MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những câu chuyện đón Tết ở nước ngoài của người Viettel

"Cái người ở nước ngoài khi nhớ về quê hương sẽ nhớ bầu không khí vì họ có đi đâu chăng nữa, có mang theo được cái gì chăng nữa thì bầu không khí đó họ không thể đem theo…".

Tết nôn nao hay Tết ngậm ngùi?

"Mấy bữa nay bận quá, không có cái cảm giác nôn nao giống như ở Việt Nam mình. Ở Việt Nam cứ đi ra đường là mình thấy người ta nào là đi mua đồ trang trí, mua bao lì xì, mọi thứ nó xôn xao. Còn bên này dường như không khí rất bình thường".

Chị Mai Linh, công tác tại Lumitel – công ty con của Viettel, không khỏi chạnh lòng những ngày giáp Tết. Đây là năm đầu tiên chị Linh đón Tết xa nhà, tại đất nước Burundi ở châu Phi xa xôi. "Cái guồng công việc nó cứ quay quay quay thì mình cứ làm làm làm, không để ý tới Tết nữa".

Vốn là người thích đi hơn thích ở, cô gái trẻ Mai Linh tìm thấy niềm vui trong những trải nghiệm mới mẻ ở một đất nước xa lạ. Nhưng những ngày này, nhớ nhung là cảm xúc bao trùm hơn cả.

Từ Burundi đi xuống phía nam, tại một thị trường khác của Viettel là Mozambique, động từ "nhớ" có lẽ là từ duy nhất chị Bích Hạnh có thể tìm thấy trong tâm trí mình khi năm mới đang cận kề. "Chị ăn cái tết này là cái tết thứ 5 ở Mozambique rồi đấy. 5 năm đi thì 5 năm ăn Tết nước ngoài", chị nói.

"Nhớ nhà, nhớ nhà lắm, mấy ngày này nhớ nhà lắm", chị vừa cười vừa nói. Trong giọng cười có chút ngậm ngùi. Sự ngậm ngùi tự nhiên có chút gì đó nghẹn ngào khi được hỏi về cảm xúc những ngày này.

"Trời ơi! Mấy ngày này nhạy cảm lắm, xem mấy video về quảng cáo hoặc clip chuyện về quê ăn Tết đâm ra nó dễ xúc động lắm".

Gia đình chị Hạnh có thói quen họp mặt vào ngày mùng một, tất cả con cháu về nhà ông bà chúc Tết. Nhưng 8 giờ sáng ở Việt Nam thì đã là 1 giờ đêm ở Mozambique. Không chỉ khoảng cách không gian mà sự trái ngược của thời gian cũng khiến chị Hạnh khó đón Tết cùng gia đình, dù là qua màn hình điện thoại.

Gần Việt Nam hơn, tại Đông Timor, anh Trần Huy chuẩn bị đón cái Tết thứ 3 ở nước ngoài. Nhớ lại năm mới đầu tiên trên nước bạn, anh chia sẻ kỷ niệm gọi điện về nhà cho gia đình vào đêm giao thừa. "Mặc dù không khí nó cũng vui tươi, gọi về tự nhiên nước mắt lại chảy ra, khóc tu tu trong điện thoại. Mặc dù mình bảo "con không buồn" nhưng chẳng hiểu sao nước mắt cứ chảy ra", anh nói.

Không chỉ mình Huy, nhiều người công tác tại công ty anh đã 3 – 4 năm đều xúc động khi gọi cho gia đình trong thời khắc ấy.

Muôn kiểu gói bánh chưng

Dù sống xa quê hương, người Việt ở nước ngoài vẫn cố gắng chuẩn bị chu đáo cho cái Tết. Niềm vui khi mọi người cùng nhau làm cây nêu câu đối, tự tay nấu nướng, gói bánh chưng khiến không khí năm mới rộn ràng hơn.

Anh Huy kể Tập đoàn Viettel có gửi gạo, lá dong sang thị trường. Anh em cùng nhau gói bánh, luộc bánh và đàn hát. Ngoài ra, công ty Telemor của anh cũng tổ chức một gala Tết Việt Nam vừa tụ hợp cộng đồng người Việt, vừa giới thiệu văn hóa Việt Nam với người bản địa.

Tại Telemor, mọi người cùng nhau gói và luộc bánh. (Ảnh: Đặng Trần Huy)

"Timor là nước hơi nhỏ nên bên đây không có Đại sứ quán mà là Đại sứ bên Indonesia kiêm nhiệm. Công ty cũng xác định cố gắng trở thành Đại sứ quán bên này", anh Huy cười.

Ở châu Phi, nguyên liệu cho các món truyền thống lại càng khó kiếm. Nhưng cũng chính vì sự thiếu thốn này mà mọi người có cơ hội phát huy tính sáng tạo. Chị Hạnh kể công ty chị có một anh đầu bếp chuyên gói bánh chưng bằng lá chuối, vậy mà cũng đẹp và ngon chẳng kém gì bánh truyền thống. Có bánh chưng mà chị Hạnh nói thèm đồ Việt Nam lắm, nhất là thịt kho trứng và dưa kiệu miền Nam.

Những câu chuyện đón Tết ở nước ngoài của người Viettel - Ảnh 2.

Không khí Tết tại văn phòng công ty Movitel tại Mozambique. (Ảnh: Bích Hạnh)

Chị Linh cho biết hồi đầu khi Lumitel mới mở ở Burundi, Tập đoàn phải gửi cho hết các nguyên liệu từ gạo nếp, lá dong, khuôn gói bánh… để mọi người có thể ăn một cái Tết đầm ấm như ở nhà.

"Nhưng mà bây giờ thì đã phát hiện ra bên này họ cũng có lá dong giống mình. Khi mà cái ảnh làm bếp phát hiện ra có lá dong, dây lạt ý chang như mình thì rất là vui. Bây giờ có thể sử dụng nếp Trung Quốc vì người Trung Quốc có một cái siêu thị bên này, còn lá dong mình có thể tự tìm", chị hồ hởi nói.

Công ty của chị Linh còn mời cả người bản địa gói bánh cùng. Đêm 28 mọi người cùng thức trông nồi bánh, "sản phẩm của ai xấu đẹp ra sao cũng phải ăn hết", chị Linh cười nói.

Tuy vậy, chị Linh vẫn thèm đồ ăn ở nhà, thèm tất cả mọi thứ từ phở, bún riên, bún bò, bánh, mứt… "Tuần vừa rồi chị thèm ăn bún riêu kinh khủng. Nhưng chị phải đợi ai đó từ Việt Nam mang sang mắm tôm các thứ thì chị mới nấu được bún riêu".

Tết nhớ

 "Cảm giác mong mỏi nhiều thứ lắm. Nếu về nhà, mặc dù biết là mình cũng chẳng làm gì đặc biệt đâu nhưng anh chị em, con cháu, ông bà xúm xít thấy nó gần gũi. Ở bên đây thì hơi nhớ nhung một tí, mấy ngày tết mình thấy thiếu vắng á", chị Hạnh chia sẻ.

"Nhớ cha mẹ thôi, nhiều nhất vẫn là cha mẹ", chị Hạnh chẳng cần giải thích gì thêm về nỗi niềm ấy, vì tất cả niềm thương mến và mong mỏi chất chứa bao năm đã gói gọn trong tiếng nói khi thốt ra những câu từ đơn giản.

Năm ngoái, chị Hạnh vừa lập gia đình với anh Lãm cùng công ty, hai người đã bén duyên trên mảnh đất châu Phi xa xôi này. Vậy nên, Tết này cũng trở nên đặc biệt hơn vì chị đã có người kế bên chia sẻ.

Giống như chị Hạnh, chị Linh cũng đón năm mới cổ truyền lần đầu tiên với ông xã. Tuy vậy, nỗi nhớ mẹ vẫn không thể nguôi ngoai. Chị Linh kể hằng năm hai mẹ con chị thường bàn nhau xem nấu món gì, đi chợ sắm sửa cái gì rồi trang trí nhà cửa ra sao. Năm nay thiếu con gái, mẹ chị tính chẳng làm gì đặc biệt, không nấu bánh tét cũng chẳng làm mứt.

"Mẹ chị nói bây giờ mẹ xuống tinh thần vì không có một ai cùng mẹ đón Tết như thế, thành thử ra là nó hơi buồn", chị nói.

Cũng trong dịp Tết này, anh Huy lại nhớ vợ rất nhiều do chị nhà vẫn ở Việt Nam, chưa thể sang Timor cùng anh. Anh Huy mới cưới năm ngoái, tranh thủ lúc được nghỉ phép về nhà. Thậm chí, ngày dạm ngõ, chú rể chỉ xuất hiện qua video call. Yêu xa nhưng anh chị vẫn cố gắng quan tâm, tin tưởng để gìn giữ tình cảm cho nhau.

Cuối cùng, lời tâm sự của chị Linh hẳn cũng là nỗi niềm chung của nhiều người Việt ăn Tết xa nhà: "Cái người ở nước ngoài khi nhớ về quê hương sẽ nhớ bầu không khí tại vì họ có đi đâu chăng nữa, có mang theo được cái gì chăng nữa thì bầu không khí đó họ không thể đem theo…".

Lan Anh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên