Những điều cần biết giúp giới văn phòng 'thoát” bệnh ung thư dạ dày
Theo ghi nhận của tổ chức Phòng chống Ung thư thế giới tại Việt Nam có trên 15.000 ca được chẩn đoán ung thư dạ dày và hơn 11.000 ca tử vong vì bệnh này mỗi năm. Ung thư dạ dày là loại ung thư xếp thứ 2 ở nam giới (sau ung thư phổi) và xếp thứ 5 ở nữ giới, đặc biệt, tuổi bệnh nhân ung thư dạ dày đang dần trẻ hóa, đa phần dưới 40 tuổi chiếm tỉ lệ khoảng 20 - 25% là một con số rất cao; đa số bệnh nhân thường chẩn đoán ở giai đoạn muộn nên tỉ lệ sống trên 5 năm còn thấp.
Ở Việt Nam việc phát hiện sớm ung thư dạ dày vẫn còn hạn chế do thói quen người bệnh e ngại trong khám sức khỏe định kỳ. Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về vấn đề này, chúng tôi đã có dịp trò chuyện với ThS.BS. Nguyễn Ngọc Thao - Trưởng khoa Ngoại tiêu hóa của bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn
ThS.BS. Nguyễn Ngọc Thảo tư vấn chương trình sức khỏe trực tuyến “Hãy thay đổi vì dạ dày không có lỗi”.
1. Thưa bác sĩ, nguyên nhân vì sao bệnh nhân ung thư dạ dày ngày càng trẻ hóa? Bác sĩ có thể cho chúng tôi biết dấu hiệu ban đầu của bệnh là như thế nào? Còn đối với những trường hợp đã bị bệnh thì biểu hiện của họ ra sao?
Môi trường làm việc của giới trẻ, đặc biệt là giới văn phòng hiện nay thường căng thẳng, ăn uống không đúng giờ. Bên cạnh đó họ lại uống nhiều rượu bia, ăn thức ăn nướng, thức ăn muối chua… dễ dẫn đến viêm teo niêm mạc dạ dày mãn tính. Chính vì vậy đây là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh ung thư dạ dày cao.
Dấu hiệu ban đầu của bệnh rất kín đáo nên chúng ta dễ bỏ qua như: khó chịu mơ hồ ở bụng, thường là ở vùng trên rốn, cảm giác đầy vùng bụng trên sau khi dùng bữa ăn nhỏ (no sớm), ợ nóng hoặc không tiêu, mệt mỏi… Khi có những dấu hiệu đó, chúng ta không nên chủ quan mà phải thăm khám bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa để tìm ra nguyên nhân và chữa trị dứt điểm.
Còn khi đã bị ung thư thì biểu hiện triệu chứng thường kéo dài như tiêu phân đen, nôn ói, khó nuốt, sụt cân, mệt mỏi, ăn không ngon, sụt cân không rõ lý do, đau bụng trên rốn kéo dài, bụng chướng to, hoặc bệnh tự sờ thấy khối u vùng bụng trên… Đây là những biểu hiện của bệnh mà chúng ta nên chú ý.
2. Các giai đoạn của ung thư dạ dày thường diễn ra như thế nào, thưa bác sĩ?
Ung thư dạ dày thường trải qua 4 giai đoạn:
Giai đoạn của ung thư dạ dày
Giai đoạn 1: Khối u được giới hạn trong lớp niêm mạc của thành dạ dày. Các tế bào ung thư có thể đã lan đến một số hạch bạch huyết lân cận
Giai đoạn 2: Khối u ung thư ở giai đoạn này đã ăn sâu đến lớp cơ của thành dạ dày. Các tế bào ung thư lan đến nhiều hạch bạch huyết hơn
Giai đoạn 3: Ở giai đoạn này khối u có thể đã phát triển qua tất cả các lớp của thành dạ dày và lan rộng đến các cấu trúc lân cận. Hoặc nó có thể chỉ là khối ung thư nhỏ những đã lây lan rộng rãi đến nhiều hạch bạch huyết.
Giai đoạn 4: Ung thư đã lan rộng đến các vùng xa của cơ thể.
3. Vì sao chúng ta cần phải tầm soát sớm ung thư dạ dày?
Đa phần trong cuộc sống hiện đại này, giới văn phòng thường hay giao tiếp ăn uống bên ngoài, các buổi tiếp khách, tiệc tùng sẽ làm cho “thời gian biểu” làm việc của dạ dày buộc phải đáp ứng theo chúng ta, đa phần dùng nhiều chất kích thích cách sinh hoạt không điều độ sau một thời gian, nên hầu hết dân văn phòng không nhiều thì ít cũng đều mắc các bệnh dạ dày thường gặp.
Cách tốt nhất khi có dấu hiệu về bệnh dạ dày là nên thăm khám chuyên khoa tiêu hóa càng sớm càng tốt. Vì một khi ung thư dạ dày được phát hiện sớm sẽ giúp việc điều trị bệnh nhanh chóng, người bệnh bình phục rất nhanh và hiệu quả bởi lẽ hiện nay y học hiện đại và tiến bộ hơn rất nhiều.
4. Vậy để giảm các bệnh về dạ dày, cũng như giảm tỷ lệ ung thư dạ dày thì chúng ta có một chế độ làm việc và chế độ sinh hoạt như thế nào là hợp lý, nhất là đối với giới văn phòng?
Để giữ cho dạ dày khỏe mạnh thì vấn đề trước tiên là cân đối công việc, sắp xếp điều chỉnh công việc cho phù hợp, tránh căng thẳng, stress. Cụ thể, giới văn phòng không nên làm việc kéo dài quá 8h-10h/ngày và nên đi ngủ trước 23h.
Bên cạnh đó, tránh dùng quá nhiều các chất có hại cho dạ dày như bia rượu, thuốc lá với tần suất liên tục trong thời gian dài vì hầu như đây là nguyên nhân mắc một trong các bệnh thường gặp bệnh lý dạ dày. Cần điều chỉnh chế độ ăn uống đúng bữa, không nên ăn quá no hoặc để dạ dày quá đói; tránh thức ăn quá cay, nóng, thức ăn chiên rán và cần bổ sung nhiều chất xơ trong rau củ quả để giúp quá trình đào thải độc tố cơ thể…
Đặc biệt lưu ý, khi vừa ăn xong, không nên ngủ ngay vì làm thức ăn khó tiêu, đầy bụng,.. nhất là sau khi ăn trưa, các bạn dân văn phòng thường có thói quen này, do vậy ăn xong nên đi lại, vận động nhẹ khoảng 20 phút rất tốt cho tiêu hóa, sau đó tranh thủ chợp mắt ngắn 15-20 phút sẽ giúp tinh thần tỉnh táo, sảng khoái cho buổi chiều làm việc rất hiệu quả.
Đồng thời, có thể luyện tập yoga, việc hít thở sâu và thể dục thể thao phù hợp với mỗi thể trạng nhằm tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, cho dạ dày; hơn hết, nên giữ tinh thần thật thoải mái giúp cơ thể khỏe mạnh từ thể chất đến tinh thần.
Từ ngày 24-5 đến 07-6/2018, Tập đoàn Y Khoa Hoàn Mỹ chính thức khởi động chương trình tư vấn sức khỏe trực tuyến hoàn toàn miễn phí về bệnh lý dạ dày trên Fanpage: https://www.facebook.com/TapDoanYKhoaHoanMy/. Đây là 1 trong 3 hoạt động chính của dự án “Hãy thay đổi vì dạ dày không có lỗi!” giúp người tham gia nhận được tư vấn trực tiếp từ các bác sĩ chuyên khoa Tiêu Hóa của các bệnh viện thuộc hệ thống Hoàn Mỹ trên cả nước.
Các chủ đề được livestream trong khung giờ từ 19-20h các ngày:
24/5 - Trào ngược dạ dày thực quản. Dẫu “chung nhà” vẫn chẳng phiền hà!
26/5 - Tìm hiểu 360 độ về các bệnh lý dạ dày của dân văn phòng
27/5 – Tầm soát sớm ung thư dạ dày
29/5 - Giải cứu dạ dày! Top 5 bệnh dạ dày phổ biến
31/5 - Sống hòa bình cùng khuẩn Helicobacter Pylori (HP)
02/6 - Bảo vệ sức khỏe dạ dày trong nhịp sống hiện đại
05/6 - Nhiễm khuẩn Helicobacter Pylori - Bạn đã hiểu đúng?
07/6 - Bí kíp sống chung với viêm loét dạ dày.