Những địa phương giải ngân vốn đầu tư công trên 50% trong 6 tháng đầu năm
Theo Bộ Tài chính, tỷ lệ ước giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng kế hoạch năm 2023 đạt 30,49% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
- 07-07-2023Cơ hội cho kinh tế TP HCM bứt phá (*): Lạc quan với du lịch, bán lẻ
- 07-07-2023TPHCM: Tuyến metro đầu tiên sẵn sàng về đích
- 07-07-2023Đại biểu HĐND tỉnh Cà Mau “truy” nguyên nhân tụt 26 bậc chỉ số PCI
Về giải ngân tổng kế hoạch vốn năm 2023, báo cáo từ Bộ Tài chính cho biết, tổng kế hoạch vốn đã giao năm 2023 là 804.420,3 tỷ đồng (bao gồm kế hoạch vốn kéo dài các năm trước sang năm 2023 là 51.542,7 tỷ đồng, kế hoạch vốn giao trong năm 2023 là 752.877,5 tỷ đồng (không bao gồm 12.887,2 tỷ đồng chưa giao).
Lũy kế thanh toán từ đầu năm đến ngày 31/5/2023 là 158.363,3 tỷ đồng, đạt 19,68% kế hoạch. Ước thanh toán từ đầu năm đến ngày 30/6/2023 là 226.159,2 tỷ đồng, đạt 28,11% kế hoạch. Bộ Tài chính cho biết, tỷ lệ ước giải ngân 6 tháng kế hoạch năm 2023 đạt 28,63% kế hoạch. Nếu so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao thì tỷ lệ giải ngân đạt 30,49%.
Như vậy, số vốn giải ngân 6 tháng tăng hơn khá hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2022 (25,68%). Trong đó, vốn trong nước giải ngân đạt 29,13% (cùng kỳ năm 2022 đạt 26,76%); vốn nước ngoài đạt 15,72% (cùng kỳ năm 2022 đạt 8,61%).
Theo báo cáo, có 9 bộ và 32 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 30%. Một số bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt cao gồm: Tiền Giang (52,81%), Đồng Tháp (50,28%), Long An (48,9%), Ngân hàng phát triển (100%), Ngân hàng nhà nước (47,08%). Theo đó, Tiền Giang và Đồng Tháp là 2 địa phương giải ngân vốn đầu tư công trên 50% trong 6 tháng đầu năm 2023.
Tuy nhiên, hiện vẫn còn 39 bộ, cơ quan trung ương và 12 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 20%, trong đó có 37 bộ, cơ quan trung ương và 3 địa phương chỉ giải ngân được dưới 15% kế hoạch vốn.
Riêng Tiền Giang, 6 tháng đầu năm 2023, Tiền Giang đã giải ngân vốn đầu tư công trên 2.800 tỷ đồng, đạt khoảng 52,81% kế hoạch. Thời gian tới, Tiền Giang quyết tâm phấn đấu duy trì vị trí là một trong những địa phương đứng đầu cả nước về giải ngân có hiệu quả vốn đầu tư công, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, kết nối liên vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Tiền Giang, để giải ngân nhanh vốn đầu tư công, Tiền Giang đã chú trọng giao vốn sớm cho các chủ đầu tư, nhà thầu từ cuối năm 2022. Cùng với đó, tỉnh thường xuyên kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện của các dự án, công trình đã khởi công. Đối với các nhà thầu khi ký hợp đồng với chủ đầu tư thì triển khai thực hiện ngay, khắc phục mọi khó khăn đẩy nhanh tiến độ thi công.
Về Đồng Tháp, trong 6 tháng đầu năm 2023, Đồng Tháp đã giải ngân vốn đầu tư công trên 3.000 tỷ đồng, đạt khoảng 50,28% kế hoạch. Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết, với quyết tâm đạt 100% vốn đầu tư công năm 2023 được Chính phủ giao, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, các huyện, thành phố yêu cầu chủ đầu tư, ban quản lý dự án theo dõi, kiểm tra, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công và thực hiện nghiệm thu, lập hồ sơ thanh toán ngay khi có khối lượng với cơ quan kho bạc.
Cùng với đó, Đồng Tháp sẽ rà soát, đề xuất điều chuyển kế hoạch vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt, còn thiếu vốn; thực hiện lộ trình áp dụng lựa chọn nhà thầu qua mạng theo quy định, bảo đảm công khai, minh bạch, lựa chọn nhà thầu đủ năng lực và kinh nghiệm; xử lý nghiêm các trường hợp nhà thầu vi phạm tiến độ, chất lượng hợp đồng.
Nhịp sống kinh tế