Những điều chưa biết về ông trùm BOT trúng cử ĐBQH
Người được mệnh danh là ông trùm BOT - ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch Công ty Cổ phần Tasco trở thành một trong hai người tự ứng cử đã trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV.
Giữa lúc dư luận đang bức xúc về câu chuyện BOT mọc lên như nấm sau mưa, với nhiều sai phạm và tận thu tiền của người dân, thì có tin người được mệnh danh là ông trùm BOT trúng cử đại biểu Quốc hội.
Cũng khá bất ngờ khi ông Phạm Quang Dũng là một trong hai người tự ứng cử, đã trúng cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV. Trong danh sách chi tiết kết quả bầu cử do Hội đồng bầu cử Quốc gia công bố đã thông tin: ông Phạm Quang Dũng trúng cử với tỉ lệ 69,77% số phiếu hợp lệ.
Được mệnh danh là người chèo lái con thuyền Tasco, ông Dũng đã đưa doanh nghiệp này từ một công ty xây dựng nhỏ tại địa phương, trở thành thương hiệu phát triển hạ tầng giao thông lớn, với vốn điều lệ hơn 1.300 tỷ đồng. Đến nay, Tasco được đánh giá là một trong những doanh nghiệp đầu tư lớn vào các dự án BOT trải khắp các tỉnh miền Bắc.
Trong danh sách các đại biểu Quốc hội trúng cử khóa XIV, ông Phạm Quang Dũng còn có một cái tên khác, cũng là tên khai sinh là Phạm Văn Nấng. Đi lên từ một gia đình khó khăn, phải bỏ dở việc học nhưng sau khi học lại với bằng kế toán, ông trở thành cán bộ công chức trong suốt 15 năm, cho đến khi nhận đứng đầu công ty công trình giao thông Hà Nam, là tiền thân của Tasco bây giờ.
Từ một doanh nghiệp được định giá khoảng 600 triệu đồng, nhưng sau khi cổ phần hóa đã huy động số vốn lên tới 7 tỷ đồng. Đến nay, vốn điều lệ công ty khoảng 1.300 tỷ đồng và dự kiến lên tới 2000 tỷ đồng vào cuối năm nay.
Thế nhưng, Tasco đầu tư tới khoảng 15.000 tỷ đồng vào lĩnh vực giao thông và trong đó, có 3000 tỷ đồng vào các dự án thu phí giao thông. Được biết, sắp tới doanh nghiệp này sẽ rót thêm khoảng 6000 tỷ đồng vào các dự án giao thông khác.
Hiện nay, Công ty Tasco do ông Dũng làm chủ đang sở hữu nhiều dự án BOT quan trọng, được xem là “huyết mạch” tại miền Bắc. Điển hình như Dự án nâng cấp Quốc lộ 10 qua đoạn Thái Bình; đoạn tránh TPNam định từ Quốc lộ 10 đến thị trấn Mỹ Lộc; Quốc lộ 21; Quốc lộ 1 đoạn qua Quảng Bình; Quốc lộ 10 đi qua Hải Phòng; đường 39B Thái Bình….
Với hàng loạt các công trình BOT, không chỉ được mệnh danh là ông trùm BOT mà ông Dũng còn được gọi là “người giỏi xin dự án” khi có ý kiến không ủng hộ ông tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội. Thế nhưng, chính vị doanh nhân này trong một cuộc hội thảo về BOT gần đây lại bày tỏ quan điểm không còn “hưng phấn” đầu tư vào BOT vì bị xem là “tội đồ”, đầu tư BOT là giàu có, lãi cao.
Dẫn chứng, ông cho biết trong hợp đồng BOT chỉ quy định 11 – 12% lãi trên vốn chủ sở hữu. Lợi nhuận mà doanh nghiệp phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp là 22%, trừ đi lãi thì chỉ đưa về là 8 – 9%, trong khi cam kết cổ đông là 12 – 15%. Thêm vào đó, dự án BOT kéo dài 20 năm, trượt giá lên tới 6 – 7% nên ông Dũng khẳng định không thể nói đầu tư BOT là đang có lãi lớn.
Vị này cũng khẳng định, do kinh tế khó khăn, “không có việc gì làm” nên Tasco đành rót vốn vào BOT để tạo việc làm và góp phần tăng GDP. Thế nhưng, khi soi vào kết quả kinh doanh 5 năm gần đây của doanh nghiệp này, có thể thấy biến động lớn của Tasco về doanh thu và lợi nhuận.
Cụ thể, từ mức lợi nhuận chỉ vài chục tỷ đồng thì đến năm 2014, Tasco lãi tới 258 tỷ đồng, so với mức lãi 12 tỷ đồng năm 2013; 37 tỷ đồng năm 2012. Mặc dù năm 2015, lợi nhuận của Tasco bị sụt giảm chỉ còn 160 tỷ đồng, nhưng vẫn là mức cao so với trước đây.
Điều đáng chú ý, lợi nhuận đột biến có được là nhờ một phần vào việc hoàn thành dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường bộ mới qua đoạn Phủ Lý – Mỹ Lộc và Tasco tham gia với vai trò là chủ đầu tư. Doanh thu từ hoạt động thu phí BOT trong năm 2014 đạt 102 tỷ đồng, đến năm 2015 tăng gấp đôi lên 207 tỷ đồng.
Cũng liên quan đến BOT, ông Dũng còn bị xem là “liều” khi làm trái lệnh chỉ đạo Thủ tướng tại phiên họp Chính phủ vừa qua là không được tăng phí các dự án BOT. Cụ thể, nhà đầu tư là Tasco đã tăng phí đối với trạm thu phí Mỹ Lộc – Nam Định lên tới 50% từ ngày 1/6. Chỉ đến khi có chỉ đạo của Phó Thủ tướng, thì ngày 8/6 trạm thu phí này mới trở lại mức ban đầu.
Trở thành một trong 17 doanh nhân trúng cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV ở tuổi 60, ông Dũng nói không ham hố chức quyền mà chỉ muốn đại diện tiếng nói cho cộng đồng doanh nghiệp và địa phương đến Quốc hội. Hy vọng, ông Dũng sẽ là một tiếng nói thú vị trên nghị trường Quốc hội trong khóa tới.