Những cổ phiếu "chuyển nhà" năm ngoái giờ ra sao?
Năm 2019 thị trường chứng khoán chứng kiến nhiều vụ cổ phiếu chuyển sàn giao dịch.
- 30-11-2019Nhựa Hà Nội (NHH) hủy đăng ký giao dịch trên Upcom để chuyển sàn sang HoSE
- 26-09-2019Trước khi chuyển sàn sang HoSE, Thuận Đức (TDP) phát hành riêng lẻ 20 triệu cổ phiếu tăng vốn điều lệ
- 16-07-2019Gần 104 triệu cổ phiếu của Kosy chuyển sàn niêm yết sang HoSE vào 22/7 tới đây
- 08-07-2019Cổ phiếu tăng gấp rưỡi từ đầu năm đến nay, Doanh nghiệp đồ chơi Nam Hoa Toys tính chuyển sàn niêm yết
- 08-07-2019Chậm chuyển sàn HoSE, đại diện Lộc Trời nói gì?
Năm 2019 thị trường chứng khoán chứng kiến nhiều vụ cổ phiếu chuyển sàn giao dịch. Trong đó không ít cổ phiếu đã chuyển từ HNX sang HoSE. Còn phần lớn các vụ chuyển sàn vẫn là từ Upcom đi sang HNX hoặc HoSE. Năm 2019 không chứng kiến vụ "chuyển ngược" nào từ HoSE sang HNX.
Chuyển nhà sang HoSE
Đầu tiên hãy nhắc đến POW của Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) – là doanh nghiệp đầu tiên chuyển sàn trong năm 2019 – chuyển từ Upcom sang. Nhìn lại thời kỳ 9 tháng giao dịch trên Upcom trước đó, POW đã để lại khá nhiều ấn tượng với việc đưa gần 468 triệu cổ phiếu lên sàn.
Giá chào sàn Upcom là 14.900 đồng/cổ phiếu và POW không có nhiều biến động về giá, lêncao nhất từ 17.800 đồng/cổ phiếu và xuống thấp nhất ở mức 11.000 đồng/cổ phiếu. Thậm chí POW đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng trên Upcom ở mức 16.000 đồng/cổ phiếu.
Điểm nhấn lớn nhất mà POW để lại trên Upcom là thanh khoản cổ phiếu rất tốt, đặc biệt hầu hết các phiên đều có hàng triệu cổ phiếu được giao dịch khớp lệnh. POW đã khuấy động sàn Upcom năm 2018.
"Chuyển nhà", PV Power đưa toàn bộ hoan 2,34 tỷ cổ phiếu lên niêm yết trên HoSE. Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên vẫn là 14.900 đồng/cổ phiếu – nhà đầu tư tạm mất 1.100 đồg trên mỗi cổ phiếu ngay khi POW chuyển sàn.
Lên HoSE, POW vẫn là cổ phiếu có thanh khoản rất lớn với hàng triệu cổ phiếu khớp lệnh mỗi phiên. Tuy nhiên diễn biến giá giao dịch lại không khiến các nhà đầu tư thỏa mãn. POW đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng của năm 2019 ở mức 11.450 đồng/cổ phiếu, mất đi 23% giá trị sau gần 1 năm chuyển sàn.
Diễn biến giá cổ phiếu POW từ khi chuyển sàn.
Kết quả kinh doanh, doanh thu thuần 9 tháng đầu năm 2019 đạt 26.239 tỷ đồng doanh thu thuần cao gấp 3,8 lần cùng kỳ, LNST đạt 2.491 tỷ đồng tăng mạnh so với con số 184 tỷ đồng trong đó LNST thuộc về công ty mẹ đạt 2.223 tỷ đồng. Như vậy PV Power đã hoàn thành được 80% mục tiêu về doanh thu và vượt 9% mục tiêu về lợi nhuận.
Tính đến hết 30/9, tổng tài sản của PV Power vượt hơn 60.037 tỷ đồng trong đó tài sản cố định chiếm hơn 63%. Lượng tiền và tiền gửi cao gấp đôi thời điểm đầu năm lên hơn 7.000 tỷ đồng và công ty đang có hơn 3.050 tỷ đồng lợi nhuận chưa phân phối.
Một "ông lớn" khác cũng chuyển nhà sang HoSE năm vừa qua là HVN của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (vietnam Airlines) với hơn 1,41 tỷ cổ phiếu. Giá chào sàn HoSE là 40.600 đồng/cổ phần tương ứng vốn hóa ngày chào sàn rơi vào khoảng 57.500 tỷ đồng.
Trước đó Vietnam Airlines lên giao dịch trên Upcom từ đầu năm 2017 và cũng đã từng tạo sóng trên sàn này thời điểm cuối năm 2017 đầu 2018 khi cổ phiếu ngành hàng không ngày càng "hot". Lúc đó cổ phiếu HVN đã "phi" một mạch lên xấp xỉ 52.000 đồng/cổ phiếu (giá đã điều chỉnh).
Năm 2019, trong bối cảnh sự cạnh tranh của ngành hàng không lại càng khốc liệt hơn khi hồi đầu năm Bamboo Airways chính thức cất cánh, cộng với đó là sự mạnh nha xuất hiện các hãng hàng không mới như Vinpearl Air, Thiên Minh Airlines... thì Vietnam Airline chuyển sàn nhằm tìm kiếm cơ hội mới.
Về diễn biến giá, cổ phiếu HVN trong năm qua cũng có biên độ dao động khá lớn. Lên cao nhất ở mức 44.000 đồng/cổ phiếu và xuống sâu nhất xấp xỉ chạm mức 32.000 đồng/cổ phiếu.
Diễn biến giá cổ phiếu HVN trong 1 năm gần đây.
Tuy giá cổ phiếu nhiều biến động, nhưng kết quả kinh doanh của Vietnam Airlines lại tăng trưởng mạnh với 9 tháng đầu năm 2019 doanh thu thuần đạt 75.094 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 2.513 tỷ đồng, tăng trưởng 28%, trong đó lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 2.290 tỷ đồng, tăng 34%.
Trong năm 2019 sàn HoSE còn đón nhận thêm rất nhiều "tân binh" chuyển nhà từ HNX hay Upcom sang như Viglacera (VGC), Kosy (KOS), Điện Gia Lai (GEG) hay Nhựa Hà Nội (NHH)...Trong đó, dù có nhiều câu chuyện đáng nói, nhưng những câu chuyện hay của Vigalacera đều thuộc giai đoạn trước khi chuyển sàn, còn thuộc "quân số" của HNX – đó là những câu chuyện khá dài từ khi Bộ xây dựng thoái vốn, Gelex nhảy vào và đưa cả người vào điều hành công ty.
Kết quả kinh doanh của Viglacera cũng tăng trưởng mạnh với doanh thu thuần 9 tháng đầu năm 2019 đạt 7.392 tỷ đồng, tăng 15,8% so với cùng kỳ và hoàn thành gần 80% kế hoạch năm. Lợi nhuận trước thuế đạt 769 tỷ đồng, hoàn thành gần 81% chỉ tiêu lợi nhuận được giao cho cả năm. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 612 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ.
Trên thị trường, cổ phiếu VGC lại đang đà giảm sâu, đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng năm 2019 ở mức 18.400 đồng/cổ phiếu.
Chuyển nhà sang HNX
Trong những doanh nghiệp "chuyển nhà" về niêm yết trên HNX trong năm 2019 vừa qua thì cái tên đáng chú ý nhất là Tổng công ty Idico (mã chứng khoán IDC). Idico đưa 192 triệu cổ phiếu chuyển từ Upcom sang trong những ngày cuối năm 2019. Giá chào sàn 18.500 đồng/cổ phiếu và chỉ hơn nửa tháng chuyển sàn IDC đã kịp tăng cao nhất lên 19.500 đồng/cổ phiếu và xuống thấp nhất ở mức 17.600 đồng/cổ phiếu. IDC đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng năm 2019 ở mức 18.900 đồng/cổ phiếu.
Kết quả kinh doanh, doanh thu thuần 9 tháng đầu năm 2019 đạt 3.553 tỷ đồng, tăng 26,3% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 424 tỷ đồng, tăng 21,6% so với lợi nhuận đạt được 9 tháng đầu năm 2018.
Diễn biến giá cổ phiếu IDC từ khi chuyển sàn.
Cũng trong năm 2019 vừa qua sàn HNX còn đón nhận thêm các cổ phiếu của Chứng khoán Everest (EVS), của Tin học Viễn thông (PIA)... và những cổ phiếu này cũng không có nhiều đột phá sau khi chuyển sàn.
Chuyển ngược về Upcom
Trong năm vừa qua cũng không ít cổ phiếu đã ngược dòng chuyển sang đăng ký giao dịch trên Upcom từ HNX hoặc HoSE. Phần lớn trong số đó là bị hủy niêm yết bắt buộc trên 2 sàn HNX và HoSE. Hãy xem sau khi "chuyển nhà" các cổ phiếu này hiện như thế nào!
Mở màn đầu năm cho công cuộc chuyển nhà "ngược" là SDP của CTCP SDP. Trên thực tế, trước đó SDP đã bị tạm ngừng giao dịch trên HNX từ 17/10/2018 do các doanh nghiệp này không khắc phục được nguyên nhân dẫn tới việc chứng khoán bị đưa vào diện bị kiểm soát và tiếp tục vi phạm quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán sau khi đã bị đưa vào diện bị kiểm soát. Đặc biệt, thời điểm đó các doanh nghiệp này đều chưa công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2017 và báo cáo tài chính bán niên năm 2018.
Đến 21/2/2019 toàn bộ hơn 11,11 triệu cổ phiếu SDP đã bị hủy niêm yết bắt buộc trên HNX do kiểm toán từ chối cho ý kiến đối với BCTC năm 2017 của công ty. SDP đưa 11,11 triệu cổ phiếu lên giao dịch trên Upcom từ 1/3/2019 với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 1.600 đồng/cổ phiếu. Và SDP chốt phiên giao dịch cuối cùng năm 2019 ở mức 1.400 đồng/cổ phiếu.
Điểm đáng chú ý là dù bị hủy niêm yết bắt buộc trên HNX và chuyển sàn giao dịch trên Upcom, thì SDP vẫn không mất đi thanh khoản, vẫn có hàng chục ngàn cổ phiếu khớp lệnh mỗi phiên.
Kết quả kinh doanh, dù vẫn còn lỗ quý 3 và lũy kế 9 tháng đầu năm vẫn lỗ gần 1,4 tỷ đồng, nhưng đã cải thiện hơn rất nhiều so với số lỗ gần 7 tỷ đồng 9 tháng đầu năm 2019. Tính chung đến hết tháng 9/2019 SDP còn lỗ lũy kế chưa phân phối hơn 69 tỷ đồng. Tuy vậy công ty vẫn còn nguồn thặng dư vốn cổ phần hơn 25 tỷ đồng và hơn 10 tỷ đồng trong quỹ đầu tư phát triển.
Diễn biến giá cổ phiếu SDP từ khi chuyển sàn.
Thêm một doanh nghiệp nữa bị hủy niêm yết trên HNX và đăng ký giao dịch trở lại trên Upcom là ORS của Chứng khoán Tiên Phong. Trên thực tế, cái tên Chứng khoán Tiên Phong hoàn toàn mới với các nhà đầu tư. Tuy vậy nếu nhắc đến cái tên Chứng khoán Phương Đông thì không hề xa lạ. Ngay trước khi bị hủy niêm yết, Chứng khoán Phương Đông đã kịp đổi tên, thay đổi một diện mạo hoàn toàn mới. Đồng thời cũng đã phát hành riêng lẻ thành công 16 triệu cổ phiếu tăng vốn điều lệ lên 400 tỷ đồng.
Nguyên nhân chứng khoán Tiên Phong bị hủy niêm yết là do lợi nhuận sau thuế 3 năm liên tiếp từ 2016, 2017 và 2018 đều là số âm. Trước đó Chứng khoán Phương Đông đã lên tiếng giải trình về nguyên nhân bị hủy niêm yết. Trong đó cho rằng do bị tác động tiêu cực từ vụ án của Huỳnh Thị Huyền Như và đồng bọn, nên thương hiệu và hoạt động của công ty bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đồng thời diễn biến thị trường chứng khoán không thuận lợi trong những năm vừa qua góp phần làm hoạt động tự doanh của công ty chưa hiệu quả. Ngoài ra công ty còn phải trích lập dự phòng cho khoản phải thu 380 tỷ đồng từ vụ án Huyền Như.
Công ty cũng đưa ra phương án khắc phục là tái cấu trúc tài chính, sử dụng thặng dư vốn cổ phần để bù cho phần LNST chưa phân phối nhằm giảm lỗ lũy kế, đồng thời phát hành riêng lẻ cổ phiếu tăng vốn điều lệ, nhằm nâng tỷ lệ an toàn tài chính…
Giao dịch trên Upcom từ 17/4/2019 với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 4.600 đồng/cổ phiếu, ORS có lúc đã tăng mạnh lên vùng giá 7.900 đồng/cổ phiếu trước khi giảm về mức 6.200 đồng/cổ phiếu vào cuối năm 2019.
Diễn biến giá cổ phiếu ORS từ khi chuyển sàn.
Kết quả kinh doanh của công ty cũng đã được cải thiện rất nhiều. Riêng quý 3/2019 công ty báo lãi sau thuế 21 tỷ đồng, nâng tổng lợi nhuận sau thuế 9 tháng đầu năm 2019 lên 25,9 tỷ đồng – trong khi cùng kỳ năm 2018 ghi nhận lỗ 9,6 tỷ đồng. Doanh thu từ hoạt động tư vấn tài chính trong năm cũng đã đạt trên 70 tỷ đồng.
Một cái tên khác với khá nhiều dấu ấn cho nhà đầu tư là VHG của Cao su Quảng Nam. Trước đó doanh nghiệp niêm yết trên HoSE nhưng bị hùy niêm yết bắt buộc do công ty mẹ ghi nhận lỗ 3 năm liên tiếp số lỗ lũy kế đến hết năm 2018 lên đến 1.276 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu còn 254 tỷ đồng trong khi vốn góp chủ sở hữu 1.500 tỷ đồng. Nguyên nhân chính công ty đưa ra là công ty đang trong giai đoạn tái cấu trúc, thoái vốn tại những khoản đầu tư không hiệu quả, đồng thời trích lập dự phòng một số khoản đầu tư tài chính nhằm đảm bảo an toàn về tài chính.
Trước khi bị hủy niêm yết trên HOSE VHG đã có 6 phiên tăng trần liên tiếp. Giá chào sàn trên Upcom là 1.300 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên VHG chỉ tạo ấn tượng được phiên đầu tiên tăng mạnh lên 1.600 đồng/cổ phiếu với hơn 1,3 triệu cổ phiếu khớp lệnh. Sau đó là chuỗi tăng/giảm của VHG với biên độ giảm lớn hơn cả những phiên tăng điểm. VHG đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng năm 2019 ở mức 600 đồng/cổ phiếu – mất đi hơn một nửa giá trị sau nửa năm chuyển sàn.
Kết quả kinh doanh của công ty sau khi chuyển sàn cũng chưa được cải thiện. Riêng quý 3/2019 Cao su Quảng Nam ghi nhận lỗ gần 98 tỷ đồng, nâng tổng lỗ cả năm lên trên 102 tỷ đồng. Tổng lỗ chưa phân phối đến hết quý 3 lên đến 1.461 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu còn hơn 67 tỷ đồng trong khi vốn góp chủ sở hữu là 1.500 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, sàn Upcom năm vừa qua còn đón thêm 48 triệu cổ phiếu PPI của CTCP Đầu tư phát triển hạ tầng Thái Bình Dương. Trước đó cổ phiếu của công ty đã bị hủy niêm yết trên HoSE từ 20/5/2019 do kinh doanh thu lỗ 3 năm liên tiếp. PPI giao dịch phiên đầu tiên trên Upcom vào 27/5 với giá chào sàn 800 đồng/cổ phiếu.
Ngay trước khi rời sàn HoSE, PPI đã có nhiều chuỗi tăng trần và giảm sàn liên tiếp. Kết quả kinh doanh phản ánh PPI lỗ lũy kế hơn 220 tỷ đồng đến hết năm 2018. Tuy vậy, chueyern sang giao dịch trên Upcom, dù thanh khoản vẫn khá tốt nhưng giá cổ phiếu PPI vẫn giảm mạnh, đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng năm 2019 ở mức 500 đồng/cổ phiếu.
Còn một số doanh nghiệp hủy niêm yết chuyển sang Upcom nữa như CMT của CTCP Công nghệ mạng và Truyền thông (Infonet - CMT), SDE của CTCP Kỹ thuật điện Sông Đà, PPI của CTCP Đầu tư và Phát triển hạ tầng Thái Bình Dương, SCJ của Xi măng Sài Sơn, PCN của Hóa phẩm Dầu khí DMC, DCS của Tập đoàn Đại Châu, CMI của Cmistone, ASA, KHB.... nhưng đều không có những chuyển biến khởi sắc. Các cổ phiếu này vẫn giữ mức giá "trà đá" và thanh khoản vẫn không cải thiện.
Trí Thức Trẻ