Những lầm tưởng về chiêu bài đất hiếm trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung
Nếu cấm xuất khẩu đất hiếm sang Mỹ, Trung Quốc có thể gây tổn hại cho đối thủ nhưng cũng đi ngược lại với mục tiêu kinh tế dài hạn.
- 15-06-2019Trung Quốc cấm xuất khẩu đất hiếm sang Mỹ là tự bắn vào chân mình?
- 07-06-2019Mỹ ráo riết đối phó chiêu đất hiếm của Trung Quốc
- 04-06-2019Mối đe dọa đất hiếm của Trung Quốc có thực sự là "át chủ bài" trong cuộc chiến thương mại?
- 01-06-2019Quân bài đất hiếm mạnh không tưởng: Rúng động từng ngóc ngách thị trường nếu TQ "bóp cò"
Thoạt nhìn, khung cảnh giống như 1 bức tranh Trung Quốc cổ điển: những cánh đồng chiêm trũng ngập nước nép mình bên những ngọn đồi xanh mướt trải dài đến tận chân trời. Nhưng sau đó sắc nâu bắt đầu xuất hiện, với những dòng bùn nâu chảy xuống tận chân đồi.
Đó là những gì đã diễn ra ở Gan Châu, thuộc tỉnh Giang Châu của Trung Quốc. Ngành công nghiệp khai thác đất hiếm bùng nổ đã tạo ra lực đẩy khổng lồ cho kinh tế khu vực này, và giờ đây đang trở thành một quân bài được nhiều người nhắc đến khi mà cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung leo thang.
Thực chất đất hiếm không quá quý hiếm như tên gọi của nó. Tuy nhiên, Trung Quốc hiện đang chiếm khoảng 40% trữ lượng trên toàn cầu. Năm 1992, nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình từng nói rằng "nếu như Trung Đông có dầu mỏ thì Trung Quốc có đất hiếm".
Các hóa chất được sử dụng để chiết xuất đất hiếm từ quặng sẽ tạo ra những chất thải độc hại. Từ nhiều năm nay Trung Quốc là nước sẵn sàng chấp nhận cái giá phải trả để khai thác đất hiếm nhiều hơn so với bất kỳ quốc gia nào khác. Tính đến đầu những năm 2000, gần như tất cả hoạt động sản xuất đất hiếm trên thế giới đều được thực hiện ở Trung Quốc.
Tuy nhiên điều quan trọng hơn là Trung Quốc cũng đã chuyển đổi từ việc kiểm soát nguồn cung nguyên liệu thô thành vị thế thống trị cả các công đoạn tiếp theo (tất nhiên là mang lại nhiều giá trị hơn): biến hợp kim thành kim loại và biến kim loại thành sản phẩm. Để mở rộng phép so sánh của Đặng Tiểu Bình, Trung Quốc cũng giống như Trung Đông là không chỉ kiểm soát phần lớn dầu mỏ của thế giới mà còn thống trị hoạt động lọc dầu và cả các sản phẩm từ dầu mỏ.
Đó cũng chính là nguyên nhân tại sao đất hiếm lại trở thành một nhân tố quan trọng trong chiến tranh thương mại. Mỹ có thể vùi dập các ông lớn công nghệ của Trung Quốc bằng cách cấm các công ty Mỹ bán sản phẩm cho họ. Nhưng ngược lại Trung Quốc cũng có thể cắt nguồn cung đất hiếm. Sản phẩm quan trọng nhất là những cục nam châm chuyên biệt được sử dụng trong động cơ của các loại xe điện, bộ phát điện của turbine gió và cả trong hệ thống hướng dẫn tên lửa. Trung Quốc hiện chiếm hơn 90% sản lượng đất hiếm được sản xuất ra trên toàn thế giới, theo số liệu từ Citigroup. Kể cả Lầu Năm Góc cũng là khách hàng của Trung Quốc.
Không phải sức mạnh của Trung Quốc trên thị trường đất hiếm chưa từng khiến các nước lo lắng. Năm 2010, Trung Quốc hạn chế xuất khẩu đất hiếm, viện cớ để bảo vệ môi trường. Tuy nhiên WTO đưa ra phán quyết đây là hành vi không thỏa đáng sau khi Mỹ và một số nước phản đối động thái của Trung Quốc. Kể từ đó nhiều nước cũng tìm cách giảm phụ thuộc vào đất hiếm của Trung Quốc.
Bởi vậy không có gì đáng ngạc nhiên khi trong vài tuần vừa qua Trung Quốc phát đi tín hiệu có thể lấy đất hiếm làm vũ khí tấn công Mỹ. Truyền thông nhà nước cũng nêu bật vấn đề này với bài viết tựa đề "Trung Quốc tăng cường sử dụng lợi thế đất hiếm" trên tờ Thời báo Hoàn cầu hôm 9/6.
Nhưng để làm được như vậy không hề đơn giản. Sau khi thị trường rơi vào tình trạng khan hiếm năm 2010, Nhật Bản cho công ty khai thác mỏ Lynas của Úc vay tiền để xây dựng nhà máy tinh chế ở Malaysia. Ngày nay, nhà máy này đáp ứng được gần 1/3 nhu cầu về đất hiếm của Nhật Bản. Mỏ khai thác Mountain Pass ở bang California, nơi từng là nguồn cung đất hiếm cho gần như toàn bộ thế giới nhưng đã đóng cửa từ đầu những năm 2000, giờ đã mở cửa trở lại. Và hôm 11/6 Mỹ tuyên bố sẽ giúp các nước khác phát triển trữ lượng đất hiếm. Tỷ trọng của Trung Quốc trong sản lượng toàn cầu đã giảm từ mức hơn 95% của năm 2010 xuống còn 70% trong năm ngoái và được dự báo sẽ còn giảm tiếp.
Món quà quý hiếm
Trung Quốc có lợi thế hơn nhiều về các sản phẩm từ đất hiếm. Năm ngoái Mỹ phải nhập khẩu từ Trung Quốc lượng nam châm đất hiếm có tổng trị giá 250 triệu USD, và quan trọng hơn là không hề dễ tìm nguồn thay thế. Theo Ryan Castilloux, chuyên gia của công ty chuyên tư vấn về đất hiếm Adamas Intelligence, "những cục nam châm này là thứ xa xôi nhất được chế tạo từ hàng hóa cơ bản mà chúng ta có thể hình dung".
Chúng có mục đích sử dụng quá chuyên biệt và thị trường ngách này đủ nhỏ để Trung Quốc có thể phát hiện bất cứ nỗ lực nào của Mỹ nhằm tránh lệnh cấm vận của Trung Quốc bằng cách nhập khẩu từ nước thứ ba.
Có người nói đùa rằng Lầu Năm Góc có thể tống hết số đất hiếm mà cơ quan này sử dụng trong 1 năm (chủ yếu là cho công đoạn chế tạo tên lửa) chỉ trong 1 chiếc vali. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Mỹ sẽ gặp khó khăn hơn rất nhiều. Theo David Merriman, chuyên gia đến từ Roskill, 1 công ty nghiên cứu kim loại, Trung Quốc có thể khiến chuỗi cung ứng rối loạn ở mức độ đủ để làm cho các công ty ô tô của Mỹ "gặp bất lợi về lợi thế cạnh tranh".
Cho đến nay phần lớn các chuyên gia đều cho rằng có rất ít khả năng Trung Quốc sẽ cấm xuất khẩu đất hiếm sang Mỹ. Bởi làm như vậy các công ty Trung Quốc sẽ bị thiệt hại vì chính họ lắp ráp động cơ và các quả pin sử dụng nam châm đất hiếm cho người tiêu dùng Mỹ. Về dài hạn, một lệnh cấm như vậy sẽ thúc đẩy các công ty nước ngoài (có lẽ sẽ nhận được sự hậu thuẫn của chính phủ nước họ) đầu tư vào các nhà máy làm ra những sản phẩm hoàn chỉnh.
Nếu điều đó xảy ra, chiến lược phát triển ngành công nghiệp của Trung Quốc bị tụt lùi. Ở Gan Châu, vài năm trở lại đây, nhiều mỏ không phép đã bị đóng cửa. Địa phương cũng đang phải bỏ ra chi phí rất lớn để cố gắng dọn sạch các con sông ô nhiễm.
Trung Quốc vẫn khai thác rất nhiều đất hiếm ở khu vực miền Bắc, nhưng nước này đã quyết định sẽ nhập khẩu và bảo vệ môi trường. Năm ngoái Trung Quốc trở thành nước nhập siêu đất hiếm tinh chất. Thay vào đó, nước này chuyển hướng tập trung sang các sản phẩm cuối cùng. Trong 1 khu công nghiệp nằm ở rìa Gan Châu, chính quyền địa phương đang dồn tiền vào những nhà máy sản xuất nam châm đất hiếm và hợp kim. Những hoạt động này sạch sẽ hơn nhiều so với các mỏ khai thác và hơn nữa đem lại nhiều giá trị thặng dư hơn. Chuyến thăm gây ồn ào của ông Tập Cận Bình hồi tháng trước cũng là tới nhà máy sản xuất nam châm chứ không phải là tới 1 mỏ khai thác.
Ở một nhà máy khác cũng tại Gan Châu, lãnh đạo nhà máy tự hào khoe về sản phẩm mới: những cục nam châm đĩa chứa khoảng 30% đất hiếm. Khi cục nam châm nhỏ hơn móng tay, rất khó để bẻ nhỏ nó ra nhưng nếu to hơn một chút, chỉ cần lớn hơn nắm đấm, có thể bẻ nhỏ dễ dàng. Đó cũng là phép ẩn dụ về những gì Trung Quốc muốn có được từ đất hiếm cũng như về nền kinh tế Trung Quốc: đạt được quy mô sao cho không quốc gia nào, kể cả Mỹ, có thể phũ phàng dứt áo ra đi. Cắt đứt quan hệ với Mỹ ở thời điểm hiện tại, tham vọng ấy sẽ không thể trở thành hiện thực.