Những căn hộ ‘chống động đất’ đổ sập như domino trong thảm hoạ thế kỷ ở Thổ Nhĩ Kỳ
Con phố ở Antakya, Thổ Nhĩ Kỳ bị phá hủy, do hậu quả của trận động đất hôm 6/2. Ảnh: Reuters
Nhiều cư dân của một khu chung cư hạng sang ở miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ vẫn nghĩ rằng căn hộ của họ có thể “chống động đất”, cho đến khi những công trình này đổ sập như domino trong thảm hoạ thế kỷ diễn ra vào rạng sáng 6/2.
Những căn hộ “chống động đất”
Giờ đây, đống đổ nát của khu chung cư Ronesans Rezidans (Dinh thự thời Phục hưng) – nơi được quảng cáo là “mảnh đất thiên đường” khi mở cửa cách đây một thập kỷ - đã trở thành tâm điểm phẫn nộ của công chúng. Nhiều người sống sót đứng bên đống đổ nát của khu chung cư này đang ngóng chờ tin tức của người thân, khi hy vọng sống sót đang dần tan biến.
“Anh trai tôi đã sống ở đây 10 năm. Khu chung cư này vẫn luôn được quảng cáo sẽ an toàn trước động đất, nhưng bạn có thể thấy kết quả hiện nay. Nơi đây từng được giới thiệu là khu dân cư đẹp nhất thế giới. Còn giờ đây nó đang trong tình trạng tồi tệ. Chúng tôi chẳng thấy xi-măng hay sắt thép đặc biệt nào trong đống đổ nát kia. Khung cảnh thực sự giống như địa ngục”, anh Hamza Alpaslan, người bán đồ kim hoàn 47 tuổi, cho biết.
Mười một ngày sau trận động đất huỷ diệt – khiến ít nhất 43.000 người thiệt mạng, hàng triệu người mất nhà cửa ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria – làn sóng phẫn nộ đang bùng lên khi nhiều người Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng đây chính là hậu quả của nạn tham nhũng trong xây dựng và phát triển đô thị cẩu thả.
Nhà thờ Hồi giáo Ulu Cami bị hư hại sau trận động đất chết người ở Adiyaman, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Reuters
Bộ Đô thị hóa Thổ Nhĩ Kỳ ước tính có 84.700 tòa nhà đã đổ sập hoặc hư hại nghiêm trọng.
Trong khi khu chung cư Ronesans Rezidans đã đổ sập như giấy, một số tòa nhà cũ hơn gần khu nhà vẫn trụ vững kiên cố.
“Chúng tôi thuê nơi này vì đây là nơi sinh sống dành cho giới thượng lưu, với hy vọng đây là nơi an toàn”, bà Sevil Karaabduloglu, người có hai con gái đang bị chôn vùi dưới đống đổ nát, cho biết.
Christian Atsu, cầu thủ bóng đá quốc tế người Ghana, từng chơi cho câu lạc bộ Hatayspor, đang mất tích cũng được cho là sống trong khu chung cư này.
Hàng chục người dân tại thành phố Hatay, nơi có khu chung cư Ronesans Rezidans, nói với Reuters rằng nhà thầu xây dựng đã sử dụng vật liệu rẻ tiền, không phù hợp với cấu trúc. Trong khi đó, chính quyền không có biện pháp nghiêm ngặt để xử lý các công trình xây dựng tiêu chuẩn thấp.
Theo hãng thông tấn quốc gia Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ, chủ thầu xây dựng khu chung cư Mehmet Yasar Coskun đã bị bắt tại sân bay Istanbul khi ông chuẩn bị lên máy bay tới Montenegro vào tối hôm 10/2.
Theo các tài liệu do Anadolu thu thập từ tòa án, ông Kubra Kalkan Colakoglu, luật sư của chủ thầu Coskun nói với các công tố viên: “Người dân đang tìm thủ phạm chính trong vụ việc này. Và thân chủ của tôi bị cáo buộc là thủ phạm”. Tuy nhiên, ông Coskun phủ nhận mọi hành vi sai trái. Theo Anadolu, ông Coskun nói với các công tố viên rằng tòa nhà rất kiên cố và có đủ các giấy phép cần thiết.
Cơn sốt xây dựng
Các thành viên đội cứu hộ và phá dỡ làm việc tại khu chung cư Renaissance Residence sau trận động đất. Ảnh: Reuters
Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sẽ điều tra các vụ sập tòa nhà. Cho đến nay, giới chức đang điều tra 246 nghi phạm, bao gồm các chủ thầu, 27 người trong số họ đang bị cảnh sát giam giữ.
“Sẽ không có đống đổ nát nào được dọn sạch nếu chưa thu thập đủ bằng chứng. Tất cả những người có trách nhiệm trong việc xây dựng, thanh tra và sử dụng các tòa nhà đang được điều tra”, Bộ trưởng Tư pháp Bekir Bozdag tuyên bố.
Đảng Công lý và Phát triển – do Tổng thống Tayyip Erdogan cầm quyền - đã rất chú trọng đến lĩnh vực xây dựng. Điều này đã giúp thúc đẩy tăng trưởng trong suốt hai thập kỷ cầm quyền của ông, dù lĩnh vực này đã bị ảnh hưởng đáng kể trong 5 năm qua khi nền kinh tế gặp khó khăn.
Tuy nhiên, các đảng đối lập cáo buộc chính phủ không thực thi các quy định về xây dựng và chi tiêu sai mục đích các khoản thuế đặc biệt từ trận động đất lớn gần đây nhất xảy ra hồi năm 1999, để giúp các tòa nhà có khả năng chống chịu động đất tốt hơn. Tổng thống Erdogan đã bác bỏ cáo buộc này.
Chỉ trong vòng 10 năm, Thổ Nhĩ Kỳ đã tụt 47 bậc trong Chỉ số Nhận thức Tham nhũng của Tổ chức Minh bạch Quốc tế - từ vị trí 54/174 năm 2012 xuống vị trí 101/174 quốc gia năm 2022.
Các tòa nhà chịu lực bên cạnh đống đổ nát sau trận động đất ở Antakya, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Reuters
Trong khi đó, người dân địa phương và các nhà hoạt động cho biết các tài liệu quan trọng liên quan đến an toàn và kiểm soát chất lượng các khu chung cư đã bị chôn vùi dưới đống đổ nát khi một toà nhà của chính phủ đã bị hư hại trong động đất. Toà nhà này chỉ cách khu chung cư Renaissance Residence 3 km.
Ông Omer Mese, luật sư tại Istanbul, cho biết ông đã canh chừng đống đổ nát và đang cố gắng cứu vãn những gì có thể là bằng chứng quan trọng, mặc dù một số tài liệu đã bị phá hủy khi những người vô gia cư tìm củi để sưởi ấm trong đống đổ nát.
“Có rất nhiều tài liệu chính thức có chữ ký gốc. Điều cần thiết là phải lưu trữ và bảo vệ chúng, để những người chịu trách nhiệm về thảm họa này có thể bị đưa ra trước công lý", ông nói và cho biết thêm các tài liệu bao gồm dữ liệu về bê tông và khả năng chống động đất.
Bộ Đô thị hóa cho biết các tài liệu này sẽ được chuyển đến kho lưu trữ của bộ trong thành phố và được lưu trữ số hoá.
“Ân xá” xây dựng
Luật sư Omer Mese tìm kiếm tài liệu báo cáo xây dựng trong đống đổ nát của tòa nhà chính phủ. Ảnh: Reuters
Các quan chức cho biết khoảng 50% trong tổng số 20 triệu tòa nhà ở Thổ Nhĩ Kỳ được xây dựng trái với quy định.
Năm 2018, chính phủ đã đưa ra thuật ngữ “ân xá quy hoạch” để hợp pháp hóa các công trình xây dựng chưa đăng ký. Các kỹ sư và kiến trúc sư cảnh báo các toà nhà này có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
Khoảng 10 triệu người đã nộp đơn xin ân xá và 1,8 triệu đơn đã được chấp thuận. Sau đó, chủ thầu sẽ nộp tiền để đăng ký, sau đó phải chịu nhiều loại thuế và phí khác nhau.
Chính phủ cho biết cần phải loại bỏ những bất đồng giữa nhà nước và công dân và hợp pháp hóa các công trình.
“Thật không may, việc phân vùng ân xá ở Thổ Nhĩ Kỳ bằng cách nào đó được coi như ban phước lành công cộng. Xã hội đã sinh tồn bằng cách coi việc trì hoãn điều gì đó là lợi thế, nhưng cuối cùng chúng ta lại bị nghiền nát bởi hậu quả của điều đó. Đó chính là vấn đề”, ông Mese nói.
Báo Tin Tức