Những cơ hội nhà đầu tư cần lưu ý trước khi “xuống tiền” mua chứng khoán năm 2019
Năm 2019, thị trường chứng khoán Việt Nam được nhận định sẽ gặp không ít khó khăn, nhưng vẫn có những cơ hội xuất hiện.
- 15-01-2019Lo ngại cung vượt cầu cũng như lãi suất tăng, Tundra đánh giá thấp nhóm cổ phiếu bất động sản trong năm 2019
- 14-01-2019Xu thế dòng tiền: Tăng trong nghi ngờ?
- 10-01-2019BSC dự báo thị trường sẽ khởi sắc từ tháng 3 – tháng 6, VN-Index biến động quanh ngưỡng 1.050 điểm
CTCK Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam (BSC) vừa đưa ra báo cáo triển vọng ngành năm 2019 với 7 chủ đề đầu tư, đánh giá tổng quát các cơ hội có thể có, giúp nhà đầu tư có thêm lựa chọn xuyên suốt năm 2019:
Câu chuyện thu hút dòng vốn nước ngoài đón đầu kỳ vọng nâng hạng
BSC cho rằng câu chuyện được kỳ vọng nhất trong năm 2019 sẽ là khả năng nâng hạng thị trường từ MSCI, qua đó giúp thu hút dòng tiền nước ngoài đầu tư trong năm. Với luật chứng khoán sửa đổi kỳ vọng được thông qua, sẽ thúc đẩy nhanh quá trình xem xét nâng hạng thị trường mới nổi. Luật chứng khoán sửa đổi sẽ được xin ý kiến vào T6/2019 và dự kiến trường hợp khả quan nếu được thông qua từ T11/2019 và thị trường Việt Nam có thể được MSCI đưa vào danh sách theo dõi sớm nhất từ T6/2020.
Việt Nam cũng có khả năng được nâng hạng thị trường mới nổi thứ cấp của FTSE trong 2019 ở kịch bản thuận lợi hoặc năm 2020. Ngoài ra, quỹ iShares, có quy mô tài sản 490 triệu USD đầu tư vào bộ chỉ số MSCI khu vực cận biên, sẽ tăng tỷ trọng đầu tư vào thị trường Việt Nam khi Argentina và Kuwait chính thức nâng hạng vào tháng 6/2019. Theo đánh giá của BSC, năm 2019 thị trường cũng sẽ đón nhận thêm dòng vốn đầu tư nước ngoài mới, sẽ tập trung vào các cổ phiếu có mức vốn hóa lớn, tính thanh khoản cao, vẫn còn room sở hữu nước ngoài, đại điện ở đây là nhóm VN30.
Thay đổi thứ tự trong rổ VN30 sẽ có ảnh hưởng lớn đến VN-Index
Năm 2018 chứng kiến việc rất nhiều cổ phiếu lớn được niêm yết lớn/IPO/chuyển sàn như VHM, HDB, TCB, TPB, BSR, OIL, POW. Đây là nhóm cổ phiếu có vốn hóa rất lớn tuy nhiên vẫn chưa được thêm vào nhóm VN30 do chưa thỏa mãn các tiêu chí theo quy định. Điều này dẫn tới tỷ trọng nhóm VN30 so với thị trường giảm sút từ mức 67,6% năm 2017 xuống còn 63,9% năm 2018.
Tuy nhiên, BSC cho rằng nhóm VN30 sẽ có mức ảnh hưởng tương đối lớn và tăng dần trong năm 2019, khi các cổ phiếu lớn trên đủ điều kiện để xét duyệt vào danh sách VN30. VN30 ETF được đánh giá là cầu nối của các nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận các cổ phiếu hết room, do đó các đợt điều chỉnh rổ cổ phiếu VN30 sẽ có ảnh hưởng lớn đến diễn biến thị trường, ngoài ra nhà đầu tư cũng cần lưu ý các văn bản sửa đổi quy tắc rổ chỉ số VN30 và các lần tái cân bằng danh mục định kỳ.
Cùng với đó, dòng vốn ngoại đầu tư ETF mô phỏng VN30 đón đầu khả năng nâng hạng thị trường cũng là nhân tố quan trọng giúp VN30 sẽ vận động tích cực và có ảnh hưởng lớn hơn với VN-Index trong năm 2019. Trong kỳ I năm 2019, BSC dự báo các cổ phiếu mới sẽ vào rổ VN30 là VHM, HDB, EIB và TPB đồng thời loại HSG, DHG, DPM và BMP.
Kế hoạch niêm yết/cổ phần hóa và chuyển sàn dự kiến sẽ được thúc đẩy nhanh hơn
Trong năm 2019, số lượng doanh nghiệp dự kiến cổ phần hóa là 18 doanh nghiệp, trong đó có các tập đoàn kinh tế lớn là như Vinacomin, Vinachem, VNPT, Vinafood 1, Vinacafe, Agribank…
Nhìn về mặt tích cực, các doanh nghiệp cổ phần hóa sẽ là cơ hội thu hút dòng tiền lớn từ NĐT trong và ngoài nước. Ngược lại, các đợt IPO nếu diễn ra dồn dập cũng sẽ phân tán dòng tiền trên thị trường niêm yết.
Thêm vào đó, các công ty đại chúng đăng ký lên sàn Upcom hoặc chuyển sàn từ Upcom lên HNX, HSX cũng tiếp tục là xu hướng quan trọng như POW, hay HVN, BSR, ACV…và một số mã có quy mô vốn hóa lớn ngay cả khi so sánh với nhóm VN30 như OIL, VEA, VTP…Nhóm này sẽ là động lực cho tăng trưởng của VN-Index.
Cơ hội từ Thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp đầu ngành
Năm 2018 có 181 doanh nghiệp phải thực hiện thoái vốn, tuy nhiên trong 9T2018 chỉ có 18 đơn vị thực hiện thoái vốn, cả năm chỉ thu được 1,23 tỷ USD. Một số doanh nghiệp lớn dự kiến sẽ được thúc đẩy thoái vốn trong năm 2019 và góp phần giảm tải áp lực tài chính lên ngân sách bao gồm: VEAM, DVN, VGC, ACV, DPM, DCM, SJS, PVI…
Ngoài ra, BSC cũng lưu ý về thông tin kế hoạch giảm tỷ lệ sở hữu tại một số công ty trong tập đoàn Vinachem xuống 36%-51%, dự kiến trong năm 2019. Nhóm hóa chất bao gồm PAC, LIX, NET, BFC và SFG (giảm sở hữu từ 51% về 36%), CSV (giảm từ 65% về 51%); nhóm săm lốp bao gồm DRC, CSM, SRC (giảm từ 51% về 36%).
Nhóm cổ phiếu Mid-cap với câu chuyện khác biệt sẽ nhận được nhiều chú ý
Các nhóm ngành hưởng lợi từ chiến tranh thương mại và các hiệp định thương mại (CPTPP, EVFTA) thì các cổ phiếu đầu ngành đều thuộc nhóm Midcap như dệt may (TCM, TNG, VGT), thủy sản (VHC, MPC), gỗ (PTB), khu công nghiệp (KBC, NTC, LHG) và nhóm thoái vốn Vinachem (DRC, CSM, BFC, DGC, CSV…). Xét về mức định giá P/E bình quân và P/E bình quân loại bỏ những cổ phiếu trên 50 lần của nhóm MidCap lần lượt 15,4 và 12,1 và so với nhóm cổ phiếu VN30 có mức P/E bình quân và P/E bình quân loại bỏ những cổ phiếu trên 50 lần lần lượt là 14,7 và 20,1.
Ngoài ra, tính lũy kế 12 tháng, thì mức tăng EPS của nhóm Midcap đạt 17% so với cùng kỳ, vượt trội hơn mức tăng EPS bình quân của nhóm VN30 là 10% so với cùng kỳ. Điều này cho thấy, các cổ phiếu thuộc nhóm Midcap đang có mức định giá trở nên hấp dẫn hơn với sự cải thiện đáng kể về mặt tăng trưởng lợi nhuận cùng với câu chuyện thoái vốn, khả năng sẽ nhận được nhiều sự quan tâm hơn trong năm 2019.
Ngành phân bón tiếp tục chờ đợi việc thông qua thuế VAT 5% dự kiến sẽ được đưa ra trình quốc hội vào tháng 6/2019. Nếu được thông qua và có hiệu lực, các DN phân bón sẽ tiết giảm được chi phí đầu vào khi được hoàn thuế, từ đó có thể cải thiện biên lợi nhuận gộp.
Nhóm cổ phiếu mang tính chất phòng thủ, thuộc các ngành có tiềm năng tăng trưởng ổn định
Với diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, BSC cho rằng nhóm cổ phiếu phòng thủ với cổ tức cao và nhu cầu trong nước ổn định (như điện, bán lẻ, tiêu dùng...) sẽ là lựa chọn an toàn trong năm 2019.
BSC dự báo GDP Việt Nam tăng trưởng chậm lại trong năm 2019 nhưng vẫn duy trì mức cao, đạt 6,7%. Ngoài ra, xu hướng tầng lớp trung lưu tăng trưởng ở mức cao nhất trong khu vực Asean, dự kiến đạt 18,5% trong giai đoạn 2016 - 2020 sẽ là nền tảng vững chắc cho tiềm năng tăng trưởng các doanh nghiệp thuộc ngành bảo hiểm, bán lẻ (PNJ, MWG, FRT và DGW) và hàng tiêu dùng (VNM, MSN, SAB).
Tiêu thụ điện dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng trên 10% trong năm 2019 sẽ là động lực tăng trưởng cho nhóm các doanh nghiệp phát điện. Với việc hiện tượng El Nino dự kiến sẽ quay trở lại trong năm 2019 với xác suất cao, BSC cho rằng nhóm các doanh nghiệp nhiệt điện sẽ có KQKD cải thiện trong năm 2019 nhờ (1) sản lượng huy động được cải thiện; (2) giá bán điện được dự báo sẽ tiếp tục tăng; (3) Vay nợ tiếp tục giảm. Nhu cầu điện tăng mạnh dự kiến cũng sẽ thúc đẩy các hoạt động đầu tư công các dự án truyền tải và trạm biến áp. Đây sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp thiết bị và xây lắp điện (GEX, PC1), nhất là khi nhiều dự án đầu tư công ngành điện đã bị trì hoãn trong vòng suốt 2 năm vừa qua.
Đầu tư công cũng là một trong những kế hoạch trọng điểm được đẩy mạnh
Trong năm 2019, theo dự toán ngân sách nhà nước của Bộ Tài chính, Chính phủ dự kiến sẽ chi 86,4 nghìn tỷ đồng để đầu tư phát triển trong đó 2 nhóm ngành được tập trung chính bao gồm:
+ Bộ Giao thông vận tải: Tổng giá trị giải ngân năm 2019 dự kiến khoảng 41.171 tỷ đồng (+46,4% yoy), chiếm 47,7% trong cơ cấu phân bổ chi phí đầu tư phát triển. Trong năm 2019, bộ GTVT dự kiến trình lên 6 đề án để cải thiện hạ tầng giao thông và đẩy mạnh tiến độ triển khai các dự án trọng điểm như Sân bay Long Thành và Cao tốc Bắc Nam.
+ Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn duy trì mức khoảng 15.000 tỷ, chiếm 17,3% tỷ trọng cơ cấu phân bổ chi phí đầu tư phát triển.
Ngoài nhóm ngành thiết bị điện và xây lắp điện được đề cập nói trên, BSC cũng đánh giá cơ hội khả quan đến nhóm vật liệu xây dựng (HT1) và đá xây dựng (KSB, CTI), nhóm xây dựng hạ tầng (CII, VCG) tham gia cung cấp nguyên liệu và tham gia xây dựng các dự án hạ tầng.