MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những chính sách mới về bảo hiểm ảnh hưởng trực tiếp đến người dân có hiệu lực từ 12/2021

27-11-2021 - 14:31 PM | Xã hội

Những chính sách mới về bảo hiểm ảnh hưởng trực tiếp đến người dân có hiệu lực từ 12/2021

Ngân hàng phá sản, người gửi tiền được bảo hiểm đến 125 triệu đồng, điều chỉnh mức phí bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc... là chính sách mới về bảo hiểm ảnh hưởng trực tiếp đến người dân có hiệu lực từ 12/2021.

Quy định mới về giấy chứng nhận bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc

Nghị định 97/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 23/2018/NĐ-CP về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc có hiệu lực từ ngày 23/12/2021, trong đó quy định mới về giấy chứng nhận bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc.

Cụ thể, doanh nghiệp bảo hiểm phải cấp GCN bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc cho bên mua bảo hiểm. GCN bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc do doanh nghiệp bảo hiểm chủ động thiết kế và phải bao gồm các nội dung như sau:

- Tên, địa chỉ của doanh nghiệp bảo hiểm, bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm;

- Thuộc danh mục cơ sở (nêu rõ thuộc danh mục cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ nào theo quy định pháp luật về phòng cháy và chữa cháy);

- Địa chỉ tài sản được bảo hiểm;

- Tài sản được bảo hiểm;

- Số tiền bảo hiểm;

- Mức khấu trừ bảo hiểm;

- Thời hạn bảo hiểm;

- Tỷ lệ phí bảo hiểm, phí bảo hiểm;

- Tên, địa chỉ, số điện thoại đường dây nóng của doanh nghiệp bảo hiểm;

(Nội dung mới bổ sung)

+ Ngày, tháng, năm cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm.

Trường hợp cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử, doanh nghiệp bảo hiểm phải tuân thủ các quy định của Luật Giao dịch điện tử và các văn bản hướng dẫn thi hành;

Giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử phải tuân thủ đầy đủ các quy định hiện hành và phản ánh đầy đủ các nội dung quy định phía trên.

Bổ sung trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân có cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ

Tại Điều 15b Nghị định 23/2018/NĐ-CP (sửa đổi bởi Nghị định 97/2021/NĐ-CP ) quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân có cơ sở nguy hiểm về cháy nổ như sau:

Xác định hạng nguy hiểm cháy, nổ A, B, C, D, E của cơ sở sản xuất công nghiệp đối với cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ theo quy định của pháp luật phòng cháy và chữa cháy

Trước đây, chỉ có quy định về trách nhiệm của các bộ, cơ quan và doanh nghiệp bảo hiểm trong việc thực hiện quy định về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc.

Điều này có nghĩa là cơ quan, tổ chức và cá nhân có cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ theo quy định có trách nhiệm phải tự xếp hạng mức nguy hiểm cháy nổ.

Điều chỉnh về mức phí bảo hiểm cháy nổ

Đây là nội dung quy định tại Mục I Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 97/2021/NĐ-CP (thay thế Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 23/2018/NĐ-CP ) về mức phí bảo hiểm cháy nổ bắt buộc.

Cụ thể, thay đổi về mức phí bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc như sau:

Mức phí này được áp dụng đối với cơ quan, tổ chức và cá nhân có cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ theo quy định của pháp luật phòng cháy và chữa cháy.

Mức phí bảo hiểm được xác định bằng số tiền bảo hiểm tối thiểu nhân (x) tỷ lệ phí bảo hiểm.

Trong đó, tỷ lệ phí bảo hiểm/năm có một số thay đổi, đơn cử như:

- Rạp chiếu phim (điểm 5.2): 0,1% (hiện hành là 0,15% (điểm 3.2));

- Cơ sở sản xuất, kinh doanh, bảo quản, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp (khoản 14): 0,5% (hiện hành là 0,35% (khoản 12));

- Nhà máy nhiệt điện (điểm 17.1): 0,15% (hiện hành là 0,1% (điểm 15.1));

- Nhà máy thủy điện và một số nhà máy điện khác (điểm 17.2): 0,12% (hiện hành là,07%(điểm 15.2));

Đồng thời bổ sung một số cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ với tỷ lệ phí bảo hiểm/năm như sau:

- Công trình tàu điện ngầm (khoản 12): 0,1% và 0,12%;

- Đài kiểm soát không lưu (điểm 12.3): 0,08%;...

Người gửi tiền được bảo hiểm đến 125 triệu đồng nếu ngân hàng phá sản

Có hiệu lực từ ngày 12/12/2021, Quyết định 32/2021/QĐ-TTg quy định về hạn mức tiền bảo hiểm và thay thế Quyết định 21/2017/QĐ-TTg ,

Trong đó, nâng hạn mức trả tiền đối với bảo hiểm tiền gửi, cụ thể như sau:

Số tiền tối đa tổ chức bảo hiểm tiền gửi trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm theo quy định của Luật Bảo hiểm tiền gửi (gồm cả gốc và lãi) của một người tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm là 125.000.000 đồng (một trăm hai mươi lăm triệu đồng).

(So với trước đây, tăng hạn mức bảo hiểm tiền gửi từ 75.000.000 đồng lên 125.000.000 đồng)

Quy định này đã cập nhật hạn mức tiền gửi đúng với quy định tại Điều 24 Luật Bảo hiểm tiền gửi 2012 về việc cập nhật hạn mức qua các thời kỳ để phù hợp hơn với tình hình hiện nay.

Hồng Vân

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên