Những đề xuất của ĐBQH từ nghị trường gây tranh cãi nóng bỏng
Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV sau 20 ngày làm việc đã kết thúc. Tại kỳ họp này đã có những đề xuất gây nhiều tranh cãi trên nghị trường cũng như dư luận. Đó là đề xuất huy động vàng trong dân, thu phí “chia tay” hay “ngày đàn ông”…
Huy động đất, vàng trong dân
Thảo luận về Luật Chứng khoán trên Nghị trường Quốc hội chiều 13/6, đại biểu Lê Công Nhường (đoàn Bình Định) cho rằng, hiện nay đất nước đang cần một nguồn lực lớn để đầu tư cơ sở hạ tầng, phục vụ phát triển đất nước như đường cao tốc Bắc - Nam, các sân bay, đường sắt cao tốc, các chương trình xóa đói, giảm nghèo, các chương trình chống biến đổi khí hậu...
Đại biểu Lê Công Nhường (Bình Định)
Qua dự thảo luật lần này, đại biểu đề nghị nên thiết kế một số điều để huy động nguồn lực, tài sản của nhân dân thông qua thị trường chứng khoán, nhất là nguồn lực như đất đai, nhà xưởng, vàng… và tài sản của người dân, nhất là tại nơi triển khai dự án; có cơ chế để chuyển đổi thành trái phiếu, cổ phiếu, góp vốn vào công ty đầu tư nhà nước Việt Nam trực thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước được đảm bảo an toàn và sinh lời.
"Mô hình này giống như công ty đầu tư nhà nước của Singapore Temasek Holdings. Công ty này có tổng lợi tức cổ đông kể từ lúc thành lập từ năm 1074 đến nay là 15% hàng năm. Đây thực sự là con gà đẻ trứng vàng cho nhà nước Singapore", ông nói.
Vì vậy, đại biểu đề nghị bổ sung thêm một số điều, cho phép Ủy ban Quản lý vốn nhà nước thành lập một công ty đầu tư nhà nước, dạng như công ty Temasek Singapore. Nhiệm vụ công ty đầu tư nhà nước này là sử dụng vốn, đồng tiền của nhà nước và người dân một cách thông thái và phải biến nguồn vốn này thành nồi cơm Thạch Sanh cho ngân sách nhà nước, cũng như lợi tức cho người dân.
Ông Nhường nhắc lại, năm 1945, Chính phủ mới thành lập rất khó khăn và tài chính nên Chính phủ đã đề ra chương trình tuần lễ vàng. Từ ngày 17 đến 24/9/1945, nhân dân cả nước đã hưởng ứng và quyên góp giúp Chính phủ vượt qua khó khăn và bảo tồn nền độc lập.
Thu phí “chia tay” 3-5 USD khi công dân xuất cảnh
Tại phần thảo luận tại hội trường hôm 12/6 về dự án Luật Xuất cảnh, đại biểu Nguyễn Quốc Hưng (đoàn Hà Nội) cho rằng một số nước hiện nay áp dụng chính sách thu phí xuất nhập cảnh công dân. Ví dụ như Nhật Bản, Quốc hội nước này năm 2018 ban hành đạo luật áp dụng từ ngày 7/1/2019, quy định cả du khách nước ngoài lẫn người Nhật Bản khi rời đất nước này bằng máy bay hoặc tàu biển phải đóng một phí gọi là "phí chia tay" 1.000 yên/người (tương đương 9.3 USD).
Đại biểu Nguyễn Quốc Hưng (đoàn Hà Nội) |
Chính phủ Nhật Bản cho biết khoản dự thu 400 triệu USD từ khoản phí này được sử dụng để cho một số dự án phát triển ngành công nghiệp không khói, cũng như hoàn thiện khâu xuất nhập cảnh cho công dân hay xây dựng hạ tầng giao thông du lịch ở một số vùng còn khó khăn.
Đại biểu Hưng cho rằng đây là một phương án đáng học hỏi và Việt Nam cũng có thể xem xét để áp dụng.
"Nên chăng Việt Nam cũng có thể giống một số nước khác, yêu cầu công dân ra nước ngoài có trách nhiệm đóng góp một khoản “phí chia tay” từ 3-5 USD/người khi xuất cảnh. Số tiền thu được sẽ trích một phần góp vào kinh phí bảo hộ công dân của các cơ quan ngoại giao, hỗ trợ công dân Việt Nam gặp khó khăn khi ra nước ngoài.
Một phần khác để cơ quan xuất nhập cảnh đầu tư nâng cấp máy móc kỹ thuật để đảm bảo việc xuất nhập cảnh cho công dân được tốt hơn, chu đáo hơn, thân thiện hơn, hoàn thiện hơn. Một phần nữa cho vào quỹ xúc tiến phát triển du lịch, giúp cho việc quảng bá, đẩy mạnh du lịch nước nhà”, ông Hưng cho biết.
Đề xuất này đã vấp phải phản ứng dữ dội từ dư luận. Tại phiên họp báo thông báo kết quả kỳ họp thứ 7, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng cho rằng, đại biểu có quyền phát biểu, đề xuất và Chính phủ có tiếp thu hay không thuộc về Chính phủ. “Cá nhân tôi không đồng tình, nếu biểu quyết tôi không đồng tình. Chúng ta không nên áp dụng thêm một phí nào nữa cho người dân” – Tổng Thư ký Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh.
Đề xuất nghỉ vào 'ngày đàn ông' thay vì 27/7
Dự thảo Bộ luật lao động (sửa đổi) bổ sung ngày nghỉ lễ 27/7 để tri ân người có công vì "ngày này hàng năm đã trở thành biểu tượng văn hóa dân tộc, biểu thị lòng tri ân và thể hiện truyền thống cao đẹp của dân tộc".
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nộ) |
Việc đề xuất ngày nghỉ lễ trên cũng tương đồng với phong tục, tập quán lựa chọn ngày nghỉ lễ của nhiều quốc gia. Chẳng hạn Canada, Pháp chọn ngày 11/11 hàng năm để tưởng niệm tất cả người hy sinh vì tổ quốc; Mỹ chọn ngày thứ hai cuối cùng của tháng 5 tri ân tưởng niệm liệt sĩ; Nga có ngày 9/5 mừng Chiến thắng phát xít Đức, trong lễ mừng có tưởng nhớ đến những người hy sinh; Hàn Quốc chọn ngày 6/6 tưởng niệm những người lính Hàn Quốc đã hy sinh...
Ngoài ra, theo Ban soạn thảo, việc bổ sung ngày nghỉ lễ thực chất là điều chỉnh các ngày nghỉ trong một năm cho hợp lý hơn, đặc biệt trong suốt 4 tháng, từ ngày 2/5 đến ngày 1/9 đang không có ngày nghỉ lễ nào.
Thảo luận tại tổ chiều 29/5 về dự án bộ luật Lao động (sửa đổi) trong đó Chính phủ đề xuất chọn “Ngày tri ân” hay ngày kỷ niệm thương binh, liệt sĩ 27/7 là ngày nghỉ.
Cho biết mình đã “ấp ủ” ý kiến này mấy năm rồi, nay mới có cơ hội phát biểu, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội) đề nghị nên có “ngày đàn ông” hay “ngày của cha” là ngày nghỉ, thay vì ngày 27/7.
Đề xuất của bà Khánh đã nhận được nhiều ý kiến từ dư luận bày tỏ sự đồng thuận.
Tuy nhiên, tại phiên thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật này vào chiều 12/6, đa số đại biểu Quốc hội không đồng tình với đề xuất bổ sung ngày nghỉ lễ 27/7 (ngày thương binh, liệt sĩ).
Trước diễn biến đó, Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung giải trình, ngày nghỉ 27/7 được đưa vào dự thảo Luật và nêu rõ tính nhân văn nhưng qua ý kiến đại biểu, "chúng tôi xin tiếp thu và Chính phủ xin rút nội dung này ra khỏi dự án Luật".
Infonet