Những "chủ nợ" lớn nhất đang ồ ạt bán ra trái phiếu Mỹ
Dưới “thời đại” Donald Trump, các chủ nợ lớn nhất của nước Mỹ bỗng nhiên phải suy nghĩ lại về việc “tài trợ” cho Chính phủ Mỹ.
- 23-01-2017Trung Quốc và Nhật Bản mạnh tay bán trái phiếu Mỹ, Nga tích cực mua vào
- 01-06-2016Hòn đảo nhỏ bé này lại là chủ nợ lớn thứ 3 của Mỹ
Theo số liệu mới nhất được Bộ Tài chính Mỹ công bố, ở Nhật – nước hiện đang nắm giữ nhiều trái phiếu Mỹ nhất trên thế giới, trong tháng 12 vừa qua các nhà đầu tư đã bán ra lượng trái phiếu kho bạc Mỹ lớn nhất trong 4 năm trở lại đây. Điều đáng chú ý là trái phiếu Mỹ bị bán mạnh trong khi có rất ít lựa chọn khác đủ sức hấp dẫn.
Và không chỉ riêng Nhật Bản mà trên khắp thế giới, các nhà đầu tư nước ngoài đang bán ra lượng trái phiếu Mỹ nhiều nhất từ trước đến nay.
Từ Tokyo đến Bắc Kinh hay London đều có chung một hiện tượng: khá ít nhà đầu tư muốn bước vào thị trường trái phiếu Mỹ vốn có giá trị 13.900 tỷ USD ngay lập tức. Dù dự đoán dưới thời Donald Trump thâm hụt ngân sách của Mỹ cũng như lạm phát sẽ tăng hay Cục dự trữ liên bang sẽ nâng lãi suất, thị trường nợ an toàn nhất thế giới không được coi là một sự đảm bảo. Và sau đó là tính cách khó đoán của Tổng thống Trump. Tất cả những lý do này khiến “ở nhà” là lựa chọn dễ dàng, an toàn hơn.
Thay đổi trong lượng trái phiếu Mỹ mà các nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ theo từng năm. Nguồn: Bloomberg.
Theo Kenta Inoue, chiến lược gia đầu tư trái phiếu tại công ty chứng khoán Mitsubishi UFJ Morgan Stanley, năm 2017 người Nhật gặp khó khăn hơn khi đầu tư vào trái phiếu Mỹ và đồng USD bởi những sự thiếu chắc chắn về chính trị. Lợi suất trái phiếu kho bạc có thể nhanh chóng tăng lên trong tương lai gần, điều tiếp tục khiến nhà đầu tư không muốn mua vào.
Tất nhiên không ai có thể nói rằng tất cả các nhà đầu tư nước ngoài đều đang rời xa trái phiếu Mỹ. Thực tế là họ vẫn đang nắm giữ tổng cộng 5.940 tỷ USD, tương đương 43% tổng số nợ mà Chính phủ Mỹ phát hành (con số là 56% trong năm 2008).
Nhu cầu từ các nhà đầu tư Mỹ cũng có đủ khả năng bù đắp khoảng trống mà nhà đầu tư nước ngoài để lại và giúp thị trường ổn định. Kể từ khi chạm mốc 2,64% vào giữa tháng 12 năm ngoái, lợi suất trái phiếu Mỹ 10 năm đã giảm xuống và gần như không thay đổi kể từ đầu năm đến nay, hiện ở mức 2,43%.
Tuy nhiên, nếu nhu cầu từ nước ngoài liên tục giảm, khả năng tìm được nguồn vốn giá rẻ của Chính phủ Mỹ sẽ bị ảnh hưởng, đặc biệt khi xét đến các kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng, cắt giảm thuế và “đặt nước Mỹ lên trước tiên” đầy tham vọng của ông Trump. Tân Tổng thống cũng đã buộc tội các nước Nhật Bản và Trung Quốc (hiện là 2 chủ nợ lớn nhất của Mỹ) và Đức sử dụng chính sách phá giá đồng nội tệ để đạt được những lợi thế không công bằng trong thương mại.
Tháng 12 năm ngoái, số trái phiếu Mỹ mà các nhà đầu tư Nhật Bản nắm giữ đã giảm 21,3 tỷ USD sau khi đã giảm trong tháng 11. Mặc dù con số này rất nhỏ bé so với tổng số 1.100 tỷ USD mà cả nước Nhật đang nắm giữ, đây là lần đầu tiên kể từ năm 2014 có 2 tháng sụt giảm liên tiếp. Trung Quốc cũng bán ra suốt từ tháng 5 và hiện con số đang chạm đáy thấp nhất 7 năm.
Ở thời điểm hiện tại, những nhà đầu tư trái phiếu vốn e ngại rủi ro như Shinji Kunibe của Daiwa SB Investment vẫn lựa chọn bán ra dù rõ ràng là có một số yếu tố thuận lợi. Giống như nhiều nhà quản lý quỹ định chế đang đầu tư ở nước ngoài, Kunibe muốn phòng vệ trước những biến động của đồng USD. Sau khi đã tính đến chi phí phòng vệ, lợi suất của trái phiếu Mỹ 10 năm vào khoảng 0,9%, cao gấp 10 lần so với lợi suất trái phiếu do Chính phủ Nhật phát hành. Từ năm 1980 tới nay, trái phiếu Mỹ hiếm khi có khoảng chênh nhiều như vậy so với trái phiếu Nhật.
Kunibe vẫn đánh giá lợi suất trái phiếu Mỹ sẽ tiếp tục tăng lên, bởi nhiều khả năng ông Trump sẽ theo đuổi chính sách mở rộng tài khóa đi kèm với bảo hộ thương mại. Và những nhà đầu tư như Kunibe sẽ không thể chịu lỗ thêm được nữa.
Một điểm nữa níu chân các nhà đầu tư châu Âu hay Nhật Bản “ở nhà” là những thử nghiệm chính sách tiền tệ mà các NHTW đang thực hiện. Chúng được cho là có lợi cho các nhà đầu tư trái phiếu trong nước.