MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những cổ phiếu nào khiến tài khoản NĐT 'bốc hơi' nhiều nhất trong 6 tháng đầu năm 2017?

Mặc dù thị trường chứng khoán có được sự tăng trưởng vượt bậc trong 6 tháng đầu năm 2017, nhưng với những nhà đầu tư không may nắm giữ các cổ phiếu như HID, CDO hay C92 thì sẽ là một 'thảm họa'.

6 tháng đầu năm 2017 là khoảng thời gian khá tốt đẹp đối với thị trường chứng khoán Việt Nam, cả hai chỉ số VN-Index và HNX-Index đều đã có sự tăng trưởng vượt bậc. Cụ thể, chỉ số VN-Index kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 6/2017 ở 776,47 điểm, tức tăng 16,8% so với đầu năm 2017, tương tự, chỉ số HNX-Index cũng tăng 23,7% lên 99,14 điểm.

Trong khoảng thời gian này, thị trường đã đón nhận nhiều cổ phiếu có mức tăng giá gấp đôi thậm chí gấp 8 lần.

Tuy nhiên, không phải cổ phiếu này cũng có thể đem đến cho nhà đầu tư niềm vui thậm chí nhiều cổ phiếu còn khiến nhà đầu tư 'phát hoảng' khi làm tài khoản bốc hơi đến 80%.

Thống kê trên sàn HOSE và HNX trong 6 tháng đầu năm có 8 cổ phiếu khiến tài khoản nhà đầu tư giảm hơn 1 nửa, trong đó, sàn HOSE chỉ góp mặt 2 cổ phiếu, còn sàn HNX góp 6 cổ phiếu.

Trên sàn HOSE, dẫn đầu về mức giảm giá là cổ phiếu HID của Công ty Cổ phần Đầu tư và Tư vấn Hà Long với 87%. Cổ phiếu HID bắt đầu chuỗi ngày 'ác mộng' ngay từ đầu năm 2017. Từ 31.200 đồng/CP thì đến nay, giá cổ phiếu HID chỉ còn lại vỏn vẹn 4.060 đồng/CP.

Cổ phiếu HID lên sàn HOSE từ hồi tháng 7/2016 với giá tham chiếu 11.000 đồng/CP (giá điều chỉnh vào khoảng 10.330 đồng/CP). Vào thời điểm cuối năm 2016, HID đã có một chuỗi phiên bứt phá mạnh và lập đỉnh ở mức 31.900 đồng/CP, tuy nhiên, từ đó, cổ phiếu HID đã lao dốc không phanh.


Diễn biến giá cổ phiếu HID trong 6 tháng đầu năm 2017

Diễn biến giá cổ phiếu HID trong 6 tháng đầu năm 2017

Năm 2001, HID được thành lập từ tiền thân là Công ty TNHH Nước và Môi trường Đường Thành (W&E Ltd). Hiện tại, Công ty có những ngành nghề kinh doanh chính như tư vấn cơ sở ha ̣tầng, đầu tư, bán hàng và xây dựng.

Năm 2007, Công ty mới chỉ có vốn điều lệ 7 tỷ đồng, sau 6 lần tăng vốn tới năm 2014 thì vốn điều lệ đạt 60 tỷ đồng. Riêng với lần tăng vốn khủng cuối cùng trước khi lên sàn, Công ty đã phát hành thêm 24 triệu cổ phiếu nâng vốn lên 300 tỷ đồng. Như vậy, kịch bản của HID khá tương đồng với các cổ phiếu giảm mạnh trong năm 2016 khi có lịch sử tăng vốn 'khủng'.

Đứng ngay sau HID về mức giảm giá là cổ phiếu CDO của Công ty Cổ phần Tư vấn thiết kế và Phát triển đô thị với 61,7%.


Diễn biến giá cổ phiếu CDO trong 6 tháng đầu năm 2017

Diễn biến giá cổ phiếu CDO trong 6 tháng đầu năm 2017

Giá cổ phiếu CDO rơi mạnh từ đầu năm 2017 bắt nguồn từ việc tin đồn ông Nguyễn Đình Nhân, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc bị bắt, trong khi ông này đang theo học một khóa học quản lý cấp cao tại Mỹ với thời hạn 3 tháng, cùng nhiều tin đồn khác khiến CTCK dừng cho vay margin và kéo theo hàng loạt phiên giảm sàn.

Tưởng chừng như cổ phiếu CDO có thể hồi phục trở lại sau chuỗi bứt phá mạnh mẽ vào tháng 2 nhưng đà lao dốc lại quay trở lại và kéo giá cổ phiếu này lùi xuống sâu hơn nữa.

Trên sàn HNX, cổ phiếu C92 của Công ty Cổ phần Xây dựng và Đầu tư 492 dẫn đầu đà giảm giá với 76,25%. Điểm đáng chú ý trong giao dịch của cổ phiếu C92 là thanh khoản rất ít, thanh khoản mỗi phiên (nếu có giao dịch) cũng chỉ vào khoảng vài trăm cổ phiếu.


Diễn biến giá cổ phiếu C92 trong 6 tháng đầu năm 2017

Diễn biến giá cổ phiếu C92 trong 6 tháng đầu năm 2017

Tiếp theo trong danh sách những cổ phiếu giảm giá mạnh nhất sàn HNX là KDM của CTCP Xây dựng và Thương mại Long Thành, SIC của Công ty cổ phần Đầu tư - Phát triển Sông Đà và HKT của Công ty Cổ phần Chè Hiệp Khánh, cả ba cổ phiếu này đều có mức giảm trên 60% trong nửa đầu năm 2017.

Theo Bình An

NDH

Trở lên trên