MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những cổ phiếu tăng kịch trần phiên thị trường điều chỉnh sâu như thế nào?

23 mã cổ phiếu đi ngược thị trường, tăng trần trong khi cả sàn chứng khoán nhuộm trong sắc đỏ.

Phiên giao dịch ngày 30/5, VnIndex mất hơn 8 điểm về 738,21 điểm và HNX-Index mất 0,57 điểm về 93,24 điểm. Sắc đỏ bao trùm trên cả 2 sàn. Thậm chí, có đến 34 mã trên cả 2 sàn đã giảm sàn trong phiên giao dịch chốt lãi trên diện rộng.

Vậy, 9 mã đi ngược thị trường, tăng trần trên HoSE và 14 mã trên HNX có đặc điểm gì?

Thanh khoản èo uột

Đây là một trong số những đặc trưng của các cổ phiếu tăng trần phiên hôm nay. Tổng cộng 23 mã tăng trần trên HoSE và HNX thì có đến… mã có thanh khoản thấp. Cụ thể:

-CTF của Công ty cổ phần City Auto tăng kịch biên độ 20% trong phiên chào sàn HoSE hôm nay với thanh khoản chỉ 790 cổ phiếu. Cổ phiếu của doanh nghiệp là đại lý bán xe ô tô Ford này khá nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư khi dư mua trần hơn 400 nghìn cổ phiếu trong khi lượng cung cổ phiếu ra chỉ 790 đơn vị.

-ABT của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Bến Tre phiên hôm nay tăng trần với khối lượng khớp hơn 4 nghìn cổ phiếu. Đây là phiên thứ 2 liên tiếp cổ phiếu ABT tăng giá. Nếu nhìn kỹ khối lượng khớp lệnh theo lô có thể thấy, mức giá trần hôm nay chỉ có 900 cổ phiếu khớp. Đa phần giá giao dịch là ở mức giá đỏ ~42.000 đồng/cổ phiếu.

-KAC-Địa ốc Khang An giao dịch 6,71 nghìn cổ phiếu. Trong hơn 1 tuần giao dịch vừa qua, cổ phiếu KAC tăng mạnh, đẩy mức giá cổ phiếu từ dưới 15.000 đồng lên 18.800 đồng hiện tại tương đương mức tăng hơn 26%. Tuy thanh khoản đang cao hơn rất nhiều so với những phiên vài trăm cổ phiếu giao dịch cả năm qua nhưng cổ phiếu KAC vẫn chỉ loanh quanh giao dịch vài nghìn cổ phiếu/phiên.

-PNC của Công ty Cổ phần Văn hóa Phương Nam tăng trần lên 12.800 đồng/cổ phiếu. Đây cũng là phiên đáng chú ý của PNC khi khối lượng giao dịch tăng vọt lên 20,62 nghìn cổ phiếu so với chuỗi ngày dài chỉ vài trăm, vài chục, thậm chí 0 cổ phiếu được chuyển giao.

-SGC-Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Sa Giang: Thanh khoản èo uột nhưng những người đã nắm giữ cổ phiếu SGC đều vui vì tài khoản tăng chóng mặt. Chỉ trong hơn 1 tuần giao dịch, cổ phiếu SGC tăng từ 46.100 đồng lên 63.800 đồng tương ứng mức tăng hơn 38%. Điều đáng nói là, SGC đã chốt quyền hưởng cổ tức từ 11/5/2017. Sau khi chốt quyền, cổ phiếu SGC mới tăng mạnh mẽ.

-TV3-Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Điện 3: Vốn dĩ cổ phiếu TV3 không nhiều giao dịch từ lâu nay. Phiên hôm nay cũng vậy, TV3 chỉ giao dịch 300 cổ phiếu. Điều đáng nói là cổ phiếu này từ tăng sốc đến giảm sâu và nay lại đảo chiều tăng trần trong phiên cả thị trường sụt giảm.

-Sau ngày chốt quyền nhận cổ tức bằng tiền 10%, cổ phiếu VNF của Công ty cổ phần Vinafreight liên tục tăng nhưng thanh khoản chỉ vài trăm cổ phiếu.

-Sau phiên giao dịch với khối lượng giao dịch bứt phá khỏi ngưỡng...0 cổ phiếu mỗi phiên vào 18/5/2017, cổ phiếu APP của Công ty Cổ phần Phát triển Phụ gia và Sản phẩm Dầu mỏ liên tục tăng trần và khối lượng giao dịch cũng tăng lên dần. Chỉ trong 10 ngày giao dịch, cổ phiếu APP đã tăng hơn 85% từ 5.700 đồng lên 10.600 đồng hiện tại.

-NVB-Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc Dân: Trong khi hàng loạt cổ phiếu ngân hàng bứt phá mạnh mẽ thời gian qua thì cổ phiếu NVB của Ngân hàng Quốc Dân vẫn loanh quanh mức giá ~5.000 đồng. Phiên 30/5, cổ phiếu này tăng trần nhưng khối lượng khớp chỉ 2.600 đơn vị.

BBS-Công ty cổ phần VICEM Bao bì Bút Sơn; BHT-Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Bạch Đằng TMC; PVV-Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Vinaconex - PVC; BKC-Công ty Cổ phần Khoáng sản Bắc Kạn đều là những cổ phiếu "siêu penny" có thị giá dưới 5.000 đồng/cp. Không có thông tin gì đặc biệt, những cổ phiếu này đều tăng trần với thanh khoản thấp.

Còn KHB của Công ty Cổ phần Khoáng sản Hòa Bình cứ loanh quanh mãi ở ngưỡng 1.700 đồng-1.800 đồng-1.900 đồng/cổ phiếu. Sau khi giảm sàn sẽ là tăng trần, chuỗi ngày cứ thế lặp đi lặp lại. Chỉ khác các penny khác kể trên, cổ phiếu KHB có thanh khoản khá tốt với hơn 580 nghìn cổ phiếu phiên hôm qua.

Nhiều cổ phiếu tăng mạnh nhờ tin

Điển hình nhất của cổ phiếu tăng mạnh nhờ tin là QCG của Quốc Cường Gia Lai. Không chỉ phiên hôm nay mà từ cuối tháng 4, đầu tháng 5 đến nay, cổ phiếu QCG liên tục tăng trần. Chỉ trong hơn một tháng, cổ phiếu QCG đã tăng gấp 4 lần. Sau 2 phiên liên tiếp điều chỉnh, đầu giờ sáng, cổ phiếu QCG đã chìm trong sắc đỏ nhưng sau đó hồi phục dần, kéo lên mức giá trần cuối phiên. Thông tin chuyển nhượng dự án Phước Kiển và nhận tạm ứng 50 triệu USD cùng thông tin chốt quyền trả cổ tức bằng tiền 8,6% đã đẩy giá cổ phiếu QCG lên mức cao.

Có vẻ như thông tin hàng loạt cổ đông nội bộ và cổ đông lớn nhất là Vinaconex thoái vốn lại là tin tốt đối với VMC -Công ty Cổ phần Vimeco. Kể từ khi thông tin thoái vốn dồn dập, cổ phiếu VMC liên tục tăng. Từ đáy ngắn hạn 1 tháng 28.800 đồng/cp, cổ phiếu tăng lên 40.400 đồng/cp tương đương mức tăng hơn 40% trong 1 tháng.

Có cả những doanh nghiệp lỗ, cổ phiếu vẫn tăng

VCR- Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Du lịch Vinaconex: Dù kết quả kinh doanh quý 1/2017 thua lỗ nhưng cổ phiếu VCR đã biến động mạnh thời gian qua. Từ mức 2.300 đồng/cổ phiếu, có lúc cổ phiếu này đã bứt phá mạnh mẽ lên 3.100 đồng/cp tương đương mức tăng gần 35% trong một thời gian ngắn. Sau đó, cổ phiếu lại giảm nhanh về 2.600 đồng. 4 phiên giao dịch gần đây, cổ phiếu VCR có 1 phiên đứng giá, 1 phiên tăng mạnh và 2 phiên tăng trần đẩy giá cổ phiếu về đỉnh ngắn hạn cũ 3.100 đồng.

SDH-Công ty Cổ phần Xây dựng hạ tầng Sông Đà: SDH cũng âm thầm tăng giá mạnh thời gian qua. Nhờ những phiên tăng trần nhiều hơn những phiên giảm sàn, trong 1 tháng giao dịch trở lại đây, cổ phiếu SDH đã từ 1.800 đồng lên 2.500 đồng/cổ phiếu tương đương mức tăng gần 39%. Cũng giống như VCR, SDH báo lỗ quý 1/2017 và mới đây, cổ phiếu bị rơi vào diện cảnh báo giao dịch.

VOS-Công ty Cổ phần Vận tải biển Việt Nam: Lỗ nặng quý 1/2017, nối tiếp chuỗi lỗ liên tục từ lâu nhưng cổ phiếu VOS hết giảm sàn lại tăng trần. Sau 8 phiên giảm sàn, cổ phiếu VOS đã có 2 phiên tăng trần liên tiếp đẩy giá lên 1.180 đồng/cp.

TCD-Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Công nghiệp và Vận tải lên sàn niêm yết được 3 phiên. Sau 2 phiên giảm, cổ phiếu TDC bứt phá mạnh mẽ và tăng trần vào phiên 30/5, đi ngược với thị trường chung.

AMD-Công ty cổ phần Đầu tư và Khoáng sản AMD Group tăng trần 2 phiên liên tiếp và tăng 3 phiên liên tiếp. Công ty cổ phần Đầu tư và Khoáng sản AMD Group được đăng ký thành lập ngày 20 tháng 9 năm 2007 với tên gọi là Công ty Cổ phần FIKOR Việt Nam. Đến 2014, Công ty hoạt động với tên gọi mới là CTCP đầu tư AMD GROUP. Năm 2016, Công ty đổi tên thành CTCP Đầu tư và Khoáng sản AMD Group. Năm 2016, công ty đạt 1.383 tỷ đồng doanh thu thuần bán hàng và 42,5 tỷ đồng LNST. Qúy 1/2017, công ty lãi 3,4 tỷ đồng, giảm sâu so với mức lãi hơn 10 tỷ đồng cùng kỳ năm 2016.

VNG-Công ty Cổ phần Du lịch Thành Thành Công: Dù lỗ ròng (lỗ của cổ đông công ty mẹ) hơn 600 triệu đồng trong quý 1/2017 nhưng VNG có vẻ khá tự tin với kế hoạch kinh doanh năm 2017 khi doanh thu kế hoạch 749 tỷ đồng, lợi nhuận kế hoạch 35,1 tỷ đồng, gấp 7 lần năm 2016.

Phương Chi

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên