MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những điểm đặc biệt của nhân sự cấp cao Bộ Công thương

Hiện 5 Thứ trưởng của Bộ Công thương hầu hết đều thuộc thế hệ 6X. Trong đó, 2 Thứ trưởng có kinh nghiệm quản lý cả nhà nước lẫn doanh nghiệp, 2 người chỉ có kinh nghiệm quản lý nhà nước và 1 người chỉ có kinh nghiệm quản lý doanh nghiệp trước khi được bổ nhiệm cấp Thứ trưởng.

Giữa tháng 5/2018, ông Đặng Hoàng An, Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được Thủ tướng bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Công thương. Ông An là Thứ trưởng thứ 5 đương nhiệm cùng với các Thứ trưởng Cao Quốc Hưng, Hoàng Quốc Vượng, Đỗ Thắng Hải và Trần Quốc Khánh.

Các Thứ trưởng Bộ Công thương hầu hết thuộc thế hệ 6X, trừ Thứ trưởng Trần Quốc Khánh sinh năm 1958; trong đó, ông An là người trẻ nhất, sinh năm 1965.

Những điểm đặc biệt của nhân sự cấp cao Bộ Công thương - Ảnh 1.

Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh (bên trái) và ông Đặng Hoàng An (bên phải)

Ông An là Thạc sỹ Quản lý hệ thống điện, thạc sỹ Quản trị kinh doanh, trình độ lý luận chính trị cao cấp.

Ông Đặng Hoàng An đã tốt nghiệp Kỹ sư Hệ thống điện tại Đại học Điện máy Plzen - Công hòa Czech năm 1988. Sau đó, ông An đã hoàn thành chương trình Thạc sỹ Học viện Công nghệ châu Á (AIT – Thái Lan) năm 1997 với chuyên ngành Quản lý hệ thống điện và năm 2004 với chuyên ngành Quản trị kinh doanh.

So với các Thứ trưởng đương nhiệm, ông An không có nhiều kiến thức về quản lý nhà nước. Hầu hết kinh nghiệm của ông là về quản lý doanh nghiệp, sau hơn 20 năm công tác trong ngành điện, trong đó, hơn 10 năm công tác tại EVN. Vị trí cao nhất mà ông từng đảm nhiệm trong ngành Điện là TGĐ EVN.

Điểm chung của vị tân Thứ trưởng này với đa số những người đồng cấp đương nhiệm là có thời gian công tác trong ngành năng lượng.

Cụ thể, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng, sinh năm 1961, có học vị tiến sỹ năng lượng. Trước khi được bổ nhiệm giữ chức Thứ trưởng Bộ Công Thương, ông Hưng đã trải qua các chức vụ như Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Công nghiệp cũ, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế - Bộ Công Thương, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng - Bộ Công Thương.

Những điểm đặc biệt của nhân sự cấp cao Bộ Công thương - Ảnh 2.

Thứ trưởng Cao Quốc Hưng

Hiện Thứ trưởng Hưng được giao chỉ đạo công tác kế hoạch, đầu tư, đào tạo công nghiệp nhẹ bao gồm công nghiệp tiêu dùng, công nghiệp thực phẩm, công nghiệp chế biến khác, nghiên cứu khoa học, công thương địa phương, kinh tế tập thể. Ông còn thay mặt Bộ chỉ đạo thực hiện quản lý nhà nước với một số Tập đoàn như Dệt may Việt Nam, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam, Tổng công ty Giấy…

Hay Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng, sinh năm 1963, là cựu sinh viên trường mỏ MGRI tại Moscow (Nga) và tốt nghiệp MBA tại Trinity College (Ireland). Ông có thể sử dụng thông thạo hai ngoại ngữ Anh và Nga.

Những điểm đặc biệt của nhân sự cấp cao Bộ Công thương - Ảnh 3.

Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng

Ông Vượng là một trường hợp thú vị trong hồ sơ nhân sự Bộ Công thương với 2 lần được bổ nhiệm làm Thứ trưởng bộ này. Ông Vượng nguyên là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên. Đến tháng 8/2010, ông được điều động làm Thứ trưởng Bộ Công thương.

Hai năm sau, 9/2012, ông trở thành Chủ tịch HĐTV EVN và giữ chức này đến tháng 1/2015. Ngày 26/1/2015, ông được bổ nhiệm trở lại làm Thứ trưởng Công thương cho đến nay. Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng hiện phụ trách ngành điện, năng lượng cho bộ.

Đồng niên với Thứ trưởng Vượng là Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải. Tương tự ông Vượng, ông Hải cũng có kinh nghiệm quản lý nhà nước lẫn kinh nghiệm với doanh nghiệp.

Những điểm đặc biệt của nhân sự cấp cao Bộ Công thương - Ảnh 4.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải có học vị Thạc sỹ kinh tế. Trước khi được bổ nhiệm giữ chức Thứ trưởng Bộ Công Thương, ông Đỗ Thắng Hải từng giữ các chức vụ: Giám đốc Trung tâm Giao dịch Quốc tế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); Trưởng phòng Hợp tác Quốc tế, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Thương mại cũ; Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại rồi Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương.

Ông Đỗ Thắng Hải hiện phụ trách công tác thông tin truyền thông, là người phát ngôn của Bộ Công thương.

Ông Trần Quốc Khánh hiện là Thứ trưởng cao niên nhất ở Bộ Công thương. Ông Khánh có học vị Tiến sỹ. Ông được phân làm công tác tổ chức cán bộ tại Bộ Khoa học và Công nghệ từ năm 2007, kinh qua chức vụ Vụ phó rồi Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Khoa học và Công nghệ.  Trước đó ông Khánh giữ các chức vụ: Phó Trưởng phòng rồi Trưởng phòng Hợp tác quốc tế, Cục Sở hữu công nghiệp (nay là Cục Sở hữu trí tuệ); phụ trách Phòng Tổ chức cán bộ, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ.

Những điểm đặc biệt của nhân sự cấp cao Bộ Công thương - Ảnh 5.

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh

Ông Khánh có trách nhiệm chỉ đạo công tác quản lý cạnh tranh, chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Thứ trưởng Khánh đang kiêm nhiệm Chủ tịch Hội đồng cạnh tranh, được thành lập từ năm 2006 bởi cố Thủ tướng Phan Văn Khải.

Ông còn được giao các nhiệm vụ về xúc tiến thương mại, xử lý các vấn đề liên quan đến cán cân thương mại.

Thứ trưởng Khánh còn là trưởng đoàn đàm phán Chính phủ về kinh tế và thương mại quốc tế. Do đó, đối với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) hay nay là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đều có dấu ấn đậm nét của ông Trần Quốc Khánh.

Nam Dương

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên