MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những câu chuyện ám ảnh của vị bác sĩ Nam khoa trong suốt 12 năm gắn bó với nghề chữa bệnh "nhạy cảm"

21-12-2020 - 10:34 AM | Sống

Những câu chuyện ám ảnh của vị bác sĩ Nam khoa trong suốt 12 năm gắn bó với nghề chữa bệnh "nhạy cảm"

Nhiều năm hành nghề trong lĩnh vực Nam khoa, vị bác sĩ chứng kiến những câu chuyện đau lòng khi bệnh nhân bị lừa vào phòng khám Trung Quốc, bị chính cha mẹ ruột đòi giết vì không chấp nhận giới tính của con…

ThS.BS. CKII Trà Anh Duy tốt nghiệp bác sĩ nội trú khoa Tiết Niệu năm 2010 và từng giành được học bổng tu nghiệp Tiết niệu Châu Á tại Singapore, học bổng về tạo hình Niệu đạo và bộ phận Sinh dục nam giới tại trường đại học danh tiếng UCI, Hoa Kỳ.

12 năm công tác tại Bệnh viện (BV) Bình Dân TP.HCM cũng như có khoảng thời gian dài thăm khám và điều trị Nam khoa, bác sĩ Duy Anh đã chứng kiến nhiều cảnh đời, nỗi niềm riêng của đấng mày râu.

Những câu chuyện ám ảnh của vị bác sĩ Nam khoa trong suốt 12 năm gắn bó với nghề chữa bệnh nhạy cảm - Ảnh 1.

ThS.BS CKII Trà Anh Duy.

Những câu chuyện mà anh tâm sự sau đây như nhật ký của quá trình hành nghề, để anh quyết tâm theo đuổi và âm thầm thực hiện mơ ước của mình trong việc giúp đỡ bệnh nhân.

Xin phép được trích nguyên văn lời của bác sĩ Trà Anh Duy trong cuộc trò chuyện với chúng tôi:

Mẹ già cầm cố đất đai, khóc ngất vì con bị phòng khám Trung Quốc "vẽ bệnh moi tiền"

Tôi vẫn còn nhớ như in một cậu bé 19 tuổi năm ấy, gia đình ở quê, lên đất Sài gòn đi làm mướn.

Một ngày nọ, em bị tiểu gắt tiểu buốt, một bệnh lý nhiễm trùng tiểu thông thường và rất dễ điều trị.

Nhưng chính vì tuổi trẻ nên em chưa hiểu mọi việc xảy đến với mình. Em rơi vào chính những phòng khám "lạ" Trung Quốc. Và em bị hù dọa bao nhiêu bệnh nặng tưởng chừng như sắp chết tới nơi nếu không chạy chữa kịp. Nào là viêm tuyến tiền liệt, phải cắt bao quy đầu nếu không sẽ bị ung thư, phải súc rửa cặn lắng chất độc trong cơ quan sinh dục ra và bị hét giá tới cả trăm triệu.

Họ cứ gọi điện liên tục thúc ép phải chữa sớm. Em hốt hoảng và liên hệ về gia đình.

Người mẹ già làm lụng bao năm vất vả giờ đây phải cầm cố đất và vay mượn tiền để chạy chữa cho con.

Và rồi lúc đó, trước mặt tôi là hình ảnh cậu bé với gương mặt thất thần bên cạnh người mẹ khắc khổ, run run cầm cuốn sổ khám bệnh đã bị "vẽ vời" đủ thứ bệnh. Bọc thuốc họ kê cho em mà khi tôi xem chủ yếu là những viên vitamin C.

Những câu chuyện ám ảnh của vị bác sĩ Nam khoa trong suốt 12 năm gắn bó với nghề chữa bệnh nhạy cảm - Ảnh 2.
Những câu chuyện ám ảnh của vị bác sĩ Nam khoa trong suốt 12 năm gắn bó với nghề chữa bệnh nhạy cảm - Ảnh 3.

Bác sĩ Duy trong lần cứu chữa cho bệnh nhân bị sự cố "dở khóc dở cười" ở vùng kín.

Có lẽ trong tấm lòng người mẹ ấy chỉ muốn hỏi: "Con tôi có sao không bác sĩ?".

Sau khi giải thích tình trạng cậu bé không bị gì cả, 2 mẹ con vỡ òa ôm nhau khóc vì đã nợ nần chồng chất khi lỡ tin vào nơi bất lương.

Tôi cảm thấy buồn và uất hận khi thỉnh thoảng cứ gặp phải những trường hợp bị lừa đau đớn. Phòng khám Trung Quốc kiểu "vẽ bệnh moi tiền" cứ như vòi bạch tuộc, hết bị dẹp chỗ này thì lại mọc chỗ khác và biến tướng muôn hình vạn trạng. Lợi dụng vào hoàn cảnh "có bệnh vái tứ phương" của bệnh nhân kiếm tiền, trục lợi.

Những câu chuyện ám ảnh của vị bác sĩ Nam khoa trong suốt 12 năm gắn bó với nghề chữa bệnh nhạy cảm - Ảnh 4.

Bác sĩ Trà Anh Duy cho biết, anh cảm thấy buồn và uất hận khi thỉnh thoảng cứ gặp phải những trường hợp bị phòng khám Trung Quốc lừa đau đớn.

Bất lực nhìn đôi vợ chồng nghèo tật nguyền, hiếm muộn cầu con

Có lần, tôi khám hiếm muộn cho một anh chồng bị câm làm phụ hồ. Người vợ đi theo anh cũng lại bị dị tật ở 2 tay.

Đôi vợ chồng ấy dù cuộc sống kham khổ nhưng cũng đã cố gắng dành dụm để mong mỏi có một mụn con. Và họ đã chạy chữa khắp nơi, từ thuốc Nam, thuốc Bắc rồi tới thuốc Tây, từ các Lương y cho đến khắp các phòng khám, BV.

Thời điểm ấy, tôi cứ phân vân mãi về hướng điều trị. Mình cố gắng hết sức để hỗ trợ họ có con, nhưng liệu đứa trẻ sinh ra có bị dị tật như vậy hay không? Liệu nếu sống trong hoàn cảnh khó khăn với ba mẹ tật nguyền chạy ăn từng bữa có tốt cho đứa trẻ?

Có những điều ở chính thời điểm ấy, bản thân tôi cũng không thể quyết định được do nhiều yếu tố.

Rồi cuộc sống tất bật trôi qua, tôi không còn được gặp lại đôi vợ chồng ấy nữa. Tôi cũng không biết họ đã được ai khác hỗ trợ và đã có con chưa.

Những câu chuyện ám ảnh của vị bác sĩ Nam khoa trong suốt 12 năm gắn bó với nghề chữa bệnh nhạy cảm - Ảnh 5.

Bác sĩ Trà Anh Duy tư vấn sức khỏe sinh sản cho một cặp đôi.

Cặp vợ chồng ấy khiến tôi thấy rằng dường như những con người cùng khổ, cùng có những khiếm khuyết trên cơ thể thường tìm đến nhau để cùng nhau nương tựa, chia ngọt sẻ bùi.

Thời gian trôi qua, y học ngày càng phát triển và tiến bộ vượt bậc để có thể tầm soát những bệnh lý di truyền trước sinh khi còn là phôi thai.

Nếu có cơ hội, tôi sẽ cố gắng đồng hành cùng những đôi vợ chồng hiếm muộm có hoàn cảnh khó khăn trên con đường tìm một mụn con với chi phí hợp lý và an toàn...

"Bác sĩ chữa làm sao cho nó hết bệnh... thích con trai"

Trước mắt tôi ở phòng khám hôm đó là một đôi vợ chồng dẫn theo cậu con trai đang học cấp 3 với gương mặt tái nhợt thất thần.

Câu nói đầu tiên mà tôi nghe được từ họ là: "Bác sĩ chữa làm sao cho nó hết thích con trai, nếu không chắc tụi tui giết nó chết quá".

Một câu nói gây ám ảnh. Ám ảnh với cả cậu con trai và ngay cả với bác sĩ…

Tôi phải tách riêng cậu con trai ra để hỏi chuyện và thăm khám riêng. Cậu vừa cúi đầu vừa khóc vừa nói: "Con khỏe mạnh bình thường nhưng mà… con thích con trai. Ba mẹ biết được đánh con, nhốt con và đem tới đây!".

Còn về phần phụ huynh của cậu bé, họ cứ khẳng định con mình ẻo lả, yếu đuối, phát hiện nó thích một thằng trong trường. Họ nói không chịu được cái thứ bệnh hoạn này. Làm sao nhìn mặt gia đình nội ngoại, hàng xóm, đồng nghiệp…

Những câu chuyện ám ảnh của vị bác sĩ Nam khoa trong suốt 12 năm gắn bó với nghề chữa bệnh nhạy cảm - Ảnh 6.

Bác sĩ hướng dẫn nam giới cách chăm sóc sức khỏe, sinh lý.

Có lẽ thời gian ấy, cái định kiến xã hội về những người đồng tính còn quá lớn và nói rộng hơn là cộng đồng LGBT (đồng tính). Ngay chính những người cha người mẹ còn kỳ thị chính đứa con mình dứt ruột đẻ ra!

Và nhiệm vụ của tôi bây giờ là chữa bệnh… nhưng phải chữa cho cả gia đình.

Tôi phải chia sẻ, giải thích để cho đôi vợ chồng ấy thấu hiểu con mình.

Sau khi cho làm những xét nghiệm để chứng mình cậu bé bình thường về mặt thể chất, tôi cố gắng giải thích cho đôi vợ chồng ấy đồng tính không phải là bệnh!

Mình thương con thì hãy để cho con sống và phát triển bình thường như bao đứa trẻ khác. Quan trọng là con hiếu thảo và sống có ích cho xã hội. Đừng đẩy nó vô đường cùng…

Ước mơ của vị bác sĩ Nam khoa

Chính những câu chuyện ấy khiến tôi cứ mãi trăn trở với nghề, với những "mảnh đời bất hạnh".

Có người bất hạnh vì nghèo mà bị lừa tiền, có người bất hạnh vì tật nguyền hiếm muộn. Và có những người bất hạnh do chính cái định kiến xã hội tạo áp lực vô hình lên chính bản thân và gia đình họ…

Những câu chuyện ám ảnh của vị bác sĩ Nam khoa trong suốt 12 năm gắn bó với nghề chữa bệnh nhạy cảm - Ảnh 7.
Những câu chuyện ám ảnh của vị bác sĩ Nam khoa trong suốt 12 năm gắn bó với nghề chữa bệnh nhạy cảm - Ảnh 8.

Phòng khám dành cho nam giới của bác sĩ Trà Anh Duy thường xuyên hoạt động nhân đạo, phát cơm từ thiện cho người nghèo.

Sau bao nhiêu năm, tôi đã cố gắng hoàn thành mong ước bấy lâu bằng việc thành lập một cơ sở y tế dành riêng cho những mảnh đời bất hạnh ấy.

Đó phải là nơi chuyên chăm sóc miễn phí, giúp đỡ những chàng trai lỡ sa vào nơi tà đạo lừa đảo, là nơi luôn tiếp nhận những đôi vợ chồng hiếm muộn để tư vấn, hướng dẫn một cách tận tình, để làm sao giúp họ có một mụn con với một chi phí hợp lý nhất.

Những câu chuyện ám ảnh của vị bác sĩ Nam khoa trong suốt 12 năm gắn bó với nghề chữa bệnh nhạy cảm - Ảnh 9.

Anh tâm niệm hành nghề y là để cống hiến và mang lại ý nghĩa cho cuộc sống, giúp đời, giúp người.

Đó cũng là phòng khám luôn thân thiện, cởi mở, sẵn sàng trò chuyện, hỗ trợ tâm lý và cả những bệnh lý "khó nói" cho chính những bạn LGBT cũng như cả bậc phụ huynh của họ.

Và là nơi mà hàng tuần có một buổi khám bệnh miễn phí dành cho những đấng mày râu eo hẹp về kinh tế nhưng vẫn mong mỏi giữ gìn hạnh phúc gia đình.

Tôi may mắn được làm việc trong ngành Nam khoa này nhiều năm. Với tôi, hành nghề y là để cống hiến và mang lại ý nghĩa cho cuộc sống, giúp đời, giúp người.

Theo Hoàng Lê (ghi)

Trí thức trẻ

Trở lên trên