Những “cạm bẫy” trước ngưỡng cửa đại học tân sinh viên nhất định phải biết
Mong muốn có được công việc làm thêm nhanh chóng mà không ít bạn sinh viên bị lợi dụng, lừa đảo hết sức tinh vi. Chính vì thế mà các bạn cần đủ tỉnh táo và trang bị kiến thức để tránh được những cạm bẫy có thể hủy hoại cả tương lai.
- 28-08-2017Sống nhanh, sống gấp người Việt chưa giàu đã... già
- 28-08-2017Cuốn sách 259 năm tuổi bất cứ CEO nào cũng nên đọc
- 28-08-201710 câu này, người làm con đừng bao giờ nói ra với bố mẹ dù là "lỡ miệng"!
Nhận được thông tin đỗ đại học tân sinh viên nào cũng vui mừng, hạnh phúc vì tương lai sẽ được bước sang một trang mới nhiều cơ hội, đồng thời cũng nhiều thách thức hơn trong cả việc học tập lẫn cuộc sống sinh hoạt. Với những tân sinh viên may mắn sinh ra trong gia đình khá giả, có lẽ họ sẽ được hưởng thụ những điều kiện tốt nhất trong suốt tháng ngày ngồi trên giảng đường đại học. Nhưng với tân sinh viên có hoàn cảnh gia đình nghèo khó thì lại phải canh cánh nỗi lo cơm áo gạo tiền. Làm thế nào để tìm việc làm thêm giúp đỡ, sẻ san gánh nặng học phí cùng gia đình.
Lẽ tất nhiên, chẳng dễ dàng gì để có thể kiếm được những đồng tiền thấm đẫm mồ hôi, nước mắt. Không được bao bọc bởi bàn tay của cha mẹ, các bạn sinh viên sẽ dễ dàng rơi vào những cạm bẫy lừa lọc nơi đất khách quê người. Hậu quả để lại cũng vô cùng nghiêm trọng. Nó có thể khiến các tân sinh viên học hành sa sút, thiệt hại về kinh tế hoặc rơi vào tình trạng suy sụp tâm lý, ảnh hưởng nhiều tới cuộc sống....
Cái bẫy mang tên đa cấp
Một chiêu trò đã trở nên quá phổ biến ở Hà Nội và các thành phố lớn khác, đó là bán hàng đa cấp. Mặc dù đã được cảnh báo bằng nhiều hình thức, song cho đến hiện tại thì vẫn có vô số tân sinh viên trở thành con mồi béo bở cho những tên lừa đảo. Chúng lợi dụng lòng tin của các tân sinh viên, dụ dỗ các bạn trẻ tham gia vào mạng lưới bán hàng đa cấp kiếm hàng trăm triệu mỗi tháng “dễ như trở bàn tay”.
Những công ty đa cấp mở ra cho các bạn một viễn cảnh tươi đẹp đúng chuẩn việc nhẹ lương cao. Tất cả những gì bạn cần phải làm chỉ là đóng một khoản tiền cổ phần hoặc mua sản phẩm của công ty để bán lại cho những khách hàng khác. Và sau một thời gian ngắn ngủi, bạn sẽ nhận được hoa hồng cao gấp trăm lần so với số tiền ban đầu đã bỏ ra. Nếu lôi kéo được càng nhiều người tham gia vào cùng mạng lưới khách hàng thì càng có nhiều tiền.
Những công ty đa cấp úp dưới bóng hội thảo kỹ năng mềm cho sinh viên, hướng dẫn cách làm giàu nhanh chóng. (Ảnh minh họa).
Tất nhiên đó chỉ là lời nói suông và chiêu trò lừa đảo của những công ty bán hàng đa cấp. Một khi đã bị cuốn vào vòng xoáy này thì khó thể thoát ra được, thậm chí các bạn buộc phải lôi kéo thêm nhiều nạn nhân khác. Và cứ thế, tiền thì chẳng thấy đâu mà chỉ thấy nhiều bạn sinh viên bỏ học triền miên để tham gia vào “lớp dạy lãnh đạo” của chúng. Có rất nhiều bạn đã mất tất cả khi theo đuổi con đường làm giàu “siêu tốc” này.
Đáng thương hơn có những sinh viên trót lầm lỡ lấy hết tiền đóng học phí mà gia đình gửi cho, vay mượn bạn bè hay thậm chí là thế chấp cả xe cộ và máy tính để góp cổ phần vào công ty đa cấp. Nhưng những gì các bạn nhận được lại là những ánh mắt e ngại, đầy tính đề phòng của những người xung quanh, tình trạng học tập sa sút hoặc bị đuổi học vì nghỉ quá nhiều.
Bởi vậy các bạn nên cảnh giác tuyệt đối với các lời mời chào tham gia hội thảo bán hàng, hội nghị kỹ năng mềm, cách làm giàu nhanh chóng… bởi đây chính là cái bẫy chúng giăng ra khiến bạn dễ dàng sập bẫy, đi theo con đường đa cấp.
Nói không với cầm cố thẻ sinh viên, giấy chứng minh thư
Chẳng may rơi hoàn cảnh túng thiếu tạm thời, các bạn sinh viên cũng dễ dàng nghe theo lời chào mời cầm cố những vật dụng tưởng như chẳng có giá trị gì. Cụ thể nhất chính là thẻ sinh viên và chứng minh thư đổi lấy một khoản tiền trang trải chi phí sinh hoạt. Đây là việc làm vô cùng nguy hiểm vì bạn có thể sẽ phải đối mặt với xã hội đen, đầu gấu và dễ dàng rơi vào cạm bẫy của những tệ nạn xã hội.
Đầu tháng “vung tay quá chán”, cuối tháng cạn tiền
Lối chi tiêu dồn dập vào đầu tháng nhưng đến cuối tháng lại chẳng còn đồng nào là tình trạng phố biến của hầu hết các bạn sinh viên. Cuộc sống tập tành tự lập có quá nhiều cám dỗ khiến các bạn sinh viên dễ dàng mạnh tay chi tiền từ mua sắm cho đến ăn uống, vui chơi, giải trí…. Cứ như vậy thì chưa đầy nửa tháng bạn đã hết tiền, phải gọi cho bố mẹ xin thêm, vay mượn bạn bè hoặc lại lao đầu vào những công việc làm thêm.
Muốn tránh tình trạng tiêu sài hoang phí vào những thứ chưa thật sự cần thiết trong hoàn cảnh kinh tế eo hẹp thì các bạn nên lập kế hoạch chi tiêu ngay từ đầu tháng, liệt kê danh sách những khoản thu chi hàng ngày để kiểm soát được tình hình tài chính cá nhân.
Tránh xa tệ nạn xã hội
Xa gia đình cũng đồng nghĩa với việc không có ai quản thúc, nếu bạn không làm chủ được mình thì sẽ dễ dàng bị kéo tuột xuống những cái hố tệ nạn. Đơn giản nhất là trường hợp nghiện game đến quên ăn, quên ngủ và bỏ cả học để ôm cái máy tính cả ngày, bị rủ rê lôi kéo vào con đường lô đề, cờ bạc….Tất nhiên, hệ quả là tình trạng học hành ngày càng sa sút, chưa kể sức khỏe và tâm sinh lý cũng sẽ bị ảnh hưởng xấu.
Lời cảnh tỉnh với những công việc làm thêm quá dễ dàng
Ảnh minh họa.
Có một thực tế rằng, đa phần sinh viên đều tìm kiếm công việc làm thêm từ các trang mạng, rồi những tờ rơi quảng cáo về công việc nhẹ nhàng nhưng mức lương hấp dẫn. Điều đặc biệt ở những công việc đó là chỉ tuyển dụng sinh viên năm nhất hoặc năm hai, làm 2 – 3 giờ/ngày thoải mái mà kiếm được vài trăm nghìn. Tại sao vậy?
Thông thường những sinh viên năm đầu vẫn chưa có kinh nghiệm và chưa từng trải nên chúng sẽ dễ dàng lừa lọc tiền đặt cọc hoặc bóc lột sức lao động của bạn. Nên nhớ rằng ở đời không ai cho không ai thứ gì. Bạn sẽ được trả công xứng đáng cho những gì bản thân làm được. Đừng vội vàng tin vào những lời dụ dỗ làm công việc nhẹ nhàng như gấp phong bì để rồi bị lừa đảo trắng trợn mất tất cả tài sản.
Ngay cả những công việc rất tri thức như gia sư cũng cần phải chọn lọc kĩ lưỡng nơi uy tín, tin cậy. Bởi ngày càng có nhiều trung tâm môi giới gia sư “ma” mọc lên như nấm nhằm mục đích “bòn rút” những đồng lương ít ỏi của các bạn sinh viên đi gia sư. Hơn nữa, còn có vô số trường hợp sinh viên bị quỵt sạch tiền đặt cọc mà không thể đòi lại được.
Ngoài ra còn có vô số chiêu trò lừa đảo khác mà tân sinh viên cũng phải hết sức cẩn thận như móc túi, giả làm người thân để cướp tài sản, lừa mua đồ giá rẻ… Đề phòng những cạm bẫy ở chốn thành thị đông người thì trước hết các bạn sinh viên phải tự cảnh giác, cẩn thận mọi lúc, mọi nơi. Tránh tiếp xúc quá thân cận với người xa lạ, người có dấu hiệu khả nghi, không đứng đắn và đặc biệt là xây dựng lối sống lành mạnh, tránh xa các tệ nạn và thú vui chơi giải trí không phù hợp.