Những doanh nhân địa ốc có thú chơi "độc"", sành bậc nhất Việt Nam
Siêu xe, máy bay, sính đồ dát vàng, chơi cây, chơi đá bậc nhất… được xem là những thú chơi “sành” ngốn tiền tỉ của các đại gia BĐS Việt.
Sưu tầm "siêu xe"
Trong giới BĐS nhắc đến người sở hữu "siêu xe" không thể không nhắc đến "dân chơi" Nguyễn Quốc Cường. Mặc dù, hiện tại ông không còn giữ chức vụ tại Công ty CP Quốc Cường Gia Lai nhưng thú chơi xe "khủng" phần nào trở thành "thương hiệu" của vị đại gia này.
Theo tìm hiểu, bộ sưu tập xe Nguyễn Quốc Cường gồm những cái tên như Lamborghini Gallardo SE, Lamborghini Gallardo, Ferrari 360 Spider, Ferrari F430, Ferrari F430 Spider, Audi R8, hay chiếc Bentley, Rolls-Royce Phantom, Porsche, Mini Cooper…
Cường Đô la từng nổi tiếng với các siêu xe sang
Trong đó, có những mẫu xe siêu sang như chiếc Rolls-Royce Wraith chính hãng có giá khoảng 18 tỷ đồng. Nếu trang bị thêm vài phụ kiện bespoke, giá xe tầm 21 tỷ. Ngoài những siêu xe sang, Quốc Cường còn sở hữu chiếc SUV Mercedes G55 AMG hay S500 độ bodykit.
Một "thiếu gia" của làng BĐS khác là Phan Thành cũng sở hữu nhiều siêu xe
Một "thiếu gia" khác của làng BĐS phải kể đến doanh nhân trẻ Phan Thành cũng sở hữu nhiều siêu xe, từ thương hiệu Bentley, Lexus GX570, Ferrari 458 cho đến Roll Royce Phantom, gần như không có loại xế hộp thời thượng nào mà Phan Thành không có.
Theo truyền thông trong nước, vào cuối tháng 6/2016, Phan Thành đã chi một triệu đô (khoảng hơn 22 tỷ đồng) cho chiếc Rolls-Royce Wraith màu xanh bạc. Trước đó, Phan Thành đã mua McLaren 650S Spider khoảng 19 tỷ đồng và sau đó là Ferrari 488 có giá trên 14 tỷ cho cậu em trai Phan Hoàng. Sự góp mặt của bộ ba BMW i8, Lamborghini Huracan và Ferrari F12 Berlinetta, dàn xế "khủng" của đại gia Phan Thành dự đoán có tổng trị giá lên đến gần 100 tỷ Đồng.
Chi cả triệu USD mua máy bay riêng
Ông chủ Hoàng Anh Gia Lai Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) từng được biết đến là doanh nhân đầu tiên sở hữu máy bay riêng tại Việt Nam. Năm 2008, ông Đức bỏ ra 5,1 triệu USD mua máy bay mua chiếc máy bay hãng Beechcraft King Air 350 để phục vụ công việc. Đến năm 2015, bầu Đức ‘đổi đời’ lên chiếc máy bay Legacy 600 có giá rao bán là 27 triệu USD.
Loại máy bay này có 13 chỗ ngồi, giống dòng máy bay tư nhân mà tỷ phú Bill Gates thường sử dụng. Đây là 1 loại máy bay phản lực thương gia bắt nguồn từ dòng máy bay phản lực thương mại Embraer ERJ 145, có trọng lượng 16.000 kg, dài 26m, có thể đạt tốc độ tối đa 834 km/h.
Bầu Đức từng được biết đến là đại gia BĐS sở hữu máy bay riêng trong giới doanh nhân
Chuyện mua máy bay riêng của các doanh nhân không có gì lạ trên thế giới, song ở Việt Nam cho đến nay đã có ít nhất 2 đại gia (công khai) sở hữu máy bay riêng, gồm bầu Đức và bầu Long (ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát).
Dù chưa bao giờ cho đó là sở thích, song việc tiên phong sắm máy bay trong giới doanh nhân của ông chủ Hoàng Anh Gia Lai được giới doanh nhân nể vì từ trước tới nay, chưa có tiền lệ.
Xây kim điện, nuôi thú dữ tiền tỉ
Giới BĐS từng xôn xao trước thông tin doanh nhân Huỳnh Uy Dũng (Dũng Lò Vôi), ông chủ của khu du lịch Đại Nam đã từng đầu tư xây dựng khu Kim Điện dát vàng với số tiền lên đến cả ngàn tỉ đồng. Mặc dù không tiết lộ con số cụ thể nhưng theo ước tính thì giá trị có thể lên đến 10.000 tỉ đồng.
Thú vui "từ thiện" này được ông chủ Đại Nam đầu tư "bạo tay" do ưa thích và cũng thể hiện được khả năng chịu chơi, bởi doanh nhân làm từ thiện nhiều nhưng bằng cách xây chùa, đền dát vàng thì không phải ai cũng làm được.
Dũng Lò Vôi từng gây xôn xao khi tiết lộ bỏ ra cả 10.000 tỉ đồng để xây kim điện trên cả nước
Đại gia này cũng nổi tiếng với thú chơi "ngông" là nuôi thú dữ tiền tỉ. Hiện ông đang nuôi khoảng 100 loài thú quý hiếm trong vườn thú Đại Nam. Trong đó, có những loài nằm trong Sách đỏ có nguy cơ bị tận diệt trên thế giới như: Hổ Đông Dương, tê giác, các loài voọc, hà mã...
"Sính đồ" dát vàng
Từng tiết lộ với báo chí, đại gia Lê Ân cho biết, hiện tổng tài sản của ông trên 2.000 tỷ đồng. Ngoài khai thác Làng du lịch rộng 14 ha ven biển thành phố Vũng Tàu, ông còn kinh doanh dịch vụ lưu trú, bất động sản và hiến 1.500 tỷ đồng cho Quỹ từ thiện Lê Ân gồm tiền mặt và tài sản của Làng du lịch Chí Linh rộng 14 ha.
Từng gây xôn xao dư luận trước đây bởi là người "sính" vật dụng tiền tỉ khi tuyên bố đặt mua chiếc giường dựa trên thiết kế cho hoàng gia Anh giai đoạn 1640 – 1740 có giá khoảng 4 tỷ đồng. Chiếc giường này có thiết kế phần màn treo quanh giường được thêu từ hơn 2.500 km sợi lụa bởi các thợ thủ công của nhãn hàng xa xỉ Hermes và chỉ bán 60 chiếc giường loại này trên thế giới.
Độ chịu chơi của đại gia Lê Ân cũng không kém khi đặt mua chiếc giường 6 tỉ đồng nhằm chứng minh cho thế giới biết, Việt Nam cũng có nhiều đại gia
Dù có nhiều ý kiến trái chiều, thậm chí phê phán chuyện khoe mẽ của vị đại gia nói trên, song về độ "chịu chơi" của ông, cánh doanh nhân không ít người cũng phải "chào thua".
"Giường có giá khoảng 4 tỷ đồng đối với tôi không phải là cao. Trung Quốc mua được thì người Việt Nam cũng mua được. Tôi tìm cách đặt mua không phải để ngủ mà để thế giới biết rằng Việt Nam cũng có nhiều đại gia lắm tiền", ông từng phát biểu.
Thú chơi cây và đá
Hiếm khi xuất hiện trên mặt báo nhưng doanh nhân Đỗ Quý Hải là cái tên không xa lạ trên thị trường bất động sản. Ông là người sáng lập và dẫn dắt Hải Phát Invest, một trong những nhà phát triển bất động sản lớn nhất miền Bắc với doanh thu hàng năm lên tới hàng ngàn tỷ đồng. Với giới chơi cây và đá, ông Hải là người có "số má" với không chỉ các thế cây độc, hiếm mà còn bởi triết lý về cuộc sống được ông thổi hồn vào những đời cây.
"Tôi cũng không hiểu người ta nói "sành" có nghĩa gì, nhưng tôi có thú vui với cây và đá và cũng dành một khoảng thời gian khá dài để tìm hiểu và nghiên cứu về nó, dù khá bận rộn. Những khoảng thời gian "sống" với cây, đá không chỉ giúp tôi tĩnh tâm, cân bằng áp lực công việc, mà tôi cũng thấm nhuần được triết lý mà các bậc "hiền nhân" đã để lại trong bộ môn nghệ thuật này", ông Hải từng phát biểu.
Ông Hải ví von, nguyên lý cơ bản khi chơi cây cảnh, muốn nó phát triển khỏe mạnh, đòi hỏi người chơi cây phải có kiến thức nhất định về giống cây, về chu trình sinh trưởng, phát triển. Muốn cây có được cái thế và hình dáng mà mình mong muốn thì phải có sự định hướng, cắt tỉa, uốn nắn ngay từ ban đầu. Với doanh nghiệp cũng vậy.
Trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp, người lãnh đạo cần phải hiểu tường tận từng giai đoạn phát triển và tình hình thị trường, từ đó đưa ra những quyết sách hợp lý, chia cái "đích lớn, dài hạn" thành những cái "đích nhỏ, ngắn hạn" theo từng giai đoạn, từng bộ phận lớn nhỏ một cách phù hợp.