MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những dự án điện mặt trời trên mặt nước nghìn tỷ đồng ở Việt Nam

Dự án Nhà máy điện mặt trời Đa Mi ở Bình Thuận đã đi vào hoạt động. Nhiều công trình điện mặt trời nghìn tỷ đồng khác cũng đang được chuẩn bị xây dựng.

Trong những năm gần đây các nước như Israel, Nhật Bản, Australia, Ấn Độ, Mỹ, Trung Quốc… đều đã và đang phát triển các dự án điện mặt trời nổi thử nghiệm. Ưu điểm của công nghệ điện nổi là tận dụng được mặt bằng đầm, hồ và mặt nước biển nên chi phí suất đầu tư thấp hơn so với các dự án xây dựng trên mặt đất.

Ngoài ra, về mặt kỹ thuật, khi lắp đặt trên mặt nước do có hơi nước làm mát các module pin mặt trời, nên hiệu suất phát điện đối với các dàn pin tăng lên trung bình khoảng 11 - 12%; việc lắp đặt các hệ thống tự động hướng mặt dàn pin theo mặt trời cũng dễ dàng và tốn ít phí hơn.

Tuy nhiên, hạn chế của các dự án điện mặt trời nổi là có thể gây ảnh hưởng tới môi trường, làm mất không gian sinh sống của các loại động vật, thực vật.

Ở Việt Nam đã có dự án điện mặt trời nổi đi vào vận hành và nhiều công trình khác đang rục rịch triển khai.

Dự án Nhà máy điện mặt trời Đa Mi (công suất 47,5 MWp) được xây dựng trên hồ thủy điện Đa Mi, tại xã La Ngâu, huyện Tánh Linh và xã Đa Mi, La Dạ, thuộc huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận.

Công ty cổ phần Thuỷ điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi (Chủ đầu tư) đã bắt đầu nghiên cứu và thực hiện các thủ tục đầu tư dự án từ năm 2017, với tổng mức đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng.

Theo chủ đầu tư dự án, để hoàn thành công trình kể trên, Công ty cổ phần Thủy điện Đa Nhim – Hàm Thuận – Đa Mi đã phải mất nhiều năm thực hiện đầy đủ các thủ tục đánh giá tác động để thuyết phục Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho vay ưu đãi 37 triệu USD (tương đương 70% giá trị đầu tư dự án), khi đi vào vận hành dự án này sẽ cung cấp khoảng 70 triệu kWph/năm hòa vào lưới điện quốc gia.

Ở Đắc Lắc, giữa tháng 10 vừa qua Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh golf Long Thành đã được chính quyền tỉnh chấp thuận đề xuất bổ sung dự án Nhà máy điện mặt trời tấm nổi KN Sêrêpốk 3 vào Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 – 2020.

Dự án này dự kiến sẽ được triển khai trên hồ thủy điện Sêrêpốk 3 (xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn) với công suất 380 MWp và tổng mức đầu tư khoảng hơn 6.226 tỷ đồng. Khi hoàn thành sau năm 2021, sản lượng điện dự kiến của nhà máy sẽ đạt khoảng 621 kWh/năm.

Ở tỉnh khác, tỉnh Bình Định, Công ty cổ phần Licogi 16 trong tháng qua cũng đã được phê duyệt chủ trương xây dựng dự án nhà máy điện mặt trời lắp đặt trên 60ha mặt nước đầm Trà Ổ (huyện Phù Mỹ).

Dự án này có tổng vốn đầu tư 1.440 tỷ đồng, dự kiến sẽ bổ sung cho hệ thống điện quốc gia 78 triệu kWh/năm và ngay khi hoàn thành sẽ giúp Licogi 16 có thêm doanh thu khoảng 52 tỷ đồng mỗi năm từ việc bán điện.

Những dự án điện mặt trời trên mặt nước nghìn tỷ đồng ở Việt Nam - Ảnh 1.

Nhiều tỉnh thành khác cũng đang lên chương trình cho các công trình điện mặt trời trên mặt nước sau khi dự án điện mặt trời sử dụng vùng đất bán ngập của hồ chứa Dầu Tiếng (tỉnh Tây Ninh) được khánh thành với công suất 420 MWp.

Cụ thể, các tỉnh Nghệ An và Bà Rịa – Vũng Tàu cũng đã đề xuất làm mặt trời công nghệ nổi. Trong đó, Nghệ An đề xuất bổ sung hai dự án vào Quy hoạch Phát triển điện quốc gia VII là các dự án điện mặt trời xây dựng trên mặt nước các hồ Vực Mấu và hồ Khe Gỗ.

Tổng mức đầu tư của hai dự án này khoảng 6.500 tỷ đồng, sử dụng gần 500 ha mặt nước và đất bán ngập. Bên cạnh đó, các tập đoàn năng lượng cũng đã hoàn tất quá trình thẩm định để triển khai 2 nhà máy điện mặt trời trên hồ Gia Hoét 1 và hồ Tầm Bó (Bà Rịa – Vũng Tàu) với tổng vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng…

Theo Đỗ Lan

Theo Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên