được trước đó.
Nhưng deadline do Musk đặt ra cũng có vẻ ngẫu hứng, và thậm chí là không hề có chút thương cảm đối với những người được giao hoàn thành chúng.
"Ông ấy có thể ra lệnh thực hiện một dự án, và chúng tôi nói rằng 'Chúng tôi cần 10 tuần', và ông ấy nói lại là 'Các anh có 6 tuần thôi'. Và rồi 2 tuần sau đó, ông ấy nói 'Chúng ta cần hoàn thành sớm trước 2 tuần', thế là cuối cùng bạn chỉ có 4 tuần để hoàn thành chỉ tiêu mà thôi. Đó là một khối lượng công việc bất khả thi. Họ đòi hỏi người ta như điên vậy", người kỹ sư cơ khí nói tiếp.
Theo đánh giá người dùng trên trang Glassdoor thì chỉ số cân bằng công việc - cuộc sống tại Tesla chỉ đạt 2,6/5, thấp hơn nhiều so với các công ty xe hơi khác. Và quãng thời gian trung bình của một nhân viên làm việc tại Tesla là 2,1 năm, thuộc hàng thấp so với các công ty công nghệ khác như Apple, nơi quãng thời gian trung bình này là 5 năm.
Nỗi lo sợ bị sa thải cũng khiến bầu không khí ở đây thêm phần căng thẳng. Musk nổi tiếng với việc thỉnh thoảng lại "sa thải nhân viên ngay tại chỗ", một kỹ sư cơ khí nói. Một công nhân trong dây chuyền sản xuất khẳng định rằng có nguyên một đội đã từng bị sa thải. Và rồi đợt sa thải lớn vào tháng 6 vừa qua tại Tesla, nhắm vào các nhân viên bộ phận năng lượng mặt trời: những người này được gọi vào một cuộc họp trước giờ làm việc và bị sa thải hàng loạt trong cuộc họp đó.
"Tôi hay đùa với một anh bạn trong đội" - một nhân viên kinh doanh năng lượng mặt trời noi - "Mỗi khi chúng tôi thấy nhau, chúng tôi sẽ nhe răng ra cười và nói 'Ố, ngạc nhiên chưa, vẫn còn thấy nhau à! Tôi cứ nghĩ một trong hai tụi mình đã bị sa thải rồi chứ".
Nhiều nhân viên nói rằng họ tin trái tim của Musk đã được đặt đúng chỗ, nhưng, khi so với "những thiên tài khác của thế giới", ông ấy "không phải là vị lãnh đạo giỏi nhất".
Những người khác nói rằng làm việc tại Tesla đồng nghĩa với việc đi theo tầm nhìn của Musk - không có ngoại lệ.
"Bạn không ở đó để sáng tạo. Bạn ở đó để thực hiện sứ mệnh của ông ấy", một kỹ sư phần mềm nói. "Nếu bạn không hiểu điều đó và bạn nói về cảm giác của mình, bạn chắc chắn sẽ bị sa thải".
Một cựu Phó chủ tịch từng nói: "Ông ấy thật kinh khủng, kinh khủng trong điều hành và kinh khủng trong quản lý. Toàn bộ cấu trúc quản lý tại Tesla thật yếu đuối và kinh khủng. Có những ngoại lệ, nhưng nhìn chung, hầu hết các nhà quản lý tại Tesla chẳng hề biết họ đang làm gì".
Đối với một số người, chính sách "hộp thư mở" của Musk, có mục đích cho thấy thiện chí tiếp nhận phản hồi của vị CEO này, là một ví dụ sống động cho điều đó.
Musk mời bất kỳ nhân viên nào, ở bất kỳ cấp độ nào, viết thư trực tiếp cho ông để bày tỏ suy nghĩ hay các môi quan ngại. Rất nhiều nhân viên noi rằng họ yêu điều này.
"Tesla mở các đường dây giao tiếp đến mọi cấp độ quản lý", Cheryl Blackwell, một nhân viên quản lý an ninh tại nhà máy Tesla ở Buffalo, New York cho biết. "Không có hệ thống chỉ huy nào cả. Tôi chưa bao giờ cảm thấy mình không thể đến gặp một người (với những ý tưởng)".
Nhưng một số người phàn nàn rằng hệ thống này có hại hơn là có lợi. Một cựu lãnh đạo khác khẳng định Musk sẽ chuyển tiếp email của nhân viên đến vị Phó chủ tịch phụ trách với 3 ký tự đơn giản: "WTF". Những người nhận được các lá thư này sẽ hoảng sợ và ngừng mọi việc họ đang làm để nghiên cứu vấn đề gì đang xảy ra.
"Nó sẽ gây ra tình trạng hỗn loạn lớn, và bạn sẽ mất nhiều ngày tìm kiếm một vài vấn đề mà thực ra không phải là vấn đề thực sự" - vị cựu lãnh đạo đó nói - "Cho mọi người quyền gửi email cho Elon đã tạo ra một loạt các vấn đề đối với công việc mỗi ngày. Có một lý do tại sao hệ thống chỉ huy lại tồn tại".
Nếu các email WTF của Musk có thể gây ra tình trạng hỗn loạn, thì những tweet của ông còn đáng sợ hơn.
Với tính cách thẳng thắn và một ngón tay luôn ngứa ngáy, Musk thường xuyên khơi mào những cuộc chiến công khai và đưa ra hứa hẹn về đủ loại sản phẩm, tính năng hay cột mốc mới tuyệt diệu.
Đôi lúc, các tweet của Musk đặt ông và công ty vào rắc rối nghiêm trọng, ví dụ như tweet nổi tiếng "funding secured" (ngân sách đã được đảm bảo) đã khiến SEC phải tổ chức một cuộc điều tra vào công ty.
Và phần lớn thời gian, những công bố công khai đó đều được nói trước khi các nhân viên Tesla, bao gồm những người trực tiếp chịu trách nhiệm cho các công việc đó, được thông báo. Sau một tweet, một số nhân viên sẽ nhìn nhau, điên tiết và nói "Ờ, vậy đó là điều chúng ta đang làm lúc này hả?"
Ví dụ, hồi tháng 6, Musk "bắn" ra hàng loạt tweet quảng cáo về thông số của một chiếc xe bán tải chạy điện. Mức độ chi tiết trong các công bố của Musk thậm chí khiến một số người trong cuộc phải ngạc nhiên.
Một nhân viên bộ phận sản xuất nhắc lại một biến cố khác: "Một trong những gã tôi từng làm chung là một phần trong nhóm tính toán hiệu năng xe hơi, và anh ta đến công ty vào buổi sáng, vừa lắc đầu và hỏi 'Anh có thấy tweet mới đây của Elon không? Giờ ổng muốn gắn tên lửa vào xe hơi đấy'". Và anh ta lắc đầu như thể giống như bạn đang đùa tôi vậy.
Mà đúng thế thật, vào ngày 5/6, trong cuộc họp cổ đông thường niên của Tesla, Musk thực sự đã công bố rằng các kỹ sư Tesla sẽ đặt động cơ đẩy của tên lửa vào phiên bản mới của siêu xe Roadster, dự kiến sẽ ra mắt thị trường vào năm 2020. Ông còn hứa hẹn rằng một vài khách hàng Model 3 sẽ có thể nhận xe đã đặt nhanh hơn thời gian chuyển hàng chính thức trên website của Tesla.
Một số nhân viên bảo vệ tweet về việc tư nhân hóa của Musk, tán dương nó như một phần của cam kết minh bạch của vị CEO. Nhưng những bình luận không thể lường trước được của Musk trên Twitter đã khiến một số thành viên trong Ban Điều hành công ty phải nhắc nhở Musk hạn chế đăng tweet.
Khi được hỏi về phong cách quản lý của Musk, Tesla đã liên hệ với sứ mệnh của mình: "Điều Tesla đang làm là cực kỳ khó khăn, bằng chứng là chỉ có Ford, cùng với Tesla, là hai công ty xe hơi Mỹ duy nhất chưa bao giờ rơi vào tình trạng phá sản" - một đại diện Tesla nói.
Để đánh giá tính hiệu quả của Musk, Tesla sẽ phải nhìn lại lịch sử của ông. Musk đã vạch ra một kế hoạch lớn vào năm 2006 nhằm tạo nên một chiếc xe thể thao, dùng số tiền đó để tạo nên một chiếc xe hơi giá tốt hơn - Model 3 - và cung cấp các sản phẩm sử dụng năng lượng không khí thải.
Một số công nhân nói rằng họ lo lắng về nhiều thứ hơn chỉ là "hội chứng cháy mạch" (làm việc quá căng thẳng dẫn đến kiệt quệ) bởi quy trình hoạt động khác lạ của Tesla.
Hồ sơ an toàn của nhà máy Tesla là một trong những vấn đề gây tranh cãi nhất của hãng. Hồi tháng Tư, Trung tâm Báo cáo Điều tra đưa ra số liệu cho biết tổng tỷ lệ chấn thương trong quá trình làm việc tại Tesla cao hơn đáng kể so với tỷ lệ chung của toàn ngành công nghiệp vào năm 2016.
Các nhà máy là nơi luôn có nguy hiểm rình rập, và Tesla nói rằng không ai là hoàn hảo. Nhưng một đại diện của công ty nói rằng các số liệu của công ty vào năm ngoái đã không còn phản ánh đúng thực trạng tại đây nữa.
"Không thể bàn cãi rằng chúng tôi quan tâm sâu sắc đến sự an toàn của các nhân viên và chúng tôi cố hết sức mình để làm những điều đúng đắn và giảm bớt tần suất sai sót" - người đại diện Tesla nói - "Khi nói đến vấn đề an toàn, những con số của chúng tôi ngang với các công ty xe hơi khác, và chúng tôi cải thiện nó qua từng tháng và sẽ tiếp tục làm điều đó cho đến khi chúng tôi có những nhà máy an toàn nhất thế giới".
Một kỹ sư tại Gigafactory nói rằng anh tin các chỉ số an toàn nghèo nàn của Tesla chỉ là một tàn tích từ những ngày đầu công ty hoạt động, và ngày nay, công ty đã "cải thiện các hệ thống an toàn của mình".
Nhiều nhân viên khác nói điều tương tự. Dù các chấn thương vẫn xảy ra, sự an toàn, đặc biệt là trong năm ngoái, đã trở thành một trọng tâm chính: các công nhân tại Tesla thường xuyên được nhắc nhở, huấn luyện, và có nhiều thủ tục an toàn mới phải tuân theo.
Một kỹ sư phần mềm nói rằng các nhà quản lý kỹ thuật làm việc trong dây chuyền sản xuất là "những con người tận tâm", luôn quan tâm sâu sắc đến các công nhân và luôn tìm những cách thức để cải thiện quy trình.
Ví dụ, dây chuyền sản xuất Model 3 mới nhất hiện nay được trang bị những điều chỉnh hợp lý về mặt công thái học. Các nhân viên có thể mang những bộ đồ cảm biến để theo dõi chuyển động của họ nhằm giảm thiểu các chấn thương stress tái diễn. Các trạm làm việc có thể nâng lên hay di chuyển để phù hợp với công nhân - Crystal Spate, một nhà quản lý sản xuất Model 3 nói.
Công ty đã thuê 6 huấn luyện viên thể thao để giúp các công nhân thường xuyên than phiền về đau nhức trên cơ thể, hướng dẫn họ các tập luyện, cách sử dụng các loại băng thể thao, và nhiều thứ khác nữa - Kirschner nói.
Dù vậy, một số công nhân cổ cồn xanh khẳng định họ đã chứng kiến nhiều tai nạn trong thời gian làm việc tại đây, hay bản thân họ cũng bị tai nạn, từ nhỏ nhặt đến nghiêm trọng. Phillips, một trong số các nhân viên đang thúc đẩy hoạt động thành lập công đoàn, nói rằng trong 4 năm làm việc tại đây, anh đã chứng kiến khoảng 4 vụ tai nạn.
Có một số bằng chứng cho thấy khẳng định của anh là đúng. Một bản báo cáo từ Sở Cảnh sát Fremont cho thấy có hơn 300 cuộc gọi đến 911 được thực hiện từ nhà máy Fremont trong thời gian từ tháng 1/2016 đến tháng 3/2018 liên quan đến một loạt các vấn đề như xâm phạm tài sản và nguy cơ tự tử.
Trong số 300 cuộc gọi này, 11 vụ liên quan đến tai nạn và 6 vụ là các tai nạn với "chấn thương không rõ rệt".
Cũng trong thời gian đó, chỉ có 9 cuộc gọi đến 911 - bao gồm các cuộc gọi liên quan đến tai nạn và một vụ cháy - tại nhà máy rộng 400.000 m2, với 1.200 nhân viên của General Motor ở Lake Orion, Michigan, nơi đang sản xuất xe hơi điện Chevy Bolt EV. Những nhà máy này không giống nhau, do đó có nhiều lý do dẫn đến sự khác biệt trong số lượng cuộc gọi đến 911 giữa hai nhà máy.
Nhiều người cho biết họ tin một lý do gây ra tiếng xấu này cho Tesla là bởi hãng thuê rất nhiều công nhân chưa có kinh nghiệm làm việc trong nhà máy và huấn luyện họ ngay trong công ty. Công nhân tại đây có xuất phát điểm đa dạng, từ dân xây dựng đến tài chính gia đình.
Các nhân viên nói rằng sở hữu một lực lượng lao động như vậy giúp Tesla có những ý tưởng sáng tạo hơn, nhưng đồng thời cũng có những hạn chế.
"Nhìn chung, mọi nhà máy đều có một chút nguy hiểm, đặc biệt nếu bạn sở hữu một lực lượng lao động không quen với bối cảnh sản xuất và bạn thu nhận những người từng làm ở McDonald hay Starbucks" - Kirschner nói. Đó là lý do Tesla buộc họ phải tuân thủ chặt chẽ các quy trình an toàn.
Nếu một biến cố xảy ra, các nhân viên công ty được hướng dẫn phải gọi cho an ninh nội bộ và chờ người đến giải quyết. Các nhân viên an ninh sẽ thực hiện sơ cứu nếu cần thiết, hoặc chuyển người bị thương đến phòng y tế của công ty. Nhân viên y tế lúc này có thể sẽ gọi 911.
Phần khó chịu nhất đối với Phillips là "dù có chuyện gì đang xảy ra với các công nhân, thì dây chuyền vẫn tiếp tục hoạt động".
Dù dây chuyền sản xuất của Tesla, mỗi khi có biến cố, luôn ngừng lại để cách ly người công nhân khỏi nguy hiểm và gọi trợ giúp y tế, nhưng nó sẽ trở lại làm việc ngay sau đó. Tại nhiều công ty khác, nếu một vụ tai nạn đủ nghiêm trọng xảy ra, các công nhân chứng kiến vụ việc có thể được cho về nhà nghỉ ngơi. Phillips quả quyết rằng: "Vì chẳng ai còn tâm trí tập trung cho công việc khi họ thấy một thứ kinh khủng như vậy xảy ra với đồng nghiệp được".
Dù những nhân viên vui vẻ nhất của Tesla yêu công ty như gia đình thứ hai của họ, không phải ai cũng có cảm nhận như thế. Tesla đang đối mặt với nhiều vụ kiện liên quan vi phạm an toàn lao động, quấy rối...đến từ các nhân viên. Công ty phủ nhận tính pháp lý của các vụ kiện đó, và cáo buộc ngược lại những người đâm đơn kiện cũng như những tình hình được đề cập đến trong các đơn kiện đó.
Trong khi đó, hai nhân viên của Gigafactory đang tìm cách đăng ký để trở thành người tuồn tin cho SEC, một trong hai người đang bị Tesla kiện vì hack vào hệ thống của công ty. Và một số nhân viên, như Galescu và Phillips, thì đang cố để thành lập công đoàn.
Nếu mọi thứ không theo kế hoạch Tesla đã đề ra, hãng có thể bị tòa án hoặc những tổ chức có ảnh hưởng ở bên ngoài cưỡng chế đưa ra các thay đổi.
Những người từng làm việc thân cận với Musk nói rằng công ty không nên bị phủ đầu như vậy. Giải pháp có lẽ đơn giản hơn: Musk sẽ vẫn là một chiến lược gia có tầm nhìn của công ty, nhưng phải bổ nhiệm một vị COO (giám đốc điều hành) có năng lực để quản lý mọi hoạt động thường ngày, như Gwynne Shotwell ở SpaceX.
"SpaceX có Gwyn - Tesla thì chưa bao giờ có một COO" - một cựu Phó Chủ tịch nói. Musk "chưa bao giờ có thể từ bỏ quyền kiểm soát". Do đó, ông ấy đang làm điều mà mình rất nổi tiếng: "Ông ấy quản lý theo kiểu vi mô".
Tìm kiếm một COO có thể làm tốt công việc mà không can thiệp vào việc của Musk và bị sa thải sẽ không thể xảy ra trừ khi Musk tự mình nhìn nhận ra sự việc.
Cũng như các công ty khác do Musk sáng lập, Ban giám đốc của Tesla gồm toàn những người trung thành với Musk, trong đó có anh trai ông là Kimbal Musk, người bạn lâu năm, quản lý tài chính, nhà đầu tư mạo hiểm Steve Jurvetson, và nhà đầu tư ban đầu của Tesla là Antonio Gracias. Tesla cho biết hai người cuối và phần còn lại của Ban giám đốc kiêm vai trò các giám đốc độc lập, theo quy định của NASDAQ. Nhưng cả hai người bọn họ còn đầu tư vào các công ty khác của Musk như SpaceX và SolarCity.
Sau biến cố tweet "funding secured", Ban quản trị có lẽ càng có động lực để tìm kiếm một nhân vật số 2, dù Musk có đồng ý hay không.
Như một kỹ sư cơ khí đã nói về Musk và Tesla: "Tôi tôn trọng ông ấy, nhưng tôi nghĩ điều tốt nhất ông có thể làm là từ chức CEO và trở thành một nhà sáng tạo. Nhưng ông ấy vẫn cứ xem Tesla là một startup".
Và với 40.000 nhân viên, chắc chắn Tesla không phải là một startup. "Tôi rất tiếc. Công ty phải trưởng thành rồi" - kỹ sư này nói thêm - "Nó phải trở thành một công ty".
Đối với những người cống hiến mọi sức lực của mình cho sứ mệnh của công ty, họ nói rằng công sức, mồ hôi, và nước mắt là hoàn toàn xứng đáng.
"Tesla đang làm những thứ không nhiều người dám làm. Chúng tôi chấp nhận những thách thức bởi chúng tôi muốn tăng tốc đưa thế giới vào kỷ nguyên năng lượng bền vững", Jennifer Lew, một nhà quản lý sản xuất robot tại Fremont nói. "Nếu bạn đang suy nghĩ về việc gia nhập Tesla và sẵn sàng để làm việc hăng say, tôi khẳng định đó thực sự là một trải nghiệm tuyệt vời. Còn những thách thức nhằm tăng cường hoạt động sản xuất? Tôi không thể làm điều đó ở bất kỳ chỗ nào khác".
Tham khảo: BusinessInsider
Trí thức trẻ