MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những doanh nghiệp đạt EPS cao ngất ngưởng 9 tháng đầu năm 2016

26-10-2016 - 14:51 PM | Doanh nghiệp

Mặc dù kỳ báo cáo tài chính quý 3/2016 mới đi vào giai đoạn đầu tiên nhưng nhà đầu tư đã được đón nhận thông tin nhiều doanh nghiệp đạt EPS cao. Số lượng doanh nghiệp đạt EPS trên 5.000 đồng tức 2 đồng vốn sinh 1 đồng lãi là điều không hề ít.

Để hiểu vì sao EPS (thu nhập trên mỗi cổ phần) lại là một chỉ tiêu mà nhà đầu tư quan tâm hàng đầu khi lựa chọn cổ phiếu để đầu tư thì nhà đầu tư cần biết EPS là gì.

EPS là từ viết tắt của Earning per Share hay còn gọi là thu nhập trên mỗi cổ phần. EPS thể hiện phần lợi nhuận thu được trên mỗi khoản đầu tư ban đầu, nên nó được coi như là chỉ số xác định khả năng lợi nhuận của một công ty. EPS càng cao càng phản ánh năng lực kinh doanh của công ty càng mạnh và tất nhiên, kèm với đó là khả năng trả cổ tức cao, giá cổ phiếu cũng có xu hướng cao…

Hàng loạt doanh nghiệp đạt EPS trên 5.000 đồng trong 9 tháng đầu năm 2016

Mặc dù kỳ báo cáo tài chính quý 3/2016 mới đi vào giai đoạn đầu tiên nhưng nhà đầu tư đã được đón nhận thông tin nhiều doanh nghiệp đạt EPS cao. Số lượng doanh nghiệp đạt EPS trên 5.000 đồng tức 2 đồng vốn sinh 1 đồng lãi là điều không hề ít.

"Ông vua sinh lãi" lớn nhất đến thời điểm hiện tại vẫn là Coteccons (mã chứng khoán CTD). Hình ảnh những chiếc cần cẩu xây dựng gắn liền với logo Coteccons đang ngày càng trở nên quen thuộc tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng. Hầu hết những dự án bất động sản đình đám của các Tập đoàn lớn như VinGroup, TNR, Tân Hoàng Minh, Đại Quang Minh…đều đi kèm với tên tuổi của Coteccons – doanh nghiệp xây dựng tư nhân hàng đầu Việt Nam.

Với sự tin tưởng của hàng loạt chủ đầu tư lớn, có thể nói Coteccons “làm không hết việc” và kết quả kinh doanh đã tăng trưởng phi mã trong khoảng 2 năm trở lại đây khi các dự án lớn dồn dập mang lại dòng tiền cho doanh nghiệp.

Trong 9 tháng đầu năm 2016, hoạt động kinh doanh của Coteccons tiếp tục ghi nhận con số tăng trưởng ấn tượng với doanh thu 13.462 tỷ đồng, tương đương doanh thu trong cả năm 2015; Lợi nhuận sau thuế đạt 961 tỷ đồng, cao hơn 30% so với mức thực hiện trong năm 2015. Với kết quả này, 9 tháng đầu năm công ty đạt EPS lên đến 19.445 đồng/cổ phiếu và giữ ngôi vương "ông vua sinh lãi" sàn chứng khoán.

Tiếp đến là Công ty cổ phần Bến xe Miền Tây (mã chứng khoán WCS). Nhiều năm ròng, WCS là một trong những doanh nghiệp dẫn đầu thị trường chứng khoán về mức độ sinh lãi trên vốn chủ sở hữu. Có năm, EPS của doanh nghiệp này lên trên 20.000 đồng tức mỗi đồng vốn mà cổ đông bỏ ra đã sinh ra 2 đồng lãi! Quý 3 năm nay, WCS đạt lợi nhuận sau thuế 15,25 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái nâng lợi nhuận sau thuế 9 tháng đầu năm lên gần 44 tỷ đồng tương đương EPS 14.445 đồng/cổ phiếu.

Công ty cổ phần thương mại Bia Hà Nội (HABECO TRADING-mã chứng khoán HAT) là công ty con của Tổng công ty Cổ phần Bia - Rượu - NGK Hà Nội (HABECO). Có nhiệm vụ phân phối toàn bộ sản phẩm Bia hơi Hà Nội theo chiến lược kinh doanh chung của Tổng công ty. Quý 3 năm nay, sản lượng tiêu thụ bia của công ty tăng mạnh. Sản phẩm bia 50L vượt 11%, sản phẩm bia 2L vượt 42% so với cùng kỳ. Nhờ đó, lợi nhuận sau thuế riêng quý 3/2016 đạt 23,7 tỷ đồng, gần gấp đôi mức 12 tỷ đồng cùng kỳ năm 2015. Đáng chú ý là lợi nhuận sau thuế 9 tháng đầu năm 2016 của Habeco trading đạt gần 40 tỷ đồng, tăng 41% so với cùng kỳ năm ngoái. Với mức lợi nhuận này, Habeco trading trở thành một trong những công ty sinh lãi lớn nhất trên sàn chứng khoán khi EPS (thu nhập trên mỗi cổ phần) đạt 12.800 đồng/cổ phiếu.

Với kết quả kinh doanh khởi sắc, Habeco trading cũng đã hoàn thành gấp hơn 4 lần kế hoạch lợi nhuận sau thuế cả năm 2016 (9,3 tỷ đồng) mà đại hội cổ đông giao phó.

Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh (mã chứng khoán BMP) cũng vừa công bố kết quả kinh doanh quý 3 với số liệu lợi nhuận đáng mơ ước: 194 tỷ đồng, tăng 69% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng đạt gần 540 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2015. EPS 9 tháng đạt 11.866 đồng/cổ phiếu.

Công ty cổ phần Dịch vụ Hàng không Sân bay Đà Nẵng (MASCO-mã chứng khoán MAS) có hoạt động kinh doanh khá đặc thù và độc quyền tương đối trong mảng hoạt động của mình. Ngành nghề chính của MASCO là chế biến và cung cấp suất ăn trên tàu bay, cung cấp các dịch vụ và các vật dụng trên tàu bay cho các hãng hàng không trong nước; cung cấp các dịch vụ có liên quan đến quá trình sản xuất, cung ứng suất ăn như: giao nhận, vận chuyển, thu hồi các vật phẩm từ các chuyến bay đến, vệ sinh dụng cụ, quản lý kho...; kinh doanh hàng miễn thuế (Duty Free Shop)…Với lợi thế độc quyền, MASCO tiếp tục là một doanh nghiệp đạt EPS cao trong 9 tháng đầu năm khi lợi nhuận sau thuế 9 tháng lên 35,4 tỷ đồng, tăng 300% so với cùng kỳ năm ngoái và EPS đạt 11.484 đồng/cổ phiếu.

Còn CTCP Đầu tư Thương mại SMC (mã CK: SMC), cho đến trước năm 2016, chưa bao giờ lợi nhuận của SMC chạm mức 3 con số (tức 100 tỷ đồng trở lên), nhưng chỉ trong nửa đầu năm 2016, SMC đã lãi 228 tỷ đồng và kết thúc 9 tháng đã đạt con số 308 tỷ đồng LNTT và 284,67 tỷ đồng LNST công ty mẹ. EPS 9 tháng cũng đạt con số ấn tượng ở mức 9.646 đồng.

Lý giải nguyên nhân tăng trưởng bất ngờ, SMC cho biết trong 9 tháng đầu năm 2016 tuy sản lượng bán hàng chỉ tăng 1% so với cùng kỳ nhưng lợi nhuận biên từ bán hàng tăng rất cao, do giá thép nhập khẩu tăng rất mạnh đột biến tăng giá 68% từ giữa tháng 3/2016 đến cuối tháng 4/2016 và ổn định trong thời gian còn lại. Việc tăng giá thép nhập khẩu tại Việt Nam phát sinh từ sự khan hiếm hàng cán nóng, cán nguội, hàng mạ...cũng như đơn hàng tăng cao, và càng tăng rất mạnh khi giá có chiều hướng tăng. Với chính sách nhập hàng tương đối trong kiểm soát, SMC có lượng hàng nhập khẩu về đều đặn và ổn định khi đã chốt các đơn hàng nhập khẩu từ đầu năm, nên đã có lợi nhuận biên đáng kể từ việc tăng giá và ổn định của thị trường.

Với lợi nhuận biên tốt công ty đã có dòng tiền mạnh trong thời gian thu tiền hàng quay vòng, tận dụng thời gian lệch pha gữa thu tiền hàng và trả nợ để tối ưu hóa dòng tiền thông qua gửi tiền ngắn hạn. Kết hợp tỷ giá được xuyên suốt ổn định cũng đã tạo ra khoản thu nhập đáng kể từ chênh lệch tỷ giá.

Nhờ uy tín và thương hiệu tăng mạnh, cùng với việc sản phẩm ngày càng thỏa mãn yêu cầu cao của người tiêu dùng về tính năng, công dụng, giá cả, an toàn và thân thiện với môi trường, Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (mã chứng khoán RAL) vừa có một ký kinh doanh tăng trưởng mạnh. Lợi nhuận sau thuế riêng quý 3/2016 đạt 35,6 tỷ đồng, tăng 66% so với quý 3/2015 nâng lũy kế 9 tháng đầu năm lên 102,9 tỷ đồng, tăng 110% so với mức chưa đầy 50 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế công ty đạt được 9 tháng năm 2015.

Với kết quả kinh doanh khởi sắc, RAL đạt EPS thuộc hàng “top 1” thị trường với 8.947 đồng 9 tháng đầu năm 2016. Công ty cũng đã vượt 45% kế hoạch lợi nhuận cả năm 2016 mà Đại hội cổ đông giao phó.

CTCP Thương mại - Xuất nhập khẩu Thiên Nam ( TNA ) cũng khá bất ngờ khi tăng trưởng mạnh lợi nhuận kỳ quý 3 lên 60 tỷ đồng. Nhờ lãi quý 3 tăng đến 231% so với cùng kỳ nên lũy kế 9 tháng đầu năm 2016, lợi nhuận sau thuế của công ty đạt 127,35 tỷ đồng (tăng 147,7% so với cùng kỳ và vượt 10,7% kế hoạch năm). TNA lần đầu lọt top doanh nghiệp có EPS cao với con số 8.717 đồng/cổ phiếu.

Sông Đà 505 (mã chứng khoán S55) cho hay, việc công ty hoàn nhập tổn thất khoản đầu tư vào công ty cổ phần thủy điện Sông Ông và CTCP Thủy điện Sông Chảy số 5 số tiền 1,2 tỷ đồng do những công ty đã có lãi đồng thời thanh lý một số tài sản không có nhu cầu sử dụng khiến chi phí tài chính của công ty ghi âm 164 triệu đồng quý 3 trong khi cùng kỳ phải chi 2,28 tỷ đồng. Đồng thời, một số công trình đơn vị tham gia thi công đã kết thúc, hoàn thành quyết toán và đã được chủ đầu tư thanh toán bổ sung việc điều chỉnh bù giá vật liệu và nhân công theo tiền lương tối thiểu nhà nước ban hành cũng làm lợi nhuận tăng. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2016, S55 lãi sau thuế 31,5 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2015 và đạt EPS (thu nhập trên mỗi cổ phần) thuộc nhóm cao của thị trường chứng khoán với 6.301 đồng.

Giá cổ phiếu cũng tăng mạnh

Soi ngược lại với biến động giá cổ phiếu của các doanh nghiệp đạt EPS cao cũng có thể thấy sự biến động mạnh.

Có lẽ nhà đầu tư đã nhanh nhạy trong việc nhìn ra sự chuyển biến tích cực trong hoạt động kinh doanh của RAL nên thị giá cổ phiếu của công ty cũng đã tăng vọt từ mức ~50.000 đồng đầu năm lên mức hơn 100.000 đồng/cổ phiếu hiện tại.

Hay như cổ phiếu WCS của Bến xe Miền Tây cũng đã tăng từ ngưỡng 140 nghìn đồng đầu năm lên mức xấp xỉ 180 nghìn đồng hiện tại.

Cổ phiếu SMC cũng là cổ phiếu khiến nhiều nhà đầu tư tiếc hùi hụi khi sóng cổ phiếu thép ầm ầm tiến đến thị trường và nhiều nhà đầu tư đang còn nghi ngờ thì cổ phiếu thép đã "phi" 30-40%. Riêng cổ phiếu SMC, từ mức giá "ổn định" quanh mức 6.000 đồng hồi đầu năm đã bùng nổ lên ngưỡng ~20.000 đồng hiện tại tương đương gấp 3 lần.

Hay như Nhựa Bình Minh (BMP), cổ phiếu của doanh nghiệp này chạm ngưỡng 200.000 đồng vào tháng 10 vừa qua, tăng khoảng 55% so với đầu năm.

Phương Chi

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên