Những doanh nghiệp nhiều tiền nhất sàn chứng khoán năm 2023: Vingroup, Hòa Phát có lượng tiền tăng vọt trong quý cuối năm, họ dầu khí áp đảo
Tập đoàn Vingroup (VIC) của tỷ phú Phạm nhật Vượng bất ngờ xếp ở vị trí thứ ba trên sàn chứng khoán về số lượng tiền mặt và tiền gửi đang nắm giữ, ở mức 34.900 tỷ đồng.
- 15-02-2024Uỷ ban Chứng khoán chấp thuận phương án phát hành 1.300 tỷ của Hoàng Anh Gia Lai (HAGL)
- 15-02-2024Kinh Bắc giảm mạnh doanh thu và lãi ròng quý IV/2023 sau đính chính
- 15-02-2024Cựu CEO GoViet gọi vốn mở chuỗi cà phê: 6 tháng tuổi có 8 cửa hàng, tìm ngách trong những tòa văn phòng đắt đỏ nhất Việt Nam
Theo thống kê của chúng tôi, tại thời điểm ngày 31/12/2023 có tổng cộng 20 doanh nghiệp trên sàn chứng khoán (không bao gồm nhóm tài chính, ngân hàng, bảo hiểm) đang nắm giữ lượng tiền (bao gồm tiền, tương đương tiền và tiền gửi) vượt ngưỡng 10.000 tỷ đồng.
Trong số này, Tổng công ty Khí Việt Nam (PV Gas) đang là doanh nghiệp sở hữu lượng tiền mặt lớn nhất trên sàn chứng khoán tính đến ngày 31/12/2023, đạt 40.752 tỷ đồng (gần 1,7 tỷ USD). Con số này tăng hơn 6.000 tỷ đồng so với đầu năm và tiếp tục tăng hơn 700 tỷ đồng so với hồi cuối quý 3/2023.
Với số lượng "tiền tươi" khủng như vậy, trong năm qua PV Gas đã mang về 2.026 tỷ đồng lãi từ tiền gửi. Như vậy, mỗi ngày công ty bỏ túi đến 5,5 tỷ đồng tiền lãi gửi ngân hàng, hỗ trợ nhiều cho hoạt động kinh doanh trong năm.
Xếp ở vị trí thứ hai là Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) với hơn 38.100 tỷ đồng đang nắm giữ trong tay tính đến cuối quý 4/2023. Lượng tiền mặt của doanh nghiệp này đã tăng 1.630 tỷ đồng so với cuối quý 3/2023 và tăng hơn 13.000 tỷ đồng so với số đầu năm.
Bên cạnh PV Gas, một loạt doanh nghiệp dầu khí khác cũng đang nắm giữ lượng tiền lớn là Petrolimex (PLX), PV OIL (OIL), PTSC (PVS).
Đáng chú ý, trong quý 4/2023, Tập đoàn Vingroup (VIC) của tỷ phú Phạm nhật Vượng bất ngờ xếp ở vị trí thứ ba trên sàn chứng khoán về số lượng tiền mặt và tiền gửi đang nắm giữ, ở mức 34.900 tỷ đồng. Con số này đã tăng 6.700 tỷ đồng so với đầu năm và tăng vọt 13.600 tỷ đồng chỉ sau một quý.
Tuy nhiên, Vingroup cũng ghi nhận số nợ vay tài chính tăng 19.836 tỷ đồng lên mức 213.312 tỷ đồng. Nhờ tăng đi vay nợ đã giúp lượng tiền mặt và tiền gửi của công ty này tăng. Số lãi tiền gửi của công ty này là khoảng hơn 570 tỷ đồng, trong khi phải trả hơn 4.500 tỷ đồng chi phí lãi vay trong năm 2023.
Tương tự như Vingroup, Vinhomes (VHM) cũng ghi nhận lượng tiền mặt và tiền gửi tăng vọt hơn 10.000 tỷ đồng, đạt 17.900 tỷ đồng. Và cũng giống như Vingroup, Vinhomes cũng tăng hơn 10.000 tỷ nợ trong quý 4/2023 giúp công ty này có lượng tiền lớn hơn.
Lượng tiền mặt của Vinhomes đã bao gồm trong số liệu của Vingroup.
Một cái tên cũng cần phải nhắc đến khi nợ vay tăng kéo theo lượng tiền mặt tăng là Hòa Phát (HPG). Sau nhiều quý giảm liên tiếp thì số tiền Hòa Phát sở hữu tại cuối năm 2023 là gần 35.000 tỷ đồng, tăng khoảng 5.000 tỷ so với cuối quý 3/2023.
Hòa Phát đã đánh mất vị trí "vua tiền mặt" vào tay của PV Gas từ đầu năm nay khi trong năm 2022 lợi nhuận của công ty này giảm mạnh. Vua thép dù sở hữu nhiều tiền nhưng đã không trả cổ tức hai năm.
Viettel Global, Thế giới Di động, Đạm Cà Mau, GVR, Sabeco cũng là những doanh nghiệp ghi nhận lượng tiền mặt và tiền gửi tăng so với đầu năm. Trong số này, Thế giới Di động (MWG) nhờ có lượng tiền lớn để gửi ngân hàng đã giúp doanh nghiệp vẫn có lãi năm nay trong bối cảnh thị trường bán lẻ gặp khó khăn.
Trong khi đó, một số doanh nghiệp nổi tiếng nhiều tiền trên sàn như ACV, FPT, Vinamilk, VEAM lại ghi nhận lượng tiền giảm.
Ở phía bên kia của bảng cân đối, các doanh nghiệp "nhiều tiền" cũng đang có những khoản vay nợ. VEAM, Sabeco là những doanh nghiệp "nhẹ nợ" nhất với dư nợ chỉ từ vài trăm tỷ đồng.
Như đã đề cập, các doanh nghiệp trong ngành dầu khí gồm PV Gas, BSR, Petrolimex, PV Oil hay PTSC dù có nhiều tiền nhưng số nợ vay của các doanh nghiệp này nhỏ hơn rất nhiều.