Những cây cầu có một không hai ở Huế, cổ kính hay hiện đại đều 'đẹp rụng tim'
Cầu Trường Tiền, cầu Dã Viên, cầu Phú Xuân, cầu ngói Thanh Toàn, cầu Đập đá, cầu gỗ lim là những cây cầu đẹp, độc đáo, luôn là điểm check-in của du khách mỗi khi đến với cố đô Huế.
- 15-03-2022Cận cảnh biệt thự Pháp cổ trên đất vàng có thể được 'thần đèn' di dời ở Huế
- 11-03-2022Tại sao tuyến cao tốc hơn 11.000 tỉ đồng nối Đà Nẵng - Huế chưa thể thông xe?
- 02-03-2022Chân tướng “đại gia” từ Đà Nẵng ra Thừa Thiên - Huế để hát karaoke, ôm kiều nữ
Cầu Trường Tiền là cây cầu nổi tiếng nhất ở cố đô Huế, đến độ có người từng khẳng định rằng "nếu đến Huế mà chưa ghé thăm Trường Tiền một lần thì đó chưa phải là thăm Huế, mà chỉ tạt qua Huế mà thôi".
Cây cầu nổi tiếng này do thực dân Pháp xây dựng năm 1899 và hoàn thành năm 1900. Cầu dài 402.6 m, rộng 4.5 m và có 2 lề đường 2 bên, mỗi bên rộng 0,75 m. Trải qua thiên tai, chiến tranh, cầu nhiều lần bị sập nhưng rồi lại được sửa chữa, tu bổ. Mới đây nhất vào năm 2018, cầu được đầu tư 10 tỷ đồng để lắp hệ thống chiếu sáng.
Trải qua hơn 120 năm, cầu Trường Tiền không chỉ đóng vai trò kết nối giao thông mà còn trở thành một phần thân thương của xứ Huế. Nơi đây, du khách có thể ngắm nhìn những cô gái cố đô mặc áo dài trắng đi bộ hay đạp xe qua.
Cầu ngói Thanh Toàn là một trong những cây cầu gỗ đẹp, có lối kiến trúc "thượng gia, hạ kiều" (trên nhà, dưới cầu) hiếm hoi còn sót lại ở Việt Nam. Cầu được bà Trần Thị Đạo, vợ một vị quan lớn triều Lê Hiển Tông góp tiền xây dựng vào năm 1776.
Ngày nay, cây cầu cổ ở xã Thuỷ Thanh, thị xã Hương Thuỷ, tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành nơi tổ chức các hoạt động văn hoá nghệ thuật như lễ bài chòi, đua thuyền thu hút nhiều khách du lịch.
Cầu gỗ lim là cây cầu độc đáo chạy dọc sông Hương từ phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu qua cầu Trường Tiền, cầu Phú Xuân và kết thúc tại công viên Lý Tự Trọng. Cầu có chiều dài 450 m, rộng 4 m với tổng kinh phí xây dựng là 64 tỷ đồng.
Điểm độc đáo của cây cầu là sàn được lát bằng gỗ lim nhập khẩu chính ngạch từ Nam Phi. Từ khi đưa vào sử dụng năm 2019, cầu gỗ lim đã trở thành nơi vui chơi, tham quan, tổ chức nhiều hoạt động nghệ thuật và là điểm check-in hot hàng đầu cố đô Huế.
Cầu Đập Đá được xây dựng từ đầu thế kỷ 20 nhằm ngăn nước mặn từ biển xâm lấn ngược lên sông Hương, đổ ngược vào sông Như Ý. Trong hàng thế kỷ, Đập Đá là con đường độc đạo nối trung tâm thành phố Huế với Vỹ Dạ. Tuy kết cấu đơn giản nhưng với việc 2 bên đều là nước, phía sau là cầu Trường Tiền khiến nơi đây trở thành bối cảnh lý tưởng cho việc chụp ảnh.
Cầu Phú Xuân được xây dựng từ năm 1970 đến năm 1972 bởi hãng Eiffel của Pháp. Cầu dài 374,65m, rộng 17m, riêng lòng cầu rộng 12m, 2 bên đều có làn đường cho người đi bộ.
Kể từ khi hoàn thành, cầu Phú Xuân trở thành nơi đi dạo của người dân cố đô Huế. Đặc biệt vào buổi tối, khi lên đèn, cầu Phú Xuân trở nên lung linh huyền ảo.
Cầu Dã Viên được thông xe năm 2012 chạy song song với cầu đường sắt Bạch Hổ. Điểm đặc biệt nhất của cây cầu là có 6 lầu vọng cảnh để che nắng, che mưa cho du khách tham quan, thưởng ngoạn vẻ bình yên của dòng sông Hương thơ mộng.
Tổ Quốc