MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những con nợ “giấu mặt” có thể đang báo hiệu sự trục trặc trong nền kinh tế toàn cầu

10-08-2019 - 20:30 PM | Tài chính quốc tế

Trong khi các nhà đầu tư tìm kiếm manh mối về sức khỏe của nền kinh tế toàn cầu, một đơn vị nghiên cứu và phân tích thuộc S&P Global cho biết một phân khúc con nợ “giấu mặt” đang cho thấy những dấu hiệu trục trặc ở giai đoạn đầu.

Theo S&P Global Market Intelligence, những "con nợ" đó là các công ty nhỏ không được S&P Global xếp hạng. Xếp hạng tín dụng là một đánh giá về khả năng thanh toán nợ của một chính phủ hoặc công ty nào đó.

Có nhiều lý do vì sao họ chọn cách không xếp hạng tín dụng, chẳng hạn như để tiết kiệm chi phí, phát hành trái phiếu không thường xuyên và nhà đầu tư đã quen thuộc với điều đó. Trong số các công ty nổi tiếng từng chọn cách không xếp hạng tín dụng có hãng thời trang cao cấp Ý Prada và thương hiệu đồ thể thao Adidas.

Dù vậy, nhìn chung, nhiều công ty không có xếp hạng tín dụng S&P là các công ty nhỏ. Những công ty này có khả năng là những nạn nhân đầu tiên trong một đợt suy thoái kinh tế, rheo Michelle Cheong, giám đốc phát triển sản phẩm toàn cầu cho dữ liệu giải pháp tín dụng tại S&P Global Market Intelligence.

Nhóm đó là một phân khúc "ẩn, không được chú ý", Cheong nói với CNBC. Đó là vì những "con nợ" không được xếp hạng có quy mô nhỏ hơn nhiều: Tổng tài sản của họ luôn thấp hơn 10% so với các những công ty khác được xếp hạng trong vòng 5 năm qua.

"Các công ty chưa được xếp hạng giống như một dấu hiệu cảnh báo sớm cho một điều nguy hiểm đang đến gần. Họ thường vỡ nợ trước - trước khi bạn thấy trục trặc xảy ra ở các công ty được xếp hạng - bởi vì họ là mắt xích liên kết yếu hơn", bà nói thêm.

Những con nợ “giấu mặt” có thể đang báo hiệu sự trục trặc trong nền kinh tế toàn cầu - Ảnh 1.

Tổng tài sản của các công ty không được xếp hạng trong năm tài chính 2018 (Nguồn: S&P Global Market Intelligence (28/06/ 2019).

Cheong chỉ ra những rủi ro có thể có ở các tổ chức có vấn đề chưa được xếp hạng bằng cách nghiên cứu những chỉ số như ước tính thu nhập và tăng trưởng doanh thu. Bà cũng tìm hiểu về các tín hiệu báo nguy tiềm ẩn, gồm những thông báo công khai mà dường như "tiêu cực", chẳng hạn như việc tái cấu trúc công ty.

Một xu hướng đáng lo ngại, Cheong nói, là tỷ suất lợi nhuận giảm ở các công ty chưa được xếp hạng. Một lý do đằng sau đó là đầu tư quá mức vào những dự án ít lợi nhuận do tín dụng giá rẻ có sẵn trong vài năm qua, bà giải thích.

Các nhà phân tích từ lâu đã cảnh báo về sự nguy hiểm của tình trạng nợ ngày càng tăng do lãi suất thấp trên toàn cầu. Môi trường lãi suất thấp xuất hiện sau khi các ngân hàng trung ương trên thế giới nới lỏng chính sách tiền tệ hơn để kích thích nền kinh tế sau cuộc khủng hoảng tài chính.

Trong báo cáo ổn định tài chính toàn cầu hồi tháng 4, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cho rằng lãi suất thấp đã dẫn đến mức nợ rủi ro cao hơn trong nền kinh tế. Điều đó đã làm tăng sự dễ bị tổn thương trong hệ thống tài chính, có thể làm cho những ảnh hưởng của suy thoái kinh tế trở nên tệ hơn.

Phân tích của S&P Global Market Intelligence cho thấy các thực thể chưa được xếp hạng ở Trung Quốc, Mỹ và lĩnh vực công nghệ ở châu Á Thái Bình Dương là nằm trong số những đối tượng có nguy cơ tăng đột biến trong vấn đề vỡ nợ.

Theo nghiên cứu trên, các công ty Trung Quốc đã vỡ nợ ở mức độ "chưa từng có" trong năm nay, trong khi khả năng Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) mà không đạt được thỏa thuận nào đã làm tổn hại đến triển vọng của các công ty. Đồng thời, lĩnh vực công nghệ ở châu Á - Thái Bình Dương đã bị ảnh hưởng bởi sự suy giảm nhu cầu và những căng thẳng thương mại toàn cầu.

Các nhà đầu tư chú ý đến những dấu hiệu của trục trặc - đặc biệt là sau khi Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, có được đợt tăng trưởng kinh tế dài nhất trong lịch sử.

Một dự báo suy thoái đã xảy ra vào tháng 3: Lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ đã giảm xuống dưới mức của trái phiếu 3 tháng. Hiện tượng này, được gọi là sự đảo ngược trong đường cong lợi suất, đã xảy ra trước mỗi cuộc suy thoái kinh tế trong 50 năm qua.

Phân tích của Cheong về các công ty không được S&P xếp hạng không phải là mới, nhưng bà cho biết những con nợ chưa được xếp hạng "ở nhóm tệ nhất" của ngành bất động sản Mỹ (lĩnh vực được cho là đã góp phần gây ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu) đã bắt đầu gặp vấn đề trong việc trả nợ của họ vào những năm 2005 và 2006.

Như bà lưu ý, điều đó diễn ra rất lâu trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng nợ dưới chuẩn.

Tuy nhiên, Cheong cho rằng chỉ quan sát phân khúc chưa được xếp hạng có thể là không đủ để phát hiện ra một bước ngoặt rõ ràng trong chu kỳ kinh tế. Bà giải thích rằng nghiên cứu các xu hướng khác như những vụ vỡ nợ trái phiếu có mức tin cậy thấp và số lần hạ bậc so với nâng bậc xếp hạng tín dụng có thể giúp các nhà đầu tư có được một bức tranh tốt hơn về tình trạng kinh tế toàn cầu.

Lê Thanh Hải

CNBC

Trở lên trên