Những 'cú nổ' vĩ đại trong giới gọi xe giờ ra sao: Uber thua lỗ hàng tỷ USD, vốn hóa Grab giảm 22 tỷ USD trong 3 tháng, Didi tương lai mờ mịt
Những ông lớn trong thị trường gọi xe như Uber, Grab hiện đều đang lao đao.
- 07-02-2022Các ứng dụng giao đồ ăn, gọi xe bắt đầu áp dụng chính sách giảm thuế VAT
- 18-11-2021Xịn như dịch vụ gọi xe GoCar mới ra mắt của Gojek: Tất cả xe đều có tấm chắn bảo vệ, máy lọc không khí diệt virus, tài xế tiêm 2 mũi vaccine
Peter Thiel từng nói: "Đi đầu chỉ là một chiến thuật chứ không phải mục tiêu. Tốt hơn nên là kẻ xuất phát sau cùng".
Nghe qua thì đây có vẻ là ý tưởng khá ngược đời. Khi nào thì là kẻ đến sau sẽ tốt hơn là người đi trước?
Steve Jobs có lẽ là người hiểu rõ nhất vấn đề này. Apple không phải là công ty sản xuất MP3 đầu tiên hay smartphone đầu tiên. Tuy nhiên trong lĩnh vực công nghệ tiêu dùng, với cả 2 sản phẩm này hiện Apple đều là người dẫn đầu.
Điều đó không phải tình cờ may mắn mà có được. Đây chính là lý thuyết theo như Peter Thiel nói trong thực tế. Sự giàu có không được tạo nên bởi lợi thế là người đi trước mà là nhờ lợi thế độc quyền: Công ty nào chinh phục được thị trường, khiến người tiêu dùng có thể quên hẳn các sản phẩm khác và tiếp tục thống trị thì mới có khả năng sinh lời.
Trở thành người sống sót cuối cùng chính là lúc họ có thể kiếm được lợi nhuận. Đó chính là mục tiêu mà bất kỳ startup hay doanh nghiệp nào cũng muốn đạt được.
Vậy có nghĩa là nên kinh doanh từ từ và tẻ nhạt?
Không. Đó không phải là những gì Thiel nói. Cứ nhìn vào điện thoại Windows và camera kỹ thuật số của Kodak là biết.
Đây cũng không phải lý thuyết chủ nghĩa cầu toàn. Những quy tắc khởi nghiệp tinh gọn vẫn được áp dụng. Bạn muốn đi nhanh và có thể phá vỡ một thứ gì đó nhưng không nên hy sinh những nhân tố thiết yếu.
iPhone đã giết chết Blackberry bởi vì nó tốt hơn gấp 10 lần. Vấn đề không phải là trở thành một kẻ vội vã, nôn nóng trên thương trường, vấn đề nằm ở việc Apple đã xây dựng nên một sản phẩm tuyệt vời để cạnh tranh, kết hợp với cải tiến một công cụ ngày càng mạnh hơn qua thời gian - là App Store.
Streve Jobs đã thành công trong khi RIM thất bại là nhờ đội ngũ của ông ấy. Họ thuyết phục ông rằng kho ứng dụng bên thứ 3 sẽ tốt hơn đội lập trình của Apple và họ đúng. Hiện tại, dù phải đấu với Android, App Store của Apple vẫn là nơi giữ chân người dùng tốt.
Lợi thế cạnh tranh
Lợi thế đi trước của Apple không phải ở lĩnh vực điện thoại thông minh mà là ở kho ứng dụng bên thứ 3, thành công vượt ngoài sức tưởng tượng. Các lập trình viên đua nhau xây dựng ứng dụng và mô hình kinh doanh xung quanh iPhone và trải nghiệm của người dùng để tốt hơn, tốt hơn nữa. Khi có nhiều người dùng hơn, nhiều lập trình viên hơn tham gia rồi cũng có nhiều ứng dụng hơn – một vòng quay không bao giờ ngừng lại. Kết quả là, tiền cứ thế chảy vào tài khoản ngân hàng của Apple.
Apple chính là minh họa điển hình cho những gì tất cả các startup nên làm và hướng đến đó là sự vững chắc gia tăng theo thời gian của mô hình kinh doanh.
Lý do là bởi áp lực cạnh tranh và chi phí thu hút khách hàng mới. Những doanh nghiệp có "lớp phòng thủ yếu" sẽ luôn gặp khó khăn về vấn đề làm sao để tạo ra lợi nhuận. Cứ nhìn vào các công ty gọi xe như Uber là thấy. Sơ qua thì đây đều là những doanh nghiệp vĩ đại nhưng đào sâu hơn, những mảng yếu kém bắt đầu lộ ra.
UBER "LẤY TIỀN MUA BẠN"
Ở đây không đề cập tới đội ngũ quản lý của Uber hay các nhà đầu tư đứng sau đó. Chuyện còn sâu sắc hơn thế nhiều.
Ứng dụng chia sẻ xe này là một doanh nghiệp mang tính địa phương. Và với doanh nghiệp có tính chất như vậy, mạng lưới tại địa phương phải rất mạnh. Uber tiêu hàng tấn tiền để vào được các thành phố, tuyển lái xe và rải tiền cho những khuyến mại, quảng cáo để thu hút khách hàng. Khi có nhiều tài xế hơn và nhiều người gọi xe hơn sử dụng hệ thống, tính hiệu quả cao hơn và lợi thế quy mô bắt đầu vượt trội.
Đó là lý do vì sao Uber, Didi, Grab và Lyft lại huy động được rất nhiều tiền. Đó là một vùng đất màu mỡ và các nhà đầu tư mạo hiểm rót tiền vào để đua nhau nắm quyền kiểm soát.
Tuy nhiên có một vấn đề rất lớn. Lái xe và người đi xe không trung thành. Lý do tôi dùng Uber hay Lyft hoặc bất kỳ ứng dụng nào khác là vì giá rẻ, và được quảng cáo nhiều. Chỉ cần có chương trình khuyến mại tốt hơn từ đối thủ cạnh tranh là tôi sẽ rời đi.
Điều này rất đúng với cánh lái xe. Hầu hết lái xe Uber và Lyft sử dụng 2 điện thoại và chạy xe cho cả 2. Công ty nào trả cho họ nhiều hơn thì họ làm!
Những điều đó cho thấy "hào kinh tế" - Economic Moat (lợi thế khác biệt của một công ty so với các đối thủ cạnh tranh, rất khó bị bắt chước hoặc sao chép, giúp công ty giữ vững thị phần và bảo vệ lợi nhuận của mình) của Uber không vững chắc lắm nhỉ? Trên thực tế còn tồi tệ hơn nhiều.
Mỗi thành phố Uber thâm nhập vào họ đều phải tiêu rất nhiều tiền. Tuy nhiên bất kỳ ứng dụng gọi xe nào khác cũng phải làm như vậy. Nhưng làm sao Uber lại chiến thắng? Khi vào một thành phố sớm hơn, họ chi tiêu mạnh tay hơn đối thủ để "mua chuộc" lái xe và khách hàng.
Tuy nhiên ai cũng có thể làm như vậy. Trung Quốc đã thách thức Uber và họ thắng, buộc Uber phải rời khỏi đây.
Chúng ta cũng sẽ chứng kiến nhiều tình huống như vậy hơn. Các startup đang nổi lên ở các thành phố và đất nước trên khắp thế giới để cạnh tranh với Uber. Họ huy động vốn và thậm chí còn xuống tiền mạnh tay hơn Uber.
Đó chính là vấn đề lớn. Nó cho thấy, trên đấu trường quốc tế, Uber gần như không có cửa. Họ sẽ luôn trong thế bị động. Nghĩa là Uber không thể là công ty gọi xe cuối cùng còn lại trên thị trường. Mà nếu không thể độc quyền, họ không thể tạo ra sức mạnh về giá.
Một lần nữa, nó cho thấy "hào kinh tế" của Uber quá yếu!
VỐN HÓA GRAB BỐC HƠI 22 TỶ USD TRONG 3 THÁNG
Đầu tháng 3, Tờ Bloomberg đưa tin, gã khổng lồ gọi xe và giao hàng của Đông Nam Á là Grab đã chứng kiến vốn hoá bốc hơi 22 tỷ USD kể từ khi IPO vào tháng 12 năm ngoái thông qua một thương vụ với công ty SPAC.
Cụ thể, giá cổ phiếu công ty này đã giảm 63% kể từ khi ra mắt, khiến họ nằm trong danh sách hoạt động kém nhất của Chỉ số tổng hợp Nasdaq trong khoảng thời gian đó. Chưa dừng lại ở đó, mức giảm 37% hôm thứ năm đánh dấu đợt bán tháo lớn nhất từ trước đến nay sau khi khoản lỗ ròng hàng quý của công ty có trụ sở tại Singapore tăng gần gấp đôi so với năm ngoái. Sự xáo trộn diễn ra khi có khoảng 115 triệu cổ phiếu được trao tay, gấp hơn 4 lần mức trung bình trong tháng qua.
Khoản lỗ của Grab đạt 1,06 tỷ USD trong quý 4, so với ước tính đồng thuận là 645 triệu USD. Những khoản lỗ ngày càng tăng đã khiến các nhà đầu tư tháo chạy khỏi cổ phiếu của cả các công ty khác vẫn chưa thu được lợi nhuận.
Trước đó vào tháng 12, Grab chính thức niêm yết trên sàn chứng khoán lớn thứ hai của Mỹ - Nasdaq - với mã chứng khoán GRAB.
"Tôi đã chủ trì rất nhiều buổi lễ rung chuông trong suốt nhiều năm qua, nhưng buổi Lễ Rung Chuông ngày hôm nay mang một ý nghĩa đặc biệt hơn hẳn", ông Bob McCooey, Chủ tịch Nasdaq khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, chia sẻ.
Đây là Lễ Rung Chuông đầu tiên của Nasdaq được tổ chức tại Đông Nam Á. CEO Grab Anthony Tan và đội ngũ mang buổi lễ vốn được tổ chức theo truyền thống tại New York đến ngôi nhà chung Đông Nam Á.
"Đây là giao dịch niêm yết tại Mỹ lớn nhất trong lịch sử được thực hiện bởi một công ty Đông Nam Á, và tôi có thể hiểu vì sao Grab đã phát triển thành một thương hiệu quen thuộc với mọi gia đình và trở thành siêu ứng dụng số 1 trong khu vực", ông McCooey nói thêm.
Giá cổ phiếu Grab đã tăng vọt trong phiên giao dịch trước ngày mở cửa thị trường ở New York. Tuy nhiên, sau khi mở cửa giá chỉ còn ở mức 13,06 USD, giảm hơn 21% ngay trong ngày đầu tiên. Sự giảm giá này đã thổi bay khoảng 17 tỷ USD giá trị thị trường của công ty và có nghĩa là cổ phần của Tan, ban đầu trị giá hơn một tỷ USD, kết thúc phiên ở mức chỉ 725 triệu USD, theo Chỉ số tỷ phú của Bloomberg.
Grab thành lập năm 2012, với dịch vụ ban đầu là gọi xe taxi. Hiện Grab đang cung cấp các dịch vụ giao nhận, di chuyển và tài chính kỹ thuật số tại hơn 400 thành phố thuộc 8 quốc gia khu vực Đông Nam Á bao gồm Campuchia, Indonesia, Malaysia, Myanmar, Singapore, Philippines, Thái Lan và Việt Nam.
Đại dịch đã gây thiệt hại cho hoạt động của Grab khi nhu cầu đối với các dịch vụ di chuyển giảm dần trong bối cảnh các biện pháp thắt chặt chặt và các hạn chế trên toàn khu vực. Hơn nữa, công ty đang phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng tăng sau khi đối thủ người Indonesia là Gojek, sáp nhập với nhà cung cấp thương mại điện tử Tokopedia. GoTo, pháp nhân sau kết hợp, đang chuẩn bị cho đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng ở trong nước và ở Mỹ vào năm tới.
Nhưng Anthony Tan vẫn tự tin rằng mọi thứ sẽ trở nên tốt đẹp hơn cho Grab khi có nhiều người tiêm chủng và các quốc gia chọn theo đuổi chiến lược chung sống với Covid-19.
"Chúng tôi tự tin về hoạt động kinh doanh của mình". Anh cũng bổ sung rằng "Mọi thứ đang được theo dõi tốt", ý chỉ việc đáp ứng mục tiêu năm nay về tổng giá trị hàng hóa tăng từ 15 tỷ USD đến 15,5 tỷ USD.
DIDI KHÔNG BIẾT TƯƠNG LAI RA SAO
Tờ Bloomberg trích dẫn nguồn tin thân cận cho hay, các quan chức cấp cao của Trung Quốc đã gạt đi hàng loạt các hình phạt được đề xuất đối với Didi Global do cơ quan quản lý an ninh mạng của quốc gia đệ trình. Điều này, theo Bloomberg nhận định sẽ khiến tương lai của gã khổng lồ gọi xe gặp khó khăn, rơi vào tình trạng lấp lửng chưa từng có.
Nguồn tin cho hay, Didi đã đàm phán với Cơ quan quản lý không gian mạng của Trung Quốc (CAC) về một khoản tiền phạt và các hình phạt khác vào tháng 6 năm ngoái. Cơ quan này đã dự định công bố kết quả của cuộc điều tra đó vào tháng 4 nhưng các quan chức chính phủ trung ương nói với CAC rằng họ không hài lòng với các hình phạt được đề xuất và "yêu cầu sửa đổi". Một nguồn tin cho biết, các quan chức trung ương cho rằng các biện pháp xử lý mà CAC đưa ra quá khoan dung.
Nguồn tin này cho biết thêm, đó cũng là lý do Didi đình chỉ kế hoạch niêm yết tại Hồng Kông và rằng không chắc khi nào tranh chấp đó có thể được giải quyết.
Kết quả là Didi - từng là công ty khởi nghiệp nổi tiếng nhất ở Trung Quốc, phải đối mặt với nhiều bất ổn hơn khi chuẩn bị rời sàn New York theo lệnh từ Bắc Kinh. Công ty từng có giá trị khoảng 80 tỷ USD và giờ đây họ có nguy cơ phải đối mặt với khả năng cổ phiếu bị giao dịch qua Pink-Sheet (dịch vụ niêm yết hàng loạt các cổ phiếu giao dịch thông qua giao dịch OTC). Didi tuần trước cho biết họ đã không nộp đơn để chuyển sang một sàn giao dịch khác. Điều này gây ngạc nhiên cho các nhà đầu tư vốn dự đoán về một quá trình chuyển đổi suôn sẻ hơn.
Sự chậm trễ giải quyết là một trở ngại khác đối với Didi - startup từng đánh bại Uber Technologies trước khi trở thành một trong những mục tiêu lớn nhất của cuộc đàn áp lĩnh vực công nghệ tại Trung Quốc. Vài ngày sau khi IPO trị giá 4,4 tỷ USD tại Mỹ, công ty đã bị đặt dưới một cuộc điều tra an ninh mạng và các dịch vụ của họ đã được đưa ra khỏi các kho ứng dụng trên toàn Trung Quốc.
Sự không chắc chắn kéo dài xung quanh số phận của Didi đang góp phần tạo ra những câu hỏi dai dẳng về ý định của Bắc Kinh đối với một ngành công nghiệp internet khổng lồ.
Nguồn: Bloomberg, Medium
Nhịp sống kinh tế