Những đầu tàu ASEAN (K3): Bước nhảy “hóa rồng“
Trong khối ASEAN Singapore đã đạt tới trình độ phát triển cao. Trong khi đó, Thái Lan, Malaysia, Indonesia cũng hy vọng sẽ “hóa rồng” vào một ngày không xa.
- 14-08-2017Những đầu tàu ASEAN (K1): Đuổi theo những con hổ
- 08-08-2017Trải qua thăng trầm lịch sử, ASEAN chào đón thời khắc ''vàng''
Không dựa trên tài nguyên
Từng là thuộc địa của Anh trong một thời gian dài và chỉ độc lập từ năm 1965, lại hầu như không có “rừng vàng, biển bạc, đất phì nhiêu”. Thế nhưng, dưới sự lãnh đạo của “cha già lập quốc” Lý Quang Diệu, đến thập niên 1970 Singapore đã trở thành nước công nghiệp mới (NIC) và hiện nay là một trong những nền kinh tế phát triển nhất thế giới.
Theo Wikipedia, Singapore được xếp vào nhóm nền kinh tế thị trường định hướng thương mại phát triển cao, là nền kinh tế có độ mở lớn nhất thế giới, xếp thứ 7 về mức độ trong sạch của chính quyền, môi trường kinh doanh tốt nhất với thuế suất thấp (chỉ đóng góp 14,2% GDP), GDP bình quân đầu người cao thứ 3 thế giới.
Sau khi đã đạt thành tựu cao trong việc chuyển đổi sang nền kinh tế dịch vụ, hiện nay Singapore là quốc gia đi đầu trong việc chuyển đổi sang nền kinh tế tri thức, với mục tiêu đến năm 2018 sẽ trở thành nền kinh tế tri thức hàng đầu thế giới.
Hiện nay, nền kinh tế Singapore chủ yếu dựa vào lĩnh vực dịch vụ, với đóng góp GDP lên tới 75%, cung cấp việc làm cho 83,9% lực lượng lao động. Bên cạnh đó là ngành công nghiệp với đóng góp GDP 25%, thu hút 14,8% lực lượng lao động. Tính đến năm 2015, GDP danh nghĩa của Singapore đạt 307,9 tỷ USD, đứng thứ 3 Đông Nam Á (chỉ sau Indonesia và Thái Lan).
Các mặt hàng chính của ngành công nghiệp Singapore là điện tử, hóa chất, thiết bị khoan lọc dầu, chế biến cao su và các sản phẩm từ cao su, thực phẩm chế biến và đồ uống, sửa chữa tàu biển, xây dựng, công nghệ sinh học. Trong đó các sản phẩm máy móc và linh kiện (điện tử viễn thông), dược phẩm và hóa chất, sản phẩm từ dầu mỏ tinh chế đã được xuất khẩu qua nhiều nước.
Về dịch vụ, Singapore được xem là một trung tâm tài chính toàn cầu, với các ngân hàng cung cấp các tiện ích tài khoản ngân hàng doanh nghiệp đẳng cấp thế giới. Trong Chỉ số Trung tâm tài chính toàn cầu năm 2017, Singapore được xếp hạng là trung tâm tài chính cạnh tranh thứ 3 trên thế giới, chỉ sau London và New York. Singapore gần đây còn nổi lên như một thiên đường thuế mới, đã thu hút tài sản trước đây được gửi tại các ngân hàng Thụy Sĩ. Credit Suisse, ngân hàng lớn thứ 2 Thụy Sĩ, cũng đã chuyển trụ sở sang Singapore vào năm 2005.
Ngành công nghiệp không khói
Du lịch là ngành công nghiệp chủ đạo và đóng góp lớn cho nền kinh tế Singapore, năm ngoái nước này đã thu hút tới 16.402.593 du khách quốc tế (gấp 3 lần dân số). Báo cáo về khả năng cạnh tranh du lịch năm 2015 xếp Singapore thứ 11/141 quốc gia, đứng thứ 2 ở châu Á chỉ sau Nhật Bản. Báo cáo đánh giá chính sách du lịch và các điều kiện du lịch của Singapore tốt nhất trên thế giới. Quận Orchard Road, với các trung tâm mua sắm và khách sạn nhiều tầng, được coi là trung tâm du lịch tại Singapore. Các điểm tham quan phổ biến khác bao gồm Vườn thú Singapore, River Safari và Night Safari, cho phép mọi người khám phá môi trường sống ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ vào ban đêm của động vật hoang dã.
Tổng số ngày du khách trải qua ở Singapore trong năm 2016 là 56 triệu ngày, trung bình 3,7 ngày/khách. 77,5% du khách đến bằng đường hàng không, 10,2% bằng đường biển và 12,3% bằng đường bộ. Nhóm khách lớn nhất 25-34 tuổi chiếm 22,9% số khách thăm, tiếp theo là 21,3% đối với khách 35-44 tuổi và 16,9% đối với khách 45-54 tuổi.
Khách du lịch Singapore đến từ 5 thị trường lớn nhất, chủ yếu là Indonesia, Trung Quốc, Malaysia, Australia và Ấn Độ. Các khoản thu từ du lịch ước tính đạt 23,6 tỷ SGD (19,26 tỷ USD) trong năm 2014, so với 18,9 tỷ SGD trong năm 2010; trong đó tham quan thắng cảnh và vui chơi giải trí chiếm 24,7% tổng chi tiêu, khách sạn chiếm 22,5%, mua sắm 17,4%; thực phẩm và đồ uống 9,6%, y tế 4,2%.
Phát triển nội lực
Để đạt được những thành tựu này, Singapore đã có những chính sách rất hiệu quả. Đầu tiên, chính phủ xác định con người là trên hết, đã tập trung ngân sách rất lớn tài trợ cho hệ thống giáo dục, đặc biệt là giáo dục sau đại học. Ngân sách chi cho giáo dục hàng năm chiếm tới 20% tổng ngân sách, nhiều hơn bất kỳ ngành nào. Chính phủ ban hành chương trình giáo dục bắt buộc và miễn phí trong vòng 10 năm (từ 6-16 tuổi). Tất cả học sinh học xong trung học có thể vào học ở các trường dạy nghề hoặc đại học, học sinh được học bằng tiếng mẹ đẻ và tiếng Anh.
Đối với việc học sau đại học, chính phủ dựa trên 2 chính sách quan trọng. Thứ nhất, lựa chọn người đi học, đặc biệt là học đại học dựa trên năng lực và mang tính cạnh tranh cao, nhà nước chi trả toàn bộ chi phí đào tạo cho những nhân tài. Thứ hai, chính phủ lồng ghép việc phát triển hệ thống giáo dục và đào tạo vào các chính sách công nghiệp hóa, bao gồm việc đưa nguồn nhân lực vào các khu vực sản xuất công nghệ cao, các tập đoàn đa quốc gia nước ngoài. Đây được xem là chiến lược quan trọng nhằm học hỏi và chuyển giao công nghệ từ các nước phương Tây cho nguồn nhân lực của đất nước.
Việc xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại và hiệu quả cũng được xem là một nền tảng quan trọng cho sự thành công của nền kinh tế Singapore. Hệ thống cơ sở hạ tầng gồm có cảng biển, sân bay, bưu chính viễn thông, đường sá, và các tiện ích khác. Hiện tại sân bay Changi của Singapore trở thành trạm trung chuyển quan trọng và hiện đại bậc nhất ở châu Á - Thái Bình Dương.
Thu hút ngoại lực
Chính phủ Singapore đã ban hành chính sách ưu đãi thuế cạnh tranh cho nhà đầu tư nước ngoài khiến Singapore trở thành một trong những “thiên đường” thuế cho nhà đầu tư nước ngoài trên toàn thế giới. Chính sách thuế hiệu quả giúp nguồn lực được tái đầu tư trong nền kinh tế Singapore.
Chính sách thuế hấp dẫn đi kèm với chi phí hoạt động thấp và môi trường nhân công biết sử dụng tiếng Anh, đã giúp Singapore thu hút hàng loạt tập đoàn, công ty lớn của nước ngoài đến Singapore làm ăn. Điển hình là 2 đại gia dầu lửa của thế giới Shell và Essco đã xây dựng nhà máy lọc dầu ở đây, biến Singapore trở thành trung tâm lọc dầu lớn thứ 3 thế giới.
Hiện nay, Singapore là quốc gia có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thuộc hàng lớn nhất trên thế giới do môi trường đầu tư hấp dẫn và chính trị ổn định.
"Lãnh đạo Singapore từng tự hào rằng bạn có thể thành lập doanh nghiệp tại đây chỉ trong 3 tiếng" - Josh Kurlantzick, chuyên gia thuộc Hội đồng Quan hệ đối ngoại CFR, cho biết. Chính phủ Singapore nhận định rằng những chính sách mở để thu hút vốn đầu tư nước ngoài là rất quan trọng do nhận ra rằng các tập đoàn đa quốc gia khi đến Singapore sẽ mang theo cả hệ thống phân phối và thị trường của họ.
Sài Gòn Đầu tư tài chính