MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những "công nghệ" chèo kéo khách mua nhà có một không hai của môi giới địa ốc

29-06-2016 - 09:21 AM | Bất động sản

Tiếp xúc với rất nhiều khách hàng tại lễ mở bán dự án, họ đều cho rằng không ai dám cung cấp số điện thoại hoặc địa chỉ liên lạc của mình cho môi giới. Theo họ, lượng nhà ở càng mở bán nhiều bao nhiêu thì tin nhắn, tờ rơi và đủ kiểu chèo kéo "khủng bố" khách hàng tiềm năng càng dồn dập.

Thực tế tại những buổi lễ mở bán dự án bất động sản tại TP.HCM thời gian gần đây, những người chú ý quan sát có thể dễ nhận ra đối tượng chiếm đa số trong các buổi lễ mở bán là đội ngũ môi giới.

Phần nhiều trong đó là các bạn trẻ - những người ngày ngày cần mẫn nhắn tin, gọi điện cho các thuê bao được các sàn giao dịch đưa vào danh sách khách hàng tiềm năng.

Bà Dương Thùy Dung, Trưởng bộ phận Nghiên cứu của CBRE Việt Nam cho biết, trong những sự kiện bán hàng của một số dự án gần đây, có những khách hàng mua cùng lúc 10 – 20 căn hộ, thậm chí, có người mua nguyên cả sàn căn hộ để bán lại. Đây là yếu tố quan trọng giúp số lượng căn hộ chào bán ra thị trường tăng lên và giúp cho thị trường sôi động thời gian qua.

Tham gia rất nhiều sự kiện mở bán dự án BĐS mới trong 6 tháng đầu năm, chúng tôi cũng đã có dịp tiếp xúc với khá nhiều đối tượng khách hàng, nhìn nhận chung cho thấy hiện nay tâm lý của nhiều người cảm thấy "bất an" với các kiểu chào mời của lực lượng môi giới.

Bà Phạm Thu Hương, ngụ tại quận Tân Bình, cho biết: "Lúc trước gia đình tôi cũng tham gia nhiều sự kiện mở bán dự án, để lại địa chỉ liên lạc, số điện thoại cá nhân. Thế là từ gần 3 năm nay hầu như ngày nào cũng nhận ít nhất là 1 tin nhắn với đủ kiểu giới thiểu dự án mới, chương trình ưu đãi. Nhiều lần rất nhiều môi giới gọi vào di động, chúng tôi khá bức xúc vì họ gọi vào những giờ đang làm việc, thậm chí đêm khuya cũng không tha".

Theo bà Hương, sau một thời gian bị chúng tôi trả lời thẳng thắn về cách gọi điện thoại như vậy rất ảnh hưởng đến cuộc sống và việc làm trong khi không có nhu cầu mua nhà. Từ đó trở đi, tin nhắn tiếp tục "dội bom" vào điện thoại cá nhân. Chưa dừng lại đó, thời gian từ đầu năm 2016 tới nay, tuần nào gia đình bà cũng nhận được nhiều tờ rơi quảng cáo dự án được "phát" trực tiếp tận cửa nhà.

"Họ đến tìm chúng tôi nhưng do đi làm nên họ canh khoảng 7-8h tối là gõ cửa nhà rồi giới thiệu rất nhiều, không cần biết chúng tôi có muốn nghe hay không", bà Hương nói thêm.

Có mặt tại dự án The Southern Dragon ( đường Âu Cơ, quận Bình Tân) vào hai ngày cuối tuần, từ lúc 7h sáng hai bên đường đã có hàng dài môi giới nhà đất trân tay ôm cả sấp dài tờ rơi quảng bá dự án. Bất kể người nào chạy ngang qua khu vực này đều phải "hứng chịu" những cánh tay phe phẩy tờ rơi trước mặt.

Nếu không ai nhận thì các môi giới lập tức chồm ra nhét đại vào chỗ nào trên xe máy có thể nhét được. "Thậm chí có lần chở con đi học, họ còn kéo cả xe tôi dừng lại để giới thiệu và chào mời dự án", anh Trần Ngọc Hưng, nhà ở tại đường Bàu Cát 8, quận Tân Bình, nói.

Không chỉ quảng cáo dự án, rao bán nhà đất bằng spam tin nhắn mô giới bất động sản còn sử dụng đa dạng các kênh từ các ứng dụng OTT đến “dội bom” người dùng bằng facebook.

“Nhiều người không có nhu cầu mua nhà ở cho biết có ngày mở facebook cá nhân ra thấy báo rất nhiều tin nhắn mở ra thì chỉ thấy tin nhắn quảng cáo đủ các dịch vụ tuyển dụng rồi bán sim, bán nhà đất. Tôi bị cho thêm vào mấy nhóm quảng cáo như thế. Có ngày vào đến 4-5 nhóm cứ thoát ra lại có người khác đưa vào nhóm mới.

"Trang facebook cá nhân của tôi giờ đây tràn ngập fanpage với đủ loại lời chào mời dự án, chương trình khuyến mãi đầy hấp dẫn. Giờ tôi cũng chẳng muốn vào facebook vì càng xoá, càng chặn thì nhóm khác lại xuất hiện", anh Nguyễn Minh Kha, một viên chức nhà nước, cho biết thêm.

Một trường hợp khác, đang làm sếp của một công ty truyền thông lớn tại TP.HCM, anh Phùng Hà Cung thường xuyên đi công tác nước ngoài nhưng vẫn bị "hành" bởi nhiều cuộc gọi rao bán nhà. Anh Cung kể rằng trong một chuyến công tác ở Hàn Quốc mới đây, suốt 3 ngày họp căng thẳng với các đối tác nhưng vẫn liên tục nhận các cuộc điện thoại lạ từ trong nước gọi sang.

"Nghĩ rằng có thể là số điện thoại của đối tác mới, nhưng té ra trong 10 cuộc gọi thì có đến 4 cuộc là của môi giới nhà đất. Trong những trường hợp như thế này chúng ta phải hết sức khôn khéo từ chối, chứ nếu thể hiện sự bức xúc, chửi lại thì lập tức cả ngày hôm đấy nhiều môi giới trong nhóm sẽ làm "cháy điện thoại bằng việc "dội bom" tin nhắn và cuộc gọi", anh Cung nói.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, các môi giới có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề, cho biết chi phí hàng tháng tối thiểu khoảng 9,7 triệu. Trong đó: Telesales 3 triệu, tiền điện thoại 700.000 đồng, tiền ăn 100.000 x 30 = 3 triệu, tiền xăng 1 triệu, chi phí tiếp khách 1 triệu, nhan sắc 1 triệu. “Đấy là chưa kể các chi phí linh tinh khác như marketing, taxi, nước hoa... Do đó, nếu làm không hiệu quả chỉ có lỗ và buộc họ phải dùng đủ cách để kéo khách hàng.

Trao đổi với chúng tôi về hiện tượng này, một số doanh nghiệp địa ốc cho rằng các môi giới đang bị áp lực rất lớn vì phải đạt doanh số bán hàng. Không còn thời môi giới ngồi phòng máy lạnh chờ khách đến mua. Với số lượng sản phẩm bất động sản tung ra tại TP.HCM khá lớn, cuộc chiến của sale đi tìm khách ngày càng khốc liệt. Từ đó, doanh nghiệp rất khó kiểm soát các hoạt động chào bán dự án của lực lượng môi giới nên nhiều khi bị "dính" hậu quả do họ thông tin sai lệch về dự án.

Đăng Khải

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên