Những chuỗi giảm sàn kinh hoàng trên thị trường chứng khoán Việt Nam, có mã giảm sàn 34 phiên liên tiếp
Những ngày gần đây, thị trường chứng khoán đang dậy sóng với chuỗi giảm sàn của các cổ phiếu "họ Louis". Nhưng trong quá khứ đã từng có nhiều cổ phiếu giảm sàn hàng chục phiên liên tiếp, có mã giảm sàn tới 34 phiên.
Giữa lúc thị trường chung đang "sideway" chưa rõ xu hướng tiếp theo, những đợt "sóng lạ" đã nổi lên tại một số mã cổ phiếu như BII, TGG, SMT, VKC, APG - thường được biết đến với tên gọi "nhóm cổ phiếu họ Louis". Không mất quá nhiều thời gian, nhóm cổ phiếu này đã đưa nhà đầu tư tham gia một chuyến tàu lượn siêu tốc khi lên đỉnh, đưa thị giá gấp hàng chục lần rồi nhanh chóng lao dốc không phanh với liên tiếp các phiên giảm sàn "trắng bên mua".
Tính riêng tuần qua 20-24/9, BII là cổ phiếu giảm sâu nhất trong "họ Louis" với mức giảm gần 22%, xếp tiếp theo là SMT (-19%), APG (-14%), DDV (-12%), AGM (-10%)... Tính đến hết phiên đầu tuần 27/9, các cổ phiếu này tiếp tục giảm kịch biên độ với dư bán tại giá sàn lên tới cả triệu cổ phiếu.
Nhóm cổ phiếu "họ Louis" tiếp tục giảm sàn trong phiên 27/9
Không ít nhà đầu tư tham gia giao dịch các cổ phiếu này với tâm lý muốn giàu nhanh mà không chú ý quá nhiều đến các yếu tố cơ bản như định giá, nên có thể sẵn sàng "đua lệnh" dù giá cổ phiếu đã tăng nhiều lần, trong khi nội tại doanh nghiệp chưa có nhiều thay đổi.
Những nhà đầu tư cá nhân mới này chỉ biết đến "men say" chiến thắng trong ngắn hạn và không hề để ý tới những bài học trong quá khứ. Thực tế, lịch sử 21 năm của thị trường chứng khoán Việt Nam đã chứng kiến hàng loạt trường hợp giá cổ phiếu lao dốc, giảm sàn hàng chục phiên liên tiếp khiến nhà đầu tư hoảng loạn "cháy tài khoản".
Chuỗi phiên "tím lịm" và "xanh sàn" không rõ nguyên nhân
Nói về chuỗi phiên kịch trần rồi giảm sàn chóng mặt, không thể không nhắn tới cổ phiếu RIC của CTCP Quốc tế Hoàng Gia. Cổ phiếu này thi thoảng sẽ có những con sóng thất thường nhưng hầu như đều không có câu chuyện gì cụ thể nên hầu như các nhà đầu tư đại chúng không ai biết đến. Nổi bật nhất là hồi đầu năm 2021, RIC bất ngờ ghi nhận chuỗi tăng kịch trần 34 phiên liên tiếp ngay trước kỳ nghỉ Tết, đưa thị giá từ vùng 4.800 đồng lên đỉnh 46.150 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, sự đảo chiều đã diễn ra nhanh chóng và cũng không lý do với 14 phiên liên tiếp giảm sàn liền sau, thị giá nhanh chóng tụt về vùng 15.750 đồng/cổ phiếu.
Tương tự, chứng chỉ quỹ đầu tư Bất động sản Techcom Việt Nam (Mã chứng khoán: FUCVREIT) từng gây chú ý hồi tháng 4/2021 khi có chuỗi phiên tăng trần liên tiếp lên đỉnh lịch sử 33.500 đồng, tương ứng mức tăng 253% chỉ trong vòng 1 tháng. Trong khi đó, giá trị tài sản trên một chứng chỉ quỹ (NAV/shares) chỉ đạt gần 15.000 đồng, chưa bằng một nửa so với thị giá trên sàn. Mã chứng khoán này ngay sau đó cũng không thể giữ vững đà tăng, quay đầu đối mặt với 15 phiên "nằm sàn" trong tháng 5.
Diễn biến RIC và FUCVREIT 1 năm gần đây
Điểm chung giữa những mã cổ phiếu "rơi tự do" hàng loạt phiên giao dịch này chính là việc giá cổ phiếu bất ngờ tăng đột biến, nhưng kết quả kinh doanh vẫn không có đột biến và cũng không có thông tin khác hỗ trợ cho chuỗi tăng giá chứng khoán.
Cổ phiếu nắm kỷ lục 34 phiên "nằm sàn" liên tiếp của thị trường chứng khoán Việt
Nói về CDO của CTCP Tư vấn Thiết kế và Phát triển Đô thị, nhà đầu tư khó có thể quên vụ án hình sự thao túng giá chứng khoán diễn ra vào cuối tháng 11/2017. Cụ thể, cựu Giám đốc Chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Ngân hàng Đông Á Nguyễn Vân Giang bị khởi tố hình sự khi sử dụng chứng minh thư nhân dân của nhiều khách hàng để thành lập các công ty và mở tài khoản chứng khoán, tiến hành giao dịch chéo cổ phiếu CDO, đẩy giá cổ phiếu hòng kiếm lời.
Trước đó, cuối năm 2016, cổ phiếu CDO ghi nhận tình trạng "rơi tự do", lập kỷ lục "vô tiền khoáng hậu" với 34 phiên liên tiếp giảm sàn từ 35.000 đồng/cổ phiếu xuống vùng 3.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng giảm hơn 90%. Tuy nhiên, thị giá CDO sau đó lại bất ngờ tăng kịch trần 11 phiên để tiến lên vùng 6.900 đồng/cổ phiếu. Chính sự giảm sâu rồi tăng sốc của cổ phiếu CDO dấy lên sự nghi ngờ về một phi vụ thao túng giá cổ phiếu nhằm trục lợi từ một số cá nhân.
Kỷ lục 34 phiên giảm sàn liên tiếp của "con cờ thao túng" CDO
Thêm nhiều "dốc thẳng đứng" trên biểu đồ diễn biến giá cổ phiếu
Một trường hợp khác là cổ phiếu FTM của CTCP Đầu tư và phát triển Đức Quân. Chào sàn đầu năm 2017, thị giá FTM giao dịch loanh quanh vùng 15.000 đồng/cổ phiếu. Nửa đầu năm 2019, FTM giữ vững nhịp tăng tốt lên mức đỉnh 25.200 đồng/cổ phiếu trong tháng 6, tuy nhiên ngay sau đó đã gây xôn xao thị trường với 30 phiên nằm sàn liên tục kể từ ngày 15/8 đến 26/9/2019. Kết quả, giá cổ phiếu FTM đã gần như đổ đèo thẳng đứng xuống còn hơn 3.000 đồng/cp.
Vào thời điểm đó, một số công ty chứng khoán cho biết có dư nợ margin cao bất thường tại FTM. Theo các công ty chứng khoán, một số cá nhân mở tài khoản và vay margin đều thừa nhận đứng tên hộ cho ông Lê Mạnh Thường - nguyên Chủ tịch HĐQT FTM.
Cho đến đầu tháng 9 vừa qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã vừa ban hành quyết định xử phạt 1,2 tỷ đồng đối với ông Lê Mạnh Thường và bà Phạm Thị Phương do hành vi thao túng cổ phiếu FTM. Hai cá nhân này đã sử dụng 50 tài khoản để giao dịch nhằm mục đích tạo cung cầu giả tạo, thao túng cổ phiếu FTM.
Giá cổ phiếu FTM lao dốc thẳng đứng khi giảm sàn 30 phiên liên tiếp
Với JVC của CTCP Thiết bị Y tế Việt Nhật, “bi kịch” đã đến với JVC từ thời điểm giữa tháng 6/2015 sau biến cố nguyên Chủ tịch JVC Lê Văn Hướng bị khởi tố về hành vi "lừa dối khách hàng", kéo theo khoản lỗ lên tới hơn nghìn tỷ đồng tại doanh nghiệp. Hàng loạt cổ đông và nhiều quỹ đầu tư lớn như Dragon Capital, Vietnam Equity Holding...đều "tháo chạy" khỏi doanh nghiệp khi đó.
Trong vòng 3 tháng 6-8/2015, có tới 21 trên 66 phiên giá cổ phiếu giảm kịch biên độ, trong đó có chuỗi 12 phiên "nằm sàn" liên tiếp. Thị giá JVC theo đó nhanh chóng tụt nhanh từ vùng 25.000 đồng/cổ phiếu xuống dưới mức 3.000 đồng/cổ phiếu.
Diễn biến cổ phiếu JVC
Ngoài ra, có thể kể tới KSA của Công nghiệp Khoáng sản Bình Thuận đã từng bị “thổi giá” thông qua các giao dịch ảo của nguyên Chủ tịch HĐQT. Giá cổ phiếu có thời điểm đã tăng mạnh tới đỉnh hơn 40.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên không thể giữ vững nhịp tăng, giá KSA đã quay đầu giảm mạnh về mức 480 đồng/cổ phiếu trước khi bị hủy niêm yết bắt buộc.
Nhịp sống kinh tế