MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những dự án tai tiếng của các ông lớn thuộc Bộ Công Thương

Hàng loạt các dự án đầu tư hàng chục nghìn tỷ của các doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ Công Thương báo lỗ, hoạt động kém hiệu quả đã làm thất thoát hàng nghìn tỷ đồng của Nhà nước.

Đầu tư ngoài ngành kém hiệu quả đã trở thành một chủ đề được bàn luận rất nhiều trong những năm gần đây, khi mà giai đoạn 2006 - 2008, một loạt tập đoàn kinh tế Nhà nước đã đem hàng chục nghìn tỷ đồng đi đầu tư bên ngoài lĩnh vực cốt lõi, chủ yếu là ngân hàng, chứng khoán, bất động sản…

Tuy nhiên, ngay cả trong lĩnh vực đầu tư cốt lõi thì không ít các Tập đoàn cũng đã sử dụng vốn Nhà nước không hiệu quả, làm thất thoát hàng nghìn tỷ đồng. Bộ Công Thương là một trong những Bộ ngành quản lý nhiều Tập đoàn, Tổng công ty có quy mô lớn cả nước. Do đó, việc truy trách nhiệm của Bộ quản lý là vấn đề được nhiều chuyên gia đặt ra và chất vấn cơ quan này.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)

Là một trong những Tập đoàn rót vốn đầu tư ngoài ngành nhiều nhất vào hết hết các lĩnh vực, song thương vụ đầu tư khiến cho ông lớn ngành điện chịu nhiều tai tiếng nhất, có lẽ là cái tên EVN Telecom.

Tổng số vốn mà EVN đã rót vào EVNTelecom tính tới 31/12/2010 lên tới 2.442 tỷ đồng, nhưng doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ năm 2010 của EVNTelecom giảm tới 42% so với năm 2009.

Năm 2008 EVNTelecom có lãi chút ít, khoảng 93,8 tỷ đồng, nhưng tới năm 2009 lợi nhuận công ty này giảm còn 8,3 tỷ đồng và chuyển thành lỗ trên 1.050 tỷ đồng năm 2010. Với yêu cầu thoái vốn đầu tư ngoài ngành, EVN đã phải bán lại EVN Telecom cho Viettel.

Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN)

Không những chịu thiệt hại từ khoản đầu tư vào Ngân hàng Đại Dương, PVN còn bị mắc kẹt tới hàng nghìn tỷ đồng khi rót vốn vào một số lĩnh vực trong và ngoài ngành.

Điển hình nhất là việc PVN bỏ ra gần 7.000 tỉ đồng đầu tư Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ (PVTex, Hải Phòng). Thế nhưng, chỉ sau hơn một năm hoạt động, nhà máy liên tục “đắp chiếu”, lỗ hơn 1.700 tỉ đồng, đứng trước nguy cơ phá sản…

Được biết với nhà máy này, PVN nắm giữ trên 75% vốn cổ phần, tổng vốn đầu tư lên tới 325 triệu USD (tương đương gần 7.000 tỉ đồng), dự định dùng nguyên liệu từ Nhà máy lọc dầu Dung Quất để chế biến thành xơ sợi. Theo Bộ Công thương, nhà máy của PVTex được thiết kế để sản xuất 500 tấn xơ sợi/ngày, phục vụ ngành công nghiệp dệt, may trong nước.

Thế nhưng ngay khi đi vào vận hành từ tháng 5/2014, nhà máy này liên tục đối mặt với việc không bán được hàng, tạm dừng nhà máy... Dẫn đến, nhà máy sơ sợi Đình Vũ luôn ở trong tình trạng phải tạm “đắp chiếu” và lỗ đến hơn nghìn tỷ đồng.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem)

Gần đây, những lùm xùm quynh quanh câu chuyện Nhà máy đạm Ninh Bình do Tập đoàn Hóa chất đầu tư gần 11.000 tỉ đồng đã làm xôn xao dư luận. Được biết, đây là dự án do doanh nghiệp Trung Quốc làm tổng thầu, nhưng sau 4 năm hoạt động thua lỗ lên đến 2.000 tỉ đồng và phải tạm ngừng sản xuất.

Trước tình cảnh trên, nhà máy này đã gửi văn bản đến Bộ Công Thương, Thủ tướng Chính phủ để xin được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất nhập khẩu, thuế sử dụng đất và các chính sách ưu đãi khác nhằm tháo gỡ khó khăn.

Tuy nhiên, trong cuộc họp gần đây của Bộ Công Thương, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết trong tháng 6 sẽ tiến hành thanh, kiểm tra nhà máy đạm Ninh Bình. Theo đó, Bộ trưởng yêu cầu Cục Hóa chất đánh giá hiệu quả công nghệ sử dụng than để sản xuất đạm, từ đó đánh giá phương án sản xuất kinh doanh của các nhà máy này.

Tổng Công ty Thép Việt Nam (VnSteel)

Để thực hiện dự án Nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn II, Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (thành viên của VNSteel) đã chọn nhà thầu Trung Quốc là Tập đoàn xây lắp luyện kim Trung Quốc (MCC) làm tổng thầu dự án mở rộng EPC. Tổng vốn đầu tư khi đó là hơn 3.800 tỷ đồng.

Tuy nhiên, năm 2009, dự án bị đội vốn gấp hơn 2 lần, từ hơn 3.800 tỷ đồng lên trên 8.000 tỷ đồng. Đến tháng 7/2012, khi đang thi công dở dang, nhà thầu Trung Quốc MCC bỏ dở do đội vốn, việc thu xếp vốn cho TISCO gặp khó khăn. Dự án mở rộng của TISCO rơi vào tình trạng chết lâm sàng.

Tính đến nay, dự án đã bỏ hoang được gần 4 năm. Số phận dự án này đã khiến Chính phủ, các bộ ngành phải nhiều lần họp bàn tìm cách giải cứu. Được biết, nguồn vốn cho dự án đã được thu xếp khoảng 3.459 tỷ đồng khi có hỗ trợ của một số ngân hàng và SCIC.

Tuy nhiên, theo tính toán thì chi phí phát sinh trong thời gian "chết lâm sàng" cộng với phí bồi thường, bảo dưỡng máy móc khiến dự án có nguy cơ đội vốn lên 9.000 tỷ đồng.

Minh Ngọc

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên