Những điều cần biết về ông chủ của quỹ 860 triệu USD mới được thành lập để đầu tư vào doanh nghiệp Việt Nam
Tờ Korean Investors thông tin: The National Pension Service (NPS) - một quỹ hưu trí của Chính phủ Hàn Quốc vừa hợp tác với SK Group ra mắt quỹ đầu tư giá trị 1.000 tỷ Won (tương đương 860 triệu USD) nhằm mục đích tăng cường đầu tư vào các doanh nghiệp Việt Nam.
- 16-12-2019Dự kiến đầu tư 5.000 tỷ đồng xây mới toàn bộ sân bay quan trọng nhất vùng núi phía Bắc
- 16-12-2019Cẩn trọng với nhà đầu tư ngoại ở lĩnh vực hàng không
- 11-12-2019Đầu tư nước ngoài đạt mức cao nhất trong 10 năm trở lại đây
SK Group là một trong những tập đoàn thương mại lớn nhất Hàn Quốc, đứng vị trí thứ 3 trong top các tập đoàn lớn nhất quốc gia này. Hiện tại, SK Group có đội ngũ hơn 70,000 nhân viên làm việc tại 113 văn phòng trên toàn cầu. Đây là 1 tập đoàn đa ngành, nhưng chủ yếu tập trung vào lĩnh vực viễn thông, hóa chất, dầu khí và năng lượng. SK sở hữu nhà cung cấp dịch vụ điện thoại di động lớn nhất Hàn Quốc – SK Telecom.
Tính đến thời điểm hiện tại, SK Group đang là nhà đầu tư ngoại lớn thứ 5 trên thị trường chứng khoán Việt Nam, đứng sau ThaiBev, GIC, Mizuho Bank và nhóm Dragon Capital.
SK Group từng đầu tư vào Việt Nam từ rất sớm. Cuối năm 2001, tập đoàn này ký hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa SPT Telecom (công ty Viễn thông Sài Gòn) và SLD Telecom (công ty liên doanh giữa SK Telecom và LG Electronics và DongA Telecom – trong đó SK Telecom chiếm phần lớn vốn) để cung cấp dịch vụ di động công nghệ CDMA đầu tiên của Việt Nam.
Bản hợp đồng này khai sinh nhà mạng S-Fone và nhận về khoản tiền vốn đầu tư hạ tầng lên đến 543 triệu USD vào thời điểm tháng 5/2007. S-Fone là nhà mạng đầu tiên cung cấp 3G và các dịch vụ 3G tại Việt Nam và có hơn 3,1 triệu thuê bao kể từ này cung cấp dịch vụ. Tuy nhiên, do tình hình kinh doanh viễn thông tại Việt Nam khá khó khăn và thị trường tồn tại nhiều đối thủ cạnh tranh mạnh như VinaPhone, MobiFone và Viettel, thương vụ hợp tác giữa SK Telecom và SPT Telecom nhanh chóng đi đến hồi kết vào năm 2010.
Tháng 10/2018, thị trường chứng khoán ghi nhận giao dịch gần 110 triệu cổ phiếu của Tập đoàn Masan tương đương 470 triệu USD được mua bởi SK Group. Hiện SK Group đang là cổ đông nước ngoài lớn nhất của Masan, tỷ lệ nắm giữ cổ phần là 9,5%.
Tuy nhiên, từ sau khi có thông tin VinCommerce, VinEco và Masan Consumer Holding sẽ sáp nhập để thành lập Tập đoàn Hàng tiêu dùng - Bán lẻ, cổ phiếu của Masan liên tục tuột dốc. Nguyên nhân được cho là có thể giới đầu tư đang lo ngại kết quả kinh doanh Masan sẽ bị ảnh hưởng khi nhận sáp nhập VinCommerce. Kết thúc phiên giao dịch 12/12/2019, thị giá MSN chỉ còn 55.700 đồng/cp, giảm 28% so với đầu năm. Nếu tính theo thị giá MSN tại ngày 11/12/2019 (55.700 đồng/cp), giá trị khoản đầu tư của SK Group đã tạm thời mất đi 44% giá trị, chỉ còn 262 triệu USD.
Không dừng lại ở Masan, SK Group lại tiếp tục rót khoản đầu tư khủng vào Vingroup. Đại diện SK Investment Vina II – quỹ thành viên của SK Group xác nhận mua 205,7 triệu cổ phiếu VIC của Vingroup trong đó 154,3 triệu cổ phiếu phát hành riêng lẻ từ Vingroup và 51,4 triệu cổ phiếu VIC thuộc sở hữu của Công ty cổ phần Dịch vụ Thương mại Tổng hợp VinCommerce. Khoản tiền đầu tư mà SK Group rót vào Vingroup lên tới 1 tỷ USD, tương đương 6,15% cổ phần của Vingroup và đưa SK Group trở thành cổ đông lớn thứ 3 của Vingroup.
Ngoài Vingroup và Masan, SK Group còn sở hữu 5,23% cổ phần tại PV Oil (thuộc tập đoàn Dầu khí Việt Nam), 25% vốn của Lô dầu khí 15-1/05, 50% vốn liên doanh với tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn - Newtruck House và 30 triệu đô đầu tư vào Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) của Việt Nam.