Những chiêu trò “rút ruột” ngân sách - Bài 2: Lợi dụng triệt để “lỗ hổng” pháp luật
Lợi dụng “lỗ hổng” pháp luật, nhiều đối tượng đã “móc ngoặc”, cấu kết với những quan chức bị tha hóa biến chất, nhằm “rút ruột” ngân sách gây thất thoát hàng nghìn tỉ đồng…
Như chúng tôi đã thông tin trong bài viết trước, phân tích từ thức tế các đại án tham nhũng những năm gần đây, theo các chuyên gia, các đối tượng đã sử dụng rất nhiều chiêu thức, thủ đoạn nhằm thực hiện các hành vi phạm tội của mình. Nhưng tựu chung lại, có 3 thủ đoạn điển hình mà các đối tượng này thường sử dụng.
Thứ nhất, các đối tượng cố tình bỏ qua quy định về thẩm định giá , không tổ chức đấu giá tài sản và không đấu thầu dự án… hòng biến tài sản công thành tư, làm thất thoát nghiêm trọng tài sản của Nhà nước. Thứ hai, cố tình làm ngơ để bỏ qua việc tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà thầu có năng lực; dự án được thực hiện khi chưa đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, yêu cầu thiết kế và báo cáo tiền khả thi; điều chỉnh dự án vượt thẩm quyền. Hoặc cố tình chỉ định thầu trái luật…
Và cuối cùng chính là sự lạm dụng quyền hành trong quản lý công quỹ ngân hàng, không làm tròn được chức trách, nhiệm vụ, thông đồng, cấu kết chỉ đạo thuộc cấp cấp dưới xuất quĩ chi sai nguyên tắc, lập chứng từ thu chi khống hàng nghìn tỷ đồng.
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, luật sư Đào Xuân Hùng - Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, xảy ra những sai phạm nghiêm trọng nêu trên, bên cạnh những nguyên nhân chủ quan, từ sự tha hóa từ lòng tham của những cán bộ, lãnh đạo… còn có nguyên nhân từ chính những kẽ hở của quy định của pháp luật.
Điển hình như lỗ hổng trong quy định về đấu thầu, chỉ định thầu… tạo điều kiện thuận lợi để cho các đối tượng lợi dụng móc ngoặc cấu kết tinh vi giữa doanh nghiệp với những quan chức có thẩm quyền nhằm gian lận trong đấu thầu, chỉ định thầu phục vụ cho động cơ trục lợi.
“Trước đây chúng ta chỉ chú ý đến việc giám sát tổ chức, cá nhân thực hiện thầu mà chưa tính đến việc phải giám sát cả chính cơ quan quản lý thầu. Khiến chính những người đại diện cho cơ quan có thẩm quyền lại rất dễ dàng bị thao túng, lợi dụng chức vụ quyền hạn để thực hiện những hành vi vi phạm hoạt động đấu thầu”, luật sư Đào Xuân Hùng nói.
Theo luật sư Hùng, điều này có thể nhận thấy rõ qua hàng loạt các vụ án tham nhũng liên quan đến đầu thầu mua sắm vật tư, thiết bị y ngành y tế, thiết bị ngành giáo dục… như vụ CDC Hà Nội, vụ thiết bị y tế Bệnh viện Bạch mai, vụ hoá chất xử lý nước thải tại Hà Nội…
Luật sư Đào Xuân Hùng cũng cho rằng, pháp luật không chỉ thiếu những quy định để giám sát cơ quan quản lý đấu thầu mà ngay cả những quy định về giám sát nhà thầu hiện nay còn nhiều bất cập. Bởi thực tế pháp luật đã có những quy định nhằm hạn chế việc nhà thầu “bán thầu”. Nhưng, vẫn tồn tại những quy định chưa chặt chẽ tạo điều kiện cho các đối tượng “ngụy trang” dưới các hình thức thầu chính, thầu phụ, thậm chí thầu phụ của thầu phụ… Điều này có thể thấy rõ qua hành vi chia nhỏ chuyển nhượng bán thầu thu phí trái quy định trong vụ Gang thép Thái Nguyên hay trong vụ án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi…
Các bị cáo trong vụ án đất vàng Bình Dương bị bán rẻ. Ảnh: C.H
Ở một khía cạnh khác, trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp sau khi nghiên cứu từ các vụ án tham nhũng liên quan đến quản lý sử dụng đất đai tài sản công trong thời gian qua, luật sư Nguyễn Đức Biên – Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại La (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, có vô số những bất cập, lỗ hỗng rất lớn của Luật Đất đai và các văn bản pháp luật liên quan đang ngày ngày, giờ giờ tiếp tay cho các nhóm lợi ích lợi dụng, thao túng, tự tung tự tác.
Luật sư Biên lấy dẫn chứng như, Luật Đất đai 2013 quy định, nhà nước trao quyền sử dụng đất bằng quyết định giao đất, quyết định cho thuê đất, quyết định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… Như vậy việc quyết định quyền sử dụng đất (là một quyền tài sản) bằng một quyết định hành chính, do một người là đại diện cơ quan hành chính nhà nước ban hành. Quy định như vậy có thể tạo ra cơ chế xin – cho, dễ nảy sinh tham nhũng.
Hay, Luật Đất đai chỉ quy định việc đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất chứ chưa quy định chặt chẽ, bắt buộc phải đấu giá đối với đất do doanh nghiệp đang quản lý, sử dụng khi chuyển mục đích sử dụng đất. Vì thế, rất nhiều địa phương tìm cách lách luật bằng cách cho thuê đất, lập dự án cho hoạt động thương mại dịch vụ, có thời hạn sử dụng đất là 50 năm, sau một hai năm cho phép sử dụng lâu dài, chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở, để tránh phải đấu giá đất. Đồng thời quy định về đối tượng được giao đất, cho thuê đất không qua đấu giá còn khá rộng, chưa cụ thể.
Ngoài ra, luật sư Nguyễn Đức Biên cũng cho rằng, còn những bất cập, thiếu minh bạch, thiếu quy định giám sát, kiểm tra quy trình thực hiện thẩm định, định giá không sát giá thị trường… là kẽ hở cho tiêu cực, gây thất thoát ngân sách Nhà nước khi chuyển quyền sử dụng đất từ doanh nghiệp Nhà nước sang doanh nghiệp tư nhân thông qua cổ phần hoá, đấu thầu, đấu giá, mua sắm công…
Điển hình như Điều 29 và Điều 42 Luật Giá 2012 cho thấy pháp luật đã trao quyền cho doanh nghiệp có chức năng thẩm định giá quá lớn: Được quyền cung cấp dịch vụ thẩm định giá và nhận thù lao dịch vụ thẩm định giá theo giá thỏa thuận với khách hàng đã ghi trong hợp đồng; và hoạt động theo nguyên tắc độc lập về chuyên môn nghiệp vụ và chỉ chịu trách nhiệm trước khách hàng về tính chính xác, trung thực, khách quan của kết quả thẩm định giá.
“Chính những lỗ hỗng nêu trên đã tiếp tay cho hàng loạt lãnh đạo chóp bu của nhiều tỉnh thành và các bộ ngành lợi dụng để thực hiện hành vi phạm tội, ký quyết định mua bán, chuyển nhượng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất… trái quy định gây thất thoát tài sản Nhà nước hàng nghìn tỉ đồng mà chúng ta có thể thấy qua loạt đại án đất đai như vụ Sabeco, vụ 8 - 12 Lê Duẩn, TP.HCM; hay vụ 43ha đất Bình Dương…”, Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại La nói.
Còn nữa…
Diễn đàn doanh nghiệp