Những dự án trên đất vàng trung tâm TPHCM của Bitexco hiện nay ra sao?
Khi nhắc đến cái tên Bitexco, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến tòa tháp hình búp sen Bitexco Financial Tower tại quận 1, có nhiều công ty tài chính lớn trong và ngoài nước thuê văn phòng hoạt động tại đây.
- 03-08-2017Bitexco đầu tư bệnh viện hơn 1.000 tỷ đồng, đổi lấy đất vàng Quận 1 xây cao ốc 45 tầng
- 26-07-2017Đại gia địa ốc Dubai rút lui, Bitexco đang làm gì với siêu dự án Thanh Đa - Bình Quới?
- 18-07-2017Khu đất TP.HCM giải tỏa hơn 1.400 hộ để giao cho Bitexco làm siêu dự án thực tế ra sao?
- 14-07-2017Chi vài nghìn tỷ nhưng REE vẫn "lép vế" trước Bitexco trong cuộc đua thâu tóm các công ty thuỷ điện
Nhưng, bên cạnh tòa cao ốc trung tâm tài chính này, tập đoàn Bitexco hiện đang sở hữu nhiều khu đất vàng đa phần nằm ngay "trái tim" quận 1, xung quanh chợ Bến Thành.
Nằm đối diện chợ Bến Thành là khu tứ giác vàng do Bitexco đang sở hữu và xây dựng dự án Spirit Of Saigon (trước đây có tên The One).
Là một trong 20 ô phố được UBND Tp.HCM quy hoạch để kêu gọi nhà đầu tư từ năm 2007 và tập đoàn Bitexco đã tham gia thực hiện dự án, vốn đầu tư trên 500 triệu USD. Dự án được khởi công từ năm 2012, sau một giai đoạn thi công phần hầm, đến nay chủ đầu tư bắt đầu thi công các tầng nổi.
Đối với dự án khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa đã đưa vào kế hoạch sử dụng đất năm 2016. Tuy nhiên, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng chưa thể triển khai do có sự thay đổi về chủ đầu tư, Công ty Emaar Properties PJSC (Dubai) xin rút khỏi dự án.
Theo Luật đất đai, nếu sau ba năm đưa vào kế hoạch sử dụng đất mà dự án chưa có quyết định thu hồi đất hoặc chưa được phép chuyển mục đích sử dụng đất thì phải điều chỉnh, hủy bỏ. Sở Kế hoạch - đầu tư TP.HCM cho biết lãnh đạo thành phố vừa có văn bản xin ý kiến Chính phủ về vấn đề này.
Dự án khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa với tổng mức đầu tư xây dựng hạ tầng dự án hơn 30.717 tỉ đồng, với tổng diện tích khoảng 426,93ha (bao gồm toàn bộ P.28, Q.Bình Thạnh), sẽ được quy hoạch xây dựng theo các tiêu chí đô thị sinh thái hiện đại với hệ thống hạ tầng xã hội - kỹ thuật đô thị được đầu tư xây dựng đồng bộ, nằm trong tổng thể không gian công viên sinh thái, cảnh quan thiên nhiên. Thời hạn thực hiện dự án là 50 năm.
Đại diện Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco cho biết dù Công ty Emaar Properties PJSC xin rút, nhưng Bitexco vẫn quyết tâm thực hiện dự án. Đến thời điểm hiện tại, nếu được Chính phủ chấp thuận cho Bitexco làm chủ đầu tư dự án đô thị Bình Quới - Thanh Đa, Bitexco vẫn giữ nguyên quy mô, tiến độ, phương án bồi thường giải phóng mặt bằng như đồ án quy hoạch đã được phê duyệt trước đây.
Nhiều người dân đang sinh sống nhờ vào nuôitrồng vì vùng đất này bốn bề là sông nước.
Ngoài ra, Bitexco cũng đã được giao đầu tư dự án khu tứ giácNguyễn Cư Trinhvới điểm nhấn là 3 tòa nhà cao tầng không thua gì dự án Spirit of Saigon nhằm thu hút giới tài chính hùng mạnh về đây. Dự án này sẽ được xây dựng trên khu đất có hành lang giao thông thuận tiện của 4 tuyến đường: Trần Đình Xu – Nguyễn Trãi – Cống Quỳnh – Nguyễn Cư Trinh thuộc quận 1.
Hiện Bitexco đã hoàn thiện các hồ sơ liên quan đến công tác đền bù cho dự án. Công ty vẫn còn đợi phương án đền bù từ Ban bồi thường quận 1. Do vậy, các giai đoạn tiếp theo của dự án sẽ được triển khai khi các công tác bồi thường đã được thực hiện.
Khu vực Nguyễn Cư Trinh hay còn gọi là khu Mả Lạng hiện đang có hơn 1.000 hộ thuộc diện giải tỏa trắng. Đây là bài toán khó cho tập đoàn Bitexco khi thực hiện công tác đền bù.
Được biết đây là dự án chỉnh trang đô thị quy mô lớn nhất của Quận 1 từ trước đến nay về cả diện tích lẫn số lượng nhà dân bị giải tỏa. Phương án đền bù lần 1 được tính toán vào năm 2009 lên đến khoảng 5.000 tỷ đồng.
Hiện nay, chỉ có tập đoàn Bitexco là sở hữu nhiều khu đất vàng có diện tích lớn nhất ngay trung tâm quận 1, TP.HCM. Tuyến metro sắp tới cũng sẽ kết nối thông suốt với siêu đô thị Nguyễn Cư Trinh.
UBND TP.HCM vừa giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc đề xuất lại các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc của dự án Khu tứ giác Nguyễn Cư Trinh. Việc đề xuất lại các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc của dự án dựa trên cơ sở giảm quy mô dân số của toàn khu tứ giác Mã Lạng, đảm bảo khả năng đáp ứng của hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội tại khu vực.
Theo thông tin từ Văn phòng UBND TP.HCM, thành phố đã duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn mới theo hình thức đối tác công tư (Hợp đồng BT). Tổng mức đầu tư bệnh viện mới là 1.030 tỷ đồng.
Dự án được xây dựng tại vị trí giao lộ giữa Nguyễn Trãi - Cống Quỳnh (quận 1), trong dự án khu tứ giác Nguyễn Cư Trinh (khu đất Mả Lạng). Thời gian thực hiện dự án dự kiến từ năm 2017 đến năm 2020. Sau khi hoàn thành, bệnh viện đa khoa có quy mô 300 giường hoàn chỉnh, hiện đại, đạt tiêu chuẩn công nghệ cao, ngang tầm các bệnh viện tại các nước tiên tiến trong khu vực, cơ sở vật chất hiện đại…
Được biết, năm 2007 tập đoàn Bitexco đã được UBND Tp.HCM chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng tổ hợp cao ốc văn phòng và khách sạn 5 sao trên khu đất 125 Lê Lợi. Đổi lại, Bitexco phải dành 1ha đất tại Mả Lạng nằm ở khu tứ giác Nguyễn Cư Trinh (Quận 1) để xây dựng dự án bệnh viện đa khoa Sài Gòn mới hiện đại và quy mô hơn bệnh viện cũ.
Đến 2013, UBND TP.HCM đã giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp.HCM trình phương án chỉ định Bitexco làm chủ đầu tư dự án này theo hình thức hợp đồng BT.
Khu vực trước Bệnh viện Sài Gòn - chợ Bến Thành đang là đại công trường thi công nhà ga ngầm tuyến metro và dự án của Bitexco trong tương lai sẽ kết nối thông suốt với các nhà ga này
Theo quy hoạch, khu đất vàng tại bệnh viện đa khoa Sài Gòn cũ có tổng diện tích 5.443m2, sẽ được xây dựng dự án BĐS cao cấp với chiều cao từ 40-45 tầng. Dự kiến sau khi hoàn thành và chuyển giao bệnh viện mới, thành phố sẽ giao mặt bằng khu đất 125 Lê Lợi có diện tích 5.443,2m2 cho nhà đầu tư thực hiện dự án tổ hợp cao cấp này để hoàn vốn theo đúng quy định.
Với dự án mới này của Bitexco, quanh vòng xoay Bến Thành gồm có chợ Bến Thành, ga ngầm metro Bến Thành, dự án mới 125 Lê Lợi và dự án The One Tp.HCM của Bitexco là tháp đôi 48-55 tầng, được đánh giá sẽ là khu sầm uất bậc nhất Sài Gòn khi các dự án đi vào hoạt động…