Những cổ phiếu đắt đỏ trên sàn chứng khoán
VN-Index đã giảm 29,3% so với đầu năm. Ảnh Gia Huy.
Việc VN-Index liên tục ghi nhận những phiên giảm điểm mạnh đã đẩy nhiều cổ phiếu trượt dài, và danh sách những cổ phiếu có mức giá trên 100.000 đồng chỉ còn vỏn vẹn 8 mã.
- 14-10-2022Cổ phiếu thép tăng mạnh từ đáy: Qua cơn bĩ cực, có tới hồi thái lai?
- 14-10-2022Dragon Capital: Rủi ro đã phản ánh vào giá cổ phiếu, Ngân hàng Nhà nước có khả năng tăng lãi suất vào quý 4 và đầu năm sau
- 14-10-2022Góc nhìn CTCK: Động thái giải ngân mạnh trở lại của các quỹ đầu tư giúp tâm lý được cải thiện, song cần kiên nhẫn chờ đợi tín hiệu rõ ràng hơn
- 13-10-2022Tự doanh đang có liên tiếp 3 phiên vừa bán VN30 vừa long ròng phái sinh
- 13-10-2022Chuyên gia: 'Kỷ luật rất quan trọng nhưng nếu chỉ có kỷ luật, nhà đầu tư có thể mất đi nhiều cơ hội khác'
Trước những thông tin tích cực công bố về GDP và CPI quý 3, thị trường chứng khoán Việt Nam lại diễn biến tiêu cực. Riêng nửa đầu tháng 10, chỉ số VN-Index đã có đến 5/9 phiên giảm điểm, trong đó ở phiên 3/10 áp lực bán gia tăng trên diện rộng cùng thanh khoản giảm mạnh khiến VN-Index mất 45,67 điểm, ở các phiên giảm điểm còn lại, biên độ giảm cũng duy trì ở mức quanh 2%.
Đóng cửa phiên 13/10, VN-Index dừng tại 1.050,99 điểm, giảm 8% so với thời điểm đầu tháng 10 và giảm 29,3% so với đầu năm, qua đó đánh bay thành quả 22 tháng. Đà giảm sốc này cũng khiến danh sách những cổ phiếu có mức giá trên 100.000 đồng chỉ còn vỏn vẹn 8 mã.
Đứng vị trí đầu tiên là VCF của Vinacafe Biên Hòa. VCF đóng cửa phiên giao dịch 13/10 ở mức 236.900 đồng/cổ phiếu, vốn hóa doanh nghiệp khoảng 6.296 tỷ đồng, so với đầu năm 2022 thì thị giá cổ phiếu VCF tăng nhẹ 1% giá trị.
Tuy nhiên, thanh khoản cổ phiếu này luôn duy trì ở mức rất thấp, với khối lượng giao dịch chỉ vài trăm cổ phiếu do tỷ lệ cổ đông cô đặc. Hiện, Masan Beverage đang nắm đến 98,79% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của Vinacafe Biên Hòa.
Xếp vị trí thứ 2 là SAB của Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) với giá kết phiên 13/10 ở mức 190.000 đồng/CP, tăng 26% so với hồi đầu năm, vốn hóa doanh nghiệp khoảng 121.843 tỷ đồng.
Sabeco là doanh nghiệp sản xuất bia lâu đời với hơn 140 năm kinh nghiệm, sở hữu những thương hiệu bia nổi tiếng của Việt Nam như bia Sài Gòn và bia 333. Ngoài ra, Sabeco chiếm thị phần lớn nhất trong thị trường bia Việt và là một trong những công ty bia đầu ngành ở ASEAN. Hiện nay, ThaiBev nắm 54% cổ phần của Sabeco, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước Việt Nam (SCIC) nắm 36%, 10% còn lại do các nhà đầu tư ngoại khác nắm giữ.
WCS của Bến xe Miền Tây - một doanh nghiệp "bé hạt tiêu" với vốn điều lệ 25 tỷ đồng cũng giữ một chỗ trong danh sách này. WCS đang giao dịch quanh mức 156.000 đồng/cổ phiếu, giảm 15,6% so với đầu năm, vốn hóa thị trường hiện ở mức 390 tỷ đồng, song thanh khoản cổ phiếu WCS rất thấp, rất ít cổ phiếu khớp lệnh mỗi phiên.
Bến xe Miền Tây được đưa vào hoạt động từ năm 1973 với vốn điều lệ chỉ 25 tỷ đồng, trong đó Tổng công ty Cơ khí Giao thông Vận tải Sài Gòn - TNHH MTV (Samco) sở hữu 51% cổ phần, CTCP Đầu tư Thái Bình (10%) và America LLC (nắm 22%). Doanh nghiệp này từng được biết đến với tỷ lệ chia cổ tức bằng tiền mặt hằng năm cao ngất ngưởng, riêng năm 2018 là 400%, năm 2019 là 516%. Tuy nhiên, sau hai năm đại dịch COVID-19 khiến lợi nhuận công ty sụt giảm mạnh, đến năm 2022 tỷ lệ cổ tức rơi về còn 20%, tức 2.000 đồng/CP.
Bên cạnh đó, WCS còn là công ty thường xuyên bão lãi hàng chục tỷ đồng mỗi năm, được xếp vào TOP những doanh nghiệp có chỉ số EPS rất cao, như năm 2020 đạt 18.174 đồng. Còn 2 năm trước đó lần lượt là 22.956 đồng và 22.172 đồng. Sang nửa đầu năm 2022, chỉ số này về còn 3.695 đồng.
Năm 2022, WCS đặt mục tiêu doanh thu đạt hơn 100 tỷ đồng và lãi sau thuế hơn 34 tỷ đồng, lần lượt tăng 82% và gấp 2,8 lần kết quả năm 2021.
Đứng vị trí thứ tư là SLS của Công ty cổ phần Mía đường Sơn La với mức giá kết phiên 13/10 ở 126.200 đồng/CP, giảm 20% so với hồi đầu năm, vốn hóa doanh nghiệp là 1.494 tỷ đồng.
Mía đường Sơn La cũng là doanh nghiệp luôn có EPS cao trên 10.000 đồng và có lịch sử trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ cao trên 45%. Mới đây nhất, SLS thông báo sẽ chi trả cổ tức năm 2021-2022 bằng tiền với tỷ lệ 100%/cổ phiếu- lần trả cao nhất từ trước đến nay.
Tính đến cuối niên vụ, cổ đông lớn nhất của SLS là bà Trần Thị Thái - doanh nhân lão làng nổi tiếng trong ngành mía đường sở hữu 2,7 triệu cổ phiếu (tương đương 27,43% vốn cổ phần), Công ty TNHH Thái Liên nắm gần 1,5 triệu cổ phiếu, Chủ tịch HĐQT Đặng Việt Anh nắm 963.878 cổ phiếu (9,84%). Trong đó, ông Đặng Việt Anh là con trai bà Trần Thị Thái còn Công ty TNHH Thái Liên do bà Trần Thị Liên, em gái bà Thái, làm đại diện theo pháp luật. Như vậy, nhóm này đang nắm tổng cộng 52,27% cổ phần của SLS.
VJC của Công ty CP hàng không Vietjet đang đứng tại mức giá 108.700 đồng/CP, giảm 14% so với hồi đầu năm, vốn hóa doanh nghiệp là 56.941 tỷ đồng. Hiện vốn điều lệ của VJC là 5.416 tỷ đồng, trong đó Công ty TNHH Đầu tư Hướng Dương Sunny (36,92%), bà Nguyễn Thị Phương Thảo (9,06%), Công ty cổ phần Sovico (7,85%).
Đáng chú ý, trong thời gian tới Vietjet sẽ phát hành 119,1 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2021 theo tỷ lệ 20%, ước tính tăng vốn điều lệ lên 7.149 tỷ đồng, vẫn giữ vị trí thứ ba trong các hãng hàng không tại Việt Nam hiện nay.
Về phần mình, GAS của Tổng công ty khí Việt Nam đóng cửa phiên 13/10 tại 108.000 đồng/CP, tăng 6% so với hồi đầu năm, vốn hóa hiện đạt 204.792 tỷ đồng.
GAS là doanh nghiệp lớn trong ngành dầu khí do PVN nắm giữ 95,76% VĐL, trong ba quý đầu năm 2022, GAS dự kiến đạt 76.500 tỷ đồng doanh thu (tăng 30% so với cùng kỳ) và 14.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (tăng 61,8% so với cùng kỳ). Cho cả năm 2022, Ban lãnh đạo GAS ước tính doanh thu và LNTT sẽ lần lượt đạt 100.000 tỷ đồng (tăng 26,6% so với cùng kỳ) và 15.500 tỷ đồng (tăng 38,4% so với cùng kỳ).
Trên thị trường cổ phiếu PDN của Công ty Cổ phần Cảng Đồng Nai vẫn duy trì giao dịch ở vùng giá cao. Hiện PDN đang giao dịch quanh mức 107.100 đồng/cổ phiếu, tăng 11% so với hồi đầu năm, vốn hóa hiện đạt 2.048 tỷ đồng.
Cảng Đồng Nai là doanh nghiệp hoạt động chính trong lĩnh vực cảng biển được thành lập năm 1989 và cổ phần hóa vào năm 2006, vốn điều lệ hiện tại đạt 185 tỷ đồng, trong đó Tổng CTCP Phát triển khu công nghiệp nắm giữ 51%.
Xếp cuối trong danh sách những cổ phiếu có thị giá cao nhất sàn chứng khoán là PNJ của Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận. Đây là một trong số ít những mã cổ phiếu giữ được mặt bằng giá khá ổn định, từ đầu năm đến nay PNJ đã tăng tới gần 9% giá trị bất chấp nhiều mã cổ phiếu khác thuộc nhóm vốn hoá lớn lao dốc và hiện giao dịch quanh mức 104.500 đồng/CP, vốn hóa hiện đạt 25.838 tỷ đồng.
PNJ là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực trang sức với hơn 350 cửa hàng trải dài từ Bắc vào Nam. Không chỉ giữ được đà tăng cổ phiếu ổn định, tình hình kinh doanh của PNJ trong 8 tháng đầu năm 2022 cũng khá khởi sắc với doanh thu thuần tăng 88% so với cùng kỳ đạt 23.049 tỷ đồng (gần 1 tỷ USD). Chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế đạt 1.246 tỷ đồng, gần gấp đôi con số cùng kỳ và hoàn thành hơn 94% kế hoạch cả năm.
Nhà đầu tư