Những cuộc họp qua trưa, xuyên tối, thông đêm và bữa ăn bằng mỳ tôm, bánh mỳ của bầu Hiển
"Như cá nhân tôi, 11-12 giờ đêm mới về nhà ăn tối là chuyện bình thường!", bầu Hiển chia sẻ trong một bài phát biểu cách đây không lâu.
Ông Đỗ Quang Hiển - bầu Hiển là một doanh nhân nổi tiếng trong nhiều lĩnh vực như bóng đá, chứng khoán, tài chính, bất động sản... Tuy nhiên, một lĩnh vực gắn với tên tuổi nhiều nhất của ông Hiển có lẽ là chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị của Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB).
SHB được thành lập từ năm 1993 với số vốn điều lệ vỏn vẹn chỉ có 400 triệu đồng. Trải qua 26 năm hình thành và phát triển, ngân hàng này đã phát triển thành một mạng lưới đồ sộ.
Tính đến 31/3/2019, SHB có vốn điều lệ hơn 12.000 tỷ đồng và sẽ tăng lên 17.570 tỷ đồng trong năm 2019. Tổng tài sản trên 333.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt gần 744 tỷ đồng.
Từ một ngân hàng chỉ có 8 nhân viên nghiệp vụ, 2 điểm giao dịch, SHB đã phát triển mạnh mẽ với gần 8.000 cán bộ nhân viên đang làm việc tại hơn 520 điểm giao dịch trong và ngoài nước, phục vụ hơn 4 triệu khách hàng cá nhân, doanh nghiệp và kết nối tới 400 ngân hàng đại lý trên khắp các châu lục.
Ngân hàng SHB hiện đứng trong Top 5 Ngân hàng TMCP tư nhân lớn nhất Việt Nam, Top 10 Ngân hàng Thương mại uy tín nhất Việt Nam; Top 1.000 ngân hàng toàn cầu và là 1 trong 16 tổ chức tín dụng có tầm ảnh hưởng quan trọng trong hệ thống ngân hàng Việt Nam…
Ngoài ra, SHB còn nhận được nhiều Huân chương, Giấy khen... của Đảng, Nhà nước và các Bộ ngành.
Không chỉ phát triển ổn định ở thị trường nội địa, SHB còn ghi dấu ấn tượng bằng hoạt động tại những ngân hàng con tại thị trường Lào, Campuchia và sắp tới là Myanma. Có được như ngày hôm nay, nhờ công sức đóng góp, dẫn dắt của Chủ tịch Đỗ Quang Hiển - doanh nhân có hơn 12 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng.
"Chúng tôi thường xuyên có những cuộc họp kéo dài qua hết cả buổi trưa, ăn mì tôm là chuyện rất bình thường, hay có những cuộc họp băng qua cả giờ ăn tối, kéo dài tới tận đêm. Chỉ khi nào tìm ra giải pháp và thống nhất được thì cuộc họp mới kết thúc và ngày hôm sau lại tiếp tục một guồng quay mới.
Chúng tôi phải giải quyết dứt điểm từng việc vì phía sau còn là cuộc sống của hàng nghìn cán bộ, nhân viên khác nữa. Bất kỳ một phản ứng chậm chạp hay sai lầm nào đều có thể phải trả giá ngay lập tức, cho nên chúng tôi phải nỗ lực từng giờ, từng phút", ông Hiển chia sẻ trong một bài phỏng vấn cách đây hơn 1 năm.
Bản thân ông Hiển cũng từng nói, làm ngân hàng là một việc không hề dễ dàng. "Như cá nhân tôi, 11-12 giờ đêm mới về nhà ăn tối là chuyện bình thường! Tất nhiên, trong công việc, mỗi người chúng ta làm ở đâu, làm việc gì thì chắc là tinh thần làm việc và trách nhiệm với công việc đều giống nhau, tôi không dám nói ai vất vả hơn, nhưng mỗi ngành có đặc thù riêng", ông nhấn mạnh.
Dù vất vả, cực nhọc nhưng cuộc sống của ông Hiển cũng đơn giản, không hề cầu kỳ, quy cách như nhiều người nghĩ về những đại gia giàu có. Ở bản thân ông Hiển luôn toát ra sự bình bị, thân thuộc. Bạn bè vẫn thường xuyên bắt gặp ông Hiển ăn sáng giản dị ở những quán bình dân ven đường, chỉ để nạp năng lượng cho một ngày làm việc bắt đầu lúc 6h sáng.
Đặc biệt, ông Đỗ Quang Hiển có nhiều suy nghĩ khá thoáng, khá hiện đại về kinh doanh - vài trò của nhân viên trong sự hưng thịnh, phát triển của doanh nghiệp: "Đã là một doanh nghiệp thì chắc chắn điều đầu tiên chúng ta phải nghĩ đến là lợi nhuận vì lợi ích của cổ đông và lợi ích của cán bộ nhân viên, vì mục tiêu cao cả là sự thịnh vượng của khách hàng.
Song SHB luôn luôn kinh doanh, thu lợi nhuận trên cơ sở nền tảng văn hóa, tính nhân văn chứ không đạt lợi nhuận bằng mọi giá", ông nói.
"Tôi luôn tâm niệm, thành công của một doanh nghiệp không phải nhờ người đứng đầu, mà là từ các cộng sự, cán bộ nhân viên phía dưới. Do đó, trong kinh doanh, tôi hiểu nhiệm vụ của "bầu" Hiển chính là phải đảm bảo đời sống cho 50.000 con người đó...
Tôi luôn nói với các nhân viên của mình là thu nhập của các bạn do các bạn trả. Đừng ai nghĩ thu nhập là do ông chủ tịch như tôi hay ông tổng giám đốc quyết định. Việc của người lãnh đạo chỉ là tạo cơ chế thúc đẩy sự sáng tạo để từ đó gia tăng thu nhập cho nhân viên. Tôi luôn muốn nhân viên của mình sống được bằng lương, làm giàu bằng thưởng.
Như ở SHB, tôi mong có những nhân viên kinh doanh có thu nhập tiền tỷ, bởi như vậy là các đơn vị có thể lãi hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng. Thực tế, có những đơn vị đã được thưởng rất lớn", ông Hiển phát biểu.
Khi nói về những thành công của SHB trong kinh doanh, đạt được nhiều danh hiệu cao quý, bầu Hiểu thể hiện rõ sự tôn trọng, biết ơn đối với các nhân viên của ông: "Danh hiệu ấy tôi chỉ là người đại diện nhận về đấy thôi chứ thực ra nó là của hàng nghìn anh chị em đang ngày đêm cống hiến cho SHB đấy chứ. Không có họ, tôi làm sao mà hoàn thành nhiệm vụ được...
Công việc thì luôn có những lúc thuận lợi và có những lúc khó khăn, điều quan trọng là trong bất kỳ tình huống nào thì mỗi chúng ta luôn thể hiện sự tôn trọng với từng cán bộ, nhân viên, để qua đó khơi dậy được nguồn cảm hứng sáng tạo, cống hiến trong họ", bầu Hiển chia sẻ.
Nhịp sống Kinh tế