Những điều chỉnh chính sách tiền tệ 2019 tạo nền cho 2020
Chỉ trong những tháng gần cuối năm, Ngân hàng Nhà nước ban hành một loạt các chính sách mới, nhằm tạo nền cho năm 2020 đang tới gần.
- 16-12-2019Khó xóa khoảng cách về lãi suất giữa các nhóm ngân hàng
- 15-12-2019Dân ngân hàng bước qua mùa thưởng Tết thế nào?
- 13-12-2019Kiểm toán Nhà nước sẽ kiểm toán 3 ngân hàng trong năm 2020
Năm 2019 sắp khép lại, đánh dấu thêm một năm điều hành chính sách thành công của Ngân hàng Nhà nước khi góp phần kiểm soát lạm phát trong mục tiêu, giữ được tỷ giá ổn định, tín dụng ở mức vừa phải, lãi suất điều chỉnh linh hoạt với tình hình kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế và liên tiếp nâng dự trữ ngoại hối quốc gia lên kỷ lục mới.
Kết quả trên đặt trong bối cảnh thế giới nhiều bất ổn với diễn biến phức tạp của xung đột thương mại Mỹ - Trung, vấn đề Brexit của Anh và EU kéo dài, chính sách lãi suất đồng loạt đảo chiều trên toàn cầu, tăng trưởng kinh tế thế giới có xu hướng suy giảm...
Tại Việt Nam, 2019 cũng là năm chứng kiến nhiều sự thay đổi về chính sách tiền tệ, theo hướng linh hoạt để đảm bảo các mục tiêu điều hành. Đặc biệt, chỉ trong một thời gian ngắn 3 tháng cuối năm, Ngân hàng Nhà nước đã liên tục có những điều chỉnh mới. Đây được xem như những bước chuẩn bị, tạo nền cho năm mới 2020.
Giảm một loạt các loại lãi suất điều hành
Ngày 16/9, Ngân hàng Nhà nước công bố quyết định giảm 0,25 điểm phần trăm đối với một loạt lãi suất điều hành, bao gồm lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với các ngân hang và lãi suất chào mua giấy tờ có giá qua nghiệp vụ thị trường mở.
Đây là lần đầu tiên Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh lãi suất điều hành kể từ tháng 10/2017.
Hai tháng sau, ngày 19/11, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục phát đi thông báo về việc ban hành 2 quyết định về việc điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi tối đa bằng VND và lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của tổ chức tín dụng đối với một số lĩnh vực, ngành kinh tế.
Đến cuối tháng 11, để hỗ trợ thanh khoản không còn quá dồi dào, Ngân hàng Nhà nước tăng mạnh khối lượng chào thầu OMO; đặc biệt, Nhà điều hành đã lần thứ 2 trong năm giảm lãi suất OMO, xuống còn 4%/năm.
Và mới đây nhất, nhà điều hành tiếp tục ban hành quyết định giảm lãi suất đối với tiền gửi dự trữ bắt buộc của các tổ chức tín dụng từ mức 1,2% xuống còn 0,8%/năm.
Nắm dòng, siết vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn
Ngày 15/11/2019, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 22/2019/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, có hiệu lực từ 01/01/2020.
Trong đó, một trong những nội dung quan trọng là lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn từ mức 40% hiện tại xuống 30% vào đầu tháng 10/2022.
Bên cạnh đó, Thông tư này cũng tăng hệ số rủi ro của cho vay bất động sản tiêu dùng, tăng dần theo số dư những khoản vay lớn, cũng như áp hệ số rủi ro ở mức cao đối với các khoản cho vay đầu tư và kinh doanh bất động sản.
Theo đánh giá của một số chuyên gia, đây là bước đi đúng đắn và cần thiết của nhà điều hành nhằm từng bước kiểm soát được rủi ro thanh khoản, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng, nắn dòng vốn vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh ưu tiên.
Tuy nhiên, cũng có nhiều chuyên gia bày tỏ ý kiến quan ngại, cho rằng Thông tư 22 sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động cho vay bất động sản của các nhà băng, bởi hiện nay, phần lớn các khoản cho vay trung và dài hạn đều tập trung ở lĩnh vực này.
Với tác động điều chỉnh sâu rộng đến hoạt động của hệ thống, Thông tư 22 được xem là một trong những chính sách quan trọng nhất chính thức tạo nền trong năm 2019, để các tổ chức tín dụng và thị trường từng bước thích nghi theo lộ trình từ năm 2020.
Có thể cho đóng cửa nhà băng nếu vốn thực góp thấp hơn vốn pháp định
Cũng tại Thông tư 22, một trong những nội dung nhận được nhiều sự quan tâm chính là quy định về giá trị thực của vốn điều lệ , vốn được cấp và xử lý khi giá trị thực của vốn điều lệ, vốn được cấp giảm thấp hơn mức vốn pháp định.
Theo đó, giá trị thực của vốn điều lệ, vốn được cấp của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được xác định bằng vốn điều lệ, vốn được cấp và thặng dư vốn cổ phần cộng (trừ) lợi nhuận lũy kế chưa phân phối (lỗ lũy kế chưa xử lý) được phản ánh trên sổ sách kế toán.
Khi vốn điều lệ, vốn được cấp của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài giảm thấp hơn vốn pháp định, Ngân hàng Nhà nước sẽ đánh giá, kiểm tra hoặc yêu cầu ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện kiểm toán độc lập để xác định giá trị thực của vốn điều lệ, vốn được cấp tại phương án xử lý do ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài báo cáo theo quy định.
Bên cạnh đó, Nhà điều hành cũng sẽ yêu cầu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các biện pháp xử lý của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khi giá trị thực của vốn điều lệ, vốn được cấp thấp hơn mức vốn pháp định trong trường hợp cần thiết.
“Tùy theo mức độ giảm giá trị thực của vốn điều lệ, vốn được cấp so với mức vốn pháp định, Ngân hàng Nhà nước quyết định cụ thể các biện pháp xử lý đối với từng ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài”, Thông tư nêu rõ.
Theo đó, các biện pháp cụ thể bao gồm các biện pháp quy định tại khoản 2 Điều 59 Luật Ngân hàng Nhà nước khi giá trị thực của vốn điều lệ, vốn được cấp giảm xuống dưới 80% của mức vốn pháp định.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng có thể sẽ áp dụng các biện pháp cơ cấu lại theo quy định của pháp luật, thu hồi giấy phép đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nếu có giá trị thực của vốn điều lệ, vốn được cấp thấp dưới 50% mức vốn pháp định, hoặc giá trị thực của vốn điều lệ, vốn được cấp thấp hơn mức vốn pháp định liên tục trong thời gian 6 tháng mặc dù đã có phương án xử lý.
Lên lộ trình siết dần cho vay tiền mặt tại công ty tài chính
Tại Thông tư 18/2019 ban hành hồi đầu tháng 11 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước quy định lộ trình giảm tỷ lệ dư nợ cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp cho khách hàng tại công ty tài chính so với tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng.
Cụ thể, từ 1/1/2021 đến 31/12/2021, tỷ lệ này là 70% và giảm còn 60% trong giai đoạn 1/1/2022-31/12/2022. Đến 1/1/2023-31/12/2023, con số trên là 50% và sau 1/1/2024, là 30%.
Thông tư cũng quy định, công ty tài chính chỉ được giải ngân trực tiếp cho khách hàng đối với khách hàng không có nợ xấu theo báo cáo quan hệ tín dụng tra cứu tại Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam tại thời điểm gần nhất so với thời điểm ký kết hợp đồng cho vay tiêu dùng.
Tổng dư nợ cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp cho khách hàng tại một công ty tài chính chỉ bao gồm khách hàng có tổng dư nợ cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp tại công ty tài chính đó trên 20 triệu đồng.
Như vậy, với chính sách trên, Ngân hàng Nhà nước đã lên lộ trình từng bước siết lại hoạt động cho vay tiền mặt tại các công ty tài chính. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/01/2020.
Dự kiến hạ “room” ngoại tại Fintech thanh toán xuống 49%
Cũng hồi đầu tháng 11 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước công bố dự thảo lấy ý kiến thay thế Nghị định 101 về thanh toán không dùng tiền mặt.
Trong đó, một nội dung đáng chú ý tại dự thảo là việc Ngân hàng Nhà nước đề xuất tỷ lệ tối đa phần vốn góp của các nhà đầu tư nước ngoài (bao gồm cả sở hữu trực tiếp và gián tiếp) tại các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán là 49%.
Theo nhà điều hành, quy định này là nhằm tạo thuận lợi thu hút vốn đầu tư nước ngoài nhưng vẫn bảo đảm được vai trò chủ động của các doanh nghiệp trong nước, tránh sự thao túng của nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này, bảo đảm an ninh, an toàn cho hoạt động, chủ quyền quốc gia trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng.
Bên cạnh đó, đây là loại hình hoạt động mới, dự báo thị trường đầy tiềm năng, vì vậy việc tạo môi trường kinh doanh phục vụ vì lợi ích quốc gia và cộng đồng doanh nghiệp trong nước là thực sự cần thiết.
Do đó, cơ quan quản lý chuyên ngành cần tạo điều kiện để doanh nghiệp trong nước nắm bắt được cơ hội, tính chủ động trong hoạt động kinh doanh của mình.
Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết đề xuất trên dựa vào kinh nghiệm của Indonesia liên quan đến tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài không vượt quá 20% vốn sở hữu trong lĩnh vực thanh toán đối với các tổ chức chủ trì vận hành hệ thống, vận hành bù trừ, chuyển mạch, quyết toán cuối cùng.
Giảm giá mua ngoại tệ, nâng cao dự trữ ngoại hối quốc gia
Từ năm 2016, Ngân hàng Nhà nước bắt đầu điều hành chính sách tỷ giá bằng cơ chế tỷ giá trung tâm. Cơ chế này linh động có thể theo từng ngày, từng thời điểm mà ít có những điều chỉnh lớn hoặc bất thường.
Tuy nhiên, năm 2019 Ngân hàng Nhà nước đã có một hành trình nâng dần tỷ giá trung tâm lên một mặt bằng mới, cân đối hơn với các tỷ giá trên các thị trường thay vì nằm quá sâu và lệch so với trước. Điều này cũng giải thích vì sao năm 2019 trong khi tỷ giá của các ngân hàng thương mại giảm so với cuối 2018 thì tỷ giá trung tâm vẫn tăng đáng kể.
Và năm 2019 cũng có một lần thị trường đón nhận quyết định Ngân hàng Nhà nước hạ giá mua vào USD vừa qua, từ 23.200 VND xuống 23.175 VND. Dù bước giảm không lớn, nhưng nó tạo xu hướng điều chỉnh trên thị trường, trong một năm hiếm hoi mà tỷ giá USD/VND cho đến nay lại giảm trong khi đầu năm nhiều dự báo sẽ tăng 2-3%.
Xu hướng đó cũng gắn với các đợt mua ròng ngoại tệ lượng lớn, mà theo một số tính toán từ tổ chức đầu tư, Ngân hàng Nhà nước đã nâng nguồn lực dự trữ ngoại hối quốc gia lên kỷ lục trên 75 tỷ USD. Vấn đề là, mua lượng lớn ngoại tệ đồng nghĩa với tiền đồng cung ứng cũng rất lớn, nhưng nhà điều hành vẫn điều tiết hợp lý và góp phần kiểm soát lạm phát trong giới hạn mục tiêu.
Cũng như điều chỉnh lãi suất cần có độ trễ để tạo nền và thể hiện tác động trong năm 2020, việc tỷ giá USD/VND tạo nền ở mức bình ổn thấp 2019 cũng là một điểm được chú ý khi chuyển giao sang năm tới, mà độ nén của nó có hay không hẳn giới chuyên môn sẽ tính toán.
Bizlive